Địa lí 10 Bài 15: Thủy quyển. Một số nhân tố ảnh hưởng tới chế độ nước sông. Một số sông lớn trên Trái Đất

Nhằm giúp các bạn ôn tập thật tốt kiến thức về thủy quyển và một số nhân tố ảnh hưởng tới chế độ nước sông, một số sông lớn trên Trái Đất trong chương trình Địa lí 10, eLib.vn xin gửi đến bạn đọc nội dung bài 15 Địa lí 10. Nội dung chi tiết mời các bạn tham khảo tại đây!

Địa lí 10 Bài 15: Thủy quyển. Một số nhân tố ảnh hưởng tới chế độ nước sông. Một số sông lớn trên Trái Đất

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Thủy quyển

a. Khái niệm

  • Thủy quyển là lớp nước trên Trái Đất, bao gồm nước trong các biển, đại dương, nước trên lục địa và hơi nước trong khí quyển.

b. Tuần hoàn của nước trên Trái Đất          

  • Vòng tuần hoàn nhỏ: Nước biển và đại dương bốc hơi (do tác dụng của gió, nhiệt độ...) và ngưng tụ trên cao tạo thành mây, gây mưa ngay trên mặt biển và đại dương.
  • Vòng tuần hoàn lớn: Nước bốc hơi ngoài mặt biển, đại dương và hình thành mây. Gió đưa mây vào đất liền và gây mưa tại đây. Một phần nước mưa tụ lại thành các dòng sông rồi chảy ra biển; một phần khác ngấm xuống đất thành nước ngầm, cuối cùng chảy ra sông suối rồi chảy ra biển.

Sơ đồ tuần hoàn của nước

1.2. Một số nhân tố ảnh hưởng tới chế độ nước sông

a. Chế độ mưa, băng tuyết, nước ngầm

  • Miền khí hậu nóng hoặc nơi địa hình thấp của khu vực khí hậu ôn đới, thủy chế sông phụ thuộc vào chế độ mưa.
  • Ví dụ: Sông Hồng, mùa lũ (6-10) trùng với mùa mưa, mùa cạn trùng với mùa khô, ít mưa.
  • Miền ôn đới lạnh và những sông bắt nguồn từ núi cao, thủy chế còn phụ thuộc vào lượng tuyết băng tan.
  • Ví dụ: Sông Ô bi, Lênítxây, Lêna khi mùa xuân đến nhiệt độ tăng làm băng tuyết tan, mực nước sông dâng.
  • Ở các vùng đất đá bị thấm nước nhiều, nước ngầm đóng vai trò đáng kể (đá vôi).

b. Địa thế, thực vật, hồ đầm

- Địa thế

  • Nơi nào có độ dốc lớn, nước sông chảy mạnh, lũ lên nhanh; còn nơi nào bằng phẳng thì nước chảy chậm, lũ lên chậm và kéo dài.

- Thực vật

  • Lớp phủ thực vật phát triển mạnh có tác dụng điều hòa dòng chảy sông ngòi, giảm lũ lụt; lớp phủ thực vật bị phá hủy làm cho chế độ dòng chảy thất thường, tốc độ dòng chảy nhanh, dễ xảy ra lũ lụt.
  • Trồng rừng phòng hộ đầu nguồn hạn chế lũ.

- Hồ đầm nối với sông có tác dụng điều hòa chế độ nước sông:mùa nước lên nước sông chảy vào hồ đầm; mùa nước cạn: từ hồ đầm chảy ra.

1.3. Một số sông lớn trên Trái Đất

  • Sông Nin: Từ hồ Victoria, đổ ra Địa Trung Hải, chảy qua xích đạo, cận xích đạo, cận nhiệt châu Phi, diện tích lưu vực 2.881.000 km2 dài 6.685 km, nguồn cung cấp nước chính (nước mưa, nước ngầm).
  • Sông Amadôn: Từ dãy Anđet đổ ra Đại Tây Dương, chảy qua xích đạo châu Mĩ, lưu vực 7.170.000 km2 dài 6.437 km, nguồn cung cấp chính (nước mưa, nước ngầm).
  • Sông Lênítxây: dãy Xaian đổ ra biển ca ra thuộc Bắc Băng Dương chảy qua ôn đới lạnh châu Á, diện tích lưu vực 2.580.000 km, dài 4.102, nguồn cung cấp (băng tuyết tan, mưa).

2. Luyện tập

Câu 1: Dựa vào hình 15 (SGK trang 56), hãy trình bày vòng tuần hoàn nhỏ và vòng tuần hoàn lớn của nước trên Trái Đất.

Gợi ý làm bài

- Vòng tuần hoàn nhỏ: nước biển bốc hơi tạo thành mây, mây gặp lạnh tạo thành mưa rơi xuống biển.

- Vòng tuần hoàn lớn: nước biển bốc hơi tạo thành mây -> mây được gió đưa vào sâu lục địa: ở vùng vĩ độ thấp, núi thấp mây gặp lạnh thành mưa; ở vùng vĩ độ cao và núi cao, mây gặp lạnh tạo thành tuyết -> mưa nhiều và tuyết tan chảy theo sông và các dòng ngầm từ lục địa ra biển -> biển lại bốc hơi,...

Câu 2: Hãy nêu ví dụ minh hoạ về mối quan hệ giữa chế độ nước sông với chế độ mưa.

Gợi ý làm bài

Ở xích đạo,mưa quanh năm, lượng mưa lớn nên sông ngòi đầy nước quanh năm.

Ở khu vực nhiệt đới gió mùa có một mùa mưa và một mùa khô, nên sông có một mùa nước lũ và một mùa nước cạn (mùa lũ trùng mùa mưa, mùa cạn trùng mùa khô).

Câu 3: Dựa vào kiến thức đã học và bản đồ tự nhiên Việt Nam, em hãy cho biết vì sao mực nước lũ ở các sông ngòi miền Trung nước ta thường lên rất nhanh?

Gợi ý làm bài

Mực nước lũ ở các sông ngòi miền Trung nước ta thường lên rất nhanh vì:

- Miền Trung có địa hình hẹo ngang, phía Tây là dải núi cao, phía đông là đồng bằng nhỏ hẹp, nhiều dãy núi lan ra sát biển ⟹ sông ngòi ngắn, nhỏ và dốc.

- Mưa khá tập trung, mưa với lượng nước mưa lớn (do bão, dải hội tụ..) và diễn ra trong thời gian ngắn (do địa hình).

Câu 4: Ở lưu vực của sông, rừng phòng hộ thường được trồng ở đâu? Vì sao trồng ở đó?

Gợi ý làm bài

- Trên các lưu vực sông rừng phòng hộ thường được trồng ở những vùng núi cao, thượng nguồn của sông.

- Vì vùng thượng nguồn địa hình đồi núi hiểm trở, độ dốc lớn, khi có lũ hoặc mưa lớn dễ gây sạt lở đất, lũ quét lũ ống nên việc trồng rừng phòng hộ sẽ giúp điều tiết nước, hạn chế lũ và sạt lở đất.

4. Kết luận

Sau bài học cần nắm nội dung sau:

- Biết khái niệm thủy quyển.

- Hiểu và trình bày được vòng tuần hoàn của nước trên Trái Đất.

- Phân tích được các nhân tố ảnh hưởng tới chế độ nước sông.

- Biết được đặc điểm và phân bố của một số sông lớn trên thế giới.

Ngày:06/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bài học Địa lý 10