Giải bài tập SGK Sinh học 11 Nâng Cao Bài 19: Hoạt động của các cơ quan tuần hoàn

Nội dung hướng dẫn giải bài tập SGK Sinh học 11 Nâng Cao Bài 19: Hoạt động của các cơ quan tuần hoàn. Giúp các em củng cố kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài tập phân tích cơ chế, hoạt động của các cơ quan hệ tuần hoàn. Mời các em cùng theo dõi.

Giải bài tập SGK Sinh học 11 Nâng Cao Bài 19: Hoạt động của các cơ quan tuần hoàn

1. Giải bài 1 trang 79 SGK Sinh 11 Nâng cao

- Hoạt động của cơ tim khác cơ vân ở điểm nào và vì sao có sự sai khác đó? 

Phương pháp giải

- Hoạt động của cơ tim:

  • Hoạt động theo quy luật "tất cả hoặc không có gì".
  • Tim hoạt động tự động.
  • Tim hoạt động theo chu kì (có thời gian nghỉ).
  • Cơ tim không bị co cứng nhờ vào tính trơ có chu kì.

- Hoạt động của cơ vân:

  • Cơ vân co phụ thuộc vào cường độ kích thích.
  • Cơ vân hoạt động theo ý muốn.
  • Cơ vân chỉ hoạt động khi có kích thích.
  • Cơ vân có thể bị co cứng.

Hướng dẫn giải

Sự khác nhau trong hoạt động của cơ tim với cơ vân

- Sở dĩ có sự khác nhau đó là vì:

+ Tim phải hoạt động suốt đời và liên tục, nếu khi có kích thích mới hoạt động thì cơ thể sẽ ngừng các hoạt động sống.

+ Cơ tim hoạt động không theo ý muốn (khác cơ vân) là để bảo vệ tim (tránh phải làm việc quá căng thẳng) và tim hoạt động theo chu kì để có thời gian phục hồi sức. 

2. Giải bài 2 trang 79 SGK Sinh 11 Nâng cao

- Vẽ và chú thích hệ dẫn truyền tim.

Phương pháp giải

- Hệ dẫn truyền tim bao gồm: Nút xoang nhĩ, nút nhĩ thất, bó His và mạng Puôckin.

Hướng dẫn giải

Sơ đồ hệ dẫn truyền tim

3. Giải bài 3 trang 79 SGK Sinh 11 Nâng cao

- Giải thích sự thay đổi huyết áp và vận tốc máu trong hệ mạch (dựa vào hình 19.3 trong bài).

Phương pháp giải

- Sự thay đổi huyết áp và vận tốc máu trong hệ mạch: Hệ mạch bao gồm các động mạch, tĩnh mạch, nối với nhau qua các mao mạch.

- Máu được vận chuyển trong hệ mạch đi nuôi cơ thể tuân theo các quy luật vật lí, liên quan chặt chẽ đến áp suất đẩy máu, lưu lượng máu chảy và vận tốc, sức cản của mạch...

Hướng dẫn giải

- Huyết áp:

+ Máu vận chuyển trong hệ mạch nhờ năng lượng co tim. Tim co tạo ra một áp lực để tống máu vào các động mạch, đồng thời cũng tạo ra huyết áp động mạch. Người ta phân biệt huyết áp cực đại ứng với lúc tim co, huyết áp cực tiểu ứng với lúc tim giãn.

+ Tim đập nhanh và mạnh làm tăng huyết áp; tim đập chậm, yếu làm huyết áp hạ.

+ Càng xa tim, huyết áp càng giảm. Ở người bình thường huyết áp ở động mạch chủ là 120 - 140mmHg, ở động mạch lớn: 110 - 125mmHg, ở động mạch bé: 40 - 60mmHg, ở mao mạch: 20 - 40mmHg, ở tĩnh mạch lớn 10 - 15mmHg. Sự giảm dần huyết áp là do sự ma sát của máu với thành mạch và giữa các phần tử máu với nhau khi vận chuyển.

+ Nếu huyết áp cực đại lớn quá 150mmHg và kéo dài, đó là chứng huyết áp cao. Ở người già, mạch bị xơ cứng, tính đàn hồi kém, đặc biệt các mạch ở não, khi huyết áp cao dễ làm vỡ mạch gây xuất huyết não. Nếu huyết áp cực đại thường xuống dưới 80 mmHg thuộc chứng huyết áp thấp, sự cung cấp máu cho não kém, dễ bị ngất, cũng nguy hiểm.

- Vận tốc máu:

+ Máu chảy nhanh hay chậm lệ thuộc vào tiết diện mạch và chênh lệch huyết áp giữa các đoạn mạch. Nếu tiết diện nhỏ, chênh lệch huyết áp lớn, máu sẽ chảy nhanh và ngược lại, máu sẽ chảy chậm.

+ Máu chảy nhanh nhất trong động mạch và chậm nhất trong các mao mạch, đảm bảo cho sự trao đổi chất giữa máu với các tế bào của cơ thể, vì động mạch có tiết diện nhỏ hơn nhiều so với tổng tiết diện rất lớn của các mao mạch. Chẳng hạn ở người, tiết diện của động mạch chủ là 5 - 6 cm2, tốc độ máu ở đây là 500 - 600mm/giây, trong khi tổng tiết diện của mao mạch lên tới 6200cm2 nên tốc độ máu giảm chỉ còn 0,5 mm/giây.

4. Giải bài 4 trang 79 SGK Sinh 11 Nâng cao

- Trình bày cơ chế điều hòa hoạt động tim mạch qua một ví dụ tự chọn.

Phương pháp giải

- Học sinh có thể lựa chọn ví dụ cụ thể về cơ chế điều hòa hoạt động tim mạch như: Khi bị tai nạn mất máu, lượng máu trong cơ thể giảm → huyết áp giảm→ Tim sẽ đập nhanh và mạnh, mạch co lại làm huyết áp tăng lên.

Hướng dẫn giải

- Tùy theo nhu cầu trao đổi chất từng lúc và ở từng nơi mà sự phân phối máu có những thay đổi: Co thắt mạch ở những nơi cần ít máu và giãn nở mạch ở những bộ phận cần nhiều máu, đang hoạt động. Sự điều hòa hoạt động của các mạch như trên là có sự tham gia của các nhánh thần kinh sinh dưỡng (nhánh giao cảm gây co mạch, nhánh đôi giao cảm lại làm giãn mạch).

- Nhờ các xung thần kinh từ các thụ quan áp lực và thụ quan hóa học (áp thụ quan và hóa thụ quan) nằm ở cung chủ động mạch và xoang động mạch cổ (xoang cảnh) theo các sợi hướng tâm về trung khu vận mạch trong hành tủy, từ đó xảy ra sự điều hòa hoạt động tim mạch để điều chỉnh huyết áp, vận tốc máu cho phù hợp với yêu cầu của các cơ quan trong cơ thể.

- Chẳng hạn khi huyết áp giảm hoặc khi nồng độ khí CO2 trong máu tăng tim sẽ đập nhanh và mạnh, mạch co lại làm huyết áp tăng và máu chảy mạnh. Khi lượng máu cung cấp cho não không đủ sẽ gây phản xạ làm tăng cường hoạt động của tim và co mạch ở các khu vực không hoạt động để dồn máu cho não.

5. Giải bài 5 trang 79 SGK Sinh 11 Nâng cao

- Hãy chọn những "từ" và "cụm từ" thích hợp trong số từ và cụm từ sau: mở, đóng; tâm nhĩ co, tâm nhĩ giãn, tâm thất co, tâm thất giãn để điền vào chỗ trống có ghi số (1, 2, ... 6) ở các câu dưới đây:

  • Van nhĩ thất luôn luôn ...(1).. và chỉ ...(2)... khi ...(3)...
  • Van tổ chim (hay van thất - động còn gọi là van bán nguyệt) luôn luôn ...(4)... và chỉ ...(5)... khi ..(6)..

Phương pháp giải

- Van nhĩ - thất: Ngăn giữa nhĩ và thất, bên trái có van hai lá, bên phải có van ba lá. Nó giúp máu chảy một chiều từ nhĩ xuống thất. Các cột cơ gắn với van nhĩ - thất bởi các dây chằng. Cột cơ co rút khi tâm thất co, nó không giúp cho sự đóng của van, mà nó kéo chân van về phía tâm thất, ngăn sự lồi của các lá van về tâm nhĩ trong kỳ thất co rút. Nếu dây chằng bị đứt hoặc nếu một trong các cột cơ bị tổn thương, máu có thể trào ngược về tâm nhĩ khi thất co, đôi khi gây nên rối loạn chức năng tim trầm trọng.

- Van bán nguyệt (tổ chim): Giữa tâm thất trái và động mạch chủ có van động mạch chủ, van động mạch phổi ở giữa tâm thất phải và động mạch phổi. Nó giúp máu chảy một chiều từ tâm thất ra động mạch.

+ Tất cả các van đóng mở một cách thụ động, sự đóng mở tùy thuộc vào sự chênh lệch áp suất qua van. Ví dụ như khi áp lực tâm nhĩ vượt quá áp lực tâm thất thì van nhĩ - thất mở ra, và máu từ nhĩ xuống thất, ngược lại khi áp lực tâm thất lớn hơn áp lực tâm nhĩ, van đóng lại, ngăn máu chảy ngược từ thất về nhĩ

Hướng dẫn giải

- Điền từ và cụm từ:

  • 1. Mở
  • 2. Đóng
  • 3. Tâm thất co
  • 4. Đóng
  • 5. Mở
  • 6. Tâm thất co
Ngày:24/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM