Soạn bài Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ Ngữ văn 12 đầy đủ

Nội dung bài soạn dưới đây giúp các em sẽ được chuẩn bị tốt hơn cho phần nghị luận về bài thơ, đoạn thơ vốn được xem là một trong nhưng phần học rất khó trong chương trình Ngữ Văn lớp 12. Chính vì vậy, các em hãy nắm vững phần này để có thể đưa ra những nhận định tốt nhất về các tác phẩm thơ ca. eLib tin rằng với sự nỗ lực của bản thân, các em sẽ học tập tốt hơn môn học này. Cùng cố gắng nhé!

Soạn bài Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ Ngữ văn 12 đầy đủ

1. Soạn câu 1 trang 85 SGK Ngữ văn 12 đầy đủ

Đề 1: Phân tích bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh.

- Tìm hiểu đề:

  • Hoàn cảnh ra đời bài thơ: viết vào mùa đông 1947, năm đầu tiên của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
  • Phân tích tư tưởng và nghệ thuật của bài thơ trong hoàn cảnh lớn và hoàn cảnh nhỏ của bài thơ để thấy hết giá trị.

- Lập dàn ý:

+ Mở bài: Giới thiệu khái quát hoàn cảnh ra đời của bài thơ.

+ Thân bài:

  • Vẻ đẹp huyền ảo, lung linh của núi rừng đêm trăng (trăng, hoa, cây cổ thụ, tiếng suối).
  • Nhân vật trữ tình mải mê lo việc nước đến tận khuya, tình cờ bắt gặp tiếng suối dưới trăng (khác các ẩn sĩ tìm đến thiên nhiên để lánh đời, dưỡng tính).
  • Bài thơ hiện đại ở chỗ con người nổi bật giữa bức tranh thiên nhiên, cổ điển ở bút pháp chấm phá, tả cảnh ngụ tình.

+ Kết bài: Khẳng định vẻ đẹp hài hòa giữa tâm hồn nghệ sĩ và ý chí chiến sĩ trong bài thơ.

Đề 2: Phân tích đoạn thơ trích trong bài Việt Bắc của Tố Hữu.

- Tìm hiểu đề:

  • Khí thế cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp dũng mãnh, hào hùng (thể hiện qua lực lượng tham gia, những con đường và thời điểm tổng tiến công sôi nổi,…)

- Lập dàn ý:

+ Mở bài: Giới thiệu đoạn thơ (xuất xứ, trích dẫn nguyên văn đoạn thơ).

+ Thân bài:

  • Khí thế dũng mãnh của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Bắc: 8 câu đầu.
  • Khí thế chiến thắng của các chiến trường khác: 4 câu sau.
  • Nghệ thuật sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ tài tình của tác giả trong đoạn thơ.

+ Kết bài: Đoạn thơ thể hiện thành công cảm hứng ngợi ca cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta.

2. Soạn câu 2 trang 85 SGK Ngữ văn 12 đầy đủ

 - Đối tượng của bài nghị luận về thơ rất đa dạng: đoạn thơ, bài thơ, hình tượng thơ.

- Với kiểu bài này cần tìm hiểu từ ngữ, hình ảnh, âm thanh, .... của đoạn thơ bài thơ đó.

- Bài viết thường có những nội dung sau:

  • Giới thiệu khái quát về đoạn thơ, bài thơ.
  • Bàn về giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ.
  •  Đánh giá chung đoạn thơ, bài thơ.

3. Soạn câu 3 trang 85 SGK Ngữ văn 12 đầy đủ

Huy Cận vốn là một trong những nhà thơ nổi tiếng của phong trào thơ mới. Thơ ông vốn đặc biệt vì trong hồn thơ luôn ẩn chứa một nét hoài cổ buồn và sầu. Đặc biệt là bài thơ Tràng Giang với khổ thơ thứ tư đã cho ta thấy rõ điều đó.

Đó là một khổ thơ rất đẹp trong bài, tuy mang một chút buồn. Một vẻ đẹp của một buổi chiều trên sông nước, gợi một nỗi buồn sầu nhân thế:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa

Đây là một bức tranh thiên nhiên tả cảnh buổi chiều, rất sinh động. Đọc câu thơ đầu, ta tự hỏi. Phải chăng đây còn là câu thơ nổi bật một nỗi sầu trong thi sĩ, nỗi sầu này đang dâng lên trùng trùng lớp lớp, như dồn nén và ứ đọng lại trong mảnh hồn của thi nhân, đến tràn ngập cả bầu trời. Đặc biệt trong thơ Huy Cận luôn ẩn chứa những hình ảnh cánh chim, một trong những hình ảnh thường xuất hiện trong thơ ca cổ. Nét cổ điển một cánh chim nhỏ chấm phá trên nền trời khi giáng chiều bắt đầu buông, thể hiện rõ nét sự nhỏ bé, đơn côi trong lòng thi sĩ và càng khiến bài thơ trở nên mông lung, vắng lặng, buồn hiu hơn nữa.

Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

 Đây là hai câu thơ đã diễn tả được hết nỗi nhớ quê hương và tình yêu với tổ quốc trong lòng thi sĩ. Thơ Huy Cận mang nặng ý vị cổ điển là đây. Trời rộng, sông dài, một người đứng trơ vơ đơn côi giữa mênh mông rộng lớn, khiến ta liên tưởng một ý thơ toát ra từ thơ Đường:

Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai

Người xưa nhìn sóng trên sông nên nỗi nhớ nhà càng thấm thía. Thì Huy Cận không cần điều đó, cái hồn sầu trong lòng đã như ngấm vào máu, thấm vào từng tế bào của nhà thơ mất rồi. Thể hiện một sự mến thương cao độ, một tấm lòng yêu nước thiết tha của Huy Cận, và còn thường trực hơn nhiều. Và đây cũng là một nét tâm trạng của thanh niên tiểu tư sản lúc bấy giờ.

Tố Hữu đã nói “sống giữa quê hương mà bơ vơ như kiếp đi đày” quả thực nói rất đúng về tâm trạng thanh niên nói chung và tâm trạng riêng của Huy Cận trong khổ thơ này. Và càng cho ta hiểu nỗi buồn thấm thía của một thời đất nước ta lúc bấy giờ.

Là khổ thơ xuất sắc nhất trong tác phẩm, và cũng là khổ thơ thể hiện rõ nhất nét tâm trạng của một chàng trai trí thức tiểu tư sản lúc bấy giờ. Thế mới hiểu vì sao người ta nói Huy Cận là cái mảnh hồn thiêng sông núi, và là nỗi sầu của nhân thế. Nhờ kết hợp những biện pháp nghệ thuật tài hoa đã làm nổi bật giá trị nội dung, tư tưởng của một phong cách thơ mới tài năng. Và Huy Cận mãi về sau khi nhắc đến vẫn sẽ luôn là một mảnh hồn không thể tách rời với văn học Việt Nam.

Ngày:12/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM