Địa lí 10 Bài 20: Lớp vỏ địa lí. Quy luật thống nhất và hoàn chỉnh của lớp vỏ địa lí

Nhằm giúp các bạn ôn tập thật tốt kiến thức về lớp vỏ địa lí và quy luật thống nhất và hoàn chỉnh của lớp vỏ địa lí trong chương trình Địa lí 10, eLib.vn xin gửi đến bạn đọc nội dung bài 20 Địa lí 10. Nội dung chi tiết mời các bạn tham khảo tại đây!

Địa lí 10 Bài 20: Lớp vỏ địa lí. Quy luật thống nhất và hoàn chỉnh của lớp vỏ địa lí

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Lớp vỏ địa lí

- Khái niệm: Lớp vỏ địa lí (lớp vỏ cảnh quan) là lớp vỏ của Trái Đất, ở đó các lớp vỏ bộ phận (khí quyển, thạch quyển, thủy quyển, thổ nhưỡng quyển và sinh quyển) xâm nhập, tác động lẫn nhau.

Sơ đồ lớp vỏ địa lí của Trái Đất

- Giới hạn:

   + Trên: Phía dưới của lớp ô zôn.

   + Dưới: Đáy vực thẩm đại dương và đáy lớp vỏ phong hóa ở lục địa.

   + Chiều dày khoảng 30 - 35km.

1.2. Quy luật thống nhất và hoàn chỉnh của lớp vỏ địa lí

a. Khái niệm

- Khái niệm: Là quy luật về mối quan hệ quy định lẫn nhau giữa các thành phần và của mỗi bộ phận lãnh thổ nhỏ trong lớp vỏ địa lí.

- Nguyên nhân:

   + Nội lực và ngoại lực có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới các thành phần của lớp vỏ địa lí.

   + Các thành phần tự nhiên có sự tác động qua lại và gắn bó mật thiết với nhau.

b. Biểu hiện của quy luật

- Nội dung

   + Các thành phần tự nhiên luôn có sự ảnh hưởng phụ thuộc lẫn nhau.

   + Nếu một thành phần thay đổi sẽ kém theo sự thay đổi của các thành phần còn lại và toàn bộ lãnh thổ.

- Một số ví dụ:

   + Ví dụ 1: Khí hậu (lượng mưa tăng) thì sông ngòi (lưu lượng nước, dòng chảy tăng) dẫn tới địa hình (mức độ xói mòn tăng) và thổ nhưỡng (lượng phù sa tăng).

   + Ví dụ 2: Thực vật rừng bị phá hủy sẽ làm cho địa hình (xói mòn), khí hậu bị biến đổi và thổ nhưỡng (đất biến đổi).

Bề mặt đất bị rửa trôi, xói mòn sau khi rừng bị tàn phá

c. Ý nghĩa thực tiễn

- Cần phải nghiên cứu kĩ, toàn diện môi trường tự nhiên.

- Dự báo trước những thay đổi của các thành phần tự nhiên khi tác động vào môi trường để đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

2. Luyện tập

Câu 1: Việc phá rừng đầu nguồn sẽ gây những hậu quả gì đối với đời sống và môi trường tự nhiên?

Gợi ý làm bài

Hậu quả của việc phá rừng đầu nguồn đối với đời sống và môi trường tự nhiên:

- Gây ra các thiên tai như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá...đe dọa đời sống của dân cư ở vùng chân núi phía dưới.

- Đất trống đồi trọc gây xói mòn, thoái hóa, bạc màu đất đai, thu hẹp diện tích đất canh tác, giảm hiệu quả sản xuất nông - lâm nghiệp.

- Phá rừng làm mất nơi cư trú của nhiều loài động vật, suy giảm đa dạng sinh học.

- Môi trường tự nhiên: mất cân bằng sinh thái, gây hạn hán, giảm mực nước ngầm..

Câu 2: Lấy một vài ví dụ minh họa về những hậu quả xấu do tác động của con người gây ra đối với môi trường tự nhiên.

Gợi ý làm bài

Ví dụ:

- Phá rừng đầu nguồn:

+ Gây ra các thiên tai như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá...đe dọa đời sống của dân cư ở vùng chân núi.

+ Gây xói mòn, thoái hóa đất đai, thu hẹp diện tích đất canh tác, giảm hiệu quả sản xuất nông -lâm nghiệp.

+ Làm mất nơi cư trú của nhiều loài động vật, suy giảm đa dạng sinh học.

+ Mất cân bằng sinh thái, gây hạn hán, giảm mực nước ngầm..

- Đổ rác, phân và nước thải sinh hoạt và công nghiệp xuống sông, hồ sẽ làm ô nhiễm nước sông, hồ nghiêm trọng.

- Xả khói công nghiệp chưa qua xử lí làm ô nhiễm không khí, gây thủng tầng ôdôn, biến đổi khí hậu.

3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Lớp vỏ địa lí. Quy luật thống nhất và hoàn chỉnh của lớp vỏ địa lí Địa lý 10 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Sau bài học cần nắm nội dung sau:

- Biết được cấu trúc của lớp vỏ địa lí

- Trình bày được khái niệm về quy luật thống nhất và hoàn chỉnh của lớp vỏ địa lí; nguyên nhân, các biểu hiện và ý nghĩa thực tiển của quy luật này.

- Biết phân tích để thấy rõ mối quan hệ mật thiết giữa các thành phần tự nhiên trong lớp vỏ địa lí.

Ngày:06/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM