Phân tích và cảm nhận về chất thơ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam
Bài văn mẫu dưới đây sẽ cung cấp cho các em kiến thức về chất thơ trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam. Từ đó, các em sẽ cảm nhận được chất thơ trong những bài văn khác. Mong rằng bài văn mẫu dưới đây sẽ giúp các em có kĩ năng viết bài văn nghị luận văn học một cách tốt nhất. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Mục lục nội dung
1. Dàn ý phân tích chất thơ trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam
- Mở bài: Dẫn dắt vấn đề bằng cách giới thiệu về nhà văn Thạch Lam và phong cách văn chương của ông. Sau đó, nêu vấn đề về chất thơ trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.
- Ví dụ mở bài: Đọc truyện ngắn Thạch Lam, dễ thấy cốt truyện của ông không có gì đặc biệt, thậm chí đôi khi đơn giản đến như không có. Nhân vật của ông cũng không thuộc vào những lớp người có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội. Vậy mà tác phẩm vẫn có được một sức truyền cảm lớn để có thể neo đậu lâu bền trong lòng người đọc, tạo nên một sức cuốn hút nhẹ nhàng mà da diết cho người đọc mỗi lần đọc lại, sống lại cùng với nó. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức truyền cảm, sự hấp dẫn, cuốn hút ấy chính là chất thơ lắng đọng lan toả từ những trang văn.
- Thân bài:
+ Giải thích: Chất thơ là gì?
- Chất thơ là 1 thuật ngữ lý luận chỉ một phẩm chất đặc biệt của văn xuôi. Tác phẩm văn xuôi đc xem là có chất thơ khi nội dung của nó đi sâu vào trạng thái cảm xúc diễn tả diễn biến trong trạng thái chủ quan với những rung động tinh tế.
+ Phân tích: Chất thơ được thể hiện trong “Hai đứa trẻ” như thế nào?
- Kết cấu truyện ngắn: “Hai đứa trẻ” dường như không có cốt truyện. Tuy chỉ tập trung vào những diễn biến nội tâm của nhân vật, những mảnh ghép của bức tranh phố huyện nhạt nhòa, mòn mỏi, song Thạch Lam đã để lại ấn tượng đầy ám ảnh cho tác phẩm.
- Khung cảnh thiên nhiên: Đó là một mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát với vòm trời huyền bí lấp lánh những vì sao, những con đom đóm lập lòe. Những chi tiết thơ mộng đã làm giảm bớt màu sắc ảm đạm u tối của bức tranh đời.
- Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật: Nếu Nam Cao thường đi vào phân tích những quá trình tâm lý phức tạp thì Thạch Lam lại chủ yếu đi sâu vào những trạng thái của tâm hồn mà tâm hồn mới là đối tượng của chất thơ. Nếu Nguyễn Tuân thường đi sâu vào miêu tả những cảm xúc mạnh mẽ dữ dội thì Thạch Lam lại cố vẽ nên hình những cảm giác mong manh, mơ hồ, tinh tế “như những rung động của một cánh bướm non”.
- Nghệ thuật ngôn từ: Giọng điệu nhẹ nhàng, truyền cảm. Ngôn ngữ vừa giàu nhạc điệu vừa giàu tính tạo hình.
+ Bình luận: Ý nghĩa của chất thơ?
- Chất thơ trong “Hai đứa trẻ” đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của truyện ngắn này, Thạch Lam đã phát hiện ra được “cái đẹp chứa ở chỗ ko ai ngờ tới”. Đó là cái đẹp kín đáo bị khuất lấp bởi đời sống nhọc nhằn, cái đẹp mà chỉ tâm hồn tinh tế hồn hậu mới có thể cảm nhận hết được.
- Chất thơ trong truyện ngắn của Thạch Lam thể hiện một trong những tôn chỉ của ông trong việc sáng tạo nghệ thuật. Đó là làm cho tâm hồn con người “thêm trong sạch và phong phú hơn”.
- Kết bài: Khẳng định lại vấn đề.
+ Ví dụ kết bài: Truyện ngắn "Hai đứa trẻ", từ hình thức nghệ thuật tới nội dung được biểu hiện đều chan chứa chất thơ - cái chất thơ được chưng cất từ đời sống bình dị, thường nhật bằng chính rung động của tâm hồn nhà văn, chất thơ toả ra từ tình yêu cái đẹp, từ cái nhìn tinh tế trước thiên nhiên, đời sống và niềm tin ở thiện căn của con người.
2. Phân tích chất thơ trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam
Truyện của Thạch Lam thường là những truyện ngắn không có cốt truyện. Vì vậy, lúc nào ta cũng cảm thấy ông lặng lẽ ngắm nhìn cảnh vật và con người, đưa ra những nhận xét, những cảm nhận tinh tế, dịu dàng về con người và thế giới xung quanh. Cách kể, cách tả của Thạch Lam đầy ấn tượng, ít nhiều mơ hồ, xao xác, bâng khuâng, tạo nên cái điệu buồn vương vấn. Nét đặc sắc của truyện ngắn, bút kí của Thạch Lam là chất thơ, chất thơ ấy đã tạo nên cái ý vị, cái nhã thú mà Nguyễn Tuân đã có lần nói đến. Cũng như "Hà Nội ba mươi sáu phố phường”, "Dưới bóng hoàng lan", thì truyện ngắn "Hai đứa trẻ" đểu thấm đẫm và man mác chất thơ; chất thơ của cảnh vật, chất thơ của tình người nơi phố huyện nghèo hơn sáu bảy mươi năm vể trước.
Chất thơ được xem chính là cây đàn muôn điệu của tâm hồn các nhà thơ nói riêng và con người nói chung, đó là của nhịp thở trái tim, là cái nhụy của cuộc sống được chưng cất thành thơ. “Chất thơ” có thể hiểu là chất trữ tình - tính chất được tạo nên từ sự hoà quyện giữa vẻ đẹp của cảm xúc, tâm trạng, tình cảm với vẻ đẹp của cách biểu hiện nó để có thể khơi gợi những rung động thẩm mĩ và tình cảm nhân văn. Còn “Chất thơ trong truyện ngắn” là cái được tạo nên khi nhà văn chú ý khai thác và biểu hiện một cách tinh tế cái mạch cảm xúc, tâm trạng, tình cảm của nhân vật hoặc của chính mình trước thế giới bằng những chi tiết, hình ảnh đầy gợi cảm và một lối văn trong sáng, truyền cảm, phù hợp với nhịp điệu riêng của cảm xúc, tâm hồn. Đó là những rung động, rung cảm của nhà văn trước vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống, con người và tình người. Voltcure đã từng nói: “Thơ là âm điệu của tâm hồn cao cả, đa cảm”. Chỉ nhờ âm nhạc của lòng mình người nghệ sĩ mới có thể truyền cảm xúc đến với người đọc, khơi lên trong tâm hồn độc giả lòng yêu thích con người, quý trọng sự sống. Chính chất thơ làm cho trang văn trở nên tinh tế vút cao, đi vào lòng người đọc một cách mãnh liệt hơn.
Những câu văn của Thạch Lam nghe thật nhẹ nhàng, trong sáng, tình cảm, gợi tả và biểu cảm rất cao. Cảnh chiều tàn nơi phố huyện nghèo rất điển hình cho mọi miền quê ngày trước: tiếng trống thu không, "phương tây đỏ rực như lửa cháy"; những đám mây chiều hè "ánh hồng như hòn than sắp tàn", dãy tre làng "đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời". Tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng. Tiếng muỗi vo ve. Gió mát, "chiều êm ả như ru". Những âm thanh ấy, những đường nét và màu sắc ấy đều mang một nỗi buồn man mác, bâng khuâng, xao xuyến.
Bóng tối nơi phố huyện nghèo được miêu tả và cảm nhận đầy chất thơ. Thạch Lam đã tả ngọn đèn con của chị Tí, cái bếp của bác Siêu "chiếu sáng một vùng đât cát", ngọn đèn trong cửa hàng của Liên "thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên nứa". Chút ánh sáng le lói ấy đã tô đậm cái bóng đêm phủ dày nơi phố huyện nghèo, và đó cũng là những kiếp người lầm than, của chị em Liên, của những đứa bé lang thang trên nển chợ, là cuộc đời nghèo nàn lam lũ của mẹ con chị Tí, của gia đình bác xẩm, của bà cụ Thi "hơi điên" nghiện rượu.
Người đọc rất thú vị cảnh bầu trời đêm, qua ánh mắt vời vợi ngắm nhìn của hai đứa trẻ. Sao đêm "lấp lánh". Đom đóm bay "là là" mang theo bao "vệt sáng". Sông Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông là điểm nhìn và tìm kiếm, là niềm vui thơ ngây, nhỏ nho của hai chị em Liên và An. Đỏ cũng là chất thơ của sự sống, Thạch Lam như san sẻ và chia vui cùng hai đứa trẻ.
Chất thơ của truyện "Hai đứa trẻ” chủ yếu nói đến những cuộc đời tăm tối, lầm than của những kiếp người bé nhỏ nơi phố huyện nghèo. Ví dụ như hình ảnh bà cụ Thi với tiếng cười "khanh khách", với cử chỉ "ngửa cổ ra đằng sau, uống một hơi cạn sạch" cút rượu ti, ra về, đi "lẩn vào bóng tối" với "tiếng cười khanh khách". Đó còn là hình ảnh bác phở Siêu, là mẹ con chị Tí, bán hàng nước và mò cua bắt tép, là gia đình bác xẩm với tiếng đàn bầu "bần bật", với hình ảnh đứa con lê la trên mạt đất. Chất thơ trong truyện "Hai đứa trẻ" dường như là sự xót thương, sự đồng cảm của tác giả đối với những kiếp người lầm than trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Chất thơ đó là giá trị nhân đạo của truyện "Hai đứa trẻ".
Chất thơ của truyện còn là sự miêu tả một cách tinh tế tâm hồn, tâm lí của hai đứa trẻ. An trước khi ngủ còn dặn chị đánh thức dậy khi chuyến tàu đêm chạy qua. Liên tự hào về cái dây xà tích vì chị cảm thấy mình là một cô gái đã "lớn và đảm đang". Chỉ cái mùi âm ẩm của đất cát mà Liên cảm nhận đó là mùi vị của quê hương. Tâm trạng bủa Liên cố thức đợi chuyến tàu đêm chạy qua đâu chỉ để bán hàng mà còn là để mơ tưởng "Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo", là để sống lại những kỉ niệm đẹp thời thơ ấu: bố còn đi làm, mẹ có nhiều tiền Liên được đi chơi Bờ Hổ, được uống những cốc nước lạnh xanh đỏ.
Sự kết hợp một cách hài hòa giữa yếu tố hiện thực và lãng mạn là một đặc điểm rất nổi bật trong phong cách sáng tác của Thạch Lam, chính sự kết hợp ấy đã giúp Thạch Lam tạo nên những trang văn vừa mang hơi thở của đời sống, vừa nhẹ nhàng, thanh thoát giàu chất thơ cho tác phẩm “Hai đứa trẻ”.. Có lẽ chất thơ đã thực sự lan tỏa khi nhà văn viết về cuộc đời của những con người nơi phố huyện nghèo khổ. Thạch Lam đã làm cho chất thơ len lỏi sâu vào tâm hồn người đọc, khiến họ không thể rời mắt khỏi cuộc sống của những con người nơi đây – một cuộc sống mờ nhạt, buồn tẻ. Và dường như đằng sau những câu văn ấy là tiếng thở dài đầy xót thương cho những kiếp người lầm lũi nơi phố huyện của Thạch Lam, những kiếp người nghèo khổ nhưng họ luôn hướng đến tương lai tươi sáng.
Nhìn chung, truyện ngắn "Hai đứa trẻ" có chất thơ đậm đặc, qua đó nó thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc thức tỉnh tâm hồn con người những kiếp sống lầm than. Chất thơ ấy vừa tạo nên màu sắc lãng mạn và nội dung hiện thực truyện "Hai đứa trẻ" như một tác phẩm kết tinh phong cách nghệ thuật của Thạch Lam về truyện ngắn. Trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ”, chất thơ còn được chưng cất từ đời sống bình dị, thường nhật bằng chính rung động của tâm hồn nhà văn, chất thơ toả ra từ tình yêu cái đẹp, từ cái nhìn tinh tế trước thiên nhiên, đời sống và niềm tin ở thiện căn của con người từ hình thức nghệ thuật tới nội dung được biểu hiện. Qua tác phẩm Thạch Lam đã phát hiện ra được “Cái đẹp ẩn chứa ở chỗ không ai ngờ tới”, đó là vẻ đẹp kín đáo bị khuất lấp bởi đời sống nhọc nhằn mà chỉ có những tâm hồn tinh tế, nhạy cảm mới có thể cảm nhận hết được những điều đó.
3. Cảm nhận về chất thơ trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam
Thạch Lam là một trong những cây bút chủ lực và nổi bật của nhóm Tự lực văn đoàn. Thạch Lam có biệt tài về truyện ngắn, thường viết những truyện mà không có chuyện, chủ yếu khai thác thế giới nội tâm của nhân vật. Văn Thạch Lam trong sáng, giản dị mà thâm trầm, sâu sắc. Mỗi truyện của ông như một bài thơ trữ tình đượm buồn, giọng điệu điềm đạm, thâm trầm. Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Thạch Lam. Đặc biệt, chất thơ được thể hiện thấm đẫm trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ".
Thạch Lam là một nhà văn có tâm hồn vô cùng tinh tế và nhạy cảm, Thạch Lam đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm thấm đẫm chất thơ như “Gió lạnh đầu mùa”, “Dưới bóng hoàng lan” và đặc biệt là truyện ngắn “Hai đứa trẻ”. “Hai đứa trẻ” là một trong những truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Thạch Lam, tác phẩm được in trong tập “Nắng trong vườn” xuất bản năm 1938. Cốt truyện “Hai đứa trẻ” khá đơn giản, đó là cảnh một phố huyện nghèo được miêu tả trong một khoảng thời gian ngắn từ chiều muộn cho đến đêm nơi phố huyện. Nơi ấy, có những người dân nghèo, ngày nào cũng tái diễn những công việc đơn điệu, buồn tẻ và đặc biệt trong thế giới ấy có hai đứa trẻ được mẹ giao cho trông coi một cửa hàng nhỏ, đêm chúng cố thức để đợi chuyến tàu đi qua. Đọc tác phẩm ta không thể quên được những dư âm trong trẻo và tươi sáng bởi ngôn ngữ miêu tả giàu hình ảnh, ngòi bút tài hoa giàu cảm xúc, giọng văn ngân nga như có nhạc điệu, vẻ đẹp bình dị của cuộc sống đời thường, những tình cảm ngây thơ cùng sự bay bổng của những niềm mong ước xã hội về một tương lai tốt hơn của những người nơi phố huyện nghèo khổ.
Trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” chất thơ trước tiên được tỏa ra từ khung cảnh thiên nhiên của buổi chiều tà. Đó là bức tranh quê vô cùng bình lặng, êm đềm được Thạch Lam miêu tả như sau: “chiều chiều rồi, một buổi chiều êm như nhung và thoảng qua giáo mát”. Buổi chiều ấy được gợi lên từ âm thanh của tiếng trống thu không báo hiệu một ngày sắp tàn, từ tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào, cùng tiếng muỗi đã bắt đầu vo ve. Nổi bật trong bức tranh buổi chiều ấy là màu đỏ rực như lửa cháy của phương tây, điểm thêm là màu hồng như hòn than sắp tàn của những áng mây chiều. Bức tranh ấy còn có những đường nét thật rõ rệt “Dãy tre làng trước mặt đã bắt đầu đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời”. Một bức tranh phố huyện đượm buồn nhưng lại nên thơ.
Chỉ vài chi tiết miêu tả nhưng Thạch Lam đã làm bức tranh phố huyện hiện lên thật gần gũi, bình dị. Bức tranh ấy được cảm nhận qua tâm hồn ngây thơ của Liên và An như sau: “trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát. Đường phố và các ngơ con dần dần chứa đầy bóng tối. Các nhà đã đóng im ỉm, trừ một vài cửa hàng còn thức, nhưng cửa chỉ để hé ra một khe ánh sáng. Trẻ con tụ họp nhau ở thềm hè, tiếng cười nói vui vẻ, khiến An thèm muốn nhập bọn với chúng để nô đùa, nhưng sợ trái lời mẹ dặn phải coi hàng, nên hai chị em đành ngồi yên trên chỏng, đưa mắt theo dơi những bóng người về muộn, từ từ đi trong đêm”.
Điểm đặc biệt được Thạch Lam miêu tả chính là những bãi cát mấp mô rồi lại mấp mô. Thấp thoáng trong bức tranh ấy là hình ảnh của mấy đứa trẻ con nhà nghèo đang lom khom, tìm tòi những thứ còn sót lại sau buổi chợ, chúng nhặt nhạnh những thanh nứa, thanh tre hay bất cứ thứ gì còn có thể dùng được của những người bán hàng để lại. Chứng kiến những cảnh đời ấy Liên thấy thương chúng nhưng chị cũng không có tiền để cho. Và đọng lại trong tâm hồn Liên là một nỗi “buồn man mác” trước khoảnh khắc của ngày tàn. Có lẽ nhà văn Thạch Lam đã vẽ nên bức tranh nơi phố huyện nghèo nơi đây bằng chính kí ức tuổi thơ của mình, khi ông cùng gia đình có một thời gian chuyển về sống ở phố huyện Cẩm Giang - Hải Dương nên cảnh vật và con người nơi đây hiện lên rất chân thực, gần gũi và màu sắc trữ tình – chất thơ có phần đậm nét hơn rất nhiều.
Sự hòa quyện giữa yếu tố hiện thực và lãng mạn là một đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật của Thạch Lam, chính sự kết hợp ấy đã giúp Thạch Lam tạo nên những trang văn vừa mang hơi thở của đời sống, vừa nhẹ nhàng, thanh thoát giàu chất thơ cho tác phẩm “Hai đứa trẻ”. Có lẽ chất thơ đã thực sự lan tỏa khi nhà văn viết về cuộc đời của những con người nơi phố huyện nghèo. Chính những rung cảm tinh tế mà nhẹ nhàng, Thạch Lam đã làm cho chất thơ len lỏi sâu vào tâm hồn người đọc, khiến họ không thể rời mắt khỏi cuộc sống của những con người nơi đây – một cuộc sống mờ nhạt, buồn tẻ. Và dường như đằng sau những câu văn ấy là tiếng thở dài đầy xót thương cho những kiếp người lầm lũi nơi phố huyện của Thạch Lam. Thạch Lam đã nhấn mạnh đến thời gian nghệ thuật nhằm khắc họa cuộc sống khắc khổ của con người nơi phố huyện nghèo ngày xưa.
Thời gian được đề cập đến ở đây là lúc phố huyện về đêm. Khi phố huyện về đêm, bóng tối phủ mờ lên cảnh vật, đè nặng lên cuộc đời của những người dân nơi đây. Bóng tối là một hình tượng nghệ thuật đầy ám ảnh, nó trở đi trở lại nhiều lần trong tác phẩm. Bóng tối đã phủ đày khắp nơi. Tối hết cả, từ con đường ra sông, con đường qua chợ về nhà đều chứa đầy bóng tối. Bóng tối tràn lan, đậm đặc khiến cho tiếng trống cầm canh đánh rung lên một tiếng khô khan rồi chìm ngay vào bóng tối.
Bóng tối chính là hình tượng ẩn dụ cho cho cuộc sống của những con người nơi phố huyện nghèo – một cuộc sống tẻ nhạt, buồn chán, đến một lúc nào đó nó sẽ “mòn ra”, “mục ra”, “rửa đi” và tan vào trời đất. Cũng có đôi lúc nhà văn đã cho thắp lên vài ánh sáng nhưng đó chỉ là thứ ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu, là ánh sáng của những con đóm đóm bay là là trên mặt đất, là ánh sáng của chấm lửa bay lơ lửng nơi gánh phở của bác Siêu, là những khe sáng, hột sáng lọt qua phên nứa. Đặc biệt, hình ảnh ngọn đèn con nơi hàng nước của chị Tí nhắc đi nhắc lại tới bảy lần trong tác phẩm, nó trở thành nỗi ám ảnh về số phận, kiếp người nơi phố huyện này, đồng thời gợi lên sự nhỏ bé đáng thương đến tội nghiệp của ánh sáng.
Đêm là lúc con người, vạn vật được nghỉ ngơi. Đáng lẽ đây là khoảng thời gian để con người được thư giãn sau một ngày dài làm việc vất vả. Thế nhưng đối với những con người nơi đây, họ vẫn phải đốt đêm làm ngày để tiếp tục kiếm sống. Họ phải làm việc để kiếm từng đồng lẻ, dẫu biết rằng “chẳng kiếm được là bao” nhưng họ vẫn phải làm để làm duy trì sự sống. Đó là hình ảnh của mẹ con chị Tí lam lũ, vất vả. Ban ngày chị đi mò cua bắt ốc, tối đến dọn hàng nước ra để bán. Gọi là hàng nước cho oai chứ hàng của chị chỉ có lèo tèo vài phong thuốc lào và ấm nước chè xanh. Sức ám ảnh trong “Hai đứa trẻ” còn được gợi lên qua tiếng cười khanh khách của bà cụ Thi điên. Tiếng cười khanh khách trong vô thức của bà đã xoáy sâu vào tâm thức của người đọc về một cuộc đời xế bóng nơi phố huyện.
Rồi cuộc sống ấy sẽ đi về đâu? Thê lương nhất trong miền đời bị lãng quên ấy là gia đình bác xẩm. Gia đình bác sống nhờ vào của bố thí của thiên hạ. Hôm nay chiếc thau trắng để trước mặt vẫn còn trống rỗng. Bác góp vui bằng mấy tiếng đàn bầu rung lên bần bật nghe thật não nề. Gia đình bác ngồi trên manh chiếc rách, thằng con bò ra ra khỏi chiếu để nghịch cát bẩn bên đường. Đâu đó còn là hình ảnh của bác Siêu với gánh phở kẽo kẹt trên vai. Món hàng mà bác bán là một món quà xa xỉ, không bao giờ mua được không chỉ đối với chị em Liên mà còn đối với những con người nơi đây. Bóng bác trải dài mênh mông cả một vùng thật thê lương và ảm đạm.
Chị em Liên mặc dù có cuộc sống khá giả hơn nhưng cũng khổ hơn bởi cả hai đều bị quá khứ ám ảnh. Trước đây gia đình Liên sống ở Hà Nội, nhưng vì bố mất việc mà phải chuyển về nơi đây. Dù đang tuổi ăn, tuổi chơi nhưng hai chị em phải giúp mẹ trong coi cửa hàng tạp hóa nhỏ. Lúc nào chị em Liên cũng mơ tưởng về một Hà Nội sáng rực, xa xăm với cuộc sống đầy đủ và sung túc. Quá khứ ấy như một minh chứng cho cái buồn thê lương, bế tắc ở hiện tại và nó như một dự cảm về tương lai mờ mịt. Có ai đó đã từng nói rằng “Nhà văn là người thư kí trung thành của thời đại”, phải chăng chính vì lẽ đó mà trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” Thạch Lam đã miêu tả rất chân thực về cuộc sống nhàm chán, mờ nhạt của những con người nơi đây. Dù mỗi con người một hoàn cảnh nhưng ai cũng nhếch nhác, lam lũ đến tội nghiệp, người lớn như cây héo hắt, còn trẻ con thì như những mầm non còi cọc không có tương lai.
Nếu nhà văn Nam Cao thường đi vào phân tích những quá trình tâm lí phức tạp thì Thạch Lam lại chủ yếu đi sâu vào những trạng thái của tâm hồn mà những rung động trong tâm hồn mới là đối tượng của chất thơ. Ở truyện ngắn “Hai đứa trẻ”, Thạch Lam đã vẽ nên hình những cảm xúc mong manh, mơ hồ thật tinh tế như “ những rung động của một cánh bướm non”. Và trong những rung động nhẹ nhàng, tinh tế ấy đã được Thạch Lam thể hiện qua diễn biến tâm trạng của nhân vật Liên.
Khi chứng kiến cảnh chiều về nơi phố huyện Liên thấy tâm hồn nhẹ nhàng lay động theo cảnh chiều quê. Ngồi bên “mấy quả thuốc sơn đen” Liên cảm nhận được hình ảnh bóng tối ngập đày dần, “đôi mắt chị chứa đầy bóng tối”. Mùi âm ẩm của rác rưởi, mùi cát bụi và hơi nóng lan tỏa cũng khiến cho Liên cảm nhận đó là “mùi riêng của đất”, của quê hương, xứ sở này. Đọc truyện ngắn “Hai đứa trẻ” ta như thấy rõ được tình cảm của Thạch Lam dành cho nhân vật của mình. Đó dường như là sự cộng hưởng giữa cảm xúc và hiện thực để tạo thành một sức hút da diết, bền lâu của tác phẩm.
Chất thơ trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” còn được thể hiện rõ hơn bao giờ hết qua những hi vọng, khát khao của những con người nơi phố huyện nghèo. Trong hoàn cảnh tối tăm của cuộc đời họ vẫn hi vọng và trông đợi vào một cái gì đó tươi sáng hơn ở tương lai. Dù có mệt mỏi, buồn ngủ thì họ vẫn cố thức để chờ đợi chuyến tàu đêm đi qua phố huyện. Chuyến tàu ấy ngỡ như rất bình thường nhưng nó lại có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với những con người nơi đây. Tàu chưa đến họ mong ngóng đợi chờ, khi tàu đến họ rất đỗi mừng vui dù theo lời An thì “Tàu hôm nay không đông” và “kém sáng hơn” nhưng thứ ánh sáng mà đoàn tàu mang lại khác hẳn với thứ ánh sáng leo lét ở nơi đây.
Chính thứ ánh sáng ấy đã khiến họ được sống trong niềm vui, hạnh phúc trong chốc lát. Đoàn tàu đã tiếp thêm cho họ sức mạnh để vượt qua cảnh tối tăm của hiện tại, hi vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Đối với chị em Liên, đợi tàu không phải vì nhu cầu về vật chất mà đơn giản, đoàn tàu ấy đã làm sống dậy quá khứ xa xăm, tươi đẹp một thời, phá tan không khí tù túng, ngột ngạt nơi đây. Thể hiện thành công tâm trạng đợi tàu ấy, nhà văn Thạch Lam đã gợi lên niềm xót thương cho những kiếp người nhỏ bé đang sống trong nghèo nàn, tăm tối và tù túng để từ đó lay tỉnh tâm hồn của họ để họ vươn tới ánh sáng của tương lai.
“Nghệ thuật làm nên linh hồn của tác phẩm”. Sẽ rất thiếu sót nếu ta không đề cập tới chất thơ được thể hiện qua nghệ thuật. Qua truyện ngắn, Thạch Lam đã xây dựng được một thế giới hình ảnh vừa chân thực vừa sống động với những không gian và thời gian có sự vận động, biến chuyển. Thạch Lam còn xây dựng được những chi tiết nhỏ nhưng lại thể hiện được một cách tinh tế và sâu sắc thế giới của những cảm xúc mơ hồ, mong manh của con người. Chính nhà văn Thạch Lam đã từng quan niệm: “Nhà văn cốt nhất là phải đi sâu vào tâm hồn mình, tìm thấy những tính tình và cảm giác thành thực, tức là tìm thấy tâm hồn mọi người qua tâm hồn chính mình” và ở truyện ngắn “Hai đứa trẻ” Thạch lam đã làm được điều đó.
Bản chất vấn đề là thế giới nghệ thuật Thạch Lam nhẹ nhàng, thầm lặng đã đánh thức sự sống tâm hồn người, kết đọng yêu thương vĩnh viễn. Thạch Lam là lối văn chương cứ như của ngày hôm nay, không quá lời khi nói ông là một đỉnh cao của truyện ngắn nội cảm. Sau một hành trình dài văn học ta gắng sức đi tìm cái thật sự là truyện, người ta lại ngỡ ngàng ngước lên nhìn thấy Thạch Lam đã đón đợi từ lâu. Tuổi thơ Thạch Lam gắn với phố huyện có những người thân yêu và ga tàu hỏa Cẩm Giàng thương nhớ, khiến nhiều người nhầm tưởng lối tự truyện đồ lại quá khứ một cách thông tục, bình thường.Thực ra, quá khứ tuổi thơ là một tín hiệu thẫm mĩ để ông vươn lên khác thường, Nguyễn Tuân gọi là quá vãng, quá vãng cộng với những rung ngân tâm hồn chính là văn chương Thạch Lam.Quá khứ trở thành mộng tưởng đắm say cho Hai đứa trẻ.Có thể tìm sự đồng nhập này trong mơ tưởng của Liên. Truyện cứ trải dài ra như một tình ca buồn, lắng sâu thanh lọc hồn ta, chất nhạc thấm trong từng câu văn thấm thía. Môt giọng văn bình dị mà tinh tế, đầy ưu ái. Có thể nói Hai đứa trẻ là một bài thơ trữ tình trọn vẹn của Thạch Lam .
Khi nói "mỗi truyện là một bài thơ trữ tình" thì người nói muốn nhấn mạnh cả về nội dung lẫn hình thức của truyện. Nội dung thể hiện hình thức và ngược lại. Nó là sự gắn bó hài hòa để tạo nên tác phẩm. Văn phong “điềm đạm nhưng chứa bao tình cảm mến yêu chân thành với lòng xót thương sâu sắc của Thạch Lam được thể hiện đặc trưng trong Hai đứa trẻ, đúng như cảm nhận của Nguyễn Tuân: "Ngày nay đọc lại Thạch Lam, vẫn thấy đầy đủ dư vị và cái nhã thú của phẩm có cốt cách và phẩm chất văn học".