Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc Ngữ văn 12

Nội dung bài học dưới đây sẽ giúp các em nắm được những kiến thức sâu sắc của tác giả về những giá trị lớn lao của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Đồng thời, các em sẽ thấy được vẻ đẹp của áng văn nghị luận ở cách nêu vấn đề độc đáo, giọng văn hùng hồn, giàu sức biểu cảm. Chúc các em học thật tốt!

Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc Ngữ văn 12

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Phạm Văn Đồng (1906 - 2000) là một nhà cách mạng lớn của nước ta trong thế kỉ XX, quê ở Xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

- Ông tham gia các hoạt động yêu nước và cách mạng khi chưa đầy hai mươi tuổi.

- Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Phạm Văn Đồng có nhiều cống hiến to lớn trong việc xây dựng và quản lí nhà nước Việt Nam.Ông từng đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng trong bộ máy nhà nước.

- Phạm Văn Đồng còn là một nhà giáo dục tâm huyết, một nhà lí luận văn hóa văn nghệ lớn, ông luôn quan tâm đặc biệt đến mặt trận văn hóa văn nghệ ở nước ta.

- Các tác phẩm tiêu biểu: "Tổ quốc ta, nhân dân ta và người nghệ sĩ"; "Hiểu biết, khám phá và sáng tạo để phục vụ tổ quốc và chủ nghĩa xã hội",...

=> Phạm Văn Đồng là nhà hoạt động cách mạng xuất sắc, là người học trò, người đồng chí thiết của chủ tịch Hồ Chí Minh. Một nhà văn hóa lớn, ông được tặng thưởng huân chương sao vàng và nhiều huân chương cao quí khác.

1.2. Tác phẩm

- Hoàn cảnh sáng tác: "Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc" được viết nhân kỉ niệm 75 năm ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu (3 - 7 - 1888), in trong Tạp chí Văn học, tháng 7 năm 1963.

- Mục đích sáng tác:

+ Kỉ niệm ngày mất của nhà văn tiêu biểu, người chiến sĩ yêu nước trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

+ Khơi dậy tinh thần yêu nước, thương nòi của dân tộc.

+ Thể hiện mối quan hệ giữa hiện thực và đời sống, giữa người nghệ sĩ chân chính và hiện thực cuộc đời.

+ Đánh giá đúng về vẻ đẹp thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Nguyễn Đình Chiểu - nhà thơ lớn của dân tộc

- Nêu cách tiếp cận vừa có tính khoa học vừa có ý nghĩa phương pháp luận đối với thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, một hiện tượng văn học độc đáo có vẻ riêng không dễ nhận ra.

- Vấn đề: Nguyễn Đình Chiểu cần phải được nghiên cứu, tìm hiểu, đề cao hơn nữa.

-  “Lúc này”: Phong trào đấu tranh chống đế quốc Mĩ những năm 60 đang phát triển sôi sục, rộng khắp

→ Đề cao nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu có ý nghiã quan trọng, cổ viên động viên tinh thần yêu nước.

- Hai lí do làm cho ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu chưa sáng tỏ hơn trong bầu trời văn nghệ dân tộc:

+ Chỉ biết Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của Lục Vân Tiên và hiểu tác phẩm này khá thiên lệch về nội dung và nghệ thuật.

+ Còn rất ít người biết thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu.

→ Cách đặt vấn đề độc đáo: nêu vấn đề, lí giải nguyên nhân. Cách so sánh giàu hình ảnh, cụ thể, giàu tính hình tượng “Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu”, “bầu trời văn nghệ dân tộc”, “Trên trời có những vì sao ... càng thấy sáng”.

2.2. Vài nét về con người Nguyễn Đình Chiểu và quan niệm sáng tác

a. Luận điểm 1: Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước

- Luận cứ 1: Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu:

+ Là nhà nho, sinh trưởng ở Đồng Nai

+ Bị mù, viết thơ văn phục vụ kháng chiến

+ Thơ văn ghi lại: tâm hồn trong sáng và cao quý; thời kì khổ nhục nhưng vĩ đại của dân tộc.

+ Nhấn mạnh khí tiết:

“Sự đời thà khuất đôi tròng thịt

Lòng đạo xin tròn một tấm gương”

→ Đời sống và hoạt động của Nguyễn Đình Chiểu  là một tấm gương anh dũng.

- Luận cứ 2: Quan điểm sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu:

+ Thơ văn mang tính chiến đấu:

“Học theo ngòi bút chí công

Trong thi cho ngụ tấm lòng Xuân thu”

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”

+ Khinh miệt bọn lợi dụng văn chương để làm việc phi nghĩa:

“Thấy nay cũng nhóm văn chương,

Vóc dê da cọp khôn lường thực hư”

→ Cuộc đời và quan niệm sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu - một chiến sĩ yêu nước, trọn đời phấn đấu hi sinh vì nghĩa lớn của dân tộc: coi thơ văn là vũ khí chiến đấu bảo vệ chính nghĩa, chống lại kẻ thù xâm lược và tay sai, vạch trần âm mưu, thủ đoạn và lên án những kẻ lợi dụng văn chương làm điều phi nghĩa.

b. Luận điểm 2: Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu

- Luận cứ 1:

+ Phạm Văn Đồng đã tái hiện lại các phong trào yêu nước của nhân dân

→ Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu phát sinh và phát triển trong nguồn mạch   

+ Sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương phản chiếu lịch sử: ngợi ca và khóc thương cho những anh hùng thất thế

→ Phần lớn là những bài văn tế

- Luận cứ 2: Đánh giá về Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

+ Dẫn lại nhiều đoạn trong bài văn tế

→ Tác phẩm đã làm rung động người đọc trước hình tượng người nghĩa sĩ nông dân.

+ So sánh với Bình Ngô đại cáo:

→ Khẳng định giá trị to lớn của bài văn tế: xây dựng được bức tượng đài bất tử về người anh hùng nông dân – nghĩa sĩ.

+ Dẫn lại bài thơ "Xúc cảnh" → Nguyễn Đình Chiểu còn có những đoá hoa, những hòn ngọc rất đẹp, khác tạo nên diện mạo phong phú cho vẻ đẹp thơ văn yêu nước

+ Phong trào kháng Pháp lúc bấy giờ còn làm nảy nở nhiều nhà văn, nhà thơ lớn.

→ Nguyễn Đình Chiểu là lá cờ đầu, là ngôi sao sáng nhất.

→ Thơ văn yêu nước chống ngoại xâm của Nguyễn Đình chiểu “làm sống lại” một thời kì “khổ nhục” nhưng “vĩ đại”, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh của thời đại, cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc chiến đấu chống ngoại xâm bằng những hình tượng văn học “sinh động và não nùng” xúc động lòng người. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc làm sống dậy một hình tượng mà từ trước tới nay chưa từng có trong văn chương thời trung đại: hình thượng người nông dân.

c. Luận điểm 3: Đánh giá về Lục Vân Tiên

- Truyện Lục Văn Tiên là một tác phẩm lớn của Nguyễn Đình Chiểu, chứa đựng những nôi dung tư tưởng gần gữi với quần chúng nhân dân, là “một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức  đáng quý trọng ở đời”, có thể “ truyền bá rộng rãi trong dân gian”.

d. Phần kết

- Luận điểm: "Đời sống và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, nêu cao địa vị và tác dụng của văn học, nghệ thuật, nêu cao sứ mệnh của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa và tư tưởng".

-> Khẳng định vị trí của Nguyễn Đình Chiểu trong nền văn học dân tộc. 

3. Tổng kết

- Về nội dung: Khẳng định ý nghĩa cao đẹp của cuộc đời và văn nghiệp của Nguyễn đình Chiểu: Cuộc đời của một chiến sĩ phấn đấu hết mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; Sự nghiệp thơ văn của ông là một minh chứng hùng hồn cho địa vị và tác dụng to lớn của văn học nghệ thuật cũng như trách nhiệm của người  cầm bút đối với đất nước, dân tộc.

- Về nghệ thuật:

+ Bố cục chặt chẽ, các luận điểm triển khai bám sát vấn đề trung tâm.

+ Cách lập luận từ khái quát đến cụ thể, kết hợp cả diễn dịch, quy nạp và hình thức “đòn bẩy”.

+ Lời văn có tính khoa học, vừa có màu sắc văn chương vừa khách quan; ngôn ngữ giàu hình ảnh.

+ Giọng điệu linh hoạt, biến hóa: khi hào sảng, lúc xót xa.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy chỉ ra hệ thống luận điểm, luận cứ của bài văn "Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc"?

Gợi ý trả lời:

- Nguyễn Đình Chiểu - nhà thơ lớn của dân tộc; ý nghĩa, giá trị to lớn của cuộc đời, văn nghiệp Nguyễn Đình Chiểu.

+ Luận điểm 1: Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước:

  • Luận cứ 1: Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu;
  • Luận cứ 2: Quan điểm sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu.

+ Luận điểm 2: Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu:

  • Luận cứ 1: Phạm Văn Đồng đã tái hiện lại các phong trào yêu nước của nhân dân
  • Luận cứ 2: Đánh giá về Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc   

+ Luận điểm 3: Đánh giá về truyện Lục Vân Tiên.

Câu 2: Em hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày cảm nhận của mình về nhân vật Lục Vân Tiên trong truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.

Gợi ý trả lời:

Chàng trai Lục Vân Tiên được Nguyễn Đình Chiểu xây dựng khi đó mới chỉ 16 tuổi, chàng hiện lên như một nhân vật lý tưởng, không hề ham muốn lập công danh, chỉ mang tài năng để giúp đời. Có thể nói thử thách đầu tiên chính là việc gặp chuyện bất bình, giữa đám cưới đông đảo gươm giáo sáng ngờ, Vân Tiên một mình tay không, bẻ cây làm gậy nhưng vẫn đánh cho bọn cướp tan tác. Đánh tan lũ cướp sơn đà chàng đã giải thoát cho Kiều Nguyệt Nga và Kim Liên. Thấy hai cố gái còn chưa hết run sợ, chàng bèn tìm cách an ủi. Cuộc kì ngộ giữa người đẹp và anh hùng diễn ra thấm đẫm tình người, chàng là con người chính trực hào hiệp nhưng cũng rất từ tâm nhân hậu. Khi Kiều Nguyệt Nga muốn lạy tạ, chàng đã khước từ. Qua đây đã giúp người đọc hình dung ra, Nguyễn Đình Chiểu như đưa ra một quan điểm về người anh hùng trong xã hội phong kiến loạn lạc. Lục Vân Tiên chính là đại diện cho cái thiện mang vẻ đẹp hào hiệp trong cái xã hội đầy bất công tàn ác khi xưa.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Thấy rõ những nét đặc sắc trong bài văn nghị luận của Phạm Văn Đồng có nhiều phát hiện mới mẻ và sâu sắc, cách viết kết hợp giữa lí lẽ và tình cảm, giữa văn học và cuộc sống.

- Giúp ta hiểu hơn và càng thêm yêu quí nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

- Rèn luyện kĩ năng phân tích bài văn nghị luận về một tác giả văn học và tìm hiểu nghệ thuật viết văn nghị luận.

Ngày:01/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM