Bệnh lao đường tiết niệu sinh dục - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Lao đường tiết niệu sinh dục là bệnh của hệ thống tiết niệu sinh dục, bao gồm đường tiết niệu và hệ thống sinh sản. Đây là dạng nhiễm trùng lao ngoài phổi. Vậy nguyên nhân và triệu chứng của bệnh là gì? Phương pháp điều trị và phòng ngừa nào là hiệu quả? Tham khảo ngay bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Bệnh lao đường tiết niệu sinh dục - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Lao đường tiết niệu sinh dục là bệnh gì?

Lao đường tiết niệu sinh dục (còn gọi là lao niệu sinh dục) là bệnh của hệ thống tiết niệu sinh dục, bao gồm đường tiết niệu và hệ thống sinh sản. Đây là dạng nhiễm trùng lao ngoài phổi.

Mức độ phổ biến của bệnh lao đường tiết niệu sinh dục

Bệnh lao đường tiết niệu sinh dục chiếm khoảng 15% tất cả các trường hợp lao ngoài phổi. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lao niệu sinh dục là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gồm triệu chứng đường tiểu dưới, đau sườn, tiểu máu và tăng huyết áp động mạch. Khoảng 20% số bệnh nhân bị bệnh lao niệu sinh dục không có triệu chứng.

Viêm mào tinh hoàn có biểu hiện bìu sưng, đau và đỏ. Vô sinh là một di chứng thường gặp. Các biểu hiện của bệnh lao dương vật thường hiếm và đặc trưng bởi vết loét (nhiễm trùng nguyên phát) hoặc nhiễm trùng phá hủy (lupus lao).

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương pháp thích hợp nhất.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra bệnh lao đường tiết niệu sinh dục?

Các mầm bệnh phổ biến nhất liên quan đến bệnh lao (TB) là Mycobacterium tuberculosis, một loại vi khuẩn bất động hiếu khí. Các vi khuẩn này phát triển chậm, phân chia chỉ một lần mỗi 24 giờ và có khả năng sống sót trong các tế bào miễn dịch sau khi thực bào. Các mầm bệnh liên quan khác thường bao gồm M kansasii, M fortuitum, M bovis, M avium-intracellulare (MAI), M xenopi, M celatum.

Lao sinh dục nam thường là dạng lao phổi mắc phải thông thường. Bệnh lao sinh dục nam do quan hệ tình dục khó xảy ra, mặc dù các trường hợp lây truyền lao sinh dục từ nam sang nữ đã được báo cáo. Nhiễm virus suy giảm miễn dịch (HIV) làm tăng nguy cơ bị bệnh lao và tái kích hoạt ổ lao không hoạt động. Lao mào tinh là bệnh lao phát triển phổ biến nhất ở nam giới trẻ tuổi có quan hệ tình dục.

Trong những trường hợp rất hiếm, lao mào tinh hoàn và lao tuyến tiền liệt xuất hiện sau khi thực hiện liệu pháp miễn dịch bacille Calmette-Guérin (BCG) trong bàng quang để điều trị các khối u trên bề mặt bàng quang.

Nói chung, viêm lao tuyến tiền liệt là do vi khuẩn M tuberculosis nằm rải rác trong máu từ vùng bị nhiễm trùng ban đầu. Như vậy, nhiễm lao trước đây là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất.

Sử dụng steroid kéo dài và liệu pháp ức chế miễn dịch có thể làm tăng nguy cơ tái kích hoạt ổ lao không hoạt động.

4. Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao đường tiết niệu sinh dục?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ mắc lao hệ thống sinh dục như:

Nhiễm trùng tiểu với bệnh lao: lao phổi hoặc lao ngoài phổi. Sự phát triển của bệnh lao sinh dục thường do bệnh lao phổi lây lan. Tiếp xúc trước đó với bệnh nhân bị nhiễm bệnh lao: người tiếp xúc với bệnh lao có thể bị nhiễm trùng không hoạt động và sau này có thể bị kích hoạt khi hệ thống miễn dịch suy yếu. Hệ miễn dịch bị ức chế: có thể do mắc phải (nhiễm HIV) hoặc bẩm sinh. Địa lý: lao phổ biến hơn ở các lục địa châu Á và châu Phi so với các quốc gia phương Tây như Mỹ, Anh và Australia.

5. Chẩn đoán & điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán lao đường tiết niệu sinh dục?

Triệu chứng của lao sinh dục (GUTB) thường mơ hồ và các bác sĩ phải có mức độ nhận thức cao để chẩn đoán. Bệnh sử của bệnh nhân chính là yếu tố quan trọng để chẩn đoán lao đường tiết niệu sinh dục.

Các tình trạng sức khỏe có thể nhầm lẫn với lao sinh dục bao gồm ung thư bàng quang, tinh hoàn, thận và niệu đạo; nấm và nhiễm khuẩn đường tiết niệu sinh dục; viêm thận mủ; chấn thương bìu hoặc tinh hoàn; viêm tuyến tiền liệt u hạt sau phẫu thuật hoặc sau liệu pháp bacille Calmette-Guérin (BCG); u hạt và viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn.

Ngoài bệnh sử bệnh nhân, các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, cũng như các nghiên cứu chẩn đoán khác có thể xác định chẩn đoán như:

Xét nghiệm máu: FBC, nuôi cấy vi sinh AFBs. X -quang: để tìm bằng chứng X-quang của bệnh lao phổi. Cấy đờm: nếu bệnh nhân bị nghi ngờ nhiễm bệnh lao phổi hoạt động. Mẫu bệnh phẩm được nuôi cấy để phát hiện trực khuẩn kháng toan (AFB) và khả năng nhạy cảm.

Những phương pháp nào dùng để điều trị lao đường tiết niệu sinh dục?

Mục đích chính của điều trị là bảo vệ nhu mô và chức năng thận, loại bỏ nhiễm trùng và quản lý bệnh kèm theo. Bệnh lao niệu sinh dục đáp ứng tốt với một đợt điều trị ngắn hơn so với lao phổi, vì lao niệu sinh dục có lượng mycobacteria thấp hơn. Ngoài ra, thuốc isoniazid (INH) và rifampin thâm nhập tốt hơn vào khoang tổn thương liên quan đến bệnh. Nồng độ cao của isoniazid, rifampin và pyrazinamid được duy trì trong nước tiểu.

Để ngăn chặn sự xuất hiện của vi khuẩn đề kháng, phương thức điều trị phối hợp là quan trọng. Do thời gian điều trị lâu dài và những tác dụng phụ bất lợi, việc duy trì điều trị của bệnh nhân là khó khăn. Vì vậy, bác sĩ thường khuyến khích liệu pháp quan sát trực tiếp.

Thuốc được dùng điều trị tiêu chuẩn cho bệnh lao là rifampin, isoniazid, pyrazinamid và ethambutol trong vòng 2 tháng. Sau đó, rifampin và isoniazid thêm 4 tháng trừ khi bạn có đề kháng một trong hai thuốc. Nếu có kháng thuốc, bác sĩ sẽ theo dõi độ nhạy cảm và thay đổi phác đồ điều trị nếu cần thiết. Nói chung, nếu bị lao niệu sinh dục, bạn nên thực hiện 4 tháng hóa trị liệu.

Ở những người dương tính với virus suy giảm miễn dịch (HIV), nên tiếp tục điều trị thêm 9 tháng.

Ở bệnh nhân suy dinh dưỡng nên có một chế độ ăn uống dinh dưỡng cao.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý lao đường tiết niệu sinh dục?

Điều trị bệnh lao là một quá trình phức tạp và kéo dài. Cách duy nhất để chữa căn bệnh này là tuân thủ chặt chẽ với điều trị. Bạn có thể thấy hữu ích khi được y tá hoặc bác sĩ phát thuốc, nhờ đó bạn không cần nhớ cách sử dụng. Ngoài ra, cố gắng duy trì hoạt động và sở thích bình thường, duy trì kết nối với gia đình và bạn bè.

Hãy nhớ rằng sức khỏe thể chất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Chối bỏ, tức giận và thất vọng là bình thường khi bạn phải đối phó với một vấn đề khó khăn và bất ngờ. Đôi khi, bạn có thể cần thêm hỗ trợ để đối phó với những cảm xúc khác. Chuyên gia như nhà trị liệu hoặc nhà tâm lý học hành vi có thể giúp bạn phát triển các chiến lược đối phó tích cực.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh lao đường tiết niệu sinh dục, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:15/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM