Bệnh thân niệu học

Hệ tiết niệu giữ vai trò rất quan trọng đối với hoạt động sống của cơ thể như lọc máu, hình thành nước tiểu, điều chỉnh huyết áp,... Các bệnh lý ở hệ tiết niệu thường gây bệnh cho cả người lớn và trẻ em ở mọi độ tuổi, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, thậm chí với nhiều bệnh lý nguy hiểm còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Chính vì thế việc phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh để điều trị kịp thời là việc làm hết sức cần thiết. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra một số thông tin tổng quan về các bệnh lý về thận và hệ tiết niệu, mời các bạn tham khảo.

1. Vị trí, chức năng của hệ tiết niệu

Trước hết là thận. Thận gồm hai quả thận nằm sau phúc mạc bên phải và bên trái cột sống ngang đốt ngực số XI đến đốt thắt lưng số III. Thận phải nằm thấp hơn thận trái một chút. Thận có hình hạt đậu màu nâu đỏ, bề mặt trơn bóng dài 10-12cm, rộng 6-7cm, nặng 125-140gr. Cấu tạo của thận rất phức tạp, trong đó có đài thận, bể thận, các mạch máu, thần kinh thực vật chi phối bởi vỏ não. Mạch máu thận có tác dụng cung cấp chất dinh dưỡng cho các bộ phận trong thận và tham gia hình thành nước tiểu.

Nối tiếp với bể thận là niệu quản. Chức năng của mỗi niệu quản là dẫn nước tiểu từ mỗi bể thận đổ chung vào bàng quang. Mỗi niệu quản nằm sau phúc mạc dọc hai bên cột sống thắt lưng sát thành bụng sau. Niệu quản dài khoảng 25-28cm thay đổi theo giới tính, vị trí (niệu quản trái dài hơn niệu quản phải), chiều cao (người cao có niệu quản dài hơn người thấp, lùn) và được chia làm ba đoạn, đó là bụng, chậu hông và bàng quang, đặc biệt đoạn chậu hông bị cong cho nên khi sỏi từ thận xuống niệu quản thường mắc kẹt ở vị trí này.

Bàng quang là một tạng rỗng, dung tích khoảng 500-700ml nằm trong chậu hông bé. Bàng quang có hình tháp đáy hướng xuống dưới ra sau về phía trực tràng; đỉnh hướng lên trên ra trước về phía thành bụng; phía sau và phía trên có phúc mạc phủ. Đặc điểm nổi bật của bàng quang là co giãn rất tốt do ở phía trước có một tổ chức mỡ nhão nên có thể dãn rộng khi chứa đầy nước tiểu. Vì vậy, chức năng của bàng quang là chứa đựng nước tiểu được bài tiết từ thận. Nếu nước tiểu bị viêm nhiễm do nhiễm trùng máu hoặc viêm nhiễm ngược dòng từ niệu đạo đi lên bàng quang sẽ bị viêm cấp tính. Nếu không phát hiện và điều trị đúng, kịp thời,  có thể dẫn đến viêm bàng quang mạn tính, từ đó vi sinh vật gây bệnh đi ngược lên thận gây viêm thận.

Từ bàng quang đi xuống là niệu đạo có nhiệm vụ dẫn nước tiểu đi ra ngoài bởi lỗ tiểu. Đặc điểm niệu đạo của nam giới có cấu tạo phức tạp vì ngoài việc dẫn nước tiểu nó còn làm nhiệm vụ dẫn tinh dịch từ túi tinh đổ vào trong mỗi lần xuất tinh. Với nữ giới, niệu đạo có cấu tạo ngắn hơn nhiều (3- 3,5cm) so với niệu đạo nam giới và không chia thành các đoạn mở ra ngoài ở tiền đình âm đạo.

Niệu đạo là đoạn cuối của hệ tiết niệu vừa dẫn nước tiểu thoát ra ngoài mỗi khi tiểu tiện nhưng nếu tiếp xúc với môi trường ô nhiễm (vệ sinh cá nhân kém, quan hệ tình dục không lành mạnh...) rất dễ lâm bệnh viêm nhiễm và thường để lại hậu quả xấu (hẹp) nếu không chữa trị đúng, kịp thời.

2. Một số bệnh lý thường gặp ở hệ tiết niệu

Bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng niệu là khi có sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh hoặc virus xâm nhập đường tiết niệu và gây nhiễm trùng. Bệnh lý này phổ biến hơn nhiều ở phụ nữ do cấu trúc giải phẫu. Cảm giác nóng rát khi đi tiểu là một trong những triệu chứng nổi bật nhất của nhiễm trùng tiểu. Một số bệnh nhân khác lại đi khám vì tiểu lắt nhắt và cảm giác rằng bàng quang không hoàn toàn trống rỗng sau khi đi tiểu.

Lúc này, xét nghiệm nước tiểu là vô cùng cần thiết để chẩn đoán bệnh. Một khi đã xác chẩn được bệnh, thuốc kháng sinh là chỉ định cần thiết nhất và sẽ giải quyết khỏi tình trạng nhiễm trùng trong vòng năm đến bảy ngày.

Bệnh tiểu không tự chủ

Tiểu không tự chủ là tình trạng mất đi khả năng kiểm soát vận động bàng quang, dẫn đến sự rò rỉ nước tiểu không mong muốn. Một số nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng này gồm có:

  • Bệnh tiểu đường;
  • Mang thai hoặc sinh con;
  • Bàng quang hoạt động quá mức;
  • Bệnh lý trên tiền liệt tuyến;
  • Cơ bàng quang yếu;
  • Cơ đáy chậu yếu (các cơ nâng đỡ niệu đạo);
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu;
  • Các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Parkinson, đa xơ cứng;
  • Chấn thương tủy sống;
  • Táo bón nặng.

Trong phần lớn trường hợp, việc điều trị bằng cách điều chỉnh lối sống như kiểm soát lượng nước xuất định kỳ cho thấy hiệu quả hạn chế. Lúc này, đôi khi phải can thiệp bằng phẫu thuật đặt ống dẫn nước tiểu nhân tạo ra ngoài.

Bệnh rối loạn cương dương

Do đặc điểm giải phẫu, rối loạn cương dương cũng là một bệnh lý thuộc hệ tiết niệu. Đây là tình trạng khiến cho khả năng tình dục ở nam giới bị ảnh hưởng rất nhiều. Nguyên nhân phổ biến nhất của rối loạn chức năng cương dương là hạn chế lưu lượng máu đến bộ phận sinh dục.

Việc điều trị bệnh lý này khá đa dạng, bao gồm cả dùng thuốc hay can thiệp bằng thủ thuật dụng cụ. Kết quả ghi nhận bước đầu tương đối khả quan.

Bệnh suy thận

Suy thận (tổn thương thận) là tình trạng suy giảm chức năng thận. Suy thận được chia thành 2 nhóm bệnh theo thời gian mắc bệnh là: suy thận cấp (tổn thương thận cấp) và suy thận mạn (bệnh thận mạn). Suy thận cấp diễn ra trong vòng vài ngày, có thể phục hồi một phần hoặc hoàn toàn chức năng thận sau khi được điều trị thích hợp trong một vài tuần. Ngược lại, suy thận mạn là quá trình tiến triển không thể phục hồi chức năng thận. Các biện pháp điều trị chỉ giúp làm chậm tiến triển và ngăn ngừa biến chứng của suy thận mạn. Và khi chức năng thận suy giảm tới 90%, người bệnh cần được điều trị thay thế thận bằng chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc hoặc ghép thận.

Nếu không thực hiện điều trị, thận cuối cùng sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn. Mất chức năng thận (thận không thể loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể) có thể dẫn tới tử vong.

Bệnh viêm cầu thận 

Viêm cầu thận là tình trạng viêm xảy ra ở cầu thận, bao gồm viêm ở các tiểu cầu thận và các mạch máu trong thận. Viêm cầu thận gây ra các biểu hiện như phù, tăng huyết áp, thiếu máu, thay đổi thành phần nước tiểu,... Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới suy thận, ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, thậm chí gây tử vong.

Viêm cầu thận gồm 2 thể là viêm cầu thận cấp tính và viêm cầu thận mạn tính. Viêm cầu thận cấp là tình trạng viêm cấp tính tại cầu thận, xuất hiện sau khi nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A do nhiễm khuẩn ngoài da hoặc sau viêm họng, có thể hồi phục hoàn toàn sau 4 - 6 tuần điều trị. Còn viêm cầu thận mạn là tình trạng viêm mạn tính tại cầu thận, tiến triển qua nhiều tháng, nhiều năm, dẫn đến xơ teo cả 2 thận, không hồi phục được kể cả khi đã điều trị tích cực.

Hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư còn được gọi là thận nhiễm mỡ là tình trạng thận hư thận yếu, gây viêm phù, nước tiểu có protein, máu giảm protein và tăng mỡ.

Nguyên nhân thận hư:

  • Thận hư nguyên phát do tổn thương ở cầu thận làm suy giảm chức năng thận;
  • Thận hư thứ phát - thận hư nhiễm mỡ do các bệnh hệ thống như tiểu đường, lupus ban đỏ, rối loạn hệ miễn dịch, nhiễm trùng và tác động của một số loại thuốc điều trị ung thư.

 Bệnh sỏi thận 

Sỏi thận còn được gọi là sạn thận, là bệnh xảy ra khi các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, niệu quản, bàng quang,... hình thành những tinh thể rắn. Kích thước của sỏi thận có thể lên tới vài cm. Những viên sỏi thận có kích thước nhỏ có thể được tống ra ngoài khi đi tiểu. Tuy nhiên, những viên sỏi lớn hơn khi di chuyển trong thận, bàng quang, niệu quản,... có thể gây cọ xát, dẫn tới tổn thương, thậm chí làm tắc đường dẫn nước tiểu và gây ra nhiều hậu quả khôn lường.

Viêm bàng quang

Viêm bàng quang là bệnh liên quang đến bàng quang phổ biến nhất. Bất cứ ai, dù là nam hay nữ cũng có thể gặp phải tình trạng này. Bản chất của chứng bệnh này là tình trạng bàng quang bị tổn thương trong thời gian dài. Nó không chỉ gây ảnh hưởng không tốt đến bàng quang mà còn làm tổn thương tới các cơ quan xung quanh, chẳng hạn như vùng xương chậu.

Bệnh phì đại tuyến tiền liệt

Phì đại tuyến tiền liệt là quá trình tiến triển gây tăng sản tuyến tiền liệt lành tính, kích thước lớn hơn nhưng không dẫn đến ung thư. Vấn đề này vô cùng phổ biến khi người nam bắt đầu già đi. Mặc dù không đe dọa đến tính mạng, phì đại tuyến tiền liệt lại gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Khi tuyến tiền liệt lớn dần, nhất là tại phần bao quanh niệu đạo sẽ làm cho niệu đạo bị hẹp lại và tạo áp lực lên nền bàng quang. Hệ quả dẫn đến là gây tắc nghẽn trong dòng chảy của nước tiểu, khiến người bệnh tiểu khó, tiểu phải rặn và cuối cùng là bí tiểu. Người bệnh không đi tiểu được khiến bàng quang căng to rất đau đớn. Cách giải quyết tạm thời là đặt ống thông để giải phóng nước tiểu. Tuy nhiên, việc này đôi khi cũng rất khó thực hiện mà cần phải mở bàng quang ra da cấp cứu.

3. Lời khuyên chăm sóc cho hệ tiết niệu khỏe mạnh

Sau đây là một số lời khuyên để có một sức khỏe tiết niệu tốt, áp dụng cho cả người lớn và trẻ em, bao gồm:

  • Uống đủ nước hằng ngày;
  • Hạn chế tiêu thụ muối và caffeine;
  • Không hút thuốc và không tiếp xúc với khói thuốc lá;
  • Tăng cường trương lực các cơ sàn chậu bằng các bài tập chuyên biệt;
  • Khuyến khích trẻ nên đi tiểu ngay trước khi đi ngủ;
  • Hạn chế uống nước vào ban đêm;
  • Cần có thiết bị bảo hộ cho nam giới khi lao động nặng, chơi thể thao để giúp ngăn ngừa chấn thương;
  • Hướng dẫn các em gái trẻ vệ sinh sinh dục theo hướng từ trước ra sau để hạn chế nhiễm trùng.

Cuối cùng, điều quan trọng cần nhớ là chính bạn mới là người có khả năng bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe hệ tiết niệu của bạn. Do đó, bạn nên kiểm tra chức năng hệ niệu bằng thăm khám tổng quát định kỳ cũng như đến gặp bác sĩ sớm khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ bệnh để được can thiệp, điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Với những thông tin trên đây về hệ tiết niệu, hy vọng sẽ cung cấp đến các bạn những kiến thức hữu ích trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. Các bạn có thể tham khảo mục Bệnh thận niệu học mà eLib đã tổng hợp để có cái nhìn chi tiết và cụ thể hơn về một số bệnh lý thường gặp ở hệ tiết niệu. Chúc các bạn nhiều sức khỏe!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM