Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt (tiếp theo) Ngữ văn 10

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được những đặc trưng cơ bản của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt. Từ đó, các em có thể nhận diện và phân tích được một văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ sinh hoạt. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt (tiếp theo) Ngữ văn 10

1. Đặc trưng cơ bản của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt

1.1. Tính cụ thể

- Ngôn ngữ sinh hoạt có tính cụ thể, tính cụ thể biểu hiện ở những mặt sau:

+ Có địa điểm và thời gian cụ thể.

+ Có người nói cụ thể.

+ Có người nghe cụ thể.

+ Có đích lời nói cụ thể.

+ Có cách diễn đạt cụ thể qua việc dùng từ ngữ (kèm theo ngữ điệu) phù hợp với đối thoại.

- Như vậy, ngôn ngữ sinh hoạt có tính cụ thể về: hoàn cảnh, con người, cách nói năng và từ ngữ diễn đạt.

1.2. Tính cảm xúc

- Ngôn ngữ sinh hoạt có tính cảm xúc, tính cảm xúc biểu hiện ở những mặt sau:

+ Mỗi người nói, mỗi lời nói đều biểu hiện thái độ, tình cảm qua giọng điệu: Giọng thân mật trong thông tin, kêu gọi,...

+ Những từ có tính khẩu ngữ và thể hiện những cảm xúc rõ rệt.

+ Những kiểu câu giàu sắc thái cảm xúc: Câu cảm thán, câu cầu khiến,...

- Như vậy, dấu hiệu đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt có tính cảm xúc, nghĩa là không một lời nói nào nói ra lại không mang tính cảm xúc.

1.3. Tính cá thể

- Trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, ngoài giọng nói thì cách dùng từ ngữ, cách lựa chọn kiểu câu của mỗi người cũng thể hiện tính cá thể: mỗi người thường có một vốn từ ưa dùng riêng, những cách nói riêng,...

- Ngôn ngữ sinh hoạt có tính cá thể, bộc lộ những đặc điểm riêng của từng người về: giọng nói (cách phát âm), cách dùng từ ngữ, cách lựa chọn kiểu câu, cách nói riêng,... biểu hiện tuổi tác, giới tính, địa phương, nghề nghiệp, cá tính, trình độ học vấn,...

2. Luyện tập

Câu 1: Đọc đoạn văn dưới đây và chỉ ra những từ ngữ, kiểu câu thể hiện tính cảm xúc, tính cụ thể của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

"Thoáng nhìn qua, đã hiểu cơ sự rồi. Làm lý trưởng rồi chánh tổng, bây giờ lại đến lượt con cụ làm lý trưởng, những việc như thế này cụ không lạ gì. Cụ hãy quát mấy bà vợ đang xưng xỉa chực tâng công với chồng:

- Các bà đi vào nhà: đàn bà chỉ lôi thôi, biết gì?

Rồi quay lại bọn người làng, cụ dịu giọng hơn một chút:

- Cả các ông, các bà nữa, về đi thôi chứ! Có gì mà xúm lại như thế này?

Không ai nói gì, người ta dần dần tản đi. Vì nể cụ bá cũng có, nhưng vì nghĩ đến sự yên ổn của mình cũng có: người nhà quê vốn ghét lôi thôi. Ai dại gì đứng ỳ ra đấy, có làm sao họ triệu mình đi làm chứng. Sau còn trơ lại Chí Phèo và cha con cụ bá. Bây giờ cụ mới lại gần hắn, khẽ lay và gọi:

- Anh Chí ơi! Sao anh lại làm ra thế?

Chí Phèo lim dim mắt, rên lên:

- Tao chỉ liều chết với bố con nhà mầy đấy thôi. Nhưng tao mà chết thì có thằng sạt nghiệp, mà còn rũ tù chưa biết chừng.

Cụ bá cười nhạt, nhưng tiếng cười giòn giã lắm: người ta bảo cụ hơn người cũng chỉ bởi cái cười.

- Cái anh này nói mới hay! Ai làm gì mà anh phải chết? Đời người chứ có phải con ngoé đâu? Lại say rồi phải không?

Rồi đổi giọng, cụ thân mật hỏi:

- Về bao giờ thế? Sao không vào tôi chơi? Đi vào nhà uống nước.

Thấy Chí Phèo không nhúc nhích, cụ tiếp luôn:

- Nào đứng lên đi. Cứ vào đây uống nước đã. Có cái gì ta nói chuyện tử tế với nhau, cần gì mà phải làm thanh động lên như thế, người ngoài biết, mang tiếng cả".

(Chí Phèo - Nam Cao)

Gợi ý trả lời:

- Tính cụ thể: "Không ai nói gì, người ta dần dần tản đi. Vì nể cụ bá cũng có, nhưng vì nghĩ đến sự yên ổn của mình cũng có: người nhà quê vốn ghét lôi thôi. Ai dại gì đứng ỳ ra đấy, có làm sao họ triệu mình đi làm chứng. Sau còn trơ lại Chí Phèo và cha con cụ bá. Bây giờ cụ mới lại gần hắn".

- Tính cảm xúc:

+ "Anh Chí ơi! Sao anh lại làm ra thế?".

+ "Cái anh này nói mới hay! Ai làm gì mà anh phải chết? Đời người chứ có phải con ngoé đâu? Lại say rồi phải không?".

+ "Về bao giờ thế? Sao không vào tôi chơi? Đi vào nhà uống nước".

Câu 2: Đọc đoạn thơ sau và phân tích những đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt:

Chúng tôi đi

Nắng mưa sờn, mép ba lô,

Tháng năm bạn cùng thôn xóm

Nghỉ lại lưng đèo

Nằm trên dốc nắng

Kì hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng,

Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa.

Gợi ý trả lời:

- Tính cụ thể của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt thể hiện ở nội dung:

+ Đoạn thơ thuật lại cảnh sinh hoạt gần gũi, thân mật hằng ngày của một đơn vị bộ đội trong kháng chiến chống Pháp.

+ Những hình ảnh, chi tiết trong sự việc rất cụ thể (nắng mưa sờn mép ba lô, nghỉ lại lưng đèo, nằm trên dốc nắng, kì hộ lưng nhau, quờ chân tìm hơi ấm,…).

- Tính cảm xúc của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt thể hiện ở: cách dùng từ địa phương, từ khẩu ngữ.

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Ôn tập, củng cố khái niệm về ngôn ngữ sinh hoạt và khái niệm phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

- Nắm được đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt (tính cụ thể, tính cảm xúc, tính cá thể).

- Rèn luyện kĩ năng phân tích và sử dụng phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

- Sử dụng ngôn ngữ thích hợp để giao tiếp trong sinh hoạt hằng ngày.

- Sử dụng ngôn ngữ sao cho phù hợp với phong cách. Biết bộc lộ thái độ, cảm xúc tự nhiên, chân thành… khi tạo lập văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

Ngày:16/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM