Hội chứng mất thính lực - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Mất thính lực hay còn gọi là điếc, được biết đến như tình trạng mà người bệnh không thể nghe thấy âm thanh một phần hoặc hoàn toàn ở một hoặc cả hai bên tai. Vậy nguyên nhân nào gây mất tính lực? Cách điều trị bệnh như thế nào? Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Hội chứng mất thính lực - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Mất thính lực là bệnh gì?

Mất thính lực (khiếm thính) hay còn gọi là điếc, được biết đến như tình trạng mà người bệnh không thể nghe thấy âm thanh một phần hoặc hoàn toàn ở một hoặc cả hai bên tai.

Lão hóa và tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn lớn là những yếu tố chính góp phần gây mất thính lực. Các yếu tố khác, chẳng hạn như ráy tai quá nhiều, có thể tạm thời làm tai dẫn truyền âm thanh kém.

Thính lực không thể phục hồi trong hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, bạn có thể trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia để cải thiện thính lực.

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh mất thính lực?

Các triệu chứng thường gặp của bệnh bao gồm:

Không nghe được tiếng và các âm thanh; Gặp khó khăn trong việc hiểu từ ngữ, đặc biệt là khi có tiếng ồn xung quanh hoặc ở trong đám đông; Khó nghe các phụ âm; Thường xuyên yêu cầu người khác nói chậm, rõ ràng và lớn tiếng hơn; Cần phải tăng âm lượng khi xem truyền hình hoặc nghe đài phát thanh; Không thể tham gia vào hội thoại; Cảm thấy một số âm thanh dường như quá lớn; Khó khăn khi theo suốt cuộc trò chuyện có hai hoặc nhiều người đang nói chuyện với nhau; Khó nói âm cao độ như “s” hoặc “th”; Cảm thấy nghe tiếng của đàn ông dễ hơn của phụ nữ; Nghe những âm thanh như tiếng lầm bầm, líu nhíu; Cảm giác bị mất thăng bằng hoặc chóng mặt (thường gặp hơn trong bệnh Meniere và u dây thần kinh thính giác); Cảm thấy có áp lực trong tai (ở chất lỏng phía sau màng nhĩ); Có âm thanh vo vo hay ù tai.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến khám bác sĩ nếu nằm trong những trường hợp sau đây:

Những vấn đề ở tai ảnh hưởng cuộc sống; Bệnh không biến mất hoặc trở nên tồi tệ hơn; Một tai nghe tệ hơn tai kia; Mất thính lực đột ngột, nặng hoặc ù tai; Các triệu chứng khác như đau tai đi kèm các vấn đề về âm thanh; Đau đầu, suy nhược hoặc bị tê bất cứ nơi nào trên cơ thể.

Nếu bạn bị mất thính giác đột ngột, đặc biệt là ở một bên tai, hãy tìm gặp bác sĩ ngay lập tức.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh mất thính lực?

Điếc dẫn truyền xảy ra do một vấn đề cơ học ở tai ngoài hoặc tai giữa. Nguyên nhân gây điếc dẫn truyền thường có thể điều trị được, bao gồm:

Tích tụ ráy tai trong ống tai; Hư hại các xương nhỏ ngay phía sau màng nhĩ; Dịch tồn đọng trong tai sau khi bị nhiễm trùng; Dị vật mắc kẹt trong ống tai; Lỗ trên màng nhĩ; Vết sẹo trên màng nhĩ do nhiễm trùng tái phát.

Điếc cảm nhận xảy ra khi các tế bào lông chuyển (đầu tận dây thần kinh, có chức năng phát hiện âm thanh) ở trong tai bị thương  không hoạt động chính xác hoặc đã chết. Điếc cảm nhận là loại mất thính lực thường không thể phục hồi do:

U dây thần kinh thính giác; Mất thính lực liên quan đến tuổi tác; Nhiễm trùng lúc nhỏ, chẳng hạn như viêm màng não, quai bị, sốt ban đỏ và sởi; Bệnh Meniere; Việc tiếp xúc thường xuyên với tiếng ồn lớn (từ nơi làm việc hay giải trí); Một số loại thuốc.

Mất thính lực có thể xuất hiện khi sinh ra (bẩm sinh) và có thể là do:

Dị tật bẩm sinh gây ra những thay đổi trong cấu trúc tai; Các bệnh lý di truyền (hơn 400 bệnh đã được biết đến); Nhiễm trùng từ mẹ sang bé trong thời kì mang thai (như nhiễm toxoplasma, rubella hoặc herpes).

Tai cũng có thể bị tổn thương bởi:

Sự khác biệt áp suất giữa bên trong và bên ngoài màng nhĩ, thường do lặn biển; Nứt xương sọ (có thể làm hỏng cấu trúc hoặc dây thần kinh của tai); Chấn thương từ các vụ nổ, pháo hoa, tiếng súng, buổi hòa nhạc rock và tai nghe.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh mất thính lực?

Mất thính lực có thể ảnh hưởng tới mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh mất thính lực?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh này, chẳng hạn như:

  • Lão hóa: sự thoái hóa cấu trúc rất nhỏ ở tai trong, xảy ra theo thời gian;
  • Tiếng ồn lớn: tiếp xúc với âm thanh lớn có thể gây hại cho các tế bào tai trong. Tổn thương có thể xảy ra khi tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn lớn hoặc từ một tiếng nổ ngắn, chẳng hạn như từ tiếng súng;
  • Yếu tố di truyền: cấu trúc di truyền có thể làm cho bạn dễ bị tổn thương tai do âm thanh hoặc suy giảm do tuổi già;
  • Tiếng ồn nơi làm việc: âm thanh từ môi trường làm việc chẳng hạn như nơi đồng ruộng, công trình xây dựng, nhà máy, v.v. có thể dẫn đến tổn thương bên trong tai;
  • Tiếng ồn khác: khi tiếp xúc với tiếng ồn đột ngột, chẳng hạn như âm thanh từ vũ khí và động cơ phản lực có thể gây mất thính lực tạm thời hoặc vĩnh viễn. Các hoạt động giải trí khác với mức độ tiếng ồn nguy hiểm bao gồm trượt tuyết, đua xe máy hay nghe nhạc quá lớn;
  • Một số loại thuốc: thuốc kháng sinh gentamicin và một số thuốc hóa trị liệu khác có thể làm tổn thương tai trong. Thính giác sẽ bị ảnh hưởng tạm thời nếu bạn dùng aspirin liều cao hoặc các thuốc giảm đau, thuốc chống sốt rét hoặc thuốc lợi tiểu quai khác;
  • Một số bệnh: dẫn đến sốt cao, chẳng hạn như viêm màng não, có thể làm hư ốc tai.

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh mất thính lực?

Các xét nghiệm để chẩn đoán mất thính lực bao gồm:

  • Khám sức khỏe: bác sĩ sẽ tìm trong tai các nguyên nhân có thể gây mất thính lực, chẳng hạn như ráy tai hoặc viêm nhiễm. Bác sĩ cũng sẽ tìm kiếm bất cứ nguyên nhân về cấu trúc tai gây ra các vấn đề về thính giác;
  • Xét nghiệm sàng lọc chung: bác sĩ có thể yêu cầu bịt một tai tại một thời điểm để xem cách bạn nghe những từ được nói ở các âm lượng khác nhau và cách nhận biết những âm thanh khác;
  • Kiểm tra âm thoa: âm thoa là dụng cụ kim loại phát ra âm thanh khi đập vào. Các kiểm tra đơn giản với âm thoa có thể giúp bác sĩ phát hiện nguyên nhân mất thính lực là do hư hại màng nhĩ ở tai giữa, hư hại các điểm cảm biến hoặc dây thần kinh ở tai trong hoặc hư hại cả hai;
  • Đo thính lực: trong khi thực hiện các kiểm tra thính lực, bạn sẽ đeo tai nghe và nghe âm thanh trực tiếp ở một bên tai tại một thời điểm. Các bác sĩ đưa một loạt các âm thanh có tông khác nhau và yêu cầu bạn ra hiệu mỗi khi nghe thấy âm thanh. Mỗi tông được lặp lại ở các mức độ giảm dần để tìm ra khi nào thì bạn có thể còn nghe thấy. Các bác sĩ cũng sẽ cho nhiều từ khác nhau để xác định khả năng nghe của bạn.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh mất thính lực?

Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mất thính lực. Các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Loại bỏ ráy tai: bác sĩ sẽ loại bỏ bằng cách làm mềm ráy tai với dầu và sau đó tách và hút ra; Phẫu thuật: sẽ cần thiết nếu bạn đã có thương tổn ở tai do chấn thương hoặc nhiễm trùng tái đi tái lại làm chèn các ống nhỏ giúp dẫn lưu tai;
  • Thiết bị trợ thính: nếu bạn mất thính lực là do tổn hại tai trong, máy trợ thính có thể giúp ích bằng cách làm cho âm thanh cường độ lớn hơn và làm cho bạn nghe dễ dàng hơn. Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về những lợi ích tiềm năng của việc sử dụng máy trợ thính, hướng dẫn thiết bị phù hợp;
  • Cấy ghép ốc tai: nếu mất thính lực mức độ nặng, bạn có thể lựa chọn biện pháp cấy ghép ốc tai. Không giống như máy trợ thính chỉ khuếch đại âm thanh và hướng âm thanh vào ống tai, cấy ghép ốc tai bù đắp cho các bộ phận bị hư hỏng hoặc không hoạt động ở tai trong. Nếu bạn đang cân nhắc sẽ cấy ghép ốc tai, hãy thảo luận với bác sĩ tai mũi họng về những rủi ro và lợi ích mà biện pháp này mang lại.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh mất thính lực?

 Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

Dùng tiêm bơm tai (có bán trong các tiêm thuốc) và nước ấm để nhẹ nhàng lấy ráy tai ra. Bạn có thể dùng đến dung dịch làm mềm ráy như cerumenex nếu ráy khó lấy và mắc kẹt trong tai; Cẩn thận khi loại bỏ các vật lạ ra khỏi tai. Nhân viên y tế sẽ giúp bạn loại bỏ các vật đó khi không thể dễ dàng lấy chúng ra. Bạn không được sử dụng cụ sắc nhọn để loại bỏ các vật lạ.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh mất thính lực, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị. eLib.VN khuyến khích các bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời khi có những triệu chứng như trên!

Ngày:01/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM