Soạn bài Treo biển Ngữ văn 6 đầy đủ

Nội dung bài soạn dưới đây nhằm giúp các em bước đầu định nghĩa được truyện cười. Đồng thời, tài liệu dưới đây còn giúp các em hiểu được nội dung và ý nghĩa của truyện cười "Treo biển". Mời các em cùng tham khảo nhé!

Soạn bài Treo biển Ngữ văn 6 đầy đủ

1. Soạn câu 1 trang 125 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

Nhận xét nội dung và vai trò của tấm biển treo ở cửa hàng trong truyện:

- Nội dung tấm biển treo ở cửa hàng “Ở đây bán cá tươi" có bốn yếu tố.

- Vai trò của từng yếu tố:

+ Ở đây: có vai trò chỉ địa điểm.

+ Có bán: vai trò chỉ hoạt động của cửa hàng.

+ Cá: chỉ ra mặt hàng bán ra.

+ Tươi: chỉ chất lượng của hàng hóa.

2. Soạn câu 2 trang 125 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

Phân tích về những ý kiến mà khách hàng góp ý về cái biển cho chủ cửa hàng:

- Trong truyện tác giả đã xây dựng tình huống bằng cách cho bốn người khách đi ngang qua và nhận xét cái biển treo trước cửa hàng bán cá.

- Nhận xét tứng ý kiến cụ thể như sau:

+ Người đầu tiên đưa ra đề nghị bỏ chữ "tươi".

+ Người thứ hai đưa ra đề nghị bỏ chữ "ở đây”.

+ Người thứ ba đưa ra đề nghị bỏ chữ "có bán".

+ Người thứ tư đưa ra đề nghị bỏ nốt chữ "cá”.

-> Người chủ cửa hàng không suy xét trước sau mà tin vào những ý kiến góp ý của bốn vị khách đó. Đó là những ý kiến sai lầm hoàn toàn.

- Nếu bỏ chữ "tươi", là làm mất đi sự khẳng định chất lượng cao của sản phẩm nhà hàng, tuy nhiên cũng còn có thể được chấp nhận.

- Đến ý kiến thứ hai đòi bỏ từ chỉ địa điểm "ở đây" mà nhà hàng cũng nghe theo thì đã khiến nội dung biển có phần tối nghĩa và thiếu lịch sự đối với khách hàng.

- Khi bỏ đi cả chữ "có bán" chỉ để lại một từ "cá” là hết sức vô lí. Nó làm cho nội dung cái biển trở nên cụt lủn, tốì nghĩa.

- Có thể nhận thấy ý kiến cuối cùng làm bật lên tiếng cười cho người đọc, đề nghị cất nốt biển đi vì "ai đi tới gần dây đều chẳng ngửi thấy mùi cá tanh lộn lên mà còn phải để từ "cá". Nhà hàng lại nhắm mắt nghe theo không dùng biển nữa.

3. Soạn câu 3 trang 125 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

Phân tích những chi tiết đáng cười trong truyện cười "Treo biển":

- Truyện đã tạo nên cho người đọc những tiếng cười hài hước trong cuộc sống. Những chi tiết đáng cười: Sau mỗi lần góp ý, nhà hàng lần lượt bỏ đi các yếu tố trên biển quảng cáo, mà còn là “bỏ ngay” chứ không hề cân nhắc suy xét đến tình hợp lí của lời góp ý.

- Cái cười được bộc lộ rõ nhất khi “nhà hàng cất nốt cái biển”. Vì:

+ Tấm biển sau khi được nhận xét đã được chủ cửa hàng sửa đi sửa lại và cuối cùng là lược bỏ dần dần đến khi tưởng không còn ai bắt bẻ, cuối cùng lại cất nốt tấm biển. Sự thiếu chính kiến của ông chủ cửa hàng, tốn công sức và thời gian. Cái cười bộc lộ rõ nhất khi cửa hàng treo biển mà không hiểu ý nghĩa công việc của mình, mất chủ kiến.

+ Nhà hàng không hiểu ý nghĩa của việc treo biển, không tự chủ khi tiếp thu góp ý của người khác, không ý thức được việc làm cũng như việc sửa chữa biển.

+ Cất biển đồng nghĩa với việc khỏi bán hàng. Kết truyện mâu thuẫn với tên truyện.

4. Soạn câu 4 trang 125 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

Sau khi tìm hiểu truyện cười "Treo biển", chúng ta có thể rút ra ý nghĩa của truyện như sau:

- "Treo biển" là truyện cười nhằm phê phán những thói xấu trong cuộc sống, cái đáng cười ngay trong quần chúng nhân dân. Ở đây là tính chất thụ động, ba phải của chủ cửa hàng. Treo biển lên để quảng cáo là một công việc rất có ý nghĩa nhưng chính người chủ cửa hàng bán cá cũng không nhận thức được ý nghĩa đó, không có chủ kiến của mình, rốt cuộc treo lên rồi lại cất đi chỉ vì những ý kiến vô thưởng vô phạt. Việc làm khi đó vừa tốn công, phí sức lại vừa đáng chê cười.

- Câu chuyện cười trên nhằm giúp chúng ta rút ra được ý nghĩa rằng khi làm việc gì cũng phải suy nghĩ trước sau. Cũng có thể lắng nghe góp ý của người khác nhưng phải cẩn trọng suy xét đúng sai, phải có chủ kiến khi làm việc kẻo phí công vô ích, bị thiên hạ cười chê mà vẫn không mang lại kết quả việc làm như mong muốn.

- "Treo biển" một truyện cười ngắn nhưng lại có nội dung khá đặc sắc, truyện đã mang lại tiếng cười hài hươc nhưng cũng nhằm phê phán một cách nhẹ nhàng người làm việc không suy nghĩ kĩ càng, thiếu kiên định khi tiếp thu các ý kiến đóng góp của người khác. Khuyên người ta cẩn trọng, suy xét khi làm mọi việc, phải cân nhắc và chắt lọc ý kiến người khác một cách đúng đắn.

5. Soạn câu 1 luyện tập trang 125 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

Nếu nhà hàng bán cá trong truyện nhờ em làm lại cái biển, em sẽ có những góp ý như sau:

- Tiếp thu ý kiến của người thứ hai. Và bỏ hai từ ”ở đây” trên tấm biển đi vì nó thừa thông tin. Còn ý kiến của ba người còn lại không thỏa đáng nên không cần tiếp thu. Vì các chữ còn lại cung cấp thông tin về mặt hàng, chất lượng sản phẩm và hoạt động của cửa hàng.

- Qua truyện này, có thể rút ra bài học về cách dùng từ: Nên biết cách chọn lọc, dùng từ có nghĩa, có đủ các yếu tố truyền đạt thông tin cho khách hàng. Không nên sửa theo ý kiến người khác mà không cân nhắc kĩ về mặt ngữ nghĩa.

Ngày:06/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM