Giải bài tập SGK Sinh học 11 Nâng Cao Bài 1: Trao đổi nước ở thực vật

eLib giới thiệu đến các em tài liệu hướng dẫn giải bài tập SGK Sinh học 11 Nâng Cao Bài 1: Trao đổi nước ở thực vật, giúp các em bám sát nội dung bài tập SGK, luyện tập các dạng bài tập về trao đổi nước ở thực vật. Đồng thời củng cố kiến thức bài học.

Giải bài tập SGK Sinh học 11 Nâng Cao Bài 1: Trao đổi nước ở thực vật

1. Giải bài 1 trang 11 SGK Sinh 11 Nâng cao

- Nêu các đặc điếm của lông hút liên quan đến quá trình hấp thụ nước của rễ?

Phương pháp giải

- Để trả lời câu hỏi này, các em cần xem lại sự hấp thụ nước và muối khoáng của rễ, đặc điểm của lông hút. Bài 1: Trao đổi nước ở thực vật Sinh học 11 nâng cao.

Hướng dẫn giải

- Đặc điểm cấu tạo và sinh lí của tế bào lông hút liên quan đến sự hút nước là:

  • Thành tế bào mỏng, không thấm cutin.
  • Chỉ có một không bào trung tâm lớn.
  • Nhiều ti thể nên hoạt đông hô hấp trong tế bào mạnh, duy trì áp suất thẩm thấu cao → Tăng khả năng hấp thu nước và trao đổi ion khoáng với môi trường.

2. Giải bài 2 trang 11 SGK Sinh 11 Nâng cao

- Trình bày hai hiện tượng thể hiện áp suất rễ và vai trò của nó?

Phương pháp giải

- Nước từ đất vào lông hút rồi vào mạch gỗ của rễ theo cơ chế thẩm thấu, tức là từ nơi có áp suất thẩm thấu thấp đến nơi có áp suất thẩm thấu cao.

Hướng dẫn giải

- Nước bị đẩy từ rễ lên thân do một lực đẩy gọi là áp suất rễ (thể hiện ở 2 hiện tượng: Rỉ nhựa và ứ giọt).

+ Hiện tượng rỉ nhựa: Cắt cây thân thảo đến gần gốc, sau vài phút sẽ thấy những giọt nhựa rỉ ra từ phần thân cây bị cắt. Đó chính là những giọt nhựa do rễ đẩy từ mạch gỗ ở rễ lên mạch gỗ ở thân và đẩy mức thủy ngân cao hơn mức bình thường.

+ Hiện tượng ứ giọt: Úp cây trong chuông thủy tinh kín, sau một đêm, ta sẽ thấy các giọt nước ứ ra ở mép lá. Như vậy, không khí trong chuông thủy tinh đã bão hòa hơi nước, nước bị đẩy từ mạch gỗ của rễ lên lá không thoát được thành hơi qua khí khổng đã ứ thành các giọt ở mép lá.

3. Giải bài 3 trang 11 SGK Sinh 11 Nâng cao

- Trình bày con đường vận chuyển nước ở thân.

Phương pháp giải

- Để trả lời câu hỏi này, các em cần xem lại con đường vận chuyển nước ở thân. Bài 1: Trao đổi nước ở thực vật SGK Sinh học 11 nâng cao.

Hướng dẫn giải

- Nước được vận chuyển ở thân chủ yếu bằng một con đường qua mạch gỗ. Tuy nhiên, nước cũng có thể vận chuyển theo chiều từ trên xuống ở mạch rây hoặc vận chuyển ngang từ mạch gỗ sang mạch rây hoặc ngược lại. 

4. Giải bài 4 trang 11 SGK Sinh 11 Nâng cao

- Tại sao hiện tượng ứ giọt chỉ xảy ra ở những cây bụi thấp và ở những cây thân thảo?

Phương pháp giải

- Hiện tượng ứ giọt là hiện tương mép lá ứ đọng các giọt nước do thoát hơi nước tạo thành.

Hướng dẫn giải

- Sở dĩ hiện tượng ứ giọt chỉ xảy ra ở những cây bụi và cây thảo là vì: những cây này thường thấp, dễ bị tình trạng bão hòa hơi nước và áp suất rễ đủ mạnh để đẩy nước từ rễ lên lá gây ra hiện tượng ứ giọt.

5. Giải bài 5 trang 11 SGK Sinh 11 Nâng cao

- Hãy nêu vị trí và vai trò của vòng đai caspari?

Phương pháp giải

- Nước không thể đi qua đai caspari mà phải xuyên qua tế bào chất.

Hướng dẫn giải

- Vị trí: Đai Caspari là vùng đai chạy quanh thành các tế bào nội bì (Giữa phần vỏ và phần trung trụ), chủ yếu ở rễ, có thành dày, không thấm nước và chất khoáng hoà tan.

- Vai trò: Chặn cuối còn đường gian bào, là cơ quan kiểm dịch, kiểm soát, chọn lọc các chất đi vào, loại bỏ chất độc trước khi cho dòng vật chất chảy vào mạch dẫn.

6. Giải bài 6 trang 11 SGK Sinh 11 Nâng cao

- Nơi cuối cùng nước và chất khoáng hòa tan đi qua trước khi vào mạch gỗ của rễ:

A. Khí khổng.

B. Tế bào nội bì.

C. Tế bào lông hút.

D. Tế bào biểu bì.

E. Tế bào nhu mô vỏ.

Phương pháp giải

- Để trả lời câu hỏi này, các em cần xem lại dòng nước và các ion khoáng đi từ đất vào mạch gỗ của rễ. Bài 1: Trao đổi nước ở thực vật SGK Sinh học 11 nâng cao.

Hướng dẫn giải

  • Nơi cuối cùng nước và chất khoáng hòa tan đi qua trước khi vào mạch gỗ của rễ là tế bào nội bì.
  • Đáp án B
Ngày:22/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM