Sóng Ngữ văn 12

Bài thơ Sóng là một trong những thành công của nhà thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền, là một bài thơ đặc sắc về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. eLib đã biên soạn bài học này một cách chi tiết và đầy đủ nhất bám sát chương trình Ngữ văn 12. Mời các em tham khảo, chúc các em học tốt!

Sóng Ngữ văn 12

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Xuân Quỳnh (1942 - 1988).

- Quê: La Khê, Hà Đông, Hà Tây 

- Mẹ mất sớm, ở với bà nội.

- Từng là diễn viên múa Đoàn văn công trung ương, biên tập viên báo Văn nghệ, biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Uỷ viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam khoá III.

- Mất cùng chồng và con trai vì tai nạn giao thông tại Hải Dương (29 - 4 - 1988).

- Một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ nhà thơ chống Mĩ.

- Một trong những nhà thơ viết thơ tình hay nhất sau 1975.

- Phong cách thơ: tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn.

+ Vừa hồn nhiên

+ Vừa chân thành, đằm thắm

+ Luôn da diết khát vọng về hạnh phúc đời thường.

1.2. Tác phẩm

- Sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình).

- Là một bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.

- In trong tập Hoa dọc chiến hào (1968).

- Bố cục:   

+ Đoạn 1: 2 khổ đầu.

-> Những cảm xúc, suy nghĩ về sóng biển và tình yêu.

+ Đoạn 2: 2 khổ 3, 4.

-> Nghĩ về sóng và cội nguồn của tình yêu đôi lứa.

+ Đoạn 3: 3 khổ 5, 6, 7.

-> Nghĩ về sóng và nỗi  nhớ, lòng chung thuỷ của người con gái.

+ Đoạn 4: 2 khổ cuối.

-> Nghĩ về sóng và khát vọng tình yêu.

- Hình tượng sóng: Bao trùm và xuyên suốt toàn bộ bài thơ:

+ Nghĩa thực: sóng với nhiều trạng thái mâu thuẫn trái ngược nhau.

+ Nghĩa biểu tượng: sóng như có hồn, có tính cách, tâm trạng, biết diễn tả những cung bậc tình cảm trong tâm hồn của người phụ nữ đang yêu.

-> Là hình tượng ẩn dụ, sự hoá thân của nhân vật trữ tình “em”

- Sóng và em: song hành, khi tách rời, khi hoà nhập là nét độc đáo trong cấu trúc hình tượng, diễn tả sâu sắc, sinh động, mãnh liệt khát vọng của Xuân Quỳnh.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Những cảm xúc, suy nghĩ về sóng biển và tình yêu

- Khổ 1:

+ Tiểu đối: Dữ dội - dịu êm; ồn ào - lặng lẽ.

-> Mở đầu bằng 4 tính từ: Miêu tả trạng thái đối lập của sóng và liên tưởng đến tâm lí phức tạp của người phụ nữ khi yêu (khi sôi nổi, mãnh liệt khi dịu dàng, sâu lắng).

+ Phép nhân hoá:

“Sông - không hiểu mình”

“Sóng - tìm ra bể”

-> Con sóng mang khát vọng lớn lao: Nếu “sông không hiểu nổi mình” thì sóng dứt khoát từ bỏ nơi chật hẹp để “tìm ra tận bể”, tìm đến nơi cao rộng, bao dung.

=> Hành trình “tìm ra tận bể” của sóng cũng chính là quá trình tự khám phá, tự nhận thức, chính bản thân, khát khao sự đồng cảm, đồng điệu trong tình yêu..

- Khổ 2: Quy luật của sóng:

+ Sóng: ngày xưa, ngày sau: vẫn thế.

-> Sự trường tồn của sóng trước thời gian: vẫn dạt dào, sôi nổi.

+ Quy luật của tình cảm:

“Khát vọng tình yêu - bồi hồi trong ngực trẻ”

-> Tình yêu là khát vọng lớn lao, vĩnh hằng của tuổi trẻ và nhân loại.

=> Xuân Quỳnh đã liên hệ tình yêu tuổi trẻ với con sóng đại dương. Cũng như sóng, con người đã đến và mãi mãi đến với tình yêu. Đó là quy luật muôn đời.

2.2. Sóng và cội nguồn cuả tình yêu đôi lứa

- Khổ 3: Điệp từ: “em nghĩ” và câu hỏi: “Từ nơi nào sóng lên”

-> Quay về lòng mình, nhu cầu tìm hiểu, phân tích, khám phá tình yêu

- Khổ 4: Đi tìm câu hỏi tu từ cho câu hỏi ở khổ 3:

Câu hỏi tu từ:

 "Gió bắt đầu từ đâu?

Khi nào ta yêu nhau?"

⇒Xuân Quỳnh dựa vào quy luật tự nhiên để truy tìm khởi nguồn của tình yêu nhưng nguồn gốc của sóng cũng như tình yêu đều bất ngờ, đầy bí ẩn, không thể lí giải.

=> Đây là cách cắt nghĩa tình yêu  rất chân thành và  đầy nữ tính.

- Khổ 5: Nỗi nhớ

+ Bao trùm cả không gian:

"sóng dưới lòng sâu, sóng trên mặt nước"

+ Thao thức trong mọi thời gian:

"Ngày đêm không ngủ được"

-> Phép đối, giọng thơ dào dạt, náo nức, mãnh liệt : diễn tả nỗi nhớ da diết, không thể nào nguôi, cứ cuồn cuộn, dào dạt như sóng biển triền miên.

+ Sóng nhớ bờ mãnh liệt, tha thiết, còn em nhớ anh đắm say hơn bội phần:

"Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức"

-> Cách nói cường điệu nhưng hợp lí : nhằm tô đậm nỗi nhớ (choáng ngợp cõi lòng không chỉ trong ý thức mà thấm sâu vào trong tiềm thức).

=> Bày tỏ tình yêu một cách chân thành, tha thiết mà mạnh dạn, mãnh liệt.

- Khổ 6: Lòng chung thuỷ

+ Cách nói khẳng định:

Em: dẫu xuôi - phương bắc; dẫu ngược - phương nam,  em : vẫn "Hướng về anh một phương"

→ Lời thề  thủy chung tuyệt đối trong tình yêu: dù đi đâu về đâu vẫn hướng về người mình đang thương nhớ đợi chờ.

+ Các điệp ngữ: "Dẫu xuôi về, dẫu ngược về" + điệp từ "phương" + các từ "em cũng nghĩ, hướng về anh"

-> Khẳng định niềm tin đợi chờ trong tình yêu.

- Khổ 7 : Bến bờ hạnh phúc .

+ Mượn hình ảnh của sóng:

"Sóng ngoài đại dương" - "Con nào chẳng tới bờ"

-> Quy luật tất yếu.

+ Sóng tới bờ dù cách trở: Tình yêu là sức mạnh giúp em và anh vượt qua gian lao, thử thách để đạt đến bến bờ hạnh phúc.

=> Xuân Quỳnh thể hiện cái tôi của một con người luôn có niềm tin mãnh liệt vào tình yêu.

2.3. Sóng và khát khao tình yêu vĩnh cửu

-  Khổ 8 : Những từ ngữ diễn tả quan hệ đối lập:

+ "... tuy  ...  (nhưng) ..."

+ "... dẫu  ...  (nhưng) ..."

+ Cuộc đời - dài ><  Năm tháng - đi qua.

-> Sự nhạy cảm và âu lo, phấp phỏng về sự hữu hạn của đời người và sự mong manh của hạnh phúc

- Khổ 9 :  Dùng từ chỉ số lượng lớn : Làm sao tan ra → trăm con sóng → ngàn năm còn vỗ.

+ Khao khát được sẻ chia, hoà nhập vào cuộc đời.

+ Khát vọng được sống hết mình trong biển lớn tình yêu, muốn hoá thân vĩnh viễn thành tình yêu muôn thuở.

=> Khát vọng khôn cùng về tình yêu bất diệt.

3. Tổng kết

3.1. Nội dung

- Là một bài thơ hay, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ đang yêu.

- Qua hình tượng sóng, trên cơ sở khám phá sự tương đồng, hòa hợp giữa sóng và em, bài thơ diễn tả tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người. Từ đó thấy được tình yêu là một tình cảm cao đẹp, một hạnh phúc lớn lao của con người.

3.2. Nghệ thuật

- Kết cấu tương đồng, hòa hợp giữa sóng và em.

- Nhịp điệu tự nhiên, linh hoạt.

- Ngôn từ, hình ảnh trong sáng, giản dị.

⇒ Hội tụ nhiều nét tiêu biểu trong phong cách thơ Xuân Quỳnh.

4. Luyện tập

Câu 1. Sưu tầm những câu thơ, bài thơ so sánh tình yêu với sóng biển (ca dao, thơ Việt Nam, thơ nước ngoài).

Gợi ý làm bài:

"Em sẽ kể anh nghe
Chuyện con thuyền và biển:

“Từ ngày nào chẳng biết
Thuyền nghe lời biển khơi
Cánh hải âu, sóng biếc
Đưa thuyền đi muôn nơi

Lòng thuyền nhiều khát vọng
Và tình biển bao la
Thuyền đi hoài không mỏi
Biển vẫn xa... còn xa

Những đêm trăng hiền từ
Biển như cô gái nhỏ
Thầm thì gửi tâm tư
Quanh mạn thuyền sóng vỗ

Cũng có khi vô cớ
Biển ào ạt xô thuyền
(Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên?)

Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu

Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau - rạn vỡ

Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió”

Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố"

(Thuyền và biển - Xuân Quỳnh)

Câu 2. Đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh?

Gợi ý làm bài:

Đặc sắc nghệ thuật: ẩn dụ (mượn hình tượng sóng để thể hiện tình yêu một cách sinh động, gợi cảm); thể thơ năm chữ với nhịp điệu linh hoạt, nhịp nhàng gợi âm vang của sóng; ngôn từ giản dị, trong sáng, hình ảnh thơ giàu sức gợi.

5. Kết luận

Qua bài học các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Nắm được vẻ đẹp tâm hồn, khát vọng tình yêu của nữ sĩ.

- Nét đặc sắc về mặt nghệ thuật kết cấu, hình tượng, ngôn từ.

- Phân tích được bài thơ.

Ngày:03/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM