Địa lí 12 Bài 31: Vấn đề phát triển thương mại, du lịch

Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu và biết được: Cơ cấu theo ngành của thương mại và tình hình hoạt động nội thương của nước ta. Đồng thời, biết được tình hình, cơ cấu giá trị xuất nhập khẩu và các thị trường chủ yếu của Việt Nam cũng như các loại tài nguyên du lịch chính ở nước ta thông qua bài Vấn đề phát triển thương mại, du lịch Địa lí 12.

Địa lí 12 Bài 31: Vấn đề phát triển thương mại, du lịch

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Thương mại

a. Nội thương

  • Phát triển sau thời kì Đổi mới.
  • Thu hút được sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế (nhất là khu  vực ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài).
  • Hoạt động nội thương phát triển mạnh ở Đông Nam Bộ, Đồng bằng  sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long.

b. Ngoại thương

- Hoạt động ngoại thương có những chuyển biến rõ rệt.

- Về cơ cấu:

  • Trước Đổi mới nước ta là nước nhập siêu.
  • Năm 1992, lần đầu tiên cán cân xuất, nhập khẩu tiến tới thế cân đối.
  • Từ 1993 đến nay, nước ta tiếp tục nhập siêu nhưng bản chất khác trước Đổi mới.

- Về giá trị:

  • Tổng giá trị Xuất nhập khẩu tăng mạnh.
  • Cả xuất  khẩu và nhập khẩu đều tăng.
  • Hàng xuất: chủ yếu là khoáng sản, công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp, nông sản, thủy sản. Hàng chế biến hay tinh chế còn tương  đối thấp và  tăng chậm.

- Hàng  nhập: chủ yếu là tư liệu sản xuất.

- Thị  trường  mở  rộng  theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa.

- Cơ chế quản lí có nhiều đổi mới.

- Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức WTO.

1.2. Du lịch

a. Tài nguyên du lịch

Khái niệm: Là cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, du lich cách mạng, các giá trị nhân văn, công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng nhằm thỏa mãn nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình  thành các  điểm du lịch, khu du lịch nhằm tạo ra sự hấp dẫn du lịch.

Các loại tài nguyên du lịch:

  • Tự nhiên: (Địa hình,  khí  hậu, nước, sinh vật).
  • Nhân văn: (Di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, làng nghề, phong tục tập quán, giá trị văn hóa dân gian,...)

b. Tình hình phát triển

  • Ngành du lich phát triển nhanh từ đầu thập kỉ 90 (thế kỉ XX) đến nay...
  • Các trung tâm du lịch: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế- Đà Nẵng

Thành phố Hồ Chí Minh

2. Luyện tập

Câu 1: Hãy nhận xét cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ phân theo thành phần kinh tế nước ta?

Gợi ý làm bài

Dựa vào biểu đồ hình 31.1 sgk trang 137 ta thấy: 

Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2005, khu vực Nhà nước chiếm 12,9%, khu vực ngoài Nhà nước chiếm 83,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 3,8%.

So với năm 1995:

  • Mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ phân theo khu vực nhà nước giảm 9,7% .
  • Mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ phân theo khu vực ngoài nhà nước tăng 6,4%
  • Mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ phân theo khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,3%.

=> Như vậy, từ năm 1995 đến năm 2005 khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh còn khu vực nhà nước giảm.

Câu 2: Quan sát hình 31.2 hãy nhận xét về sự thay đổi cơ cấu xuất, nhập khẩu của nước ta trong giai đoạn 1990 - 2005?

Gợi ý làm bài

Quan sát biểu đồ hình 31.2 sgk ta thấy:

  • Giai đoạn 1990 – 2005, cơ cấu giá trị xuất nhập khẩu của nước ta không ổn định, lúc tăng lúc giảm.
  • Trong năm 1992, cơ cấu giá trị xuất nhập khẩu nước ta dần đi tới cân bằng.
  • Đến năm 2005, cơ cấu giá trị nhập khẩu cao hơn cơ cấu giá trị xuất khẩu (nhập khẩu chiếm 53,1%, xuất khẩu chiếm 46,9%).

=> Như vậy, từ năm 1993 đến nay, nước ta tiếp tục nhập siêu, nhưng bản chất khác xa với nhập siêu thời kì trước Đổi mới.

Câu 3: Hãy nhận xét và giải thích tình hình xuất khẩu của nước ta giai đoạn 1990 – 2005?

Gợi ý làm bài

Quan sát biểu đồ giá trị xuất, nhập khẩu của nước ta, giai đoạn 1990 – 2005 ta thấy:

  • Giá trị xuất khẩu của nước ta (đường màu xanh) liên tục tăng
  • Trong đó từ năm 2000 - 2005, giá trị xuất khẩu nước ta tăng mạnh từ 14,5 tỉ USD tăng lên 32,4 tỉ USD tăng lên 17,9 tỉ USD.

Nguyên nhân giá trị xuất khẩu nước ta liên tục tăng:

  • Do cơ chế quản lí đổi mới: mỏ rộng quyền tự chủ cho các ngành, các doanh nghiệp và các địa phương, xóa bỏ cơ chế tập trung bao cấp và chuyển sang hạch toán kinh doanh, tăng cường sự quản lí thống nhất của Nhà nước bằng luật pháp và chính sách.

Câu 4: Dựa vào hình 31.6, hãy phân tích và giải thích tình hình phát triển du lịch ở nước ta?

Gợi ý làm bài

Quan sát biểu đồ hình 31.6 sgk ta thấy giai đoạn 1991 – 2005, tình hình du lịch nước ta:

  • Số lượng khách nội địa tăng từ 1,5 triệu lượt khách lên 16 triệu lượt khách
  • Số khách quốc tế tăng từ 0,3 triệu lượt khách lên 3,5 triệu lượt khách.
  • Số doanh thu từ du lịch từ năm 1991 đến năm 2005 liên tục tăng từ 0,8 nghìn tỉ đồng lên 30,3 nghìn tỉ đồng.

=>Từ năm 1991 đến năm 2005, số lượt khách nội địa, quốc tế và doanh thu từ du lịch của nước ta tăng nhanh.

Giải thích:

Giai đoạn 1991 – 2005, số lượt khách nội địa, quốc tế và doanh thu từ du lịch của nước ta tăng nhanh là do:

  • Chính sách của nhà nước trong việc phát triển du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng..
  • Do nhu cầu đời sống của người dân ngày càng cao
  • Các hoạt động du lịch ngày càng đa dạng và có sức thu hút
  • Nhu cầu chi tiêu của khách du lịch ngày càng tăng…

3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Vấn đề phát triển thương mại, du lịch Địa lý 12 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Sau bài học cần nắm các nội dung sau:

  • Hiểu được cơ cấu phân theo ngành của thương mại và tình hình hoạt động nội thương của nước ta.
  • Biết được tình hình, cơ cấu giá trị xuất nhập khẩu và các thị trường chủ yếu của Việt Nam.
  • Biết được các loại tài nguyên du lịch chính ở nước ta.
  • Trình bày được tình hình phát triển và các trung tâm du lịch quan trọng.
Ngày:08/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bài học Địa lý 12