Giải bài tập SBT Sinh học 9 Bài 49: Quần xã sinh vật

Qua nội dung tài liệu hướng dẫn giải bài tập SBT Sinh học 9 Bài 49: Quần xã sinh vật được eLib biên soạn và tổng hợp đầy đủ giúp các em củng cố kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài tập. Mời các em cùng theo dõi.

Giải bài tập SBT Sinh học 9 Bài 49: Quần xã sinh vật

1. Giải bài 7 trang 91 SBT Sinh học 9

Quần xã sinh vật là gì? Nêu những đặc điểm cơ bản của quần xã.

Phương pháp giải

- Xem khái niệm quần xã sinh vật.

- Đặc điểm cơ bản:

+ Số lượng các loài trong quần xã: Độ đa dạng, độ nhiều, độ thường gặp.

+ Thành phần loài trong quần xã: Loài ưu thế, loài đặc trưng.

Hướng dẫn giải

- Quần xã sinh vật là tập hợp những quần thể sinh vật thuộc nhiều loài sinh vật khác nhau, cùng sống trong một khoảng không gian xác định và chúng có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau.

- Những đặc điểm cơ bản của quần xã:

+ Số lượng các loài trong quần xã:

  • Độ đa dạng: Số lượng loài nhiều hay ít trong quần xã - mức độ phong phú về số loài trong quần xã.
  • Độ nhiều: Mật độ cá thế của từng loài trong quần xã.
  • Độ thường gặp: Tỉ lệ % số điểm bắt gặp một loài trong tổng sô địa điểm khảo sát.

+ Thành phần loài trong quần xã:

  • Loài ưu thế: Loài đóng vai trò quan trọng trong quần xã do số lượng, cỡ lớn... hoặc hoạt động của loài đó có tác động lớn đến các loài khác và tới môi trường.
  • Loài đặc trưng: Loài chỉ có trong một quần xã hoặc nhiều hơn hẳn các loài khác.

2. Giải bài 8 trang 91 SBT Sinh học 9

Quần xã sinh vật và ngoại cảnh có quan hệ với nhau như thế nào? Khống chế sinh học là gì?

Phương pháp giải

- Ngoại cảnh ( khí hậu, độ ẩm, nhiệt độ...) và sinh vật luôn có tác động qua lại lẫn nhau.

+ Điều kiện thuận lợi → Quần xã sinh vật phát triển.

+ Điều kiện bất lợi → Quần xã sinh vật suy thoái.

Hướng dẫn giải

- Các quần thể không thể tồn tại một cách biệt lập với các quần thể khác mà chúng phải sống dựa vào nhau về nhiều phương diện: Con mồi - vật dữ, kí sinh - vật chủ, cạnh tranh khác loài... Không những thế, chúng phải tồn tại trong môi trường với sự tác động của các nhân tố vô sinh.

- Vì vậy, ngoại cảnh và quần xã luôn có tác động qua lại với nhau. Đây là kết quả tổng hợp của các mối quan hệ giữa ngoại cảnh với các quần thể và mối quan hệ giữa các quần thể với nhau.

- Ví dụ:

+ Gặp khí hậu thuận lợi, ấm áp, cây cối xanh tốt, sâu ăn lá cây phát triển, số lượng sâu tăng khiến cho chim ăn sâu có điều kiện kiếm mồi và phát triển... nhưng khi chim sâu quá nhiều thì số lượng sâu bị tiêu diệt càng lớn và số lượng sẽ giảm.

+ Quần xã vùng lạnh thay đổi theo mùa rõ rệt: Cây rụng lá vào mùa đông, chim và nhiều loài động vật di cư chống rét...

- Hiện tượng số lượng cá thể của một quần thể này bị số lượng cá thể của một quần thể khác kìm hãm gọi là khống chế sinh học.

Số lượng cá thể trong quần xã thay đổi theo những thay đổi của ngoại cảnh. Nhưng nhờ có khống chế sinh học mà số lượng cá thể của quần thể trong quần xã luôn dao động quanh vị trí ổn định, phù hợp với khả năng của môi trường, tạo nên sự cân bằng sinh học trong quần xã.

3. Giải bài 10 trang 93 SBT Sinh học 9

Trình bày mối quan hệ dinh dưỡng trong quần xã.

Phương pháp giải

- Dựa vào chuỗi thức ăn, lưới thức ăn:

+ Sinh vật vừa là thức ăn cho sinh vật phía trước vừa là sinh vật ăn sinh vật phía sau.

+ Một sinh vật có thể nằm trong nhiều chuỗi thức ăn khác nhau.

Hướng dẫn giải

- Các sinh vật trong quần xã phụ thuộc vào nhau bởi nhiều mối quan hệ, trong đó quan hệ dinh dưỡng là mối quan hệ quan trọng nhất.

- Trong quần xã, mối quan hệ dinh dưỡng giữa các loài sinh vật được thể hiện qua chuỗi và lưới thức ăn.

+ Chuỗi thức ăn là một dãy nhiều loài sinh vật có quan hệ dinh dưỡng với nhau. Trong chuỗi thức ăn, mỗi loài sinh vật là một mắt xích, vừa là sinh vật tiêu thụ mắt xích phía trước vừa là sinh vật bị mắt xích phía sau tiêu thụ.

Ví dụ: Chuỗi thức ăn cỏ - bò - hổ, trong đó mỗi loài là một mắt xích, bò ăn cỏ nhưng lại bị hổ ăn thịt.

+ Lưới thức ăn bao gồm nhiều chuỗi thức ăn có nhiều mắt xích chung. Trong tự nhiên, mỗi loài sinh vật không chỉ tham gia vào một chuỗi thức ăn mà nhiều chuỗi thức ăn, tạo nên mắt xích chung của lưới thức ăn.

Ví dụ: Chuột ăn thực vật nhưng lại là đối tượng sãn mồi của rắn, của cầy, của đại bàng.

→ Một lưới thức ăn hoàn chỉnh bao gồm: Sinh vật sản xuất, sinh vật tiêu thụ và sinh vật phân giải.

4. Giải bài 22 trang 100 SBT Sinh học 9

Dấu hiệu để nhận biết một quần xã là

A. tập hợp nhiều quần thể thuộc các loài khác nhau.

B. các quần thể khác loài đó cùng sống trong một không gian xác định, có cùng lịch sử phát triển lâu dài.

C. các quần thể khác loài đó có quan hệ mật thiết và gắn bó với nhau.

D. cả A, B và C.

Phương pháp giải

- Quần xã sinh vật là một tập hợp những quần thể sinh vật thuộc nhiều loài khác nhau, cùng sống trong một không gian nhất định. Các sinh vật trong quần xã có mối quan hệ gắn bó như một thể thống nhất.

Hướng dẫn giải

  • Chọn D.

5. Giải bài 23 trang 100 SBT Sinh học 9

Độ đa dạng của một quần xã được thể hiện ở

A. số lượng cá thể nhiều.

B. mật độ cá thể cao.  

C. số lượng loài phong phú.

D. đầy đủ 3 loại sinh vật: Sản xuất, tiêu thụ và phân giải.

Phương pháp giải

- Độ đa dạng của một quần xã được thể hiện ở số lượng loài phong phú.

Hướng dẫn giải

  • Chọn C.

6. Giải bài 24 trang 100 SBT Sinh học 9

Dấu hiệu nào sau đây có ở quần xã mà không có ở quần thể?

A. Tỉ lệ giới tính

B. Mật độ.

C. Thành phần nhóm tuổi.

D. Độ nhiều.

Phương pháp giải

- Độ nhiều có ở quần xã mà không có ở quần thể.

Hướng dẫn giải

  • Chọn D.

7. Giải bài 25 trang 100 SBT Sinh học 9

Trong quần xã sinh vật, giữa các sinh vật khác loài thường có những mối quan hệ nào sau đây?

A. Quan hệ hỗ trợ.

B. Quan hộ đối địch.

C. Không có mối quan hệ nào.

D. Cả A và B.

Phương pháp giải

- Trong quần xã sinh vật, giữa các sinh vật khác loài thường có những mối quan hệ: Quan hệ hỗ trợ và Quan hộ đối địch.

Hướng dẫn giải

  • Chọn D.

8. Giải bài 26 trang 101 SBT Sinh học 9

Vai trò của khống chế sinh học trong quần xã là gì?

A. Làm tăng số lượng cá thể trong quần xã.

B. Làm giảm số lượng cá thể trong quần xã.

C. Làm tăng độ nhiều và độ phong phú của quần xã.

D. Đảm bảo sự cân bằng sinh học trong quần xã.

Phương pháp giải

- Vai trò của khống chế sinh học trong quần xã là đảm bảo sự cân bằng sinh học trong quần xã.

Hướng dẫn giải

  • Chọn D.
Ngày:23/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM