Giải bài tập SGK Sinh học 11 Nâng Cao Bài 38: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật

Nội dung giải bài tập SGK Sinh học 11 Nâng Cao Bài 38: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật. eLib mời các em cùng củng cố kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài tập về các nhân tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của động vật. Mời các em cùng theo dõi.

Giải bài tập SGK Sinh học 11 Nâng Cao Bài 38: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật

1. Giải bài 1 trang 148 SGK Sinh 11 Nâng cao

- Hãy tìm ví dụ chứng minh sự phát triển tùy thuộc vào giới tính? 

Phương pháp giải

- Giới tính khác nhau có đặc điểm cấu tạo, sinh lý khác nhau.

Hướng dẫn giải

- Ví dụ chứng minh sự phát triển tùy thuộc vào giới tính:

+ Trong cùng một loài, sự sinh trưởng và phát triển của con đực và con cái có thể khác nhau. Thường thì con cái có tốc độ lớn nhanh hơn và sống lâu hơn.

+ Ví dụ: Mối chúa lớn rất nhanh, cơ thể dài gấp đôi và nặng gấp 10 lần mối đực. Chúng có thể đẻ 6000 trứng mỗi ngày. Mối lính và mối thợ thì rất bé và không có khả năng sinh sản. Ở người, con trai và con gái tốc độ sinh trưởng cũng không giống nhau. 

2. Giải bài 2 trang 148 SGK Sinh 11 Nâng cao

- Sự sinh trưởng được điều hòa bởi những hoccmôn nào?

Phương pháp giải

- Các hoocmôn quan trọng nhất trong sự điều hòa sinh trưởng ở người là hoocmôn sinh trưởng (GH) và tirôxin.

Hướng dẫn giải

- Các hoocmôn quan trọng nhất trong sự điều hòa sinh trưởng ở người là hoocmôn sinh trưởng (GH) và tirôxin:

+ Hoocmôn sinh trưởng có tác dụng tăng cường quá trình tổng hợp prôtêin trong tế bào, mô và cơ quan do đó tăng cường quá trình sinh trưởng của cơ thể, nhưng hiệu quả sinh trưởng còn phụ thuộc vào loại mô và giai đoạn phát triển của chúng.

  • Ví dụ, GH làm cho xương trẻ em dài ra, nhưng đối với xương của người lớn nó không có tác dụng. Đối với người lớn tăng tiết GH sẽ sinh ra bệnh to đầu xương chi.

+ Hoocmôn tirôxin: Được sinh ra từ tuyến giáp, có tác dụng làm tăng tốc độ chuyển hóa cơ bản, do đó tăng cường sinh trưởng. Ở trẻ em, nếu thiếu tirôxin sẽ làm cho xương và mô thần kinh sinh trưởng không bình thường và do đó có thể gây ra bệnh đần độn. Đối với người lớn, tirôxin không có tác dụng như vậy vì xương và hệ thần kinh đã sinh trưởng đầy đủ. Sản sinh tirôxin bị rối loạn thường dẫn đến các bệnh như bệnh nhược giáp (thiếu tirôxin) là do chuyển hóa cơ bản thấp dẫn đến nhịp tim chậm, huyết áp cao, kèm theo phù viêm. Trái lại, trong bệnh cường giáp (quá nhiều tirôxin) chuyển hóa cơ bản tăng cao dẫn đến nhịp tim nhanh, huyết áp thấp, gầy sút cân, kèm theo là mắt lồi, bướu tuyến giáp (cần phân biệt với bệnh bướu tuyến giáp không kèm mắt lồi là do thiếu iôt trong chế độ ăn).

3. Giải bài 3 trang 148 SGK Sinh 11 Nâng cao

- Nếu biết người bị bệnh lùn do thiếu GH thì cần tiêm GH ở giai đoạn nào? Tại sao? 

Phương pháp giải

- Cần tiêm vào giai đoạn cơ thể cần nhiều GH.

Hướng dẫn giải

- Đối với người bị bệnh lùn cần tiêm GH ở giai đoạn còn trẻ vì ở giai đoạn còn trẻ tốc độ sinh trưởng diễn ra mạnh nên GH mới phát huy được tác dụng, còn đến giai đoạn đã trưởng thành, tốc độ sinh trưởng chậm lại thì GH không phát huy được tác dụng, trái lại có thể gây tác hại, ví dụ gây to đầu xương chi. 

4. Giải bài 4 trang 148 SGK Sinh 11 Nâng cao

Hãy chọn phương án trả lời đúng. Sự biến thái của sâu bọ được điều hòa bởi những hoocmôn nào?

A. Tirôxin.

B. Ơstrôgen.

C. Testôstêron.

D. Ecđixơn và juvenin.

Phương pháp giải

  • Tirôxin có tác dụng Kích thích chuyển hoá ở tế bào sinh trưởng, phát triển bình thường của cơ thể.
  • Ơstrôgen là một nhóm các hợp chất steroid đóng vai trò là hoocmôn sinh dục nữ.
  • Testôstêron là hoocmôn sinh dục nam.
  • Ecđixơn gây lột xác ở sâu bướm, kích thích sâu và lột xác biến thành nhộng bướm.
  • juvenin gây lột xác ở sâu bướm, ức chế quá trình chuyển hóa sâu và nhộng thành bướm.

Hướng dẫn giải

- Sự biến thái của sâu bọ được điều hòa bởi những hoocmôn ecđixơn và juvenin.

⇒ Đáp án: D

5. Giải bài 5 trang 148 SGK Sinh 11 Nâng cao

- Nếu ta đem cắt bỏ tuyến giáp của nòng nọc thì nòng nọc có biến thành ếch được không? Tại sao? 

Phương pháp giải

- Tuyến giáp tiết ra hoocmôn tirôxin.

Hướng dẫn giải

- Nếu ta cắt bỏ tuyến giáp của nòng nọc thì nòng nọc sẽ không biến thành ếch bởi vì không còn có tirôxin để kích thích sự biến thái (vì tuyến giáp sản sinh ra tirôxin). 

6. Giải bài 6 trang 148 SGK Sinh 11 Nâng cao

- Tuổi dậy thì có những đặc điểm gì và do tác động của những hoocmôn nào?

Phương pháp giải

- Các hoocmôn sinh dục gây ra những biến đổi của tuổi dậy thì. Hoocmôn testosteron ở nam và ơstrogen ở nữ

Hướng dẫn giải

- Các đặc điểm ở tuổi dậy thì của con người: Đối với con người tuổi dậy thì là giai đoạn phát triển trong đó trẻ em đã phát triển thành người lớn có khả năng sinh sản. Đối với nữ vào khoảng 13 - 14 tuổi, đối với nam 14 - 15 tuổi. Đến tuổi dậy thì dưới tác dụng của các hoocmôn sinh dục, cơ thể có nhiều biến đổi trong cơ quan sinh dục cũng như xuất hiện các đặc điểm sinh dục thứ sinh.

- Các hoocmôn tác động gây ra những biến đổi ở tuổi dậy thì là:

  • Đối với nam là testosteron.
  • Đối với nữ là ơstrogen.

7. Giải bài 7 trang 148 SGK Sinh 11 Nâng cao

- Chu kì kinh nguyệt được điều hòa bởi những hoocmôn nào? Dựa vào sơ đồ hình 38.2 hãy chỉ ra những ngày nào trong chu kì kinh nguyệt, là có thể thụ thai?

Phương pháp giải

- Trứng có khả năng thụ thai khi nó đã rụng và chưa di chuyển đến tử cung (thường là ở đoạn đầu của ống dẫn trứng).

Hướng dẫn giải

- Chu kì kinh nguyệt được điều hòa bởi nhiều loại hoocmôn:

  • LH, FSH: Tuyến yên tiết ra.
  • Ơtrôgen và Prôgestêrôn.

- Dựa vào sơ đồ hình 38 sẽ thấy rõ là trứng sẽ được rụng vào ngày thứ 14 kể từ khi bắt đầu có kinh. Trứng rụng sẽ có khả năng thụ tinh và như vậy sau ngày thứ 14 kể từ ngày bắt đầu có kinh là thời gian có khả năng thụ thai. Nếu ta tính khả năng sống của tinh trùng trong ống dẫn trứng (khoảng 2 ngày) và thời gian trứng lưu lại ở trong ống dẫn trứng ta có thể tính được thời gian có khả năng thụ thai là 4 - 5 ngày (trước ngày 14 : 2 ngày và sau ngày 14 : 2 ngày).

Ngày:25/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM