Soạn bài Luyện tập thao tác lập luận phân tích Ngữ văn 11 đầy đủ

Nội dung bài "Luyện tập thao tác lập luận phân tích" dưới đây sẽ hướng dẫn các em tìm hiểu bài "Luyện tập thao tác lập luận phân tích" một cách cụ thể. Từ đó, các em sẽ củng cố và nâng cao tri thức về thao tác lập luận phân tích, đồng thời biết vận dụng thao tác lập luận phân tích trong bài văn nghị luận. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Soạn bài Luyện tập thao tác lập luận phân tích Ngữ văn 11 đầy đủ

1. Soạn câu 1 trang 43 SGK Ngữ văn 11 đầy đủ

Tự ti và tự phụ là hai thái độ trái ngược nhau nhưng đều ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập và công tác:

- Những biểu hiện và tác hại của thái độ tự ti:

+ Khái niệm: Tự ti là đánh giá thấp bản thân nên thiếu tự tin.

+ Biểu hiện:

  • Không dám tin vào năng lực, sở trường, hiểu biết bản thân.
  • Nhút nhát, thu mình.
  • Không dám đương đầu với nhiệm vụ, thử thách.

+ Tác hại của thái độ tự ti: Nếu mang nặng tâm lí ấy, con người sẽ tê liệt ý thức phản kháng, đấu tranh, chấp nhận những ngang trái, bất công trong xã hội, chấp nhận thân phận thấp hèn con sâu cái kiến, bị rẻ rúng, khinh bỉ, bị áp bức, bóc lột. Tính tự ti cản trở rất lớn đến sự phấn đấu vươn lên của mỗi cá nhân, bởi nó tạo ra thói xấu ỷ lại cùng tâm lí thất bại. Mà đã sẵn tâm lí thất bại thì không bao giờ có thể thành công.

- Những biểu hiện và tác hại của thái độ tự phụ:

+ Khái niệm: Tự phụ là đánh giá mình cao hơn người khác, tỏ ra coi thường người khác, nó đồng nghĩa với kiêu căng, tự mãn.

+ Biểu hiện:

  • Luôn đề cao quá mức bản thân.
  • Không chịu thừa nhận khả năng, tài năng của người khác.
  • Khi làm được điều đó lớn lao thì còn tỏ ra coi thường người khác.

+ Tác hại của tự phụ: Tự phụ là thói xấu có hại. Nó làm cho người ta ảo tưởng về mình. Tài năng chỉ chút đỉnh nhưng lại tưởng mình là thiên tài, để rồi nảy sinh thói huênh hoang, khoác lác, hợm hĩnh đến mức lố bịch, đáng ghét. Kẻ tự phụ ngồi đâu cũng thích nói về mình, khoe khoang cái mình có, thâm chí bịa đặt, thổi phồng cả những cái mình không hề có để thỏa mãn tính thích hơn người. Vì không nhận thức đúng đắn về bản thân nên kẻ mắc bệnh “tự phụ” khó có thể thành công lâu dài và ít nhận được sự ủng hộ của số đông.

 2. Soạn câu 2 trang 43 SGK Ngữ văn 11 đầy đủ

"Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ

Ậm ọe quan trường miệng thét loa".

- Nghệ thuật sử dụng từ ngữ giàu hình ảnh, cảm xúc "Lôi thôi"; "ậm ọe": Chính cách sử dụng từ ngữ như vậy đã khắc họa thành công hình ảnh sĩ tử và quan trường:

+ Hình ảnh sĩ tử: Lôi thôi, vai đeo lọ cho thấy một dáng vẻ luộm thuộm, nhếch nhác của sĩ tử.

+ Hình ảnh quan trường: Ậm ọe, miệng thét loa cho thấy sự ra oai, nạt nộ nhưng đó là cái oai cố tạo, giả vờ.

- Nghệ thuật đảo trật tự cú pháp “lôi thôi sĩ tử”; “ậm ọe quan trường”: Nhằm nhấn mạnh dáng điệu và hành động của sĩ tử, quan trường.Từ đó, nói lên cảnh thi nhốn nháo, hỗn loạn, không nghiêm túc, sự suy thoái của nền giáo dục nước nhà.

- Cảm nhận về cảnh thi cử: Từ những hình ảnh và biện pháp nghệ thuật mà tác giả đã sử dụng cho thấy sự láo nháo, lộn xộn, ô hợp của trường thi, mặc dù đây là một kì thi Hương quan trọng của nhà nước. Qua đó nhấn mạnh cảnh trường thi phản ánh sự suy vong của một nền học vấn, sự lỗi thời của đạo Nho.

Ngày:19/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM