Địa lí 12 Bài 39: Vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu ở Đông Nam Bộ

Là vùng kinh tế có diện tích nhỏ so với các vùng khác, dân số thuộc loại trung bình song Đông Nam Bộ dẫn đầu cả nước về sự phát triển kinh tế. Vậy từ đâu mà vùng có được những thành quả như vậy, chúng ta cùng tìm hiểu kĩ hơn ở bài “Vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu ở Đông Nam Bộ” Địa lí 12.

Địa lí 12 Bài 39: Vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu ở Đông Nam Bộ

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Khái quát chung

Lược đồ Đông Nam Bộ

Gồm 5 tỉnh là Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và TP.HCM

  • Diện tích nhỏ: 23.597,9 km² (năm 2009)
  • Dân số thuộc loại trung bình: 14.890.800 người (năm 2009)
  • Là vùng kinh tế dẫn đầu cả nước về GDP (42%), giá trị sản xuất công nghiệp và hàng hóa xuất khẩu
  • Sớm phát triển nền kinh tế hàng hóa.
  • Vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu là vấn đề kinh tế nổi bật của vùng.

1.2. Các thế mạnh và hạn chế chủ yếu của vùng

a. Vị trí địa lý

Giáp với đồng sông Cửu Long, Tây Nguyên là những vùng nguyên liệu dồi dào để phát triển công nghiệp chế biến.

b. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

Thế mạnh:

  • Đất đai: đất badan chiếm 40% diện tích của vùng, đất xám bạc bạc màu trên phù sa cổ, thoát nước tốt.
  • Khí hậu: cận xích đạo => hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả cận nhiệt đới qui mô lớn.
  • Thủy sản: gần các ngư trường lớn, nguồn hải sản phong phú => phát triển ngư nghiệp.
  • Rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản nước lợ. Có vườn quốc gia Cát Tiên, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
  • Khoáng sản: dầu khí với trữ lượng lớn, sét, cao lanh => thúc đẩy ngành công nghiệp năng lượng, vật liệu xây dựng.
  • Sông: hệ thống sông Đồng Nai có tiềm năng thủy điện lớn.

Hạn chế: 

  • Mùa khô kéo dài, thiếu nước ngọt.
  • Diện tích rừng tự nhiên ít.
  • Ít chủng loại khoáng sản.

c. Kinh tế – xã hội

  • Nguồn lao động: có chuyên môn cao
  • Cơ sở vật chất kĩ thuật: có sự tích tụ lớn, có nhiều trung tâm công nghiệp lớn.
  • Cơ sơ hạ tầng: thông tin liên lạc và mạng lưới giao thông phát triển, là đầu mối của các tuyến đường bộ, sắt, biển, hàng không.

1.3. Khai thác lãnh thổ theo chiều sâu

a. Trong công nghiệp

  • Trong công nghiệp:

Thế mạnh: 

- Vùng chiếm tỷ trọng cao nhất cả nước (55,6%)

- Đa dạng các loại hình công nghiệp.

Hướng khai thác:

- Cải thiện nguồn năng lượng:

+ Thủy điện, nhiệt điện

+ Hệ thống tải điện, trạm biến áp

- Chú trọng ngành công nghiệp có hàm lương khoa học kĩ thuật cao

- Thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

  • Trong khu vực dịch vụ:

Thế mạnh: 

- Dẫn đầu cả nước về các loại hình dịch vụ

- Tỷ trọng ngành dịch vụ ngày càng cao

Hướng khai thác:

- Cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng

- Giải quyết tốt hạ tầng giao thông đường bộ

- Phát triển các ngành: Thương mại, ngân hàng, chứng khoán, tín dụng…

  • Trong nông, lâm nghiệp:

Thế mạnh:

- Vùng cây công nghiệp hàng đầu cả nước.

- Cây ăn quả lớn thứ hai cả nước.

- Các loại hình nông nghiệp đa dạng, phong phú

Hướng khai thác:

- Vấn đề thủy lợi có ý nghĩa hàng đầu.

- Thay đổi cơ cấu cây trồng thích hợp

- Bảo vệ vốn rừng

  • Trong phát triển tổng hợp kinh tế biển:

Thế mạnh:

- Vùng có thế mạnh đặc biệt về phát triển tổng hợp kinh tế biển

- Được xem là hòn ngọc viễn đông.

Hướng khai thác:

- Khai thác nuôi trồng thủy hải sản

- Khai thác chế biến dầu khí hiệu quả

- Khai thác cảng biển, các tuyến hàng hải tương xứng

- Khai thác tài nguyên du lịch hiệu quả

- Chú trọng giải quyết ô nhiễm môi trường.

2. Luyện tập

Câu 1: Hãy xác định trên bản đồ hành chính Việt Nam vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của vùng Đông Nam Bộ. Nêu bật những thuận lợi về vị trí địa lí trong phát triển nền kinh tế mở của vùng?

Gợi ý làm bài

Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của vùng Đông Nam Bộ:

Đông Nam Bộ gồm có các tỉnh, thành phố: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đông Nam Bộ tiếp giáp với: Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Campuchia và biển Đông.

Thuận lợi về vị trí địa lí của Đông Nam Bộ:

Nằm liền kề Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long là những nguồn nguyền liệu dồi dào phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến, dễ dàng giao lưu bằng đường bộ, kể cả với Campuchia, Duyên Hải Nam Trung Bộ.

Như vậy, Trong điều kiện giao thông vận tải ngày càng hiện đại, vị trí địa lí đó đã cho phép Đông Nam Bộ mở rộng giao lưu trong và ngoài nước, mở rộng vùng cung cấp nguyên liệu, năng lượng cũng như vùng tiêu thụ sản phẩm.

Câu 2: Hãy nêu những nhân tố giúp Đông Nam Bộ tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong phân công lao động giữa các vùng trong nước?

Gợi ý làm bài

Nhân tố giúp Đông Nam Bộ tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong phân công lao động giữa các vùng trong nước:

  • Đông Nam Bộ là địa bàn thu hút mạnh lực lượng lao động có chuyên môn cao. Sự phát triển kinh tế năng động của vùng càng tạo điều kiện cho vùng có được nguồn tài nguyên chất xám lớn. TP. Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất cả nước về diện tích và dân số, đồng thời cũng là trung tâm công nghiệp, giao thông vận tải và dịch vụ lớn nhất cả nước.
  • Là địa bàn có sự tích tụ lớn về vốn và kĩ thuật, lại tiếp tục thu hút đầu tư trong nước và quốc tế.
  • Có cơ sở hạ tầng phát triển tốt, đặc biệt về giao thông vận tải và thông tin liên lạc.

Câu 3: Việc thu hút đầu tư nước ngoài có vai trò như thế nào đối với sự phát triển công nghiệp theo chiều sâu?

Gợi ý làm bài

Khai thác lãnh thổ theo chiều sâu là việc nâng cao hiệu quả khai thác lãnh thổ trên cơ sở đẩy mạnh đầu tư vốn, khoa học công nghệ nhằm khai thác tốt nhất các nguồn lực tự nhiên và kinh tế - xã hội, để vừa tăng thu nhập quốc dân, vừa bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lí tài nguyên.

Chính vì vậy, đối với sự phát triển công nghiệp theo chiều sâu thì việc thu hút đầu tư nước ngoài sẽ góp phần tăng nguồn vốn đầu tư, đổi mới trang thiết bị và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường,…

3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu ở Đông Nam Bộ Địa lý 12 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Sau bài học cần nắm các nội dung sau:

- Biết được những đặc trưng khái quát của vùng về vị trí kinh tế của vùng so với cả nước.

- Phân tích được những khó khăn, thuận lợi trong việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

- Hiểu và trình bày được vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu, thực trạng và phương hướng khai thác lãnh thổ theo chiều sâu của vùng.

Ngày:09/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bài học Địa lý 12