Xét nghiệm nhiễm trùng tiểu tại nhà - Quy trình thực hiện và những lưu ý cần biết

Xét nghiệm nhiễm trùng tiểu tại nhà nhằm để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng đường tiểu theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Vậy khi thực hiện cần lưu ý những gì? Kết quả xét nghiệm có ý nghĩa như thế nào? Mời các bạn cùng tham khảo bài viết sau đây để hiểu rõ hơn nhé!

Xét nghiệm nhiễm trùng tiểu tại nhà - Quy trình thực hiện và những lưu ý cần biết

Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm nhiễm trùng tiểu tại nhà

Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: Nước tiểu

1. Tìm hiểu chung

Xét nghiệm nhiễm trùng tiểu tại nhà là gì?

Xét nghiệm nhiễm trùng tiểu tại nhà nhằm để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng đường tiểu theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Đường tiểu của bạn bao gồm thận, bàng quang, niệu quản và niệu đạo. Nước tiểu trong bàng quang thường là vô trùng, nghĩa là không chứa bất kỳ vi khuẩn hoặc vi sinh vật nào khác (chẳng hạn như nấm). Nhưng vi khuẩn có thể đi vào đường tiểu của bạn thông qua niệu đạo.

Nhiễm trùng tiểu thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới. Điều này một phần là do niệu đạo của nữ ngắn hơn và ở gần hậu môn hơn, cho phép vi khuẩn từ đường ruột dễ tiếp xúc với niệu đạo hơn. Nam giới còn có những chất diệt khuẩn từ tuyến tiệt liệt giúp giảm nguy cơ mắc bệnh của họ.

Hầu hết nhiễm trùng tiểu có thể dễ dàng điều trị bằng các kháng sinh. Nhưng nhiễm trùng tiểu không điều trị có thể lan đến thận và gây nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn. Nếu bạn sử dụng bộ xét nghiệm nước tiểu tại nhà, hãy đảm bảo rằng bác sĩ của bạn biết về các kết quả xét nghiệm bất thường để không bỏ sót các vấn đề nghiêm trọng.

Khi nào bạn nên thực hiện xét nghiệm nhiễm trùng tiểu tại nhà?

Một xét nghiệm nhiễm trùng tiểu tự làm được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để:

Tìm nhiễm trùng tiểu, đặc biệt là ở người thường bị nhiễm trùng tiểu tái phát. Một số bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng tiểu của bạn, chẳng hạn như mang thai, đái tháo đường hoặc các bệnh lý ảnh hưởng đến dòng nước tiểu (ví dụ sỏi thận, đột quỵ hoặc tổn thương tủy sống). Ở người trưởng thành, nhiễm trùng tiểu có thể gây triệu chứng như tiểu đau, tiểu nóng rát, tiểu lắt nhắt hoặc tiểu gấp lặp lại nhiều lần. Tuy nhiên người già và trẻ nhỏ bị nhiễm trùng tiểu có thể không có triệu chứng. Vì lý do này, các chuyên gia khuyến cáo rằng các đối tượng này nên gặp bác sĩ để tìm nhiễm trùng tiểu.

Kiểm tra đáp ứng điều trị nhiễm trùng tiểu. Nếu bạn đang được điều trị nhiễm trùng tiểu, bạn có thể thử nước tiểu tại nhà để xem kháng sinh có chữa được tình trạng nhiễm trùng của bạn hay không. Nếu bạn bị nhiễm trùng tiểu tái phát, bạn có khả năng tự làm được xét nghiệm này để kiểm tra nhiễm trùng.

Kiểm tra trẻ nhỏ bị nhiễm trùng bàng quang nhưng không có triệu chứng. Xét nghiệm ở những trẻ này được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

2. Điều cần thận trọng

Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện xét nghiệm nhiễm trùng tiểu tại nhà?

Xét nghiệm nhiễm trùng tiểu tại nhà nên được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để không bỏ sót kết quả xét nghiệm bất thường gây ra do vấn đề khác ngoài nhiễm trùng tiểu. Mặc dù bộ thử tại nhà có thể phát hiện nhiễm trùng tiểu nhưng nó không cung cấp thông tin về vị trí nhiễm trùng.

Kết quả dương tính không luôn nghĩa là bạn bị nhiễm trùng tiểu. Nếu bạn có kết quả dương tính, hãy thảo luận kết quả với bác sĩ của bạn. Nếu bạn có triệu chứng của nhiễm trùng tiểu nhưng tự xét nghiệm ra âm tính, hãy liên hệ với bác sĩ để được đánh giá thêm.

Bộ thử tại nhà không chính xác 100%. Nếu bạn tiếp tục có triệu chứng của nhiễm trùng tiểu nhưng xét nghiệm cho kết quả âm tính, bạn hãy thảo luận với bác sĩ.

Nhiều loại bộ thử tại nhà có thể được đặt mua qua mạng Internet. Nếu bạn truy cập Internet, bạn có thể tìm thấy các thông tin này bằng cách tìm kiếm loại xét nghiệm hoặc tên nhà sản xuất.

Một vài bộ thử có thể đi kèm với viên nang hoặc các thuốc khác để dùng sau khi thử. Những thuốc trong bộ thử không thay thế được việc tái khám với bác sĩ của bạn.

3. Quy trình thực hiện

Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện xét nghiệm nhiễm trùng tiểu tại nhà?

Bạn có thể mua bộ thử que nhúng mà không cần có đơn của bác sĩ để sử dụng tại nhà nhằm kiểm tra nhiễm trùng tiểu. Hãy nói với bác sĩ nếu bạn có sử dụng bộ thử.

Quy trình thực hiện xét nghiệm nhiễm trùng tiểu tại nhà như thế nào?

Đừng đi tiểu trong ít nhất 4 tiếng trước khi thử nước tiểu. Mẫu nước tiểu đầu tiên buổi sáng (lấy từ bàng quang để qua đêm) sẽ cung cấp kết quả xét nghiệm chính xác nhất.

Bạn hãy thử nước tiểu trong vòng 15 phút sau khi lấy mẫu, hoặc đưa que thử vào dòng nước tiểu khi bạn đang tiểu.

Tránh chạm viền của lọ đựng nước tiểu vào vùng sinh dục của bạn, và tránh để lẫn giấy vệ sinh, lông mu, phân, máu kinh hoặc các vật lạ khác vào mẫu nước tiểu. Điều này nhằm làm đảm bảo tính chính xác của xét nghiệm.

Bạn nên làm gì sau khi thực hiện xét nghiệm nhiễm trùng tiểu tại nhà?

Thử mẫu nước tiểu tùy theo hướng dẫn đi kèm với bộ thử. Hãy đảm bảo rằng bác sĩ của bạn biết về các kết quả xét nghiệm bất thường để không bỏ sót các vấn đề nghiêm trọng.

4. Hướng dẫn đọc kết quả

Kết quả của bạn có ý nghĩa gì?

Kết quả bình thường

Que nhúng nitrite: không tìm thấy nitrite trong nước tiểu. Kết quả bình thường gọi là âm tính.

Que nhúng bạch cầu: không tìm thấy bạch cầu trong nước tiểu. Kết quả bình thường gọi là âm tính.

Kết quả bất thường

Que nhúng nitrite: tìm thấy nitrite trong nước tiểu. Kết quả này gọi là dương tính.

Que nhúng bạch cầu: tìm thấy bạch cầu trong nước tiểu. Kết quả này gọi là dương tính.

Hãy gọi cho bác sĩ của bạn nếu kết quả xét nghiệm ra dương tính.

Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến xét nghiệm nhiễm trùng tiểu tại nhà, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:08/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM