Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật Ngữ văn 10

Xin giới thiệu đến các em bài học Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật trong chương trình Ngữ văn 10. Nội dung bài học này đã được eLib biên soạn một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Nhằm giúp các em phân biệt được phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.

Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật Ngữ văn 10

1. Ngôn ngữ nghệ thuật

a. Khái niệm

- Là ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm được dùng trong văn bản nghệ thuật.

b. Phạm vi sử dụng

+ Văn bản nghệ thuật.

+ Lời nói hàng ngày.

+ Phong cách ngôn ngữ khác.

c. Phân loại

+ Ngôn ngữ tự sự: truyện, tiểu thuyết, bút kí, kí sự, phóng sự,...

+ Ngôn ngữ thơ: ca dao, vè, lục bát, song thất lục bát, hát nói, thơ tự do,...

+ Ngôn ngữ sân khấu: kịch nói, chèo, tuồng,...

d. Chức năng

+ Chức năng thông tin.

+ Chức năng thẩm mĩ (biểu hiện cái đẹp và khơi gợi, nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ ở người nghe, người đọc)

2. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

2.1. Tính hình tượng

- Khái niệm: Tính hình tượng là khả năng tạo ra những hình tượng nhờ cách diễn đạt ngôn ngữ có hình ảnh, màu sắc, âm thanh, biểu tượng…

- Người đọc dùng tri thức, vốn sống của mình để liên tưởng, suy ngẫm và rút ra những bài học nhân sinh nhất định.

- Biện pháp tu từ tạo hình tượng: so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nói quá, nói giảm, nói tránh…

- Làm cho ngôn ngữ nghệ thuật trở nên đa nghĩa. Tính đa nghĩa quan hệ mật thiết với tính hàm súc (Lời ít ý nhiều)

2.2. Tính truyền cảm

- Khái niệm: Người nói (viết) sử dụng ngôn ngữ không chỉ để diễn đạt cảm xúc của mình mà còn gây hiệu quả lan truyền cảm xúc tức là làm cho người đọc cũng vui, buồn, tức giận, yêu thương,... như chính người nói (viết).

2.3. Tính cá thể

- Tính cá thể là khả năng tạo giọng điệu riêng, phong cách riêng của mỗi nhà văn trong sáng tạo nghệ thuật.

- Thể hiện: trong lời nói của từng nhân vật, trong diễn đạt từng sự việc, hình ảnh, tình huống...

3. Luyện tập

Câu 1. 

Gọi tên các phép tu từ được sử dụng trong hai câu thơ sau :

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

(Viễn Phương, Viếng lăng Bác)

Gợi ý làm bài:

Các phép tu từ được sử dụng trong hai câu thơ trên là: phép tu từ ẩn dụ, và phối hợp với các biện pháp tu từ khác: nhân hoá, đối xứng về hình tượng…

Câu 2. 

Phân tích tính hình tượng và các tầng ý nghĩa trong khổ thơ sau đây :

Xưa phù du mà nay đã phù sa

Xưa bay đi mà nay không trôi mất

Cho đến được… lúa vàng đất mật

Phải trên lòng bao trận gió mưa qua.

(Chế Lan Viên, Nay đã phù sa)

Phân tích tính hình tượng, cần chú ý hai tuyến hình tượng đối lập nhau trong khổ thơ :

- phù du, bay đi, trận gió mưa

- phù sa, không trôi mất, lúa vàng, đất mật

Gợi ý làm bài:

Đó là sự đối lập giữa cái xưa và cái nay, cái lợi và cái hại.

- Tầng nghĩa thứ nhất nói về thiên nhiên : phù du thì vô bổ, phù sa thì mang lại những đồng bằng phì nhiêu (đất mật) và những vụ mùa bội thu (lúa vàng). Nhưng có những vụ mùa bội thu như vậy không phải không trải qua những trận mưa gió phũ phàng.

- Tầng nghĩa thứ hai : những suy tư trăn trở ưu tư của nhân vật trữ tình. Cuộc sống xưa thật vô nghĩa và sớm nở tối tàn như kiếp phù du. Còn cuộc sống nay thật là đáng sống : thấy mình như chất phù sa mang lại ích lợi cho ruộng đồng, mùa màng. Tuy rằng có được thành quả như ngày nay thì cũng đã trải qua nhiều vật lộn, sóng gió.

4. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật có ba đặc trưng cơ bản : tính hình tượng, tính truyền cảm, tính cá thể hóa.

- Giúp học sinh vận dụng kiến thức về phong cách ngôn ngữ nghệ thuật để làm tốt một số bài tập có liên quan.

- Phân biệt được phong cách ngôn ngữ nghệ thuật với những phong cách ngôn ngữ khác.

- Phải tích hợp được bài dạy với những kiến thức có liên quan về văn học, tiếng Việt đã học hoặc kiến thức trong đời sống.

Ngày:15/12/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM