Khe chim kêu (Điểu minh giản) Ngữ văn 10

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn về tác giả Vương Duy - một trong những đại biểu của phái thơ sơn thủy. Đồng thời, tài liệu dưới đây còn giúp các em cảm nhận được một bức tranh thiên nhiên thấm đẫm vị thiền. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Khe chim kêu (Điểu minh giản) Ngữ văn 10

1. Tìm hiểu chung

- Tác giả:

+ Vương Duy (701 - 761) tự là Ma Cật, quê ở Đất Kì, Thái Nguyên (nay thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc).

+ Tuy suốt đời làm quan nhưng tác giả thường sống như một ẩn sĩ. Ông sùng tín đạo Phật.

+ Thơ mang đậm ý vị Thiền nên người đời gọi ông là "Thi Phật".

+ Vương Duy cùng với Mạnh Hạo Nhiên là đại biểu của phái thơ sơn thủy (thơ lấy thiên nhiên làm đề tài) thời Thịnh Đường.

- Tác phẩm:

+ "Khe chim kêu" là bài thơ tiêu biểu của Vương Duy và là bài thơ tiêu biểu của phái thơ sơn thủy.

+ Bài thơ có thể chí bố cục như sau:

  • Hai câu thơ đầu.
  • Hai câu thơ cuối.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Hai câu thơ đầu

- Sự tĩnh lặng của đêm và sự bình yên của tâm hồn nhà thơ -> có sự hòa hợp giữa cảnh vật thiên nhiên và con người.

- Tác giả đã mở ra cuộc sống trong không gian tĩnh lặng, người ta hay gợi đó chính là không gian thiền, hầu hết những con người có lối sống thiền đều là những ẩn sĩ. Hoa quế là loài hoa rất nhỏ, nên hoa rụng không gây nên sự thanh động nào cả. Cảnh vật vẫn rất nhẹ nhàng và thanh cao. Một khung cảnh thiên nhiên trữ tình, một bức tranh sơn thuỷ đáng yêu. Cảnh và người thật hoà hợp, người thì nhàn nhã, cảnh thì thanh tao, những bông hoa li ti nhẹ rơi càng làm tăng thêm vẻ tĩnh mịch.

- Không gian trong bức tranh thiên nhiên được nhà thơ miêu tả vô cùng yên tĩnh, yên tĩnh đến đáng sợ. Một chữ "tĩnh" và một chữ "không" cộng hưởng để làm bật lên sự tịch mịch của đêm trên núi vắng. Không gian ở đây là núi chứ không phải "đồi".

2.2. Hai câu thơ cuối

- Hình ảnh trăng lên làm gì có tiếng động thế mà lại làm cho khe chim sợ hãi -> đêm quá yên lặng.

- Sự tĩnh lặng của đêm xuân và sự bình yên thanh thản của tâm hồn con người -> tiếng đêm xao động tâm hồn bình yên -> nhà thơ đã lấy động tả tĩnh.

- Hai câu cuối mang đến cho người đọc một bức tranh thiên nhiên có phần sáng sủa hơn, đó là nét vẽ vừa có ánh sáng vừa có âm thanh. Trăng đột hiện, trăng xuân. Vì ở núi cao nên thấy trăng mọc rất rõ. Bóng tối của màn đêm nơi núi xuân như bị xua tan. Ánh trăng đã làm cho con chim núi giật mình (kinh sơn điểu) cất tiếng kêu nơi khe sâu bên vách núi.

- Tác giả đã sử dụng kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật vô cùng đặc sắc, tiêu biểu nhất là thủ pháp nghệ thuật lấy động (tiếng chim kêu trong khe) để đặc tả cái vắng lặng, êm đềm của núi xuân, đêm xuân; lấy sáng đế tả tối, lấy ánh trăng để tả màn đêm, tả cái sâu hút, thâm u của khe suối.

- Nhà thơ đã mở ra một đêm xuân trong không gian vừa có động vừa có tĩnh bởi thủ pháp nghệ thuật lấy động tả tĩnh. Thi nhân chỉ chấm phá, điểm nhấn bằng một vài đường nét mà rung động, ấn tượng. Tiếng chim kêu trong khe, ánh tráng vừa mọc như làm cho nhà thơ chợt tỉnh giấc mộng đêm xuân. 

3. Tổng kết

- Về nội dung: Bài thơ "Khe chim kêu" làm nên một bức tranh thiên nhiên đặc sắc, làm say lòng người. Bài thơ còn thể hiện vẻ đẹp tâm hồn cao đẹp của thi nhân trước cảnh vật thiên nhiên thơ mộng, mang tính thiền của đạo Phật.

- Về nghệ thuật:

+ Quan sát tinh tế, lựa chọn hình ảnh, từ ngữ gợi hình, gợi cảm cao.

+ Tạo ra sự đối lập giữa tĩnh và động, giữa hình ảnh và âm thanh.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về bài thơ "Khe chim kêu" của Vương Duy.

Gợi ý trả lời:

Vương Duy đã sáng tác nên một bài thơ nói về thiên nhiên vô cùng đẹp đẽ và mới lạ. Chính bài thơ "Khe chim kêu" đã đánh dấu tên tuổi của tác giả "Thi trung hữu hoạ, thi trung hữu cầm". Một bông hoa quế rụng. Một ngọn núi xuân vắng không. Một đêm xuân tĩnh lặng, êm đềm. Trăng mọc. Chim núi giật mình kêu lên trong khe núi. Giữa khung cảnh êm đẹp ấy, nhà thơ chợt tỉnh giấc mộng đêm xuân. Tâm nhàn, mộng đẹp, cảnh hữu tình nên thơ. "Khe chim kêu" mang vẻ đẹp của một bức họa sơn thủy của Vương Duy lấp lánh trong sắc màu thời gian. Thi nhân chỉ chấm phá, điểm nhấn bằng một vài đường nét mà rung động, ấn tượng. Tiếng chim kêu trong khe, ánh tráng vừa mọc như làm cho nhà thơ chợt tỉnh giấc mộng đêm xuân. 

Câu 2: Em có suy nghĩ gì về âm thanh và ánh sáng mà tác giả đã sử dụng trong bài thơ "Khe chim kêu"?

Gợi ý trả lời:

- Tác giả đã đem đến một ánh sáng rực rỡ và nồng ấm, một âm thanh sinh động cho bức tranh thiên nhiên của mình. Ánh sáng của trăng xuân đã lên và âm thanh của tiếng chim núi giật mình.

- Hình ảnh trăng quá quen thuộc trong thơ xưa, trong bài thơ của Vương Duy thì hình ảnh trăng làm tăng vẻ huyền ảo, tiếng chim "thỉnh thoảng cất tiếng kêu trong khe suối" càng làm rõ hơn cái tĩnh của đêm.

- Tác giả đã thể hiện một bức tranh thiên nhiên trong đêm xuân vô cùng sống động, đó là một bức tranh sơn thuỷ hữu tình, yên tĩnh nhưng không quá buồn. Trăng lên và tiếng chim kêu được miêu tả thật sinh động, giàu sức gợi.

- Bằng những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc, kết hợp với những chất liệu trong thơ cổ xưa. Nhà thơ đã dùng ánh sáng để miêu tả đêm tối, dùng âm thanh để miêu tả cái tĩnh lặng. Đây cũng là một thủ pháp nghệ thuật khá quen thuộc của thơ ca đời Đường. Khung cảnh thiên nhiên như thoát tục, gợi đến một cuộc sống thanh thản và nhàn nhã chốn điền viên sơn dã.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, lời thơ ngắn gọn, ý hàm súc, cô đọng.

- Cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn tinh tế của nhà thơ trong đêm trăng thanh tĩnh.

- Thấy được mối quan hệ giữa động và tĩnh trong cách thể hiện của bài thơ.

Ngày:18/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM