Địa lí 12 Bài 9: Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa

Dưới đây, eLib.vn giới thiệu đến các bạn bài thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa. Đền với bài học này, các bạn sẽ biết được tại sao nước ta lại có khí hậu như vậy? Và tính chất khí hậu đó đã tác động như thế nào đền thiên nhiên nước ta? Đồng thời, eLib.vn cũng sẽ hướng dẫn bạn giải đáp tất cả các câu hỏi liên quan đến bài này.

Địa lí 12 Bài 9: Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm

Lược đồ nhiệt đới gió mùa của nước ta

a. Tính chất nhiệt đới

  • Tổng bức xạ lớn, cán cân bức xạ dương quanh năm.
  • Nhiệt độ trung bình năm trên 200C (trừ vùng núi cao).
  • Tổng số giờ nắng từ 1400 - 3000 giờ/năm.

b. Lượng mưa, độ ẩm lớn

  • Lượng mưa trung bình năm cao từ: 1500 – 2000mm. Mưa phân bố không đều, sườn đón gió 3500 - 4000mm.
  • Độ ẩm không khí cao trên 80%.

b. Gió mùa

Việt Nam có hai mùa gió chính: gió mùa mùa đông và gió mùa mùa hạ. Gió Tín phong chỉ hoạt động xen kẽ gió mùa và chỉ mạnh lên rõ rệt vào thời kỳ chuyển tiếp giữa 2 mùa gió.

- Gió mùa mùa đông: Từ tháng 11 đến tháng 4. Miền Bắc chịu tác động của khối khí lạnh phương Bắc thổi theo hướng Đông Bắc hay gọi là gió mùa Đông Bắc.

  • Gió mùa Đông Bắc tạo nên một mùa Đông lạnh ở miền Bắc: Nửa đầu mùa Đông thời tiết lạnh khô, nửa sau mùa đông thời tiết lạnh ẩm có mưa phùn.
  • Gió mùa Đông Bắc khi di chuyển xuống phía nam suy yếu dần, bớt lạnh hơn và bị chậm lại bởi dãy Bạch Mã.
  • Trong thời gian này, từ Đà Nẵng trở vào, tín phong bán cầu bắc cũng thổi theo hướng Đông Bắc gây mưa ven biển Trung bộ, trong khi Nam Bộ và Tây Nguyên là mùa khô.

- Gió mùa mùa hạ: Từ tháng 5 đến tháng 10. Có hai luồng gió cùng hướng tây nam thổi vào nước ta.

  • Vào đầu mùa hạ: Khối khí nhiệt đới từ Bắc Ấn Độ Dương di chuyển theo hướng tây nam xâm nhập trực tiếp và gây mưa lớn cho đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên. Khi vượt qua dãy Trường Sơn và các dãy núi dọc biên giới Việt – Lào, khối khí này trở nên khô nóng (gió phơn Tây Nam hay còn gọi là gió Lào).
  • Vào giữa và cuối mùa hạ: Gió mùa Tây Nam (xuất hiện từ áp cao cận chí tuyến nửa cầu Nam) hoạt động mạnh.

           + Khi vượt qua biển vùng xích đạo, khối khí này trở nên nóng ẩm thường gây mưa lớn và kéo dài cho các vùng đón gió ở Nam Bộ và Tây Nguyên.

           + Hoạt động của gió mùa Tây Nam cùng với dải hội tụ nhiệt đới là nguyên nhân chủ yếu gây mưa vào mùa hạ cho cả hai miền Nam, Bắc và mưa vào tháng 9 cho Trung Bộ.

           + Do áp thấp Bắc Bộ, khối khí này di chuyển theo hướng đông nam vào Bắc Bộ, tạo nên “gió mùa Đông Nam” vào mùa hạ ở miền Bắc.

  • Sự luân phiên các khối khí hoạt động theo mùa khác nhau cả về hướng và về tính chất đã tạo nên sự phân mùa khí hậu.

          + Ở miền Bắc: có mùa đông lạnh khô, ít mưa và mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều.

          + Ở miền Nam: Có hai mùa: mùa khô và mùa mưa ẩm rõ rệt.

  • Cuối mùa đông khối khí Xibia di chuyển về phía đông, qua biển nước ta đem theo thời tiết lạnh ẩm, mưa phùn vào mùa xuân ở ĐBSH.
  • Gió mùa Tây Nam mang nhiều hơi nước gặp dãy trường sơn bị chặn lại và bị đẩy lên cao, hơi nước ngưng tụ, gây mưa ở sườn tây, gió vượt qua sườn đông hơi nước đã giảm nhiều và nhiệt độ lại tăng. Gió hoàn toàn trở nên khô nóng.

2. Luyện tập

Câu 1: Dựa vào kiến thức đã học, hãy cho biết vì sao nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa.

Gợi ý làm bài

Nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa vì:

- Tính nhiệt đới: được quy định bởi vị trí nước ta nằm trong vùng nội chí tuyến, bức xạ nhiệt luôn lớn và mọi nơi trong năm đều có hai lần mặt Trời lên thiên đỉnh.

⟹ Nhận được lượng nhiệt lớn, nhiệt độ trung bình năm cao trên 200C.

- Tính ẩm: Vị trí giáp biển Đông - nguồn nhiệt và ẩm dồi dào nên các khối khí di chuyển qua biển mang lại cho nước ta lượng mưa lớn (1500 – 2000 mm), độ ẩm dồi dào (>80%).

- Gió mùa:

+ Nước ta nằm trong vùng nội chí tuyến Bắc bán cầu nên gió Tín Phong bán cầu Bắc thổi quanh năm.

+ Mặt khác Việt Nam nằm trong khu vực châu Á gió mùa điển hình, chịu tác động của các khối khí hoạt động theo mùa với hai mùa gió chính: gió mùa mùa đông và gió mùa mùa hạ.

Câu 2: Hoạt động của gió mùa đã dẫn tới sự phân chia mùa khí hậu khác nhau giữa các khu vực như thế nào?

Gợi ý làm bài

Hệ quả hoạt động của các khối khí hoạt động theo mùa khác nhau cả về hướng và về tính chất  đã tạo nên sự phân mùa khí hậu. 

- Miền Bắc: phân chia thành mùa đông lạnh, ít mưa và mùa hạ nóng ẩm mưa nhiều.

- Miền Nam: mùa mưa và mùa khô sâu sắc.

- Miền Trung: mùa hạ khô, nóng và mùa mưa lùi về thu đông.

Câu 3: Tính chất nhiệt đới của khí hậu nước ta được biểu hiện như thế nào?

Gợi ý làm bài

Tính chất nhiệt đới của khí hậu cở nước ta được biểu hiện qua các chỉ số sau:

+ Nhiệt độ trung bình năm trên cả nước đều trên 200C, đạt tiêu chuẩn khí hậu nhiệt đới.

+ Tổng lượng bức xạ nhận được lớn, cán cân bức xạ quanh năm dương (khoảng 75kcal/cm2 /năm).

+ Số giờ nắng từ 1400 – 3000h/năm.

Câu 4: Để sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, cần phải giải quyết những vấn đề chủ yếu nào? Tại sao?

Gợi ý làm bài

Để sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở ĐBSCL cần phải giải quyết những vấn đề sau :

- Vấn đề sử dụng đất: đất là tài nguyên quan trọng hàng đầu của ĐBSCL nhưng diện tích đất phù sa ngọt chỉ chiếm 30%, còn lại là đất phèn và đất mặn, cùng với sự thiếu nước trong mùa khô, nước mặn xâm nhập vào đất liền đã làm tăng độ chua và độ mặn trong đất

⟹ sử dụng và cải tạo đất phù hợp.

- Vấn đề nước ngọt: ĐBSCL có mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Vì thế, nước mặn xâm nhập vào đất liền làm thiếu nước ngọt trong mùa khô.

- Hạn chế tác hại của lũ trong mùa mưa. Lũ lớn gây ngập lụt trên diện tích rộng với thời gian kéo dài có tác động tiêu cực đối với các hoạt động kinh tế - xã hội.

- Vấn đề trồng rừng: rừng là nhân tố quan trọng nhất để đảm bảo cân bằng sinh thái, vì thế rừng cần được bảo vệ và phát triển, đặc biệt là rừng ngập mặn.

- Việc sử dụng và cải tạo tự nhiên ở ĐBSCL không tách khỏi hoạt động kinh tế của con người. Điều đó đòi hỏi phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh trồng cây công nghiệp, ăn quả có giá trị cao, kết hợp với nuôi trồng thủy sản và phát triển công nghiệp chế biến.

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa Địa lý 12 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Sau bài học cần nắm các nội dung sau:

  • Hiểu và trình bày được các đặc điểm cơ bản của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa.
  • Phân tích được nguyên nhân hình thành nên đặc điểm nhiệt đới ẩm gió mùa.
  • Biết phân tích biểu đồ khí hậu.
  • Biết phân tích mối liên hệ giữa các nhân tố hình thành và phân hóa khí hậu.
  • Có kĩ năng liên hệ thực tế để thấy các mặt thuận lợi và trở ngại của khí hậu đối với sản xuất ở nước ta.
Ngày:08/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM