Bệnh ung thư hạ hầu - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Ung thư hầu dưới là tình trạng các tế bào ác tính (ung thư) hình thành trong các mô của hạ hầu. Đây là một loại ung thư vùng đầu và cổ. Mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh nhé!

Bệnh ung thư hạ hầu - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Ung thư hạ hầu là bệnh gì?

Hạ hầu là phần dưới cùng của hầu (họng). Hầu là một ống rỗng dài khoảng 12,7 cm bắt đầu từ phía sau mũi, đi xuống cổ, kết thúc ở phía trên của khí quản (ống gió) và thực quản (ống đi từ họng đến dạ dày). Không khí và thức ăn đi qua hầu rồi đến khí quản hoặc thực quản.

Ung thư hầu dưới là tình trạng các tế bào ác tính (ung thư) hình thành trong các mô của hạ hầu. Đây là một loại ung thư vùng đầu và cổ.

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ung thư hạ hầu là gì?

Các triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư hạ hầu là:

Đau họng kéo dài; Đau tai; Có u ở cổ; Nuốt đau hoặc nuốt khó; Giọng nói thay đổi.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh ung thư hạ hầu?

Các chuyên gia không biết nguyên nhân gì gây ra ung thư thanh quản hay ung thư hạ hầu.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc bệnh ung thư hạ hầu?

Ung thư hạ hầu có thể ảnh hưởng đến bất kì ai trong mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư hạ hầu?

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư hạ hầu, chẳng hạn như:

Sử dụng thuốc lá (hút hoặc nhai); Sử dụng rượu nhiều; Thiếu chất dinh dưỡng trong chế độ ăn; Hội chứng Plummer-Vinson (một rối loạn liên quan đến thiếu máu do thiếu chất sắt nghiêm trọng, lâu ngày).

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh ung thư hạ hầu?

Các xét nghiệm và thủ thuật sau đây có thể được sử dụng:

Khám họng. Bác sĩ sẽ khám các hạch bạch huyết bị sưng ở cổ và quan sát cổ họng bằng một tấm gương nhỏ, để tìm xem có chỗ nào bất thường không; CT scan. Bác sĩ sử dụng một máy tính liên kết với máy chụp X-quang để dựng nên các hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể, từ nhiều góc độ khác nhau. Trước đó, bác sĩ có thể tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch của bạn hoặc cho bạn uống để giúp các cơ quan hoặc các mô hiện lên rõ ràng hơn; Chụp PET (chụp xạ hình cắt lớp). Thủ thuật này giúp tìm các tế bào u ác tính trong cơ thể. Bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ glucose phóng xạ (đường) vào tĩnh mạch của bạn. Máy PET sẽ quay quanh cơ thể và tạo ra hình ảnh những nơi có glucose. Các tế bào u ác tính hiển thị sáng hơn trong hình ảnh vì chúng nổi bật hơn và hấp thu thêm glucose so với tế bào bình thường. Chụp PET và chụp CT có thể được thực hiện cùng một lúc; MRI (chụp cộng hưởng từ). Bác sĩ sẽ sử dụng một nam châm, sóng radio và một máy tính để thiết lập một loạt các hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể; Xạ hình xương. Thủ thuật này giúp kiểm tra xem có sự phân chia nhanh chóng của tế bào không, chẳng hạn như tế bào ung thư trong xương. Bác sĩ sẽ tiêm cho bạn một lượng rất nhỏ vật liệu phóng xạ vào tĩnh mạch và lưu thông qua các mạch máu. Máy quét sẽ phát hiện các vật liệu phóng xạ khi chúng tập trung trong xương; Chụp thực quản cản quang. Bác sĩ sẽ cho bạn uống một cốc chất chứa barium (hợp chất kim loại màu trắng bạc). Chất lỏng này sẽ bám vào lòng thực quản để bác sĩ tiến hành chụp X-quang; Nội soi. Thủ thuật này giúp kiểm tra các vùng trong họng mà không thể nhìn thấy bằng gương soi khi khám họng. Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi (ống mỏng, có ánh sáng) qua mũi hoặc miệng để kiểm tra xem cổ họng có gì bất thường không. Bác sĩ có thể lấy mẫu mô để làm sinh thiết; Nội soi thực quản. Thủ thuật này giúp nhìn vào thực quản kiểm tra xem có chỗ nào bất thường không. Bác sĩ sẽ đưa ống soi thực quản (ống mỏng, có ánh sáng) qua miệng hay mũi và xuống họng để vào thực quản. Bác sĩ có thể lấy mẫu mô để làm sinh thiết; Nội soi phế quản. Thủ thuật này giúp nhìn vào khí quản và các đường dẫn khí lớn để kiểm tra xem có chỗ nào bất thường không. Bác sĩ sẽ đưa ống soi phế quản (ống mỏng, có ánh sáng) được đưa qua miệng hay mũi xuống khí quản và phổi. Bác sĩ có thể lấy mẫu mô để làm sinh thiết; Sinh thiết. Bác sĩ sẽ lấy các tế bào hoặc mô để kiểm tra dưới kính hiển vi xem có các dấu hiệu ung thư không.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh ung thư hạ hầu?

Lựa chọn điều trị phụ thuộc vào những điều sau đây:

Giai đoạn ung thư; Duy trì khả năng nói chuyện, ăn và hít thở của bệnh nhân bình thường nhất có thể; Tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Bệnh nhân bị ung thư hạ hầu sẽ có nguy cơ hình thành ung thư thứ hai ở đầu và cổ. Điều quan trọng là bạn cần theo dõi thường xuyên.

Giai đoạn I

Ở giai đoạn I, việc điều trị có thể bao gồm cắt hạ hầu (loại bỏ một phần của hầu) và phẫu thuật để loại bỏ các hạch bạch huyết hoặc các mô khác ở cổ. Một số bệnh nhân có di căn các hạch bạch huyết cổ có thể áp dụng liệu pháp xạ trị sau phẫu thuật. Một phương án điều trị khác là bạn chỉ cần áp dụng liệu pháp xạ trị để điều trị ung thư hạ hầu.

Giai đoạn II

Điều trị ung thư hạ hầu ở giai đoạn II có thể bao gồm cắt hạ hầu thanh quản toàn phần hay một phần (loại bỏ thanh quản và hầu) và phẫu thuật để loại bỏ các hạch bạch huyết hoặc các mô khác của cổ. Bệnh nhân có di căn các hạch bạch huyết ở cổ có thể áp dụng liệu pháp xạ trị sau phẫu thuật. Hóa trị cũng có thể được thực hiện trong thời gian xạ trị. Một lựa chọn điều trị khác là hóa trị, sau đó là xạ trị hoặc phẫu thuật, tùy thuộc vào phản ứng của khối u với hóa trị.

Giai đoạn III và giai đoạn IV

Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

Xạ trị trước hoặc sau phẫu thuật, có hoặc không có hóa trị; Hóa trị sau phẫu thuật hoặc xạ trị; Hóa trị được thực hiện cùng lúc với xạ trị; Phẫu thuật sau hóa trị được thực hiện cùng lúc với xạ trị; Phẫu thuật tái tạo để hỗ trợ ăn uống, hít thở hoặc cắt hạ hầu toàn phần hay một phần.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh ung thư hạ hầu?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

Sống lành mạnh. Bạn có thể thiết lập chế độ dinh dưỡng tốt hơn hoặc tập thể dục nhiều. Bạn có thể cắt giảm rượu hoặc bỏ thuốc lá cũng như luôn kiểm soát căng thẳng;

Nghỉ ngơi và tập thể dục khi có dấu hiệu mệt mỏi. Mệt mỏi quá độ là tình trạng rất phổ biến ở những người điều trị ung thư. Nhưng tập thể dục có thể giúp làm giảm mệt mỏi. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có kế hoạch tập luyện của mình. Hãy rủ bạn bè hoặc người thân cùng tham gia quá trình tập thể dục để không cảm thấy buồn chán.

Trên đây là một số thông tin về bệnh ung thư hạ hầu, hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn trong việc tìm hiểu và điều trị bệnh. Nếu có bất kì dấu hiệu và triệu chứng nào của bệnh, các bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời nhé!

Ngày:04/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM