Dị vật trong mũi - triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Dị vật trong mũi rất thường gặp phải ở trẻ em do tính hiếu động, tò mò để khám phá mọi thứ trong thế giới xung quanh của chúng. Do đó, một trong những mối lo ngại của nhiều bậc phụ huynh là tình trạng trẻ nhỏ thường cho vật lạ vào miệng, mũi hoặc tai. Đôi khi, trẻ sẽ không gặp phải vấn đề gì nhưng cũng có trường hợp nghiêm trọng xảy ra. Ví dụ, dị vật trong mũi có thể dẫn đến nguy cơ nghẹt thở hay nhiễm trùng đường hô hấp rất nguy hiểm, thậm chí gây tử vong. Cùng eLib.VN tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Dị vật trong mũi - triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Hầu hết trường hợp dị vật trong mũi không quá nghiêm trọng và thường xảy ra ở trẻ đang tập đi hay ở độ tuổi từ 1–8. Trẻ nhỏ bắt đầu có khả năng cầm, nắm và nhặt đồ vật từ 9 tháng tuổi nên tình trạng có dị vật trong mũi ít thấy ở trẻ nhỏ hơn độ tuổi này.

Một vật thể lạ bị mắc kẹt trong mũi có khi không gây ra triệu chứng khác thường lúc đầu nhưng vẫn cần được phát hiện và loại bỏ càng sớm càng tốt. Nếu không, dị vật có thể gây nhiễm trùng tại chỗ và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Hơn thế nữa, dị vật trong mũi có khi đi xuống miệng và trẻ sẽ nuốt vào dạ dày hoặc nguy hiểm hơn dị vật có thể rớt vào phổi và gây tắc nghẽn đường hô hấp.

Những dị vật thường mắc kẹt trong mũi là gì?

Những vật thể lạ mà trẻ nhỏ thường đưa vào mũi bao gồm:

Mảnh đồ chơi nhỏ Cục gôm (tẩy) nhỏ Khăn giấy Đất sét (đất nặn) Thức ăn Đá cuội Bụi bẩn Bông tai nam châm Pin cúc áo

Trong đó, pin cúc áo (thường có trong đồng hồ hay các đồ chơi điện tử nhỏ) là vật cần được để xa tầm tay trẻ em. Các viên pin này có thể gây ra thương tổn nghiêm trọng cho đường mũi trong ít nhất 4 giờ đồng hồ.

Cặp nam châm dùng làm bông tai hay gắn ở mũi cũng có khả năng gây tổn thương mô ở đường thở. Quá trình đó thường xảy ra trong một vài tuần.

2. Triệu chứng

Dị vật trong mũi có thể gây ra một số dấu hiệu và triệu chứng, ngay khi bạn không thể nhìn thấy vật thể lạ đó. Đối với người lớn, dị vật có thể dễ được cảm nhận thấy và loại bỏ nhanh chóng, kịp thời. Nếu nghiêm trọng hơn, bạn cũng dễ dàng chủ động đến gặp bác sĩ để giúp xử lý dị vật.

Tuy nhiên, trẻ em lại dễ gặp phải tình trạng nguy hiểm khi chúng không tự nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vật lạ trong mũi. Một số biểu hiện có thể khiến bạn nghi ngờ trẻ có dị vật trong mũi bao gồm:

Chảy nước mũi

Khi có dị vật mắc kẹt trong đường mũi sẽ kích thích niêm mạc mũi tiết chất nhầy, gây chảy nước mũi. Khi đó, nước mũi có thể trong, có màu xám hay có máu. Nếu bạn ngửi thấy mùi hôi từ nước mũi chảy ra thì đó có thể là dấu hiệu nhiễm trùng.

Đôi khi, dị vật còn làm trầy xước niêm mạc trong mũi, dẫn đến chảy máu mũi. Thế nhưng, phần lớn trường hợp máu chảy ngược vào trong và bị nuốt xuống họng. Mùi máu thường dễ gây buồn nôn và có thể khiến nôn ra máu.

Khó thở

Trẻ có thể cảm thấy khó thở khi có dị vật trong mũi. Điều này xảy ra khi vật lạ có kích thước đủ lớn gây tắc nghẽn đường thở, khiến không khí khó di chuyển vào và ra.

Bạn cũng có khi nghe thấy âm thanh như huýt sáo khi trẻ thở bằng mũi. Dị vật làm chặn bớt khoang mũi có khả năng tạo ra âm thanh như vậy.

3. Nguyên nhân

Phần lớn dị vật trong mũi trẻ em xuất hiện vì nhiều lý do, hầu hết đều là hành động chủ ý do sự tò mò của trẻ. Điều quan trọng là bạn không nên la mắng khi phát hiện trẻ có hành động cho vật lạ vào miệng, mũi hay tai vì chúng có thể sẽ lo sợ mà không thông báo vấn đề đang gặp phải. Điều đó khiến việc phát hiện ra dị vật chậm trễ hơn.

Tai nạn cũng có thể là lý do khiến vật lạ bị đẩy vào bên trong mũi. Khi trẻ bị té ngã hay bị đánh vào mặt, vật thể lạ có khả năng vô tình đi vào trong khoang mũi và mắc kẹt lại ở đó mà không hay biết.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán dị vật trong mũi?

Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu nghi ngờ có dị vật trong mũi chúng. Lúc đó, bác sĩ sẽ yêu cầu trẻ nằm ngửa ra và dùng đèn chiếu sáng soi vào lỗ mũi và tìm kiếm dị vật.

Nếu nghi ngại về việc dị vật chui sâu vào bên trong khoang mũi, bác sĩ có thể đề nghị tiến hành chụp CT. Đôi khi, dị vật được phát hiện tình cờ trong khi chụp X-quang vì một lý do khác không liên quan. Tuy nhiên, các vật thể bằng gỗ, nhựa hay thực phẩm sẽ không nhìn thấy được trên kết quả chụp X-quang thông thường.

Khi vẫn còn lo lắng, bạn có thể yêu cầu kiểm tra toàn bộ vùng đầu, cổ của trẻ. Dị vật đôi khi xuất hiện ở cả hai lỗ mũi hay bên trong tai.

Bạn nên làm gì khi phát hiện dị vật trong mũi?

Nếu thấy có hoặc nghi ngờ dị vật kẹt bên trong mũi:

Không nên cố lấy dị vật ra ngoài bằng tăm bông hay các dụng cụ không chuyên dụng khác. Đừng cố hít vào thật mạnh khi có dị vật bên trong mũi. Thay vào đó, bạn nên thở bằng đường miệng cho đến khi dị vật được lấy ra ngoài. Hỉ mũi một cách nhẹ nhàng để dị vật có thể rơi ra ngoài. Lưu ý, không nên dùng sức quá mạnh để hỉ mũi hay lặp đi lặp lại nhiều lần. Nếu chỉ có một bên mũi có dị vật, hãy ấn nhẹ bên mũi không bị ảnh hưởng rồi thở nhẹ qua lỗ mũi còn lại (đang có dị vật). Nhẹ nhàng loại bỏ dị vật bằng nhíp nếu bạn có thể nhìn thấy chúng rõ ràng. Đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

5. Phòng ngừa

Hãy luôn quan sát trẻ trong lúc chúng vui chơi để kịp thời ngăn chặn các hành động đưa đồ vật lên miệng, mũi, tai. Hạn chế mua những đồ dùng hay đồ chơi có chi tiết quá nhỏ cho trẻ. Đồng thời, bạn không nên la mắng trẻ nếu bắt gặp chúng đưa vật lạ lên mặt.

Với những trẻ lớn hơn, bạn có thể nhẹ nhàng giải thích về chức năng của đường hô hấp và những nguy hiểm có thể gặp phải nếu đưa vật lạ vào trong mũi.

Ngoài ra, bạn cũng không nên để trẻ vừa ăn vừa chơi hay cười nói trong khi ăn uống để tránh tình trạng sặc dẫn đến các mảnh đồ ăn di chuyển nhầm vào đường hô hấp. Giữ các đồ vật nhỏ, nguy hiểm tránh xa tầm tay của trẻ em.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến dị vật trong mũi, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:06/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM