Bệnh viêm amidan - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm amidan là tình trạng viêm và sưng amidan to, thường xảy ra do nhiễm trùng. Vậy bệnh lý này có nguy hiểm không? Cách điều trị và sinh hoạt nào phù hợp? Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Bệnh viêm amidan - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Bệnh viêm amidan là gì?

Viêm amidan là tình trạng viêm và sưng amidan to, thường xảy ra do nhiễm trùng. Bệnh này có thể để lại nhiều biến chứng và di chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi mắc bệnh, bạn không nên xem nhẹ và hãy nhanh chóng gặp bác sĩ để khám.

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng viêm amidan là gì?

Những dấu hiệu viêm amidan thường gặp bao gồm:

  • Đau họng;
  • Nuốt khó hoặc đau khi nuốt;
  • Giọng nói bị khàn;
  • Ho;
  • Hơi thở có mùi hôi ;
  • Sốt ;
  • Ăn không ngon;
  • Nhức đầu;
  • Cứng cổ;
  • Hàm và cổ đau do hạch bạch huyết sưng lên;
  • Amidan có màu đỏ và sưng lên, có đốm mủ trắng hay vàng;
  • Khó mở miệng;
  • Mệt mỏi.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến khám bác sĩ nếu nằm trong những trường hợp sau đây:

  • Sốt cao hơn 39,5°C ;
  • Yếu cơ ;
  • Cứng cổ ;
  • Đau họng và khó nuốt ;
  • Khó mở miệng ;
  • Khó thở.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương pháp thích hợp nhất.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ra viêm amidan là gì?

Nguyên nhân gây viêm amidan gồm có:

  • Nhiễm khuẩn (ví dụ như streptococcus) ;
  • Nhiễm virus như Epstein-Barr, herpes, cúm, enterovirus, đây là các tác nhân thường gặp nhất gây viêm.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh viêm amidan?

Bệnh này khá phổ biến vì ảnh hưởng đến hàng triệu người mỗi năm. Mặc dù viêm amidan gây khó chịu và không thoải mái cho người bệnh nhưng hiếm khi gây ra những vấn đề lớn cho sức khỏe. Viêm amiđan có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu gặp ở trẻ em từ độ tuổi mẫu giáo cho đến khi gần trưởng thành. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm amidan?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh này, chẳng hạn như:

  • Tuổi tác. Viêm amidan do vi khuẩn phổ biến nhất ở trẻ em trong độ tuổi 5–15.
  • Tiếp xúc với vi sinh vật. Trẻ em tuổi đi học thường tiếp xúc rất nhiều với các bạn học, khiến các em dễ phơi nhiễm với các loại virus và vi khuẩn.

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh viêm amidan?

Bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm nhanh để tìm liên cầu khuẩn streptococcus hay nuôi cấy bệnh phẩm lấy ở họng sau khi quết nhẹ nhàng thành họng sau. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể xét nghiệm máu nhưng phương pháp này hiếm khi được sử dụng.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm amidan?

Những trường hợp nhẹ của viêm amidan không nhất thiết phải can thiệp y khoa. Tuy nhiên, nếu bệnh tình nghiêm trọng, bạn cần phải áp dụng cách chữa viêm amidan sau đây:

  • Thuốc kháng sinh. Bác sĩ sẽ kê đơn nếu viêm amidan là do vi khuẩn. Các triệu chứng có khả năng sẽ cải thiện trong vòng một vài ngày sử dụng thuốc kháng sinh, điều quan trọng là bạn phải tuân thủ đầy đủ liều lượng kháng sinh và số ngày sử dụng để ngăn chặn tái phát cũng như tình trạng kháng thuốc.
  • Phẫu thuật. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt amidan bị nhiễm trùng trong trường bị viêm amidan mãn tính, tái phát lại hoặc không đáp ứng với lối điều trị khác và gây ra các biến chứng.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm amidan?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Uống nhiều nước;
  • Nghỉ ngơi nhiều ;
  • Súc miệng bằng nước muối ấm vài lần mỗi ngày;
  • Ngậm thuốc dịu họng;
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm để làm ẩm không khí trong nhà ;
  • Tránh xa khói thuốc lá.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến viêm amidan, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:08/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM