Giải bài tập SGK Sinh học 11 Nâng Cao Bài 5: Trao đổi khoáng và nitơ ở thực vật (tiếp theo)

Hướng dẫn giải bài tập SGK Sinh học 11 Nâng Cao Bài 5: Trao đổi khoáng và nitơ ở thực vật (tiếp theo). eLib giới thiệu đến các em tài liệu này giúp các em củng cố kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài tập về quá trình và các tác nhân ảnh hưởng đến sự hấp thụ các nguyên tố khoáng đối với thực vật. Mời các em cùng theo dõi.

Giải bài tập SGK Sinh học 11 Nâng Cao Bài 5: Trao đổi khoáng và nitơ ở thực vật (tiếp theo)

1. Giải bài 1 trang 27 SGK Sinh 11 Nâng cao

- Hãy trình bày ảnh hưởng của ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm đến quá trình hấp thụ các chất khoáng và nitơ.

Phương pháp giải

- Để trả lời câu hỏi này các em cần xem lại kiến thức về ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh đến quá trình hấp thụ các chất khoáng nitơ. Bài 5: Trao đổi khoáng và nitơ ở thực vật (tiếp theo) Sinh học 11 nâng cao.

Hướng dẫn giải

- Ảnh hưởng của các nhân tố môi trường đến quá trình trao đổi chất khoáng và nitơ

+ Ánh sáng: Ánh sáng có ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ khoáng và nitơ trên cơ sở ánh sáng liên quan chặt chẽ với quá trình quang hợp, quá trình trao đổi nước của cây.

+ Nhiệt độ: Khi tăng nhiệt độ ở một giới hạn nhất định đã làm tăng sự hấp thụ các chất khoáng và nitơ. Nguyên nhân chính là do nhiệt độ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hô hấp của hệ rễ.

+ Độ ẩm đất: Độ ẩm đất liên quan chặt chẽ với quá trình trao đổi chất khoáng và nitơ. Hàm lượng nước tự do trong đất nhiều sẽ giúp cho việc hòa tan nhiều các ion khoáng và các ion này dễ dàng được hấp thụ theo dòng nước. Độ ẩm đất cao sẽ giúp cho hệ rễ sinh trưởng tốt và tăng diện tiếp xúc của rễ với các phần tử keo đất và quá trình hút bám trao đổi các chất khoáng và nitơ giữa rễ và đất được tăng cường.

2. Giải bài 2 trang 27 SGK Sinh 11 Nâng cao

- Giải thích tại sao: Đất chua lại nghèo dinh dưỡng? 

Phương pháp giải

- Để trả lời câu hỏi này các em xem lại khái niệm đất chua. Công nghệ 7 bài 3: Một số tính chất của đất trồng. Kết hợp nội dung bài 5: Trao đổi khoáng và nitơ ở thực vật (tiếp theo). Để giải thích.

Hướng dẫn giải

- Đất chua là đất có pH axit.

+ Đất có pH axit thường ít các nguyên tố dinh dưỡng vì các nguyên tố này bị các ion hiđrô (H+) thay thế trên bề mặt keo đất và khi ở dạng tự do thì dễ bị rửa trôi. Vì vậy người ta nói: Đất chua thì nghèo dinh dưỡng.

3. Giải bài 3 trang 27 SGK Sinh 11 Nâng cao

- Vì sao khi trồng cây người ta phải thường xuyên xới đất ở gốc cây cho tơi xốp?

Phương pháp giải

- Trong đất có sự trao đổi giữa CO2 sinh ra do hô hấp rễ với các ion khoáng bám trên bề mặt keo đất.

Hướng dẫn giải

- Cần phải thường xuyên xới đất ở gốc cây trồng là để đất thoáng khí. Trong hô hấp của rễ có sinh ra CO2. CO2 này có sự trao đối với các ion khoáng bám trên bề mặt keo đất. Khi có nồng độ CO2 cao thì sự trao đổi này diễn ra mạnh hơn.

- Mặt khác, nồng độ O2 trong đất cao giúp cho hệ rễ - hô hấp mạnh hơn nên tạo ra áp suất thẩm thấu cao đế nhận nước và các chất dinh dưỡng từ đất.

4. Giải bài 4 trang 27 SGK Sinh 11 Nâng cao

- Hãy cho một ví dụ về cách tính lượng phân bón cho một thu hoạch định trước?

Phương pháp giải

- Có thể lấy ví dụ như sau: Tính lượng phân bón nitơ cần thiết để có một thu hoạch 150 tạ chất khô/ha. Biết rằng, nhu cầu dinh dưỡng của lúa là: 1,4 kg nitơ/ tạ chất khô, lượng chất dinh dưỡng còn lại trong đất bằng 0, hệ số sử dụng phân nitơ là 60%.

+ Gọi x là lượng nitơ cần phải bón để thu được 150 tạ chất khô/ha.

+ Ta có:

Nhu cầu dinh dưỡng của lúa là: 1,4 kg nitơ/ tạ chất khô.
Nguồn dinh dưỡng trong đất: 0
Hệ số sử dụng phân nitơ: 60%

→ Từ đó dùng phép tính tích chéo xác định lượng nitơ cần phải bón để thu được 150 tạ chất khô/ha.

Hướng dẫn giải

- Ví dụ về cách tính phân bón cho một thu hoạch định trước.

+ Tính lượng phân bón nitơ cần thiết để có một thu hoạch 150 tạ chất khô/ha. Biết rằng, nhu cầu dinh dưỡng của lúa là: 1,4 kg nitơ/ tạ chất khô, lượng chất dinh dưỡng còn lại trong đất bằng 0, hệ số sử dụng phân nitơ là 60%.

→ Lượng nitơ cần phải bón: \(\frac{{1,4.150.100}}{{60}}=350 kg nitơ/ha.\)

5. Giải bài 5 trang 27 SGK Sinh 11 Nâng cao

- Hãy chọn phương án trả lời đúng. Khi lá cây bị vàng (do thiếu chất diệp lục). Nhóm nguyên tố khoáng nào liên quan đến hiện tượng này?

A. P, K, Fe

B. S, P, K.

C. N, Mg, Fe.

D. N, K, Mn.

E. P, K, Mn.

Phương pháp giải

- Dấu hiệu khi cây thiếu nguyên tố Nitơ là cây sinh trưởng kém, xuất hiện màu vàng nhạt trên lá.

- Thiếu Mg làm chậm quá trình ra hoa, cây thường bị vàng lá do thiếu diệp lục. Triệu chứng điển hình là các gân lá còn xanh trong khi phần thịt lá đã biến vàng.

- Sự thiếu hụt Fe thường xảy ra trên nền đất có đá vôi. Lá cây thiếu sắt sẽ chuyển từ màu xanh sang vàng hay trắng ở phần thịt lá, trong khi gân lá vẫn còn xanh. Triệu chứng thiếu sắt xuất hiện trước hết ở các lá non, sau đến lá già, vì Fe không di động từ lá già về lá non.

Hướng dẫn giải

- Khi lá cây bị vàng (do thiếu chất diệp lục). Nhóm nguyên tố khoáng N, Mg, Fe liên quan.

⇒ Đáp án: C.

Ngày:23/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM