Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh Ngữ văn 10

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em ôn tập lại cách viết một đoạn văn thuyết minh. Đồng thời giúp các em rèn luyện kĩ năng viết văn hay. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh Ngữ văn 10

1. Đoạn văn thuyết minh

1.1. Quan niệm về đoạn văn

Là một bộ phận của văn bản, bắt đầu từ chữ viết hoa lùi đầu dòng và kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng, thường biểu đạt một ý tương đối hoàn chỉnh.

1.2. Các yêu cầu đối với một đoạn văn

- Tập trung làm rõ một ý chung, một chủ đề chung thống nhất và duy nhất.

- Liên kết chặt chẽ với các đoạn văn đứng trước và sau nó.

- Diễn đạt chính xác, trong sáng, biểu cảm.

1.3. So sánh đoạn văn tự sự với đoạn văn thuyết minh

- Điểm giống: đảm bảo cấu trúc, các yêu cầu đối với một đoạn văn.

→ Do chúng đều mang hình thức và yêu cầu chung đối với một đoạn văn.

- Điểm khác:

+ Đoạn văn tự sự: giàu yếu tố miêu tả và biểu cảm.

+ Đoạn văn thuyết minh: thiên về cung cấp tri thức nên ít có (không có) yếu tố miêu tả và biểu cảm.

→ Do chúng có mục đích biểu đạt khác nhau: tự sự- kể chuyện, thuyết minh- giới thiệu, trình bày.

1.4. Các phần của đoạn văn thuyết minh

- Câu chủ đề: nêu đối tượng cần thuyết minh.

- Các câu triển khai: nói rõ về đối tượng thuyết minh.

- Các ý trong đoạn văn thuyết minh có thể được sắp xếp theo các trình tự thời gian, nhận thức, phản bác- chứng minh. Vì nó phù hợp với yêu cầu của một đoạn văn nói chung và đem đến cho người đọc sự tiếp nhận dễ dàng, hứng thú.

2. Viết đoạn văn thuyết minh

- Yêu cầu khi viết đoạn văn thuyết minh

+ Nắm vững các kiến thức về đoạn văn thuyết minh và các kĩ năng viết đoạn văn thuyết minh.

+ Có đủ những tri thức cần thiết và chuẩn xác để làm rõ ý chung của đoạn.

+ Sắp xếp hợp lý các tri thức đó theo một thứ tự rõ ràng, mạch lạc.

+ Vận dụng đúng đắn, sáng tạo những phương pháp thuyết minh và diễn đạt để đoạn văn trở nên cụ thể, sinh động, hấp dẫn.

3. Luyện tập

Câu 1. Có thể coi đoạn văn dẫn dưới đây đều là những đoạn văn thuyết minh được không ? Vì sao ?

Nếu đền Ngọc Sơn nằm lọt trong một phường thôn nào đó thì làm gì có cầu Thê Húc, làm gì có đình Trấn Ba và như vậy giá trị cảnh quan chẳng đã hao hụt đi không ít hay sao ? Đền Ngọc Sơn được cả nước biết tiếng chính vì đã nằm gọn trong lòng Hồ Gươm. Non nước sóng đôi làm tăng phần mĩ lệ cho đền cổ ; mà không có Hồ Gươm thì Nguyễn Văn Siêu, thi sĩ đầu thế kỉ XIX, cũng sẽ không sao có được bức tranh thơ đẹp đến thế này:

Một chén trong lòng đất nổi

Nước dài chở lật trời qua

Thuyền câu ngày xuân tiễn khách

Quay chèo về ngủ bên hoa.

(Bản dịch)

Vạt hồ mênh mang mà ví như chén nước. Đảo Ngọc và đền Ngọc nổi bồng bềnh như một váng tăm. Mặt nước chạy dài dường như lật ngửa bầu trời mà chở đi về chốn xa vời. Và thế là mùa xuân hiển hiện lên trong hình dáng một con thuyền chài tiễn khách đang quay mái chèo về nép cạnh bờ hoa. Một cách nhìn độc đáo và một tứ thơ táo bạo lạ thường!

(Theo Nguyễn Vinh Phúc, Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2003)

Gợi ý làm bài:

Đoạn văn đem đến cho ta một cảm xúc rất đẹp về vẻ thơ mộng của đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm, một danh thắng nổi tiếng của thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên đây không phải của một đoạn thuyết minh mà là đoạn văn biểu cảm.

Câu 2.

Có một câu mở đoạn được viết như sau :

Nhắc đến Nguyễn Trãi trước hết là nhắc đến người đã làm nên một trong những cuốn sách địa lí cổ nhất và có giá trị lớn nhất về đất nước ta.

Có thể dùng câu mở đoạn ấy trong một bài văn thuyết minh về danh nhân Nguyễn Trãi được không ? Vì sao ?

Gợi ý làm bài:

Không thể dùng câu văn được nêu trong bài tập để mở đoạn cho bài văn thuyết minh về danh nhân Nguyễn Trãi. Vì:

Bởi xét về phương diện nào, dù là giá trị tác phẩm, thời gian sáng tác, hay khả năng gây ấn tượng… thì một bài giới thiệu về danh nhân Nguyễn Trãi, hoặc phần viết về sự nghiệp trước tác của ông, cũng đều chưa thể bắt đầu bằng Dư địa chí.

4. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Củng cố vững chắc kĩ năng viết đoạn văn đã học, văn bản thuyết minh để viết được đoạn văn thuyết minh có đề tài quen thuộc gần gũi.

- So sánh để nhận ra những điểm khác nhau giữa đoạn văn tự sự và đoạn văn thuyết minh.

- Vận dụng những kiến thức và kĩ năng về đoạn văn, về văn thuyết minh để viết được đoạn văn thuyết minh có đề tài quen thuộc gần gũi.

Ngày:15/12/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM