Bệnh đa ối - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Đa ối là tình trạng có quá nhiều nước ối hình thành trong thời thai kỳ và hầu hết các mẹ bầu đều có thể gặp tình trạng này. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh, mời các bạn tham khảo!

Bệnh đa ối - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Đa ối là tình trạng gì?

Đa ối hay rối loạn nước ối là tình trạng có quá nhiều nước ối hình thành trong thời thai kỳ. Hầu hết các mẹ bầu đều có thể gặp tình trạng này.

Quá nhiều nước ối có thể làm cho tử cung của người mẹ trở nên quá căng và có thể dẫn tới sinh non hoặc vỡ màng ối sớm (túi nước ối). Đa ối cũng có liên quan đến dị tật bẩm sinh ở bào thai. Khi túi nước ối vỡ, một lượng lớn dịch ứ lại tử cung có thể làm tăng nguy cơ bong nhau thai (bong nhau sớm) hoặc sa dây rốn (khi dây rốn sa qua lỗ cổ tử cung).

Đa ối làm cho bào thai dễ dàng xoay trở vì có nhiều nước ối bao xung quanh. Điều này có nghĩa là bạn có nguy cơ sinh ngôi ngược khá cao. Hầu hết các trường hợp đa ối là nhẹ và do sự tích tụ nước ối dần dần trong nửa sau của thai kỳ. Đa ối nặng có thể gây khó thở, sinh non hoặc các dấu hiệu và triệu chứng khác.

Nếu bạn được chẩn đoán bị đa ối thì bác sĩ sẽ theo dõi cẩn thận việc mang thai để giúp ngăn ngừa các biến chứng. Bác sĩ sẽ điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Đa ối nhẹ có thể tự khỏi. Đa ối nặng có thể cần điều trị, chẳng hạn như làm thoát lưu nước ối dư thừa.

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng đa ối là gì?

Đa ối nhẹ thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, mỗi phụ nữ có thể gặp các triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng có thể bao gồm:

Tử cung lớn nhanh; Không thoải mái ở bụng; Co thắt tử cung.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng sau:

Khó thở; Đau bụng; Chướng bụng.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra tình trạng đa ối?

Nước ối là dịch bao quanh và đệm cho thai nhi bên trong tử cung, xuất phát từ thận của em bé và vào tử cung từ nước tiểu của em bé. Chất dịch được hấp thụ khi bé nuốt và qua cử động thở.

Lượng dịch tăng lên cho đến tuần thứ 36 của thai kỳ, sau đó giảm dần. Nếu bào thai tạo ra quá nhiều nước tiểu hoặc không nuốt đủ, nước ối sẽ tích tụ lại và gây ra đa ối. Đôi khi các bác sĩ không tìm ra được nguyên nhân của tình trạng đa ối. Các yếu tố có liên quan đến đa ối bao gồm:

Bệnh tiểu đường ở người mẹ; Những bất thường về đường tiêu hóa ngăn chặn việc nuốt nước ối; Nuốt bất thường do các vấn đề với hệ thần kinh trung ương hoặc bất thường về nhiễm sắc thể; Hội chứng truyền máu song sinh; Suy tim; Nhiễm trùng bẩm sinh (mắc trong thai kỳ).

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải tình trạng đa ối?

Đa ối có thể ảnh hưởng mọi người trong mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc tình trạng đa ối?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây đa ối như:

Đa thai; Dị tật bẩm sinh của não và cột sống; Tắc nghẽn hệ tiêu hóa; Vấn đề di truyền (vấn đề với các nhiễm sắc thể được di truyền).

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán tình trạng đa ối?

Ngoài xem xét tiền sử y khoa và khám lâm sàng, bác sĩ còn chẩn đoán đa ối bằng siêu âm bằng cách đo túi ối để ước lượng tổng thể tích. Trong một số trường hợp, siêu âm cũng rất hữu ích trong việc tìm ra nguyên nhân của đa ối, chẳng hạn như đa thai hoặc dị tật bẩm sinh.

Bạn cũng có thể cần phải xét nghiệm thêm, bao gồm:

Chọc ối. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu nước ối có chứa tế bào thai nhi và các hóa chất khác nhau được thai sản sinh ra khỏi tử cung để xét nghiệm; Xét nghiệm dung nạp glucose. Đây là một xét nghiệm sàng lọc bệnh tiểu đường phát triển trong thai kỳ. Sau một đêm nhịn đói, bạn sẽ được uống dung dịch đường glucose. Bác sĩ sẽ kiểm tra nồng độ đường trong máu của bạn mỗi giờ trong khoảng thời gian ba giờ. Nếu có ít nhất hai lần đọc cao hơn bình thường, bạn đã mắc bệnh tiểu đường thai kỳ và có nguy cơ cao bị đa ối; Nhiễm sắc thể đồ. Xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ được sử dụng để sàng lọc các nhiễm sắc thể bất thường của em bé. Các tế bào cần thiết để xét nghiệm có thể được lấy từ một mẫu nước ối trong quá trình chọc ối hoặc một mẫu mô nhỏ từ nhau thai trong một xét nghiệm được gọi là sinh thiết gai nhau.

Nếu bạn bị đa ối, bác sĩ sẽ giám sát chặt chẽ việc mang thai của bạn và có thể siêu âm hàng tuần để đo mức nước ối hoặc cũng làm các xét nghiệm định kỳ để kiểm tra sức khỏe của bé, bao gồm:

Nonstress test. Xét nghiệm này kiểm tra nhịp tim của bé khi bé di chuyển. Trong quá trình xét nghiệm, bạn sẽ đeo một thiết bị đặc biệt trên bụng để đo nhịp tim của em bé. Bạn có thể ăn hoặc uống thứ gì đó để giúp đứa trẻ hoạt động. Bác sĩ cũng có thể dùng một thiết bị giống cái còi để đánh thức và khuyến khích trẻ cử động; Trắc đồ sinh vật lý. Xét nghiệm này kết hợp siêu âm với nonstress test để cung cấp thêm thông tin về hơi thở, tần số và chuyển động của bé, cũng như lượng nước ối trong tử cung của bạn; Siêu âm Doppler. Loại siêu âm đặc biệt này có thể cung cấp chi tiết về tuần hoàn của bé.

Những phương pháp nào dùng để điều trị tình trạng đa ối?

Việc điều trị cụ thể đối với đa ối sẽ do bác sĩ xác định dựa trên:

Thai kỳ, tình trạng sức khỏe tổng thể và tiền sử bệnh; Mức độ của tình trạng; Sự dung nạp các loại thuốc, thủ thuật hoặc liệu pháp cụ thể; Tiên lượng của tình trạng; Ý kiến hay mong muốn của bạn.

Các trường hợp đa ối nhẹ hiếm khi cần điều trị và có thể tự khỏi. Ngay cả những trường hợp gây khó chịu thường có thể tự khỏi mà không cần can thiệp. Trong các trường hợp khác, bác sĩ có thể điều trị một tình trạng tiềm ẩn nào đó, chẳng hạn như bệnh tiểu đường để giúp giải quyết đa ối. Nếu từng sinh non, khó thở hoặc đau bụng, bạn có thể cần điều trị trong bệnh viện. Điều trị đa ối có thể bao gồm:

Theo dõi sát lượng dịch ối và được bác sĩ khám thường xuyên; Thuốc (để giảm lượng nước tiểu thai nhi); Giảm nước ối − chọc ối (chèn một cây kim qua tử cung và vào túi nước ối) để loại bỏ một số dịch ối. Thủ thuật này có thể cần phải được lặp lại; Cho sinh (nếu các biến chứng gây nguy hiểm cho sức khỏe của thai nhi hoặc người mẹ, có thể cần thiết cho sinh sớm).

Mục tiêu điều trị đa ối là làm giảm sự khó chịu của người mẹ và tiếp tục thai kỳ.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của tình trạng đa ối?

Bạn không thể ngăn ngừa tình trạng đa ối. Nếu có triệu chứng đa ối, bạn nên nói cho bác sĩ để được kiểm tra và điều trị nếu cần.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hy vọng với một số thông tin trên đây về hội chứng bệnh đa ối sẽ hữu ích cho các chị em thời kỳ mang thai có thêm kiến thức để tìm hiểu và điều trị bệnh. Chúc các bạn sức khỏe!

Ngày:19/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM