Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt Ngữ văn 10

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được các khái niệm ngôn ngữ sinh hoạt và những đặc trưng cơ bản của chúng. Từ đó, các em có thể nâng cao kĩ năng phân tích và sử dụng ngôn ngữ theo phong cách ngôn ngữ sinh hoạt. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt Ngữ văn 10

1. Ngôn ngữ sinh hoạt

1.1. Khái niệm ngôn ngữ sinh hoạt

- Ngôn ngữ sinh hoạt là lời ăn tiếng nói hàng ngày, dùng để thông tin, trao đổi ý nghĩ, tình cảm… đáp ứng những nhu cầu trong cuộc sống.

- Ngôn ngữ sinh hoạt còn được gọi là khẩu ngữ, ngôn ngữ nói, ngôn ngữ hội thoại...

- Ngôn ngữ sinh hoạt là dạng thức hoạt động của ngôn ngữ, chủ yếu ở hình thức nói, dùng để giao tiếp trong sinh hoạt hàng ngày.

- Yếu tố quan trọng của ngôn ngữ sinh hoạt:

+ Nhân vật tham gia hội thoại.

+ Nội dung hội thoại.

+ Thái độ, cách nói của mỗi người.

1.2. Các dạng biểu hiện của ngôn ngữ sinh hoạt

- Ngôn ngữ sinh hoạt chủ yếu thể hiện ở dạng nói (độc thoại, đối thoại) và ở dạng viết (nhật kí, hồi ức, thư từ).

- Trong tác phẩm văn học có dạng lời nói tái hiện, tức là mô phỏng lời thoại tự nhiên như: Kịch, tuồng, chèo, truyện, tiểu thuyết...

- Khi tái hiện, lời nói tự nhiên được biến đổi phần nào theo thể loại văn bản và ý định chủ quan của người sáng tạo. Nhưng dù ở trường hợp nói hay viết, tái hiện hay sáng tạo, ngôn ngữ sinh hoạt vẫn là tiếng nói hàng ngày chưa được gọt giũa.

=> Nhưng dù ở dạng nào (nói hay viết, tái hiện hay sáng tạo) ngôn ngữ sinh hoạt cũng có những dấu hiệu đặc trưng của một phong cách ngôn ngữ.

2. Luyện tập

Câu 1: Đọc đoạn văn sau và cho biết ngôn ngữ sinh hoạt được biểu hiện ở dạng nào?

“Hắn hầm hầm, chĩa vào mặt mụ bảo rằng:

- Cái giống nhà mày không ưa nhẹ! Ông mua chứ ông có xin của nhà mày đâu! Mày tưởng ông quỵt hở? Mày thử hỏi cả làng xem ông có quỵt của đứa nào bao giờ không?...”.

(Chí Phèo - Nam Cao)

Gợi ý trả lời:

- Ngôn ngữ sinh hoạt được biểu hiện ở dạng nói, cụ thể ở lời nói của nhân vật có dùng những từ ngữ sinh hoạt: Cái giống nhà mày không ưa nhẹ! Ông mua chứ ông có xin của nhà mày đâu! Mày tưởng ông quỵt hở? Mày thử hỏi cả làng xem ông có quỵt của đứa nào bao giờ không?...”.

Câu 2: Đọc đoạn hội thoại dưới đây và cho biết có thuộc phong cách ngôn ngữ sinh hoạt không? Nếu có, nêu dấu hiệu nhận biết.

- Lan ơi! Lan! Cầm hộ mình cái này với? (Hà gọi)

- Ôi! Cái này bẩn lắm, mày tự đi mà cầm (Lan nói)

- Ôi! Cái con người này! Chán! Chả muốn nói luôn đấy! (Hà cằn nhằn)

- Hứ! Ai thèm mày nói đâu nhỉ? (Lan nói)

- Rồi! Được rồi! Bà đây cũng chả thèm nhé! (Hà bực dọc nói)

Gợi ý trả lời:

- Đoạn hội thoại trên thuộc phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

- Dấu hiệu nhận biết: Là những từ ngữ quen thuộc, gần gũi trong sinh hoạt hàng ngày:

+ Từ hô gọi: “ơi”, “với”.

+ Từ ngữ tình thái: “Ôi”, “rồi”.

+ Từ ngữ thân mật, suồng sã: “mày”.

+ Cách sử dụng câu: câu đặc biệt, câu tỉnh lược.

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm vững các khái niệm : ngôn ngữ sinh hoạt và phong cách ngôn ngữ sinh hoạt với các đặc trưng cơ bản.

- Lĩnh hội và phân tích ngôn ngữ thuộc phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

- Rèn luyện và nâng cao năng lực giao tiếp trong sinh hoạt hằng ngày.

- Rèn luyện năng lực giao tiếp trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là việc dùng từ, việc xưng hô, biểu hiện tình cảm, thái độ và nói chung là thể hiện văn hoá giao tiếp trong đời sống hiện nay.

- Biết bộc lộ thái độ, cảm xúc tự nhiên, chân thành… khi tạo lập văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

Ngày:16/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM