Soạn bài Ẩn dụ Ngữ văn 6 đầy đủ

Nội dung bài soạn dưới đây nhằm giúp các em nắm được khái niệm ẩn dụ và các kiểu ẩn dụ. Từ đó, các em có thể nhận diện và phân tích phép ẩn dụ trong một văn bản cụ thể. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Soạn bài Ẩn dụ Ngữ văn 6 đầy đủ

1. Ẩn dụ là gì?

1.1. Soạn câu 1 trang 68 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

"Anh đội viên nhìn Bác

Càng nhìn lại càng thương

Người Cha mái tóc bạc

Đốt lửa cho anh nằm".

(Minh Huệ)

-> Người cha trong khổ thơ dùng chỉ Bác Hồ. Có thể ví như vậy bởi tình thương của Bác với bộ đội vĩ đại như tình yêu của người cha đối với con.

1.2. Soạn câu 2 trang 68 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

- Cách nói trên có điểm giống với phép so sánh nếu chúng ta liên tưởng và viết thành câu: Bác Hồ là người Cha.

- Tuy nhiên phép so sánh đã cho trong ngữ liệu trên cũng có sự khác nhau, chúng ta có thể rõ rằng phép so sánh đó không xuất hiện trên văn bản vế A (vế được so sánh) mà chỉ có vế B (vế dùng đế so sánh), nói cách khác, đây là phép so sánh ngầm.

2. Các kiểu ẩn dụ

2.1. Soạn câu 1 trang 68 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

"Về thăm nhà Bác làng Sen,

Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng".

Chỉ ra các phép ẩn dụ có trong hai câu thơ trên:

- "Lửa hồng" -> chỉ màu đỏ của hoa râm bụt.

- "Thắp" -> chỉ hoa nở.

- Màu đỏ được ví với “lửa hồng” là vì hai sự vật ấy có hình thức tương đồng.

- Sự "nở hoa” được ví với hành động thắp là vì chúng giống nhau về cách thức thực hiện.

2.2. Soạn câu 2 trang 69 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

Cách dùng từ trong cụm từ in đậm dưới đây có gì đặc biệt so với cách nói thông thường:

"Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng".

-> Cụm từ "nắng giòn tan" đã khiến câu văn trên đặc biệt và độc đáo hơn rất nhiều, có thể nhận thấy rằng với cách nói như vậy câu văn có một sự ví von kì lạ, vì giòn tan là âm thanh, đối tượng của vị giác (miệng) lại được dùng cho đối tượng của thị giác. Ở đây có sự chuyển đổi cảm giác từ vị giác sang thị giác.

2.3. Soạn câu 3 trang 69 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

Liệt kê các cách thức thực hiện phép ẩn dụ:

- Ẩn dụ dựa vào sự tương đồng về hình thức giữa các sự vật, hiện tượng (ẩn dụ hình thức). 

- Ẩn dụ dựa vào sự tương đồng về cách thức thực hiện hành động (ẩn dụ cách thức). 

- Ẩn dụ dựa vào sự tương đồng về phẩm chất giữa các sự vật, hiện tượng (ẩn dụ phẩm chất). 

- Ẩn dụ dựa vào sự tương đồng về cảm giác (ẩn dụ chuyển đổi cảm giác).

3. Luyện tập

3.1. Soạn câu 1 trang 69 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

So sánh đặc điểm và tác dụng của ba cách diễn đạt sau đây:

- Cách 1:

"Bác Hồ mái tóc bạc

Đốt lửa cho anh nằm"

- Cách 2:

"Bác Hồ như Người Cha

Đốt lửa cho anh nằm"

Cách 3:

"Người Cha mái tóc bạc

Đốt lửa cho anh nằm"

- Nhìn chung những cách diễn đạt trên có sự khác nhau về phép tu từ khi sử dụng, chúng ta thấy rằng trong cách đầu tiên thì chỉ đơn thuần diễn đạt về Bác Hồ có mái tóc bạc và đốt lửa cho các chiến sĩ. Đến với cách thứ hai có sử dụng so sánh (Bác Hồ như Người cha - Đốt lửa cho anh nằm), cách thứ ba có sử dụng ẩn dụ (Người Cha mái tóc bạc/ Đốt lửa cho anh nằm).

- Cách diễn đạt có dùng so sánh và ẩn dụ tạo cho câu nói có hình tượng, giàu cảm xúc hơn so với cách nói bình thường và ẩn dụ làm cho câu nói hàm súc cao hơn so sánh.

3.2. Soạn câu 2 trang 70 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

Chỉ ra phép ẩn dụ trong những ngữ liệu sau:

a. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

- "Ăn quả" có điểm tương đồng về những công lao, thành quả được con người làm ra.

- "Kẻ trồng cây" có nét tương đồng về phẩm chất với người lao động, người tạo ra thành quả. 

b. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.

- "Mực, đen" có điểm tương đồng về những điều tốt và xấu trong cuộc sống.

- "Đèn, sáng" có nét tương đồng về phẩm chất với cái tốt, cái hay.

c. Thuyền về có nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.

- "Thuyền" chỉ người đi xa.

- "Bến" chỉ người ở lại.

d. Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/ Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

- "Mặt trời" chính là hình ảnh mang ý nghĩa ẩn dụ, ý nói đến Bác Hồ như ánh mặt trời rực rỡ kia, Bác đã đem lại cho đất nước và tộc những thành quả cách mạng vô cùng to lớn, ấm áp, tươi sáng như mặt trời.

3.3. Soạn câu 3 trang 70 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

Liệt kê những ẩn dụ chuyển đổi cảm giác có trong những ngữ liệu sau:

a. "Buổi sáng, mọi người đổ ra đường. Ai cũng muốn ngẩng lên cho thấy mùi hồi chín chảy qua mặt".

(Tô Hoài)

-> "Thấy mùi mồ hôi chín chảy qua mặt" -> từ khứu giác chuyển sang thị giác.

b.

"Cha lại dắt con đi trên cát mịn

Ánh nắng chảy đầy vai".

(Hoàng Trung Thông)

-> "Ánh nắng chảy đầy vai" -> từ xúc giác chuyển sang thị giác.

c.

"Ngoài thềm rơi chiếc lá đa

Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng".

(Trần Đăng Khoa)

-> "Tiếng rơi rất mỏng" -> từ thính giác chuyển thành xúc giác.

d.

"Em thấy cả trời sao

Xuyên qua từng kẽ lá

Em thấy cơn mưa rào

Ướt tiếng cười của bố".

(Phan Thế Cải)

-> "Ướt tiếng cười của bố" -> từ xúc giác, thị giác chuyển thành thính giác.

Ngày:04/01/2021 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM