Giải bài tập SGK Hóa 10 Nâng cao Bài 11: Sự biến đổi một số đại lượng vật lí của các nguyên tố hóa học
Dưới đây là Hướng dẫn giải Hóa 10 SGK nâng cao Chương 2 Bài 11 Sự biến đổi một số đại lượng vật lí của các nguyên tố hóa học được eLib biên soạn và tổng hợp, nội dung bám sát theo chương trình SGK Hóa học 10 nâng cao giúp các em học sinh nắm vững phương pháp giải bài tập và ôn tập kiến thức hiệu quả hơn.
Mục lục nội dung
1. Giải bài 1 trang 49 SGK Hóa 10 nâng cao
Trong một chu kì, bán kính nguyên tử các nguyên tố:
A. tăng theo chiều tăng của điện tích hạt nhân.
B. giảm theo chiều tăng của điện tích hạt nhân.
C. giảm theo chiều tăng của độ âm điện.
D. Cả B và C.
Chọn đáp án đúng nhất.
Phương pháp giải
Nắm vững sự biến đổi tính chất trong 1 chu kì
+ Trong cùng chu kỳ: bán kính giảm.
+ Trong cùng chu kỳ năng lượng ion hóa tăng.
+ Trong cùng chu kỳ, độ âm điện tăng.
+ Trong cùng chu kỳ , khi điện tích hạt nhân tăng : tính bazo giảm, tính axit tăng
Hướng dẫn giải
Chọn D.
Trong một chu kì, khi đi từ trái sang phải, điện tích hạt nhân tăng dần, nhưng số lớp electron nguyên tử các nguyên tố bằng nhau, do đó lực hút của hạt nhân với các electron lớp ngoài cùng tăng lên làm cho bán kính nguyên tử giảm dần, nên tính phi kim tăng dần.
2. Giải bài 2 trang 49 SGK Hóa 10 nâng cao
Trong một nhóm A, bán kính nguyên tử của các nguyên tố:
A. tăng theo chiều tăng của điện tích hạt nhân.
B. giảm theo chiều tăng của điện tích hạt nhân.
C. giảm theo chiều tăng của độ âm điện.
D. Cả A và C.
Chọn đáp án đúng nhất.
Phương pháp giải
Nắm vững sự biến đổi tính chất trong 1 nhóm
Hướng dẫn giải
Chọn D. Trong một nhóm A, theo chiều từ trên xuống dưới, điện tích hạt nhân tăng nhưng đồng thời số lớp electron cũng tăng nhanh làm bán kính nguyên tử các nguyên tố tăng.
3. Giải bài 3 trang 49 SGK Hóa 10 nâng cao
Độ âm điện đặc trưng cho khả năng:
A. Hút electron của nguyên tử trong phân tử.
B. Nhường electron của nguyên tử này cho nguyên tử khác.
C. Tham gia phản ứng mạnh hay yếu.
D. Nhường proton của nguyên tử này cho nguyên tử khác.
Chọn đáp án đúng.
Phương pháp giải
Độ âm điện của một nguyên tử là khả năng hút electron của nguyên tử đó khi tạo thành liên kết hóa học.
Hướng dẫn giải
Độ âm điện đặc trưng cho khả năng hút electron của nguyên tử trong phân tử.
Đáp án A
4. Giải bài 4 trang 49 SGK Hóa 10 nâng cao
Hãy cho biết sự biến đổi năng lượng ion hóa thứ nhất của nguyên tử các nguyên tố trong cùng một chu kì và trong cùng một nhóm A.
Phương pháp giải
Nắm vững sự biến đổi năng lượng ion hóa của nguyên tố trong 1 chu kì và trong 1 nhóm
Hướng dẫn giải
Trong một chu kì, theo chiều tăng của điện tính hạt nhân, lực liên kết giữa hạt nhân và electron lớp ngoài cùng tăng, làm cho năng lượng ion hóa nói chung cũng tăng theo.
Trong cùng một nhóm A, theo chiều tăng của điện tích hạt nhân, khoảng cách giữa electron lớp ngoài cùng đến hạt nhân tăng, lực liên kết giữa electron lớp ngoài cùng và hạt nhân giảm, do đó năng lượng ion hóa nói chung giảm.
5. Giải bài 5 trang 49 SGK Hóa 10 nâng cao
Nếu không xét khí hiếm thì năng lượng ion hóa thứ nhất của nguyên tử nguyên tố nào lớn nhất, của nguyên tử nguyên tố nào nhỏ nhất?
Phương pháp giải
Năng lượng ion hóa thứ nhất là năng lượng tối thiểu cần để tách 1 điện tử ra khỏi nguyên tử ở trạng thái cơ bản.
Hướng dẫn giải
Năng lượng ion hóa thứ nhất của nguyên tử nguyên tố Flo là lớn nhất.
Năng lượng ion hóa thứ nhất của nguyên tử nguyên tố Xesi là nhỏ nhất.
6. Giải bài 6 trang 49 SGK Hóa 10 nâng cao
Độ âm điện của một nguyên tử là gì? Quy luật biến đổi giá trị độ âm điện của nguyên tử các nguyên tố trong các nhóm A như thế nào?
Phương pháp giải
Nắm vững khái niệm về độ âm điện, sự biến đổi của độ âm điện trong 1 chu kì, 1 nhóm
Hướng dẫn giải
Độ âm điện của một nguyên tử đặc trưng cho khả năng hút electron của nguyên tử đó khi tạo thành liên kết hóa học.
Trong cùng một nhóm A, đi từ trên xuống dưới theo chiều tăng của điện tích hạt nhân, độ âm điện của nguyên tử các nguyên tố thường giảm dần.
7. Giải bài 7 trang 49 SGK Hóa 10 nâng cao
Nguyên tử của các nguyên tố nào có giá trị độ âm điện lớn nhất?
Phương pháp giải
Độ âm điện: của một nguyên tử là đại lượng đặc trưng cho khả năng hút electron của nguyên tử đó khi tạo thành liên kết hóa học
Theo chiều tăng dần của điện tích hạt nhân:
+ Trong cùng chu kỳ, độ âm điện tăng.
+ Trong cùng nhóm, độ âm điện giảm.
Hướng dẫn giải
Nguyên tử của nguyên tố F có giá trị độ âm điện lớn nhất vì F có tính phi kim mạnh nhất. Người ta quy ước lấy độ âm điện của nó là 3,98 để xác định độ âm điện tương đối của các nguyên tố khác.
Tham khảo thêm
- doc Giải bài tập SGK Hóa 10 Nâng cao Bài 9: Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học
- doc Giải bài tập SGK Hóa 10 Nâng cao Bài 10: Sự biến đổi tuần hoàn cấu hình electron nguyên tử của các NTHH
- doc Giải bài tập SGK Hóa 10 Nâng cao Bài 12: Sự biến đổi tính KL, tính phi kim của các NTHH, định luật tuần hoàn
- doc Giải bài tập SGK Hóa 10 Nâng cao Bài 13: Ý nghĩa của bảng tuần hoàn các NTHH
- doc Giải bài tập SGK Hóa 10 Nâng cao Bài 14: Luyện tập chương 2