Địa lí 12 Bài 8: Thiên nhiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển

Dưới đây, eLib.vn giới thiệu đến các bạn bài Thiên nhiên ảnh hưởng sâu sắc của biển. Thông qua bài học này, các bạn sẽ nắm được đặc điểm của biển Đông nước ta, đồng thời cũng biết được liệu biển Đông đã tác động như thế nào đến thiên nhiên nước ta? Mời các bạn cùng đến với bài học.

Địa lí 12 Bài 8: Thiên nhiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Khái quát về biển Đông

Lược đồ Biển Đông

  • Biển Đông rộng, có diện tích 3, 447 triệu km2
  • Biển tương đối kín, được bao bọc bởi các lục địa và các vùng cung đảo
  • Biển Đông nằm trong vùng nhiệt đới ẩm gió mùa. Thể hiện rõ ở chỗ:

+ Nhiệt độ trung bình năm : trên 23độC.

+ Độ muối trung bình : 30 – 33 phần nghìn .

+ Hải lưu : chảy thành vòng tương đối kín, mùa đông chảy theo hướng hướng ĐB-TN, mùa hè chảy theo hướng ĐN- TB.

1.2. Ảnh hưởng của biển Đông đến thiên nhiên Việt Nam

a. Khí hậu

  • Nhờ có Biển Đông nên khí hậu nước ta mang tính hải dương điều hòa, lượng mưa nhiều, độ ẩm tương đối của không khí trên 80%.

b. Địa hình và các hệ sinh thái vùng ven biển

  • Địa hình vịnh cửa sông, bờ biển mài mòn, các tam giác châu thoải với bãi triều rộng lớn, các bãi cát phẳng lì, các đảo ven bờ và những rạn san hô.
  • Các hệ sinh thái vùng ven biển rất đa dạng và giàu có: hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái đất phèn, nước lợ, …

c. Tài nguyên thiên nhiên vùng biển

  • Tài nguyên khoáng sản: Dầu mỏ, khí đốt, cát, quặng ti tan và trữ lượng muối biển lớn
  • Tài nguyên hải sản: các loại thuỷ hải sản nước mặn, nước lợ vô cùng đa dạng...

d. Thiên tai

  • Bão lớn kèm sóng lừng, lũ lụt, sạt lở bờ biển.
  • Hiện tượng cát bay, cát chảy lấn chiếm đồng ruộng ở ven biển miền Trung.

2. Luyện tập

Câu 1: Hãy nêu ảnh hưởng của biển Đông đến thiên nhiên nước ta.

Gợi ý làm bài

Ảnh hưởng của biển Đông đến thiên nhiên nước ta:

a) Khí hậu

- Biển Đông làm tăng độ ẩm của các khối khí qua biển, mang lại cho nước ta lượng mưa và độ ẩm lớn, đồng thời làm giảm tính chất khắc nghiệt của thời tiết lạnh khô trong mùa đông và làm dịu bớt thời tiết nóng bức trong mùa hạ.

- Nhờ có Biển Đông, khí hậu nước ta mang nhiều đặc tính của khí hậu hải dương nên điều hòa hơn.

b) Địa hình và các hệ sinh thái vùng ven biển

- Các dạng địa hình ven biển nước ta rất đa dạng: vịnh cửa sông, các bờ biển mài mòn, các tam giác châu có bãi triều rộng, các bãi cát phẳng, cồn cát, các đầm phá, các vũng vịn nước sâu, các đảo ven bờ và những rạn san hô….

- Các hệ sinh thái vùng ven biển rất đa dạng và giàu có

+ Hệ sinh thái rừng nước mặn ở nước ta vốn có diện tích tới 450 nghìn ha, cho năng suất sinh học cao, đặc biệt là sinh vật nước lợ.

+ Các hệ sinh thái trên đất phèn và hệ sinh thái rừng trên các đảo cũng rất đa dạng và phong phú.

c) Tài nguyên thiên nhiên vùng biển

-Tài nguyên khoáng sản:

+ Có trữ lượng lớn và giá trị nhất là dầu khí. Hai bể dầu lớn nhất hiện đang được khai thác là Nam Côn Sơn và Cửu Long; các bể dầu khí Thổ Chu-Mã Lai và Sông Hồng có trữ lượng đáng kể.

+ Các bãi cát ven biển có trữ lượng lớn titan là nguồn nguyên liệu quý cho các ngành công nghiệp.

+ Vùng ven biển nước ta còn thuận lợi cho nghề làm muối, nhất là ven biển Nam Trung Bộ, nơi có nhiệt độ cao, nhiều nắng, lại chỉ có một số sông nhỏ đổ ra biển.

- Tài nguyên hải sản:

+ Sinh vật Biển Đông tiêu biểu cho hệ sinh vật vùng biển nhiệt đới giàu thành phần và có năng suất sinh học cao, nhất là ở vùng ven bờ. Trong Biển Đông có trên 2000 loài cá, hơn 100 loài tôm, khoảng vài chục loài mực, hàng nghìn loài sinh vật phù du và sinh vật đáy khác.

+ Ven các đảo, nhất là tại quần đảo lớn Hoàng Sa và Trường Sa có nguồn tài nguyên quý giá là các rạn san hô cùng đông đảo các loài sinh vật khác.

d) Thiên tai

- Bão: Mỗi năm trung bình có 9-10 cơn bãi xuất hiện ở Biển Đông, trong đó có 3-4 cơn bão trực tiếp đổ vào nước ta, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, nhất là với cư dân sống ở vùng ven biển nước ta.

- Sạt lở bờ biển: Hiện tượng sạt lở bờ biển đã và đang đe dọa nhiều đoạn bờ biển nước ta, nhất là dải bờ biển Trung Bộ.

- Ở vùng ven biển miền Trung còn chịu tác hại của hiện tượng cát bay, cát chảy lấn chiếm ruộng vườn, làng mạc và làm hoang mạc hóa đất đai.

Câu 2: Xác định trên bản đồ Địa lí tự nhiên Việt Nam (bản đồ treo tường hoặc trong Atlat) vị trí các vịnh biển: Hạ Long, Đà Nẵng, Xuân Đài, Vân Phong, Cam Ranh. Các vịnh biển này thuộc các tỉnh, thành phố nào?

Gợi ý làm bài

Vị trí các vịnh biển:

- Vịnh Hạ Long  thuộc tỉnh Quảng Ninh.

- Vịnh Đà Nẵng thuộc thành phố Đà Nẵng.

- Vịnh Xuân Đài thuộc địa phận tỉnh Phú Yên.

- Vịnh Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa.

- Vịnh Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Câu 3: Hãy nêu ảnh hưởng của biển Đông đến khí hậu, địa hình và các hệ sinh thái vùng ven biển nước ta?

Gợi ý làm bài

a) Khí hậu

- Tăng độ ẩm của các khối khí qua biển, mang lại cho nước ta lượng mưa và độ ẩm lớn, đồng thời làm giảm tính chất khắc nghiệt của thời tiết lạnh khô trong mùa đông và làm dịu bớt thời tiết nóng bức trong mùa hạ.

- Nhờ có Biển Đông, khí hậu nước ta mang nhiều đặc tính của khí hậu hải dương nên điều hòa hơn.

b) Địa hình và các hệ sinh thái vùng ven biển

- Các dạng địa hình ven biển nước ta rất đa dạng. Đó là các vịnh cửa sông, các bờ biển mài mòn, các tam giác châu có bãi triều rộng, các bãi cát phẳng, cồn cát, các đầm phá, các vũng vịnh nước sâu, các đảo ven bờ và những rạn san hô….

- Các hệ sinh thái vùng ven biển rất đa dạng và giàu có

+ Hệ sinh thái rừng nước mặn cho năng suất sinh học cao, đặc biệt là sinh vật nước lợ.

+ Các hệ sinh thái trên đất phèn và hệ sinh thái rừng trên các đảo cũng rất đa dạng và phong phú.

Câu 4: Để sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, cần phải giải quyết những vấn đề chủ yếu nào? Tại sao?

Gợi ý làm bài

Để sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở ĐBSCL cần phải giải quyết những vấn đề sau :

- Vấn đề sử dụng đất: đất là tài nguyên quan trọng hàng đầu của ĐBSCL nhưng diện tích đất phù sa ngọt chỉ chiếm 30%, còn lại là đất phèn và đất mặn, cùng với sự thiếu nước trong mùa khô, nước mặn xâm nhập vào đất liền đã làm tăng độ chua và độ mặn trong đất

⟹ sử dụng và cải tạo đất phù hợp.

- Vấn đề nước ngọt: ĐBSCL có mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Vì thế, nước mặn xâm nhập vào đất liền làm thiếu nước ngọt trong mùa khô.

- Hạn chế tác hại của lũ trong mùa mưa. Lũ lớn gây ngập lụt trên diện tích rộng với thời gian kéo dài có tác động tiêu cực đối với các hoạt động kinh tế - xã hội.

- Vấn đề trồng rừng: rừng là nhân tố quan trọng nhất để đảm bảo cân bằng sinh thái, vì thế rừng cần được bảo vệ và phát triển, đặc biệt là rừng ngập mặn.

- Việc sử dụng và cải tạo tự nhiên ở ĐBSCL không tách khỏi hoạt động kinh tế của con người. Điều đó đòi hỏi phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh trồng cây công nghiệp, ăn quả có giá trị cao, kết hợp với nuôi trồng thủy sản và phát triển công nghiệp chế biến.

3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Thiên nhiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển Địa lý 12 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Sau bài học cần nắm các nội dung sau:

- Biết được đặc điểm khái quát về Biển Đông.

- Phân tích được những ảnh hưởng của Biển Đông đối với thiên nhiên nước ta.

- Sử dụng bản đồ Tự nhiên Việt Nam để trình bày các đặc điểm nổi bật về Biển Đông.

- Xác định các dạng địa hình, các tài nguyên Biển Đông.

Ngày:08/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bài học Địa lý 12