Ôn tập phần văn học Ngữ văn 12

Bài học Ôn tập phần văn học Ngữ văn 12 tập 1 giúp các em vận dụng linh hoạt, sáng tạo những kiến thức cơ bản về văn học Việt Nam và văn học nước ngoài. Đồng thời có năng lực phân tích văn học theo từng cấp độ. eLib đã biên soạn bài học này một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Mời các em tham khảo, chúc các em học tốt!

Ôn tập phần văn học Ngữ văn 12

1. Khái quát văn học Việt Nam từ cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX

- Điều quan trọng nhất là phải hiểu được hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước từ năm 1945 đến nay (hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vô cùng ác liệt) để có thể giải thích được các đặc điểm văn học, nắm được tiêu chí đánh giá thành tựu và những hạn chế khó tránh khỏi của giai đoạn văn học này theo quan điểm lịc sử.

- Về giai đoạn văn học từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX, cần nắm được hoàn cảnh lịch sử, xã hội và những chuyển biến bước đầu của giai đoạn văn học này về các mặt: quan điểm sáng tác của nhà văn, những đổi mới về thể loại sáng tác về lí luận, phê bình văn học.

2. Hồ Chí Minh và Tố Hữu

2.1. Hồ Chí Minh

- Hồ Chí Minh gắn với bài học về Tuyên ngôn Độc lập.

- Đối với nền văn học hiện đại Việt Nam, Hồ Chí Minh là một tác giả xuất hiện khá sớm với những truyện ngắn, kí và văn chính luận viết bằng tiếng Pháp từ đầu  những năm hai mươi của thế kỉ XX. Tuyên ngôn Độc lập của người là áng văn mở nước, đồng thời cũng mở đầu thời kì văn học từ sau Cách mạng tháng Tám. Sáng tác văn học của Người, từ truyện, kí, văn chính luận đến thơ ca, có vị trí quan trọng đối với nền văn học hiện đại Việt Nam. Hồ Chí Minh là nhà văn, nhà thơ cách mạng tiêu biểu nhất, đồng thời là nhà văn hóa lớn của dân tộc.

2.2. Tố Hữu

- Tố Hữu là lá cờ đầu của thi ca cách mạng.

- Tố hữu gắn với bài học về Việt Bắc.

- Ông là nhà thơ trữ tình - chính trị lớn của nền thơ ca hiện đại Việt Nam mà mỗi chặng đường thơ đều gắn bó mật thiết với chặng đường cách mạng.

- Ông là nhà thơ trừ tình - chính trị của thời đại mới, chủ đề xuyên suốt đời thơ của ông là ca ngợi lí tưởng cộng sản, nét nổi bật của phong cách nghệ thuật là đậm đà bản sắc dân tộc truyền thống.

3. Tác phẩm văn học Việt Nam, và nước ngoài

- Đất nước (Nguyễn Đình Thi), Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm), Ai đã đặt tên cho dòng sông (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân), Sóng (Xuân Quỳnh)...

- Ngoài những tác phẩm văn học Việt Nam, SGK còn chọn để đọc thêm bài Đô - xtôi - ép - xki (X. Xvai - gơ), Tự do (P. Ê - luy - a).

4. Luyện tập

Câu 1. Phân tích những đặc điểm giống nhau và khác nhau trong cảm hứng về quê hương đất nước của thơ Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 được thể hiện qua các bài Việt Bắc của Tố Hữu, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, đoạn trích Đất Nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm.

Gợi ý làm bài:

- Đề bài yêu cầu học sinh phải có năng lực tư duy khái quát, tổng hợp để có thể tìm ra những đặc điểm giống nhau và khác nhau trong cảm hứng về quê hương đất nước của thơ ca Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 được thể hiện qua các bài : Việt Bắc (Tố Hữu), Đất nước (Nguyễn Đình Thi) và chương Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm). Do ảnh hưởng của thời đại, của hoàn cảnh lịch sử xã hội, văn hoá, do sự chi phối mạnh mẽ của ý thức nghệ thuật, các nhà thơ giai đoạn 1945 – 1975 có những điểm chung trong cách nhìn về quê hương đất nước. Anh (chị) dựa vào ba tác phẩm nói trên để khái quát lên những đặc điểm chung của thơ ca giai đoạn này.

- Mặt khác, khi làm bài tập này, học sinh cũng rất cần phải có sự tinh tế, sắc sảo trong cảm thụ để phát hiện ra những điểm khác nhau, những đóng góp riêng của mỗi nhà thơ về đề tài này. Do khác nhau về hoàn cảnh ra đời của từng tác phẩm, do khác biệt về cá tính sáng tạo và phong cách nghệ thuật, mỗi nhà thơ lại đem đến một cách thể hiện riêng khiến cho cảm hứng về quê hương đất nước trở nên phong phú, đa dạng. Mỗi tác phẩm lại có những nét riêng, lấp lánh những vẻ đẹp độc đáo. Anh (chị) cần đọc kĩ ba tác phẩm nói trên để tìm ra những nét riêng của từng tác phẩm.

Câu 2. Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

Gợi ý làm bài:

- Qua  bài thơ tiêu biểu đó, làm nổi bật tình cảm yêu nước và cảm hứng lãng mạn của thơ Việt Nam những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

- Trong thi sĩ Quang Dũng, ta bắt gặp một hoạ sĩ tài hoa với những nét vẽ chấm phá mà qua đó Tây Bắc hiện lên thật có hồn:

"Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Cảnh đong đầy nỗi nhớ nên thật đậm tình người."

- Những câu thơ này khiến người đọc nhớ đến không gian chiến tranh trong thơ Nguyễn Đình Thi :

"Ôi những cánh đồng quê chảy máu

Dây thép gai đâm nát trời chiều".

(Đất nước)

- Bài thơ Tây Tiến không hề né tránh hiện thực khốc liệt của chiến tranh nhưng nhà thơ dường như không nói nhiều đến cái bi thương của cuộc chiến. Song không phải vì thế mà không xót xa trước cảnh “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”. Nơi xa xôi kia, những người lính đã nằm lại trong hoang lạnh. Nhưng vì Tổ quốc, họ sẵn sàng hi sinh.

- Niềm vui quê hương được giải phóng, ngợi ca những con người chiến đấu và hi sinh vì Tổ quốc.

- Nhìn chung, thơ ca thòi kì chống thực dân Pháp tập trung ngợi ca hình ảnh những con người dũng cảm ra trận chiến đấu bảo vệ quê hương. Đặc biệt, các nhà thơ như Tố Hữu, Hoàng Trung Thông, Chính Hữu có nhiều bài thơ hay về người lính. Trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng đã miêu tả những người lính sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc : “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Họ mang trong mình một quyết tâm lớn : “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”. Với họ, cái chết nhẹ tựa lông hồng!

- Cảm hứng lãng mạn đã chắp cánh cho thơ ca thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp, tạo nên vẻ đẹp bay bổng của hình tượng nghệ thuật.

- Với cảm hứng lãng mạn, Quang Dũng đã tạc nên bức tượng đài nghệ thuật sừng sững về một đoàn quân kiều dũng mà hào hoa:

"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

5. Kết luận

Qua bài học các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Nắm được một cách hệ thống và biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo những kiến thức cơ bản về văn học Việt Nam và văn học nước ngoài đã học trong chương trình Ngữ văn lớp 12, học kì 1.

- Có năng lực phân tích văn học theo từng cấp độ: sự kiện, tác giả, tác phẩm, hình tượng, ngôn ngữ văn học...

Ngày:04/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM