Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm) Ngữ văn 10

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu đúng quan niệm sống nhàn và cảm nhận được vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm) Ngữ văn 10

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), sống thế kỉ XV - XVI.

- Quê: Làng Trung Am, nay thuộc xã Lí Học, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng.

- Năm 1535 đỗ Trạng Nguyên,làm quan dưới triều Mạc

- Hiệu Bạch vân cư sĩ.

- Được học trò suy tôn là Tuyết Giang Phu Tử (người thầy sông Tuyết).

- Học vấn uyên thâm.

- Tính ngang tàng, cương trực.

- Vị quan thanh liêm, chính trực.

- Có tấm lòng ưu thời mẫn thế, yêu nước, thương dân, coi thường danh lợi.

- Đặc sắc thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm:

+ Mang đậm chất triết lí, giáo huấn.

+ Ca ngợi chí của kẻ sĩ, thú thanh nhàn.

+ Phê phán chiến tranh phong kiến, sự mục nát của giai cấp thống trị và thói đời suy đạo.

- Các tác phẩm: Bạch Vân am thi tập - gồm 700 bài thơ chữ Hán; Bạch Vân quốc ngữ thi, khoảng trên 170 bài thơ chữ Nôm.

-> Là nhà thơ lớn của dân tộc.

1.2. Tác phẩm

- Xuất xứ: Bài thơ Nôm số 73 thuộc tập Bạch Vân quốc ngữ thi. Nhan đề trên do người đời sau đặt.

- Chủ đề: Ca ngợi chữ “nhàn” trong cuộc sống ẩn dật và khắc họa vẻ đẹp chân dung Nguyễn Bỉnh Khiêm.

- Viết bằng chữ Nôm, thuộc Bạch Vân quốc ngữ thi tập, bài số 73 - Nhan đề do người đời sau đặt.

- Thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật.

- Bố cục:

+ Hai câu đề.

+ Hai câu thực.

+ Hai câu luận.

+ Hai câu kết.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Hai câu đề

- Liệt kê dụng cụ lao động: Cày, cuốc, cần câu: Cuộc sống thuần hậu, giản dị giữa thôn quê như của một “lão nông tri điền”.

- Điệp từ: “Một” nhắc lại 3 lần.

- Nhịp thơ: 2/2/3 đều đặn và chậm rãi thể hiện sự ung dung, thanh thản trong cuộc sống và công việc.

- Tác giả đã khắc họa lối sống nhàn của mình bằng cách sử dụng từ láy “thơ thẩn” cùng cụm từ “dầu ai vui thú nào" thể hiện lối sống ung dung, điềm nhiên, trạng thái thoải mái, không vướng bận, tha hồ dong duỗi, không để điều gì làm ưu tư, phiền muộn. Đó là sự nhàn tản, thư thái, thảnh thơi, lòng không vướng bận chút cơ mưu, tự dục. Hai câu thơ thể hiện quan niệm về cs nhàn tản, gần gũi với dân với sự  ung dung, thanh thản, thư thái, hài lòng, thích thú cuộc sống thôn quê. Mỗi từ, mỗi chữ được Nguyễn Bỉnh Khiêm sử dụng rất đắt, rất tinh tế, hiệu quả.

=> Hai câu thơ đầu cho thấy nhà thơ sống cuộc sống vô cùng giản dị và thanh cao. Với phép lặp “một” - “một” đã vẽ lên trước mắt người đọc một khung cảnh bình dị, đơn sơ nơi quê nghèo, dù một mình nhưng không hề đơn độc. Hai câu thơ toát lên sự thanh tịnh của tâm hồn và êm đềm của thiên nhiên ở vùng quê Bắc Bộ. “Một cuốc”, “một cần câu” gợi lên sự bình dị, mộc mạc của một người nông dân chất phác.

2.2. Hai câu thực

- Quan niệm dại, khôn sử dụng biện pháp đối rất chuẩn:

+ ta >< người.

+ dại >< khôn.

+ vắng vẻ >< lao xao.

- Biện pháp ẩn dụ:

+ Câu thơ có sử dụng cụm từ "nơi vắng vẻ". Chúng ta có thể hiểu đơn giản rằng "nơi vắng vẻ" chính là nơi ít người, ko có ai cầu cạnh ta và ta cũng ko cần cầu cạnh ai. Là nơi tĩnh lặng, hoà hợp với thiên nhiên trong sạch, tâm hồn con người thư thái. Là hình ảnh ẩn dụ chỉ lối sống thanh bạch, không màng danh lợi, hòa hợp với tự nhiên, yên ả, êm đềm.

- Đối lập với cụm từ "nơi vắng vẻ" ở trên, tác giả tiếp tục sử dụng cụm từ “chốn lao xao”, đây chính là nơi ồn ào. Là nơi có cuộc sống sang trọng, quyền thế, con người sống bon chen, đua danh đoạt lợi, thủ đoạn hiểm độc.

-> Như vậy, hai câu thơ đã giúp chúng ta hiểu hơn về lối sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm, một lối sống vô cùng “dại", ở đây thể hiện một lối sống cao đẹp, một tư tưởng, nhân cách thanh cao, không màng danh lợi, không nuôi cơ mưu, không chịu luồn cúi, mua danh, bán tước, tham những điều phù phiếm. Đây là cách nói ngược, dại thực chất là khôn, còn khôn thực ra lại là dại.

=> Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thể hiện lối sống nhàn - một lối sống đáng trân trọng và ngợi ca vào thời điểm ấy, cái thời mà con người ta đua nhau tìm danh lợi, nhân cách thanh cao Nguyễn Bỉnh Khiêm đối lập với danh lợi như nước với lửa. Vắng vẻ đối lập với lao xao, ta đối lập với người. Tìm nơi vắng vẻ không phải là lánh đời mà là tìm nơi mình thích thú, được sống thoải mái, an nhiên, khác xa chốn quan trường hiểm hóc vinh liền nhục. Nơi vắng vẻ là nơi không có chuyện cầu cạnh, bon chen. Nơi vắng vẻ là nơi thiên nhiên tươi xanh, mang lại sự thảnh thơi cho tâm hồn. Chốn lao xao là chốn cửa quyền trống vang cờ mở, là đường hoạn lộ tấp nập ngựa xe. Đến chốn lao xao là đến chốn chợ lợi đường danh huyên náo, nơi con người chen chúc xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để giành giật quyền lợi, để vinh thân phì gia. Đây là nơi có nhiều nguy hiểm khôn lường.

2.3. Hai câu luận

- Bức tranh tứ bình về cuộc sống bốn mùa: Thu: măng trúc; Đông: Giá đỗ; Xuân: Tắm hồ sen; Hạ: Tắm ao -> sự hài lòng với lối sống giản dị và thanh cao. Con người thuận theo tự nhiên, hòa hợp với thiên nhiên, mùa nào thức ấy, mùa nào ứng với thu vui ấy, bình dị mà không kém phần thanh cao.

- Nguyễn Bỉnh Khiêm hòa lối sống của mình cùng với lối sinh hoạt của người nông dân. Ta không còn thấy một Trạng Trình, không thấy tư thế cao ngạo, chiễm trệ của một ông quan mà chỉ hiện lên ở đây một lão nông tri điền.

=> Tác giả đã tả cảnh sinh hoạt vô cùng giản dị nhưng qua đó thể hiện lối sống thanh cao của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhà thơ nói về chuyện sinh hoạt hằng ngày như chuyện ăn, chuyện tắm, tuy cực kì đơn sơ nhưng thích thú ở chỗ mùa nào cũng sẵn, chẳng phải nhọc công tìm kiếm về mặt tinh thần, cuộc sống giản dị như thế cho phép con người được tự do, tự tại, không cần phải luồn cúi, cầu cạnh kẻ khác, không cần phải theo đuổi công danh, phú quý, không bị gò bó, ràng buộc vào bất cứ khuôn phép nào.

2.4. Hai câu kết

- Điển tích về Thuần Vu Phần phú quý chỉ là một giấc chiêm bao. Thái độ coi thường phú quý, danh lợi: phú quý, danh lợi chỉ như một giấc mơ dưới gốc hòe, thoảng qua, chẳng có ý nghĩa gì.

-> Tác giả đã nhắc đến những điển tích, điển cố nhằm lên án những danh lợi tầm thường, phủ nhận phú quý, danh lợi, khẳng định cái tồn tại vĩnh hằng là thiên nhiên và nhân cách con người. Nguyễn Bỉnh Khiêm là một triết gia có trí tuệ uyên thâm, nắm vững lẽ biến dịch, hiểu thấu qui luật hoạ/ phúc, bĩ/ thái.

- Tác giả cho rằng lối sống vì danh vọng là lối sống không tốt đẹp bởi vì danh vọng, tiền tài cũng chỉ là phù du, hư vô. Tất cả sẽ vô nghĩa sau một cái khép mắt khẽ thôi -> cái nhìn của một bậc đại nhân, đại trí. Con người sống ở trên đời nên thuận theo lẽ đời, thuận theo tự nhiên, sông sao cho thanh thản. Đừng vì dục vọng của mình mà bất chấp tất cả. Tất cả rồi chỉ như một giấc mơ.

3. Tổng kết

- Về nội dung:

+ Khẳng định quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm: hòa hợp với tự nhiên, giữ cốt cách thanh cao, vượt lên trên danh lợi.

=> Lối hành xử của nhiều nhà nho có nhân cách xưa.

+ Bài thơ dựng lên bức chân dung cuộc sống, nhân cách Nguyễn Bỉnh Khiêm:

  • Vẻ đẹp cuộc sống: đạm bạc, giản dị mà thanh cao.
  • Vẻ đẹp nhân cách: vượt lên trên danh lợi, coi trọng lối sống thanh bạch, hòa hợp với tự nhiên, giữ gìn cốt cách thanh cao, trong sạch.

=> Đặt trong hoàn cảnh xã hội phong kiến có những biểu hiện suy vi, quan điểm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm mang những yếu tố tích cực .

- Về nghệ thuật:

+ Ngôn ngữ: giản dị, hàm súc, giàu chất triết lí.

+ Cách nói đối lập, ngược nghĩa thâm trầm, giàu chất triết lí.

+ Bài thơ sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt mộc mạc, giản dị, kết hợp chất trữ tình và triết lí sâu xa, phát huy cao độ tác dụng của nghệ thuật đối trong thơ thất ngôn Đường luật.

=> Tính quy phạm và việc phá vỡ tính quy phạm.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy trình bày những hiểu biết của bản thân về quan điểm nghệ thuật trong sáng tác của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Gợi ý trả lời:

- Con người phải am hiểu lẽ thịnh suy, thăng giáng của tạo vật để qua đó tìm lẽ sống, xuất hay xử cho hợp với mệnh trời. Là người dân, tôi có bổn phận với dân với nước, nhưng trong tình thế hiện nay khi cái xấu đã thắng, dù tôi có muốn xông ra bảo vệ chính nghĩa cũng không làm được. Tôi chỉ còn một cách là: từ bỏ danh lợi để giữ lấy lương tâm, nhân cách mình, vui với đạo lý thánh hiền, vâng theo tình nghĩa làng xóm. Phải bằng lòng với cái nghèo, tránh tranh đua để giữ tấm lòng thanh thản, sống giản dị như bà con thôn xóm, tìm nguồn vui ở một thiên nhiên gần gũi, ngay cạnh mình, an hưởng phận mình.

=> Tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm là thế. Con người lỗi lạc về lý học đến mức sứ thần Trung Quốc là Chu Xán phải phục chẳng hề nhắc đến một thuật ngữ lý học: tính, khí, ly, tâm... Nhân vật mà truyền thuyết nâng lên địa vị một tiên tri, biết trước hậu thể năm trăm năm chẳng hề nói bóng gió gì đến hậu vận. Ông trạng nguyên hay chữ nhất nước chẳng thiết gì đến chữ nghĩa, điển tích từ chương. Con người được cả thời đại tôn sùng chẳng buồn nhắc tới danh tiếng của mình. Thậm chí ông không nhắc đến cá nhân mình. Đây là một phong cách lạ, trước ông không có mà sau ông cũng không. Nhưng ông hiểu được cái bí quyết để giành được lòng tin của hậu thế. Phải gạt bỏ mọi "bánh vẽ" của cuộc đời (công danh, chức tước, chữ nghĩa, trang tức) để xuất hiện giản dị và chân thành. Không rên la, thậm chí không thở dài, không đóng vai một người thuyết phục, giáo dục. Hãy quên cái con người của cương vị xã hội (bằng tôi, nhà sư, nho sĩ...) để làm con người trong lòng mọi người. Chính vì vậy thơ ông lần đầu tiên trong văn học ta nói với mọi người. Nếu muốn nói đến ý nghĩa triết học của thơ ông thì nó là ở đấy.

Câu 2: Em hãy viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về hai câu thực trong bài thơ "Nhàn" của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Gợi ý trả lời:

Hai câu thực hiện lên với những ý nghĩa đầy ẩn ý, Nguyễn Bỉnh Khiêm tự nhận mình là dại dột. Đây có thể xem là tuyên ngôn sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm những năm tháng sau khi cáo quan về ở ẩn. Ông tự nhận mình “dại” khi tìm nơi vắng vẻ đến sống, nhưng đây là cái “dại” khiến nhiều người ghen tị và ngưỡng mộ. Ông rất khéo léo trong việc dùng từ ngữ độc đáo, lột tả được hết phong thái của ông. Ông bảo rằng những người chọn chốn quan trường là những người “khôn”. Một cách khen rất tinh tế, khen mà chê, cũng có thể là khen mình và chê người. Tứ thơ ở hai câu này hoàn toàn đối lập nhau từ ngôn ngữ đến dụng ý “dại” - “khôn”, “vắng vẻ” - “lao xao”. Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm về nơi vắng vẻ để ở có phải là trốn tránh trách nhiệm với nước hay không? Với thời thế như vậy giờ và với cốt cách của ông thì “nơi vắng vẻ” mới thực sự là nơi để ông sống đến suốt cuộc đời. Một cốt cách thanh cao, một tâm hồn đáng ngưỡng mộ.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Cảm nhận được vẻ đẹp cuộc sống và nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ, qua quan niệm sống nhàn; thấy được đặc điểm nghệ thuật của bài thơ.

- Ngôn ngữ mộc mạc, tự nhiên nhưng ẩn ý thâm trầm, giàu tính trí tuệ.

- Chú ý tích hợp: quan niệm sống hài hoà với thiên nhiên.

- Biết cách đọc bài thơ Nôm đường luật giàu triết lí.

- Trân trọng và học tập nhân cách sống cao đẹp của Nguyễn Bỉnh Khiêm; lựa chọn được cho mình một thái độ sống tích cực.

Ngày:16/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM