Hoá học 8 Bài 41: Độ tan của một chất trong nước
Như các em đã biết, ở một nhiệt độ nhất định các chất khác nhau có thể hòa tan nhiều hoặc ít không giống nhau. Đối với một chất nhất định, ở những nhiệt độ khác nhau cũng hòa tan nhiều ít khác nhau. Để có thể xác định lượng chất tan này, chúng ta hãy tìm hiểu độ tan của chất trong dung dịch ở bài giảng sau.
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Chất tan và chất không tan
a) Thí nghiệm về tính tan của chất
- Thí nghiệm 1: Hòa tan cát và muối vào nước
Nhận xét: Muối tan tốt trong nước, cát không tan trong nước.
Kết luận: Có chất tan, có chất không tan trong nước.
- Thí nghiệm 2: Thử tính tan ít hay nhiều của đá vôi (CaCO3) trong nước
Kết luận: Có chất tan nhiều, có chất tan ít trong nước
b) Tính tan trong nước của một số axit, bazơ và muối
- Hầu hết axit tan trong nước trừ axit silixic (H2SiO3)
- Bazơ hầu hết không tan trong nước trừ KOH, NaOH, Ba(OH)2 còn Ca(OH)2 ít tan
- Muối:
+ Muối của Na, K đều tan như KCl, NaNO3, ...
+ Muối nitrat đều tan như Ba(NO3)2, Mg(NO3)2
+ Phần lớn muối clorua, sunfat tan. Muối cacbonat đều không tan. Muối CuCl2 (tan), AgCl (không tan), K2SO4 (tan), BaSO4 (không tan)...
1.2. Độ tan của một chất trong nước
a) Định nghĩa
Độ tan (S) của một chất trong nước là số gam chất đó hòa tan trong 100 gam H2O để tạo thành dung dịch bão hòa ở nhiệt độ xác định.
b) Những yếu tố ảnh hưởng đến độ tan
- Độ tan của chất rắn phụ thuộc vào nhiệt độ. Nhiệt độ càng cao thì độ tan càng lớn
- Độ tan của chất khí phụ thuộc vào nhiệt độ và áp suất. Nhiệt độ và áp suất càng lớn thì độ tan càng lớn.
Ví dụ: Ta tiến hành thí nghiệm hòa tan của chất khí khi tăng áp suất. Với cùng lượng chất khí và nước nhưng ta lần lượt giảm thể tích ở bình 2 và 3 theo mức độ tăng dần như hình vẽ:
Nhận xét: Nhiệt độ và áp suất càng lớn thì độ tan càng lớn ⇒ Lượng khí hòa tan trong bình 3 là nhiều nhất
2. Bài tập minh họa
2.1. Dạng 1: Giải thích một số hiện tượng
Bài 1: Tại sao khi mở nắp chai nước ngọt thì có ga?
Hướng dẫn giải
Tại nhà máy, khi sản xuất người ta nén khí cacbonic vào các chai nước ngọt ở áp suất cao rồi đóng nắp chai nên khí cacbonnic tan bão hòa vào nước ngọt. Khi ta mở chai nước ngọt áp suất trong chai giảm, độ tan của khí cacbonic giảm nên khí cacbonic thoát ra ngoài kéo theo nước.
Bài 2: Em hãy giải thích tại sao trong các hồ cá cảnh hoặc các đầm nuôi tôm người ta phải “Sục” không khí vào hồ nước.
Hướng dẫn giải
Do khí oxi ít tan trong nước nên người ta “Sục” không khí nhằm hòa tan nhiều hơn khí oxi giúp tôm, cá hô hấp tốt hơn. Từ đó nâng cao năng suất.
2.2. Dạng 2: Xác định độ tan của chất
Bài 1: Xác định độ tan của muối NaCl trong nước ở 200C. Biết rằng ở 200C khi hòa tan hết 60g NaCl trong 200g nước thì thu được dung dịch bão hòa.
Hướng dẫn giải
Độ tan (S) của một chất trong nước là số gam chất đó hòa tan trong 100 gam H2O để tạo thành dung dịch bão hòa ở nhiệt độ xác định.
Đề bài cho 200 gam nước nên ta có:
60 gam NaCl hòa tan trong 200 gam nước
? gam NaCl → trong 100 gam nước
Vậy độ tan có giá trị là:
\(\frac{{60.100}}{{200}} = 30(gam)\)
Bài 2: Tìm khối lượng đường cần dùng để hòa tan vào 250 gam nước ở 200C để tạo thành dung dịch bão hòa. Biết ở 200C độ tan của đường là 200 gam.
Hướng dẫn giải
Dữ kiện cho độ tan của đường là 200 gam có nghĩa là:
Cứ 100 gam nước sẽ hòa tan 200 gam đường
Vậy 250 gam nước → ? gam đường
Vậy khối lượng đường cần dùng để tạo thành dung dịch bão hòa là:
\(\frac{{250.200}}{{100}} = 500(gam)\)
3. Luyện tập
3.1. Bài tập tự luận
Câu 1: Độ tan của NaCl trong nước là 25°C là 36 g. Khi mới hòa tan 15 g NaCl và 50 g nước thì phải hoà tan thêm bao nhiêu gam NaCl dể dung dịch bão hòa?
Câu 2: Tính độ tan của K2CO3 trong nước ở 20°C. Biết rằng ở nhiệt độ nàu hòa tan hét 45 gam muối trong 150 gam nước thì dung dịch bão hòa?
Câu 3: Hoà tan 14,36g NaCl vào 40g nước ở nhiệt độ 200C thì được dung dịch bão hoà. Độ tan của NaCl ở nhịêt độ đó là?
Câu 4: Ở 200C hoà tan 40g KNO3 vào trong 95g nước thì được dung dịch bão hoà. Độ tan của KNO3 ở nhiệt độ 200C là?
3.2. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1: Axit không tan trong nước là
A. H2SO4
B. H3PO4
C. HCl
D. H2SiO3
Câu 2: Bazo không tan?
A. Cu(OH)2
B. Ca(OH)2
C. Ba(OH)2
D. NaOH
Câu 3: Chọn kết luận đúng
A. Muối clorua đều là muối tan
B. Muối sắt là muối tan
C. Muối của kim loại kiềm đều là muối tan
D. BaSO4 là muối tan
Câu 4: Độ tan của chất rắn phụ thuộc vào
A. Nhiệt độ
B. Áp suất
C. Loại chất
D. Môi trường
Câu 5: Độ tan là gì
A. Số kilogam chất đó tan được trong một lít nước để tạo ra dung dich bão hòa để nhiệt độ xác định
B. Là số gam chất đó tan ít nhất trong 100 g nước để tạo thành dung dich bão hòa ở nhiệt độ xác định
C. Là số gam chất đó tan nhiều nhất trong 100 g nước để tạo thành dung dich bão hòa nhiệt độ xác định
D. Là số gam chất đó không tan trong 100 g nước để tạo thành dung dich bão hòa ở nhiệt độ xác định
4. Kết luận
Sau bài học cần nắm:
- Chất tan và chất không tan
- Độ tan của một chất trong nước