Thuốc Streptomycin - Điều trị bệnh lao và một số bệnh nhiễm trùng

Streptomycin là thuốc kháng sinh nhóm aminoglycoside, có tác dụng điều trị bệnh lao và một số bệnh nhiễm trùng. Mời bạn cùng eLib.VN tìm hiểu rõ hơn về thuốc qua bài viết dưới đây. Hy vọng đây sẽ là thông tin hữu ích cho mọi người.

Thuốc Streptomycin - Điều trị bệnh lao và một số bệnh nhiễm trùng

Tên gốc: streptomycin

Tên biệt dược: Streptomycin®

Phân nhóm: thuốc kháng lao

1. Tác dụng

Tác dụng của thuốc streptomycin là gì?

Thuốc streptomycin có tác dụng điều trị bệnh lao và các bệnh nhiễm trùng do một số loại vi khuẩn gây ra. Đây là một thuốc thuộc nhóm kháng sinh aminoglycoside, có thể tiêu diệt các loại vi khuẩn nhạy cảm bằng cách ngăn chặn sự sản sinh ra các loại protein thiết yếu cho sự sống của vi khuẩn. Streptomycin dùng tiêm bắp dưới dạng muối sulfat (streptomycin sulfat).

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt, nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý khi có chỉ định của bác sĩ.

2. Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc streptomycin cho người lớn như thế nào?

Liều dùng thông thường cho người lớn mắc bệnh lao

Bạn tiêm bắp với liều lượng 15 mg thuốc/kg/ngày (liều lượng tối đa là streptomycin 1g) hoặc tiêm từ 25 đến 30 mg thuốc/kg 2 hoặc 3 lần hàng tuần (liều lượng tối đa là streptomycin 1,5g thuốc).

Nếu sử dụng streptomycin kèm chung với các loại thuốc khác, bạn tiêm bắp từ streptomycin 1-2g thuốc và chia thành nhiều liều tiêm cách nhau 6 đến 12 giờ đối với các bệnh nhiễm trùng ở mức độ vừa phải cho đến nghiêm trọng (liều lượng tối đa là streptomycin 2g thuốc 1 ngày).

Liều dùng thuốc streptomycin cho trẻ em như thế nào?

Liều dùng thông thường cho trẻ em mắc bệnh lao

Bạn cho trẻ tiêm bắp với liều lượng 20 đến 40 mg/kg/ngày (liều lượng tối đa là streptomycin 1g thuốc) hoặc tiêm từ 25 đến 30 mg/kg 2 hoặc 3 lần hàng tuần (liều lượng tối đa là streptomycin 1,5g thuốc).

Nếu sử dụng streptomycin kèm chung với các loại thuốc khác, bạn cho trẻ tiêm bắp từ 20 đến 40 mg/kg/ngày, chia thành các liều và tiêm cách nhau 6 đến 12 giờ, tránh tiêm quá liều.

3. Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc streptomycin như thế nào?

Bạn nên sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và kiểm tra thông tin trên nhãn để được hướng dẫn dùng thuốc chính xác. Đặc biệt, bạn không sử dụng thuốc với liều lượng thấp, cao hoặc kéo dài hơn so với thời gian được chỉ định.

Bạn nên uống nhiều nước khi đang dùng streptomycin và gặp bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cách. Streptomycin thường được sử dụng ở dạng thuốc tiêm tại văn phòng bác sĩ, bệnh viện hoặc phòng khám. Nếu đang dùng thuốc streptomycin ở nhà, bạn nên thực hiện cẩn thận quá trình tiêm thuốc theo như sự hướng dẫn của bác sĩ. Đối với người lớn, vị trí tiêm thuốc thích hợp là phần mông trên bên phải hoặc phần giữa đùi. Đối với trẻ em, vị trí tiêm thuốc thích hợp là phần giữa đùi. Vị trí tiêm thuốc nên được thay đổi luân phiên.

Nếu streptomycin bị vón cục hoặc bị đổi màu hoặc nếu lọ thuốc bị rạn nứt hoặc bị hư hỏng dưới bất kỳ hình thức nào thì bạn không được sử dụng thuốc. Bạn nên giữ loại thuốc này, cũng như ống bơm tiêm và kim tiêm ở xa tầm tay trẻ em và vật nuôi. Bạn không được tái sử dụng kim tiêm, ống bơm tiêm hoặc các dụng cụ khác. Để chữa dứt hoàn toàn căn bệnh nhiễm trùng, bạn nên tiếp tục dùng streptomycin cho đến hết quá trình điều trị cho dù đã cảm thấy khỏe hơn sau vài ngày điều trị.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình sử dụng thuốc, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

4. Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc streptomycin?

Nếu bất kỳ các tác dụng phụ nào sau đây xuất hiện trong khi bạn đang dùng streptomycin, đi khám bác sĩ ngay lập tức:

Phân có màu đen như hắc ín; Nóng rát, sởn gai ốc, ngứa, tê cóng, cảm giác như kiến bò, ngứa ran; Đau ngực; Ớn lạnh; Vụng về; Ho; Choáng váng hoặc quay cuồng; Cảm giác thấy bản thân hoặc những vật xung quanh chuyển động liên tục; Sốt; Sưng phù to như hình tổ ong ở mặt, mí mắt, môi, lưỡi, cổ họng, bàn tay, cẳng chân, bàn chân hoặc cơ quan sinh dục; Buồn nôn; Tiểu tiện đau đớn hoặc khó khăn; Cảm giác choáng váng; Thở hụt hơi; Đau họng; Đau viêm loét hoặc xuất hiện đốm trắng ở môi hoặc miệng; Các tuyến bị sưng phù; Loạng choạng, lảo đảo; Chảy máu hoặc thâm tím bất thường; Mệt mỏi bất thường hoặc yếu ớt; Nôn mửa.

Các tác dụng phụ ít phổ biến hơn bao gồm:

Đau lưng, cẳng chân hoặc dạ dày; Nướu răng bị chảy máu; Nước tiểu có máu hoặc có màu đục; Nước tiểu có màu sậm; Điếc; Khó thở; Khó nuốt; Khô miệng; Nhịp tim nhanh; Sưng phù toàn thân; Đau đầu; Phát ban; Thị lực suy yếu; Ngứa; Biếng ăn; Yếu cơ; Chảy máu mũi; Đau ở phần lưng dưới hoặc ở bên lưng; Da xanh xao; Xuất hiện các đốm đỏ nhỏ ở da; Sưng húp hoặc sưng phù ở mí mắt hoặc xung quanh mắt, mặt, môi hoặc lưỡi; Phát ban ở da; Khát nước; Đau thắt ngực; Thở khò khè; Vàng da hoặc mắt.

Các tác dụng phụ hiếm gặp bao gồm:

Thay đổi trong mức độ thường xuyên đi tiểu hoặc lượng nước tiểu; Buồn ngủ; Khát nước nhiều hơn; Sưng phù ở bàn chân hoặc phần dưới cẳng chân; Yếu ớt.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

5. Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc streptomycin, bạn nên lưu ý những gì?

Trước khi dùng thuốc, bạn nên báo với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu:

Bạn đang mang thai, dự định mang thai hoặc cho con bú. Bạn cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp này; Bạn dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc streptomycin; Bạn đang dùng những thuốc khác (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng); Bạn định dùng thuốc cho trẻ em hoặc người cao tuổi.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc streptomycin trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.

6. Tương tác thuốc

Thuốc streptomycin có thể tương tác với thuốc nào?

Thuốc streptomycin có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Mặc dù một số loại thuốc không nên được sử dụng với nhau, nhưng trong một số trường hợp, bạn có thể sử dụng hai loại thuốc cùng nhau ngay cả khi xảy ra tương tác. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể sẽ thay đổi liều lượng hoặc biện pháp phòng ngừa khác nếu cần thiết. Bác sĩ cần biết nếu bạn đang dùng bất cứ loại thuốc nào được liệt kê dưới đây. Những tương tác thuốc sau được lựa chọn dựa trên mức độ thường gặp và không bao gồm tất cả.

Những thuốc có thể tương tác với thuốc streptomycin bao gồm:

Fludarabine, indomethacin hoặc thuốc kháng sinh polypeptide (ví dụ như polymyxin B) bởi vì tác động và tác dụng phụ của streptomycin có thể tăng lên; Cyclosporine, methoxyflurane, thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs) (ví dụ như ibuprofen), nitrosoureas (ví dụ như streptozocin), cephalosporins đường tiêm (ví dụ như cephalexin) hoặc vancomycin dùng ngoài đường tiêu hóa bởi vì có thể xuất hiện chứng nhiễm độc thận; Thuốc lợi tiểu (ví dụ như furosemide) bởi vì dây thần kinh số tám có thể bị tổn thương, gây ra chứng điếc tai trầm trọng, lâu dài; Thuốc giãn cơ không khử cực (ví dụ như pancuronium), thuốc kháng sinh polypeptide (ví dụ như polymyxin B) hoặc succinylcholine bởi vì tác động và tác dụng phụ của các loại thuốc này có thể tăng lên.

Thuốc streptomycin có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc streptomycin?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:

Tiêu chảy, suy yếu dây thần kinh số tám, nhiễm trùng ruột hoặc dạ dày hoặc suy thận; Chứng mất nước (chứng tiêu chảy nặng, buồn nôn hoặc nôn mửa gây ra tình trạng mất cân bằng chất điện giải); Yếu cơ hoặc bệnh Parkinson.

7. Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản thuốc streptomycin như thế nào?

Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Bạn không nên vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Thay vì vậy, hãy vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Bạn có thể tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

8. Dạng bào chế

Thuốc streptomycin có những dạng và hàm lượng nào?

Streptomycin có dạng thuốc tiêm hàm lượng streptomycin 1g.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về thuốc Streptomycin . Các bạn có thể tham khảo bài viết để hiểu rõ hơn về thuốc. Nhưng lời khuyên cho các bạn nên nghe lời tư vấn của bác sĩ để sử dụng thuốc một cách an toàn nhất.

Ngày:19/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM