Cảm xúc mùa thu (Thu hứng) Ngữ văn 10

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu được bức tranh mùa thu hiu hắt cũng là bức tranh tâm trạng buồn lo của nhà thơ trong cảnh loạn li: nỗi lo âu cho đất nước, nỗi buồn nhớ quê hương và nỗi ngậm ngùi, xót xa cho thân phận mình. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Cảm xúc mùa thu (Thu hứng) Ngữ văn 10

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Đỗ Phủ (712 - 770), tự Tử Mĩ, quê: Hà Nam.

- Xuất thân trong một gia đình nho học có truyền thống thơ ca.

- Làm quan 3 năm.

- Sống trong cảnh nghèo đói chết trong bệnh tật.

- Trong cuộc biến An Lộc Sơn, Đỗ Phủ phải đưa gia đình đi lánh nạn.

- Là nhà thơ hiện thực lớn, sáng tác chủ yếu trong và sau loạn An Lộc Sơn.

- Để lại khối lượng thơ đồ sộ: 1453 bài.

- Nội dung: phong phú và sâu sắc:

+ Bộc lộ lòng yêu nước thương dân.

+ Sự nhạy cảm với thời cuộc, nỗi đau khổ về cuộc sống riêng.

- Nghệ thuật: đạt đến trình độ cao trong việc vận dụng ngôn ngữ thơ -> thi sử, thi thánh; giọng thơ trầm uất nghẹn ngào.

1.2. Tác phẩm

- Hoàn cảnh sáng tác: Năm 765 Đỗ Phủ rời thành đô về Vân An. 766 lại tới Quỳ Châu, tại đây ông đã sáng tác chùm thơ "Thu Hứng" nổi tiếng gồm 8 bài.

- Bố cục: Chia làm 2 phần:

+ Bốn câu đầu: cảnh thu.

+ Bốn câu cuối: nỗi lòng của nhà thơ.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Cảnh thu

- Câu 1 - 2:

+ Hình ảnh: rừng phong, núi Vu, núi kẽm.

+ Từ ngữ: điêu thương, khí tiêu san.

+ Không gian mà nhà thơ đứng là vị trí ở trên cao để quan sát cảnh thiên nhiên xung quanh mình. Mọi thứ được miêu tả không những theo chiều sâu và còn theo tầm mắt của tác giả, nhìn về phía xa xăm. Hiện ra đầu tiên là hình ảnh rừng phong với sương móc còn phủ trên chúng, tạo ra cảnh tượng buồn, đặc biệt rừng phong lại càng nhấn mạnh thêm sự li biệt khi lá phong chuyển sang đỏ, khi mùa thu đến.

- Câu 3 - 4:

+ Câu 3: hình ảnh, sóng dữ dội, cuồn cuộn chảy như cuốn trôi cả bầu trời.

+ Câu 4: hình ảnh mây sa xuống đen sầm cả mặt đất.

+ Tác giả đã gợi lên trong câu thơ của mình bằng những hình ảnh hết sức đặc sắc và hùng vĩ như Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm. Nhắc, đến Vu sơn, Vu giáp là người đọc nghĩ ngay tới hình ảnh đặc trưng của đất Ba Thục xưa kia. Toàn cảnh bao trùm trong hơi thu hiu hắt. Trong bản dịch, từ lòa cùng với từ hiu hắt chỉ lột tả được một phần ý nghĩa của cụm từ khi tiêu sâm (tối tăm, ảm đạm). Chữ ngàn non thay thế cho Vu sơn, Vu giáp khiến bản dịch dễ hiểu song lại làm mờ nhạt bản sắc của phong cảnh Quý Châu. Vu sơn, Vu giáp tức là núi Vu, hẻm Vu nổi tiếng hiểm trở và hùng vĩ.

=> Tác giả đã mở đầu bài thơ bằng cách dựng nên một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, người đọc dễ dàng nhận ra hai câu thơ mở đầu tả cảnh thiên nhiên, câu thứ nhất tả cảnh thu ở rừng phong, câu thứ hai tả cảnh thu ở núi non. Tuy cảnh vật khác nhau nhưng nhà thơ nhìn chúng với con mắt và tâm trạng giống nhau: trĩu nặng một nỗi buồn thương.

2.2. Nỗi lòng của nhà thơ

- Từ ngữ:

+ Động từ: khai, hệ.

+ Số từ: lưỡng, nhất.

-> Lưỡng khai, nhất hệ: chỉ sự lặp lại, đã từng nở bây giờ lại nở, đã từng rơi nước mắt bây giờ lại rơi.

- Mỗi khi nhắc đến mùa thu thì không thể không nhắc tới hoa cúc, bởi vì hoa cúc chính là một hình ảnh đặc trưng cho mùa thu, cũng là hình ảnh mà tác giả phải rơi lệ khi nhìn thấy, nhớ tới mùa thu ở quê hương mình. Những hình ảnh được sử dụng như con thuyền (cô chu) là một con thuyền đơn độc, nhưng là con thuyền hy vọng mang tác giả về quê hương của mình. 

- Nghệ thuật:

+ Đồng nhất sự vật, hiện tượng: nước mắt của cảnh cũng là của con người.

+ Hiện tại và quá khứ: giọt lệ hiện tại và giọt lệ quá khứ.

+ Sự vật và con người: dây buộc thuyền cũng là dây thắt lòng.

+ Tình và cảnh: nước mắt và hoa cúc nở.

-> Biểu hiện sâu sắc sinh động nỗi lòng nhớ quê hương của tác giả.

- Tác giả đã làm người đọc bất ngờ bởi một âm thanh vọng lại, đó chính là âm thanh của tiếng chày đập áo -> âm thanh xuất hiện đột ngột vì đây là âm thanh thực chính âm thanh này càng khơi dậy trong lòng người nỗi nhớ quê hương, nó cũng là nỗi lòng thổn thức riêng của Đỗ Phủ khi quê hương vẫn còn loạn lạc. Ở hai câu cuối bỗng đột ngột nổi lên âm thanh dồn dập của tiếng chày đập vải trên bến sông, trong bóng hoàng hôn. Âm thanh duy nhất này đem đến cho bức tranh sinh hoạt nơi biên ải xa xôi một thoáng vui nhưng thoáng vui ấy không đủ để xua đi những áng mây buồn đang vây phủ trong tâm hồn thi sĩ. Khí thu lạnh lẽo như nhắc nhở mọi người rằng mùa đông sắp đến, phải chuẩn bị nhanh nhanh cho việc may áo ấm.

=> Chúng ta có thể nhận thấy ở bốn câu thơ cuối này thì nhà thơ tập trung đến việc thể hiện những cảm xúc của riêng mình bằng những vần thơ chứa đựng nhiều tình cảm, đó là lòng mong ngóng quê nhà, nỗi khát khao được trở về quê hương, tình yêu và sự buồn bã khi phải sống tha phương.

3. Tổng kết

- Về nội dung:

+ Bài thơ thể hiện nỗi lòng riêng tư của Đỗ Phủ nhưng cũng chan chứa tâm sự yêu nước, thương đời.

+ Nỗi lo âu cho nước, nỗi buồn nhớ quê hương, nỗi ngậm ngiù xót xa cho thân phận.

- Về nghệ thuật:

+ Nghệ thuật thơ Đường mẫu mực.

+ Sử dụng đa dạng về động từ, số từ.

+ Ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về bài thơ "Cảm xúc mùa thu" của Đỗ Phủ.

Gợi ý trả lời:

Đỗ Phủ đã thể hiện một tấm lòng yêu quê hương, đất nước tha thiết, đó là nỗi lo âu cho đất nước sau này. "Cảm xúc mùa thu" là bài thơ mang đậm dấu ấn phong cách thơ trữ tình của Đỗ Phủ. Thu hứng dạt dào xuất phát từ rung động mãnh liệt của trái tim nhà thơ đã được thể hiện đầy đủ qua ngọn bút thần tình. Với Đỗ Phủ, mùa thu đồng nghĩa với nỗi buồn và niềm thương nhớ không nguôi, nhất là khi ông đang phải sống trong cảnh nghèo khổ, bệnh tật, cô đơn nơi xứ lạ. Cùng với một số bài thơ nổi tiếng khác như Đăng cao, Mao ốc thu phong vị sở phá ca... được lưu truyền rộng rãi qua hàng ngàn năm, Thu hứng góp phần khẳng định tài năng kiệt xuất của Đỗ Phủ. Ông xứng đáng được người đời tôn vinh lá bậc "Thi thánh" của thơ?

Câu 2: Em có nhận xét gì về đặc điểm nghệ thuật của bài thơ?

Gợi ý trả lời:

- Bài thơ đã thể hiện thành công những cảnh sắc về thiên nhiên, thiên nhiên tươi đẹp có sự hòa hợp với tâm hồn của nhà thơ.

- Đặc điểm nghệ thuật của bài thơ là kết cấu hết sức chặt chẽ câu nào cũng bám chặt chủ đề, tức là đều thể hiện được hai yếu tố "cảm xúc" và "mùa thu", vừa tả cảnh vừa chất chứa tâm trạng.

- Cảnh có sương thu, rừng thu, sắc thu, khí thu, gió thu, sông thu, hoa thu, tiếng thu (tiếng chày đập vải). Tác giả thâu tóm cả thần thái của mùa thu trong bài thờ. Đó là một chiều thu cụ thể ở vùng đất Quý Châu trong giai đoạn suy vong của triều đình phong kiến đương thời.

- Chiến tranh xảy ra liên miên đã đầy Đỗ Phủ phiêu bạt về tận góc trời xa thẳm. Ngày đêm, ông chi còn ôm ấp một hi vọng mong manh là được trở về quê cũ. Hẳn ước mơ của Đỗ Phủ cũng là ước mơ của bao người dân nghèo khổ lưu vong. Bởi vậy, bài thơ tuy không miêu tả trực tiếp tình hình xã hội nhưng vẫn có ý nghĩa hiện thực sâu sắc và chan chứa tình đời.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Cảm thông với tám lòng Đỗ Phủ, cảm nhận lòng yêu nước tình cảm quê hương sâu nặng của nhà thơ trước cảnh chiều thu buồn nơi đất khách.

- Thấy được tính chất đặc biệt hàm súc của bài thơ qua việc khai thác các tầng ý nghĩa của các từ ngữ, câu, hình ảnh tiêu biểu trong việc biểu hiện tình cảm.

- Qua đó hiểu thêm về đặc điểm của thơ Đường.

Ngày:17/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM