Đại cáo Bình Ngô: Phần 1: Tác giả Ngữ văn 10

eLib xin gởi đến các em bài học Đại cáo Bình Ngô: Phần 1: Tác giả. Nhằm giúp các em nắm được những nét tiêu biểu về cuộc đời và sự nghiêp của Nguyễn Trãi. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt.

Đại cáo Bình Ngô: Phần 1: Tác giả Ngữ văn 10

1. Cuộc đời

1.1. Quê hương, gia đình

- Nguyễn Trãi (1380 - 1442), hiệu Ức Trai. 

- Quê hương: làng Chi Ngại (Chí Linh- Hải Dương) sau dời về Nhị Khê (Thường Tín- Hà Tây).

- Gia đình:

+ Cha: Nguyễn Ứng Long – một nho sinh nghèo, học giỏi, đỗ tiến sĩ, đổi tên là Nguyễn Phi Khanh làm quan dưới triều Hồ.

+ Mẹ: Trần Thị Thái: con quan Tư đồ Trần Nguyên Đán.

→Truyền thống gia đình: yêu nước, văn hóa, văn học

1.2. Những sự kiện tiêu biểu

- Mồ côi mẹ khi mới 5 tuổi, ông ngoại mất khi Nguyễn Trãi 10 tuổi.

- 1400: đỗ Thái học sinh (tiến sĩ), rồi cùng cha làm quan cho triều Hồ.

- 1407: giặc Minh xâm lược, Nguyễn Phi Khanh bị bắt đưa về Trung Quốc, Nguyễn Trãi gạt lệ chia tay cha trên cửa ải Nam Quan, nhớ lời cha dạy: lập chí, rửa nhục nước, trả thù nhà mới là đại hiếu.

- Tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, góp phần quan trọng với vai trò của một quân sư tài ba đưa khởi nghĩa đến toàn thắng.

- Sau khi đất nước độc lập, Nguyễn Trãi hăm hở tham gia công việc xây dựng đất nước nhưng bị gian thần gièm pha, không được tin dùng như trước.

- 1439: xin về ở ẩn tại Côn Sơn (Chí Linh- Hải Dương).

- 1400: được Lê Thái Tông vời ra giúp nước.

- 1442: vụ án Lệ Chi Viên thảm khốc khiến ông phải chịu án tru di tam tộc.

- 1464: vua Lê Thánh Tông (con của bà phi Ngô Thị Ngọc Dao- người đã được Nguyễn Trãi cứu giúp) đã minh oan cho Nguyễn Trãi: “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” (Lòng ức Trai sáng tựa sao Khuê).

- 1980: được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.

→ Nguyễn Trãi là bậc anh hùng dân tộc văn võ song toàn, một nhà văn hóa lớn, cuộc đời tiêu biểu cho 2 phương diện: anh hùng và bi kịch, một người phải chịu oan khiên thảm khốc nhất trong lịch sử dân tộc.

2. Sự nghiệp thơ văn

2.1. Những tác phẩm chính

a. Những tác phẩm chính viết bằng chữ Hán

- Quân trung từ mệnh tập.

- Bình Ngô đại cáo.

- Ức Trai thi tập.

- Chí Linh sơn phú.

- Băng Hồ di sự lục.

- Lam Sơn thực lục.

- Văn bia Vĩnh Lăng.

- Văn loại.

- Dư địa chí (tác phẩm viết về địa lí).

b. Tác phẩm viết bằng chữ Nôm

Quốc âm thi tập – gồm 254 bài thơ.

⇒ Nhận xét:

Nguyễn Trãi là tác giả xuất sắc về nhiều thể loại VH, trong sáng tác chữ Hán và chữ Nôm, trong văn chính luận và thơ trữ tình. Ông để lại một khối lượng sáng tác lớn với rất nhiều tác phẩm có giá trị.

2.2. Nguyễn Trãi- Nhà văn chính luận kiệt xuất

- Nhà văn chính luận: nhà văn có những tác phẩm chính luận xuất sắc.

- Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận kiệt xuất trong lịch sử Văn học trung đại Việt Nam:

- Hai tác phẩm chính luận tiêu biểu:

+ Đại cáo bình Ngô – áng thiên cổ hùng văn, bản tuyên ngôn độc lập dân tộc lần thứ hai.

+ Quân trung từ mệnh tập – những bức thư gửi tướng tá nhà Minh và bọn ngụy quân, ngụy quyền → mỗi bức thư “có sức mạnh bằng 10 vạn quân” (Phan Huy Chú).

- Tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt: nhân nghĩa, yêu nước, thương dân.

Ví dụ: “Việc nhân nghĩa... trừ bạo”; “Đem đại nghĩa... trừ bạo”(Bình Ngô đại cáo).

- Trình độ nghệ thuật mẫu mực:

+ Xác định đối tượng, mục đích phù hợp với bút pháp lập luận.

Ví dụ: Đối với những tướng giặc hung hăng, hiếu chiến (Mã Kì, Phương Chính, Liễu Thăng):

→ Mục đích: khiêu khích, nhử giặc rơi vào trận địa của ta.

→ Nguyễn Trãi đánh vào lòng tự ái khiến chúng tự chui đầu vào thòng lọng mà ta định sẵn.

→ Cách xưng hô coi thường: “Bảo cho mày, nghịch tặc...”; cách viết: khích vào lòng hữu dũng vô mưu.

- Đối với những tướng giặc còn chút lương tâm, có tư tưởng hòa hiếu (Lương Minh, Hoàng Phúc):

→ Mục đích: thuyết phục.

→ Bút pháp: đánh vào tình cảm, lương tri, đề cao tình nghĩa; cách xưng hô đầy tôn trọng, thân tình: hiền huynh- đệ.

- Đối với những tướng giặc có học vấn lại ở vị trí quan trọng như Vương Thông:

→ Mục đích: thuyết phục, giảng hòa.

→ Bút pháp: tác động mạnh vào nhận thức, trí tuệ; cách xưng hô tôn trọng (gọi rõ chức tước: kính đạt ngài Tổng binh đại nhân,...).

. Đối với ngụy quân, ngụy quyền lầm đường theo giặc

→ Mục đích: đánh vào lòng tự trọng và lương tâm để họ nhận ra lẽ phải- trái để trở về con đường chính nghĩa.

→ Cách viết: vừa tình cảm, bày tỏ thiệt hơn đồng thời vẫn tỏ ra nghiêm khắc nếu họ ko biết cải tà quy chính.

+ Kết cấu chặt chẽ, lập luận sắc bén: Nghệ thuật lập luận: tam đoạn luận (P1- tiền đề; P2- soi vào thực tiễn; P3- kết luận)

2.3. Nguyễn Trãi - Nhà thơ trữ tình sâu sắc

- Các tập thơ tiêu biểu:

+ Ức Trai thi tập- 105 bài thơ chữ Hán.

+ Quốc âm thi tập- 254 bài thơ chữ Nôm.

→ Chân dung tâm hồn của Nguyễn Trãi:

- Người anh hùng vĩ đại:

+ Lí tưởng cao cả: nhân nghĩa, yêu nước, thương dân.

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.”

“Bui có một lòng ưu ái cũ

Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.”

“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ khắp đòi phương”...

- Ví mình như cây trúc, cây mai, cây tùng cứng cỏi, thanh cao, trong trắng- những phẩm chất cao quý của người quân tử- dành để giúp nước và “trợ dân”.

 Con người trần thế:

- Đau nỗi đau của con người: nỗi đau trước thói đời đen bạc, con người chưa hoàn thiện→ khát khao sự hoàn thiện của con người:

+“Ngoài chưng mọi chốn đều ko hết

Bui một lòng người cực hiểm thay.”

+ “Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn

Lòng người quanh tựa nước non quanh.”

- Yêu tình yêu của con người:

+ Tình yêu thiên nhiên:

  • Phát hiện vẻ đẹp nhiều mặt của thiên nhiên:

  • Thiên nhiên hoành tráng, kì vĩ: “Kình ngạc băm vằm non mấy khúc/ Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng”,...

  • Thiên nhiên mĩ lệ, thơ mộng, phảng phất phong vị Đường thi: “Nước biếc non xanh thuyền gối bãi/ Đêm thanh, nguyệt bạc, khách lên lầu”, “Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc/ Thuyền chở yên hà nặng vạy then”,...

  • Thiên nhiên bình dị, dân dã: “Ao cạn vớt bèo cấy muống/ Đìa thanh phát cỏ ương sen”,...

  • Coi thiên nhiên là bầu bạn của mình: “Láng giềng một áng mây nổi/ Khách khứa hai ngàn núi xanh”,...

  • Giao cảm với thiên nhiên vừa mãnh liệt, nồng nàn vừa tinh tế, nhạy cảm, trang trọng trước vẻ đẹp của thiên nhiên: “Hé cửa đêm chờ hương quế lọt/ Quét hiên ngày lệ bóng hoa tan”

+ Tình yêu quê hương.

+ Tình nghĩa vua- tôi, tình cha- con:

“Quân thân chưa báo lòng canh cánh,

Tình phụ cơm trời, áo cha”

“Nuôi con mới biết lòng cha mẹ,

Đời loạn thì hay đời Thuấn Nghiêu”.

+ Tình bạn chân thành:

“Láng giềng một áng mây nổi,

Khách khứa hai ngàn núi xanh

Có thuở biếng thăm bạn cũ

Lòng thơ ngàn dặm nguyệt ba canh”...

+ Tình yêu đôi lứa: Hơn một lần hình bóng giai nhân xuất hiện trong thơ ông: bài 10 Tiếc cảnh

3. Tổng kết

- Thơ văn Nguyễn Trãi hội tụ 2 nguồn cảm hứng lớn của VH dân tộc: yêu nước và nhân đạo.

- Thể loại:

+ Là nhà văn chính luận kiệt xuất.

+ Là người khai sáng Văn học tiếng Việt, sáng tạo thơ Đường luật bằng chữ Nôm.

- Ngôn ngữ: sử dụng thuần thục, làm giàu cho chữ Nôm- ngôn ngữ dân tộc.

4. Luyện tập

Câu 1. Nêu vị trí, tầm vóc của Nguyễn Trãi trong lịch sử dân tộc?

Gợi ý làm bài:

Vị trí, tầm vóc:Nguyễn Trãi – tác giả Văn học lớn của Văn học dân tộc, nhà văn chính luận kiệt xuất, nhà thơ khai sáng Văn học tiếng Việt.

Câu 2. Đọc lại bài thơ “Cảnh ngày hè” đã học ở HKI. Viết một đoạn vân ngắn (khoảng 10-12 câu), nêu cảm nhận cùa anh/chị về vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi được thể hiện trong văn bản.

Gợi ý làm bài:

Nhắc đến Nguyễn Trãi, người ta nhớ ngay đến hình ảnh của một nhà quân sự, chính trị tài ba, người viết nên Bình Ngô đại cáo như một lời tuyên ngôn độc lập hào sảng khai sinh ra đất nước, một vị lãnh đạo có tấm lòng yêu nước thương dân cao cả. Nhưng bên cạnh con người chính trị ấy vẫn tồn tại một Nguyễn Trãi Hoàng các thanh phong ngọc thự tiên (Gió thanh hây hẩy gác vàng, người như một ông tiên ở trong nhà ngọc). Và chính nó đã góp phần hoàn thiện hình ảnh Nguyễn Trãi được Lê Thánh Tông mệnh danh Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo. Đọc Cảnh ngày hè, thưởng lãm bức tranh thiên nhiên sống động ta càng thêm thấm thía nỗi lòng của người Tóc nên bạc bởi lòng ưu ái, nhàn cư mà chẳng nhàn tâm. Vẻ đẹp của thiên nhiên ngày hè được Nguyễn Trãi cảm nhận bằng nhiều giác quan, được diễn tả tinh tế thông qua hệ thống ngôn từ, hình ảnh, nghệ thuật đối cùng cách ngắt nhịp tài tình... Lòng yêu thiên nhiên tha thiết, tâm hồn nghệ sĩ giao cảm một cách mãnh liệt với thiên nhiên; sự gắn bó với cuộc sống con người; tấm lòng ưu dân ái quốc. Bài thơ “Cảnh ngày hè” đã làm rõ nỗi niềm tâm sự của Nguyễn Trãi trong thời gian ở Côn Sơn với tấm lòng yêu nước thương dân vẫn ngày đêm "cuồn cuộn nước triều Đông". Ông yêu thiên nhiên cây cỏ say đắm. Và có lẽ chính thiên nhiên đã cứu Nguyễn Trãi thoát khỏi những phút giây bi quan của cuộc đời mình. Dù sống với cuộc sống thiên nhiên nhưng Ức Trai vẫn canh cánh "một tấc lòng ưu ái cũ". Nguyễn Trãi vẫn không quên lí tưởng nhân dân, lí tưởng nhân nghĩa, lí tưởng mong cho thôn cùng xóm vắng không có một tiếng oán than, đau sầu.

5. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau đây:

- Nắm được những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp văn học của Nguyễn Trãi.

- Yêu quý Nguyễn Trãi và tự tìm hiểu thêm về tác phẩm của ông.

- Có ý thức tìm hiểu về danh nhân văn hoá của dân tộc;

- Trân trọng, ngưỡng mộ cống hiến to lớn của nhà thơ trong nền văn hoá dân tộc.

Ngày:14/12/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM