Giải bài tập SBT Hóa 9 Bài 31: Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học

Bài này sẽ giúp các em nắm vững được lý thuyết cũng như cách giải các bài tập của bài Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học với cách làm đầy đủ, chi tiết và rõ ràng. Hy vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các em học sinh

Giải bài tập SBT Hóa 9 Bài 31: Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học

1. Giải bài 31.1 trang 39 SBT Hóa học 9

Dùng bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học, hãy:

a) Viết công thức oxit cao nhất và công thức hợp chất với hiđro của các nguyên tố trong chu kì 3

b) Nguyên tố nào trong chu kì 3 có tính kim loại mạnh nhất ? Tính phi kim mạnh nhất ?

Phương pháp giải

Xem lí thuyết sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học.

Hướng dẫn giải

a) Công thức hoá học của các oxit: Na2O, MgO, Al2O3, SiO2, P2O5, SO3, Cl207.

Công thức hoá học của hợp chất khí với hiđro: SiH4, PH3, H2S, HCl.

b) Nguyên tố có tính kim loại mạnh nhất là natri (Na). Nguyên tố có tính phi kim mạnh nhất là clo (Cl)

2. Giải bài 31.2 trang 39 SBT Hóa học 9

Có các chất: brom, hiđro clorua, iot, natri clorua, khí cacbonic, nitơ, oxi, clo. Hãy cho biết chất nào

a) chứa nguyên tố clo trong bảng tuần hoàn.

b) là khí độc, màu vàng lục.

c) là khí không màu, khi tan trong nước tạo dung dịch axit.

d) có trong nước biển, nhưng không có trong nước ngọt.

e) khi tan trong nước tạo ra hai axit khác nhau.

g) được dùng để bảo quản thực phẩm.

h) là phi kim ở trạng thái rắn, nguyên tố thuộc nhóm VII của bảng tuần hoàn.

i) là phi kim ở trạng thái khí, khi ẩm có tính tẩy màu.

Phương pháp giải

Xem lại tính chất của các hợp chất kết hợp với bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học.

Hướng dẫn giải

a) Hiđro clorua, natri clorua, clo.

b) Clo.

c) Hiđro clorua, khí cacbonic.

d) Natri clorua.

e) Clo.

g) Natri clorua.

h) Iot.

i) Clo.

3. Giải bài 31.3 trang 39 SBT Hóa học 9

Căn cứ vào bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học, hãy

a) cho biết những tính chất hoá học của nguyên tố magie (Mg).

b) so sánh tính chất hoá học của nguyên tố magie với các nguyên tố lân cận trong cùng chu kì và nhóm.

Phương pháp giải

Xem lí thuyết sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học.

Hướng dẫn giải

a) Tính chất hoá học:

Magie là kim loại mạnh: tác dụng được với phi kim, dung dịch axit, dung dịch muối.

b) So sánh tính chất hoá học của Mg với các nguyên tố khác.

- Mg là nguyên tố kim loại hoạt động hoá học yếu hơn Na nhưng mạnh hơn Al.

- Mg là nguyên tố kim loại hoạt động hoá học mạnh hơn Be nhưng yếu hơn Ca.

4. Giải bài 31.4 trang 39 SBT Hóa học 9

Căn cứ vào bảng tuần hoàn các nguyên tố, hãy

a) cho biết những tính chất hoá học của nguyên tố photpho (P).

b) so sánh tính chất hoá học của nguyên tố photpho với các nguyên tố trước và sau nó trong cùng chu kì, trên và dưới nó trong cùng nhóm nguyên tố.

Phương pháp giải

Xem lí thuyết sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học.

Hướng dẫn giải

a) Photpho (đỏ) là phi kim hoạt động hoá học tương đối yếu, đốt P với oxi mới tạo ra P2O5.

b) P là nguyên tố có tính phi kim mạnh hơn Si nhưng yếu hơn S.

P là nguyên tố có tính phi kim yếu hơn nitơ nhưng mạnh hơn As.

5. Giải bài 31.5 trang 39 SBT Hóa học 9

Nguyên tố R tạo thành hợp chất khí với hiđro có công thức hoá học chung là RH4. Trong hợp chất có hoá trị cao nhất với oxi thì O chiếm 72,73% khối lượng.

a) Hãy xác định tên nguyên tố R.

b) Viết công thức hoá học các hợp chất của nguyên tố R với oxi và hiđro.

c) Cho biết vị trí của nguyên tố R trong bảng tuần hoàn.

Phương pháp giải

Tìm công thức oxit cao nhất của R với O, tính toán theo công thức đó.

Hướng dẫn giải

a) Nguyên tố R tạo thành hợp chất khí với hiđro có công thức là RH4 sẽ tạo thành hợp chất oxit cao nhất là RO2 có phần trăm khối lượng của nguyên tố R :

100% - 72,73% = 27,27%

72,73% phân tử khối của RO2 ứng với 16 x 2 = 32 (đvC).

27,27% phân tử khối của RO2 ứng với nguyên tử khối của nguyên tố R là :

\(\frac{{32.27,27}}{{72,73}} = 12\) (đvC) 

⇒ R là cacbon (C)

b) Công thức hoá học các hợp chất với oxi và hiđro là CO2 và CH4.

c) Số thứ tự : 6, chu kì 2, nhóm IV.

6. Giải bài 31.6 trang 40 SBT Hóa học 9

Oxit của một nguyên tố có công thức chung là R03, trong đó oxi chiếm 60% về khối lượng.

a) Hãy xác định tên nguyên tố R.

b) Cho biết tính chất hoá học của nguyên tố R và so sánh với tính chất của các nguyên tố trước và sau nó trong cùng chu kì.

Phương pháp giải

Tính toán theo công thức oxit đã cho để tìm R. Kết hợp với bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học để xác định vị trí của R , từ đó so sánh tính chất hoá học của nguyên tố R với tính chất của các nguyên tố trước và sau nó. 

Hướng dẫn giải

a) Trong phân tử có 3 nguyên tử oxi, khối lượng là :

mO = 16 x 3 = 48 (đvC).

Ta có 48 đvC ứng với 60% phân tử khối của oxit.

Như vậy 40% phân tử khối ứng với nguyên tử khối của nguyên tố R.

Nguyên tử khối của \(R = \frac{{48.40}}{{60}} = 32\) (đvC) ⇒ Nguyên tố R là lưu huỳnh (S).

→ Công thức oxit: SO3.

b) Lưu huỳnh là nguyên tố phi kim hoạt động hoá học mạnh hơn photpho nhưng yếu hơn clo.

7. Giải bài 31.7 trang 40 SBT Hóa học 9

Dựa vào bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học, hãy

a) So sánh mức độ hoạt động hoá học của Si, P, S, Cl.

b) So sánh mức độ hoạt động hoá học của Na, Mg, Al.

Phương pháp giải

Xem lí thuyết sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học.

Hướng dẫn giải

a) Trong cùng chu kì, đi từ trái qua phải tính phi kim tăng dần :

Si < P < S < Cl

b) Trong cùng chu kì, đi từ trái qua phải tính kim loại giảm dần :

Na > Mg > Al

Ngày:14/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM