Địa lí 9 Bài 5: Thực hành: Phân tích và so sánh tháp dân số năm 1989 và năm 1999
Qua bài học này nhằm giúp các em rèn luyện các kỹ năng quan sát, phân tích, so sánh và nhận xét thông qua biểu đồ tháp dân số của nước ta từ năm 1989-1999. Hi vọng đây sẽ là tài liệu giúp các em học tốt hơn. Mời tất cả các em tham khảo tại đây
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Mục tiêu
- Có thể vận dụng phân tích, so sánh các biểu đồ tháp dân số
- Nêu được sự thay đổi và xu hướng thay đổi cơ cấu dân số theo tuổi ở nước ta
- Xác lập được mối quan hệ giữa gia tăng dân số với cơ cấu dân số theo độ tuổi, giữa dân số và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước
1.2. Dụng cụ
Hình phóng to tháp dân số Việt Nam
2. Nội dung tiến hành
2.1. Hoạt động 1: Quan sát tháp dân số năm 1989 và năm 1999
Hãy phân tích và so sánh hai tháp dân số về các mặt:
- Hình dạng của tháp.
+ Giống nhau: Cả hai tháp dân số đều có đáy rộng và đỉnh nhọn, đặc trưng của cấu trúc dân số trẻ
+ Khác nhau:
- Phần chân của đáy tháp dân số năm 1999 thu hẹp ở nhóm tuổi 0 – 4 tuổi, cho thấy tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên đã giảm.
- Phần thân và đỉnh của tháp dân số năm 1999 mở rộng hơn so với năm 1989, cho thấy dân số có xu hướng già hóa.
- Cơ cấu dân số theo độ tuổi
+ Giống nhau: Đều có cơ cấu dân số trẻ, tỉ lệ dân số dưới và trong độ tuổi lao động cao, tỉ lệ dân số trên độ tuổi lao động thấp.
+ Khác nhau: So với tháp dân số năm 1989, tháp dân số năm 1999 có tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động và trên lao động nhiều hơn, tỉ lệ dân số dưới độ tuổi lao động ít hơn.
- Nhóm tuổi 0 – 14 tuổi: năm 1989 là 39% và 1999 là 33,5%.
- Nhóm tuổi 14 – 59: năm 1989 chiếm 53,8% và 1999 chiếm 58,4%.
- Nhóm tuổi trên 59: năm 1989 chiếm 7,2 %, năm 1999 là 8,1%.
- Ti lệ dân số phụ thuộc
+ Giống nhau: Cả hai tháp dân số đều có tỉ lệ dân số phụ thuộc lớn (ở tháp dân số năm 1989 là 46,2%, ở tháp dân số năm 1999 là 41,6%).
+ Khác nhau:
- Tỉ lệ dân số phụ thuộc ở tháp dân số 1999 ít hơn ở tháp dân số 1989.
- Năm 1989 có tỉ lệ dân số phụ thuộc cao với 46,2% và năm 1999 là 41,6%.
2.2. Hoạt động 2: Từ những phân tích và so sánh trên, nêu nhận xét về sự thay đổi của cơ cấu dân số theo độ tuổi ở nước ta. Giải thích nguyên nhân
- Sự thay đổi của cơ cấu dân số theo độ tuổi ở nước ta:
- Nhóm tuổi 0 -14: có xu hướng giảm dần tỉ trọng, từ 39% (1989) xuống còn 33,5% (1999).
- Nhóm tuổi 14 – 59: có xu hướng tăng lên, từ 53,8% (1989) lên 58,4% (1999).
- Nhóm trên 59 tuổi cũng tăng dần tỉ trọng từ 7,2% (1989) lên 8,1% (1999).
- Tỉ lệ dân số phụ thuộc cũng giảm từ 46,2% (1989) xuống 41,6% (1999).
⟹ Cho thấy cơ cấu dân số nước ta đang có xu hướng già hóa.
- Nguyên nhân:
- Nhóm tuổi từ 0 - 14 giảm do đây là kết quả của chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình của nước ta trong giai đoạn này (tuyên truyền giáo dục, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, mỗi gia đình chỉ có từ 1 – 2 con…).
- Nhóm tuổi 14 - 59 tuổi tăng do hậu quả của sự bùng nổ dân số ở giai đoạn trước đó.
- Nhóm tuổi trên 59 tuổi tăng do y tế phát triển, chế độ phúc lợi xã hội tốt hơn đã nâng cao tuổi thọ của dân cư.
2.3. Hoạt động 3: Cơ cấu dân số theo độ tuổi của nước ta có thuận lợi và khó khăn gì cho phát triển kinh tế – xã hội? Chúng ta cần phải có những biện pháp nào để từng bước khắc phục những khó khăn này?
a. Thuận lợi và khó khăn của cơ cấu dân số theo độ tuổi với sự phát triển kinh tế – xã hội nước ta
- Thuận lợi
- Nguồn lao động đông.
- Nguồn bổ sung lao động lớn.
- Có lợi thế trong phát triển các ngành kinh tế sử dụng nhiều lao động và thu hút đầu tư nước ngoài
- Khó khăn
+ Tỉ lệ dân số phụ thuộc vẫn còn cao (41,6%).
+ Trong điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay, cơ cấu dân số trên làm hạn chế cho việc:
- Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư (thu nhập theo đầu người, giáo dục, y tế, tuổi thọ…).
+ Giải quyết việc làm, nhà ở, an ninh xã hội.
+ Bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững…
b. Biện pháp khắc phục những khó khăn
- Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động: Sinh đẻ có kế hoạch, nâng cao ý thức về chính sách dân số trong cộng đồng dân cư nhằm giảm tỉ lệ sinh, giảm tốc độ tăng dân số.
- Phân bố lại dân cư và lao động trên phạm vi cả nước, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm tạo việc làm và thu nhập, cải thiện mức sống dân cư.
- Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa các hình thức giáo dục dân số.
3. Kết luận
Sau khi học xong bài này các em cần:
- Cơ cấu dân số theo độ tuổi và giới tính của nước ta từ năm 1989 đến năm 1999 đă thay đổi như thế nào? Giải thích nguyên nhân.
- Cơ cấu dân số nuớc ta có những thuận lợi và khó khăń cho phát triển kinh tế xă hội?
- Nêu biện pháp để từng bước khắc phục những khó khăn đó.