Xét nghiệm kháng thể tự miễn ở bệnh tiểu đường - Những thông tin cần biết

Xét nghiệm kháng thể tự miễn ở bệnh tiểu đường thường được thực hiện để phân biệt giữa tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2. Để hiểu rõ hơn về xét nghiệm này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!

Xét nghiệm kháng thể tự miễn ở bệnh tiểu đường - Những thông tin cần biết

1. Tìm hiểu chung

Xét nghiệm kháng thể tự miễn ở bệnh tiểu đường là gì?

Xét nghiệm kháng thể tự miễn ở bệnh tiểu đường thường được thực hiện trên một người mới được chẩn đoán bệnh tiểu đường và bác sĩ muốn phân biệt giữa tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2.

Tiểu đường tuýp 1 là bệnh phụ thuộc insulin. Ngày nay, người ta đã biết được căn bệnh này là bệnh tự miễn tấn công và phá hủy các đảo tụy cũng như những sản phẩm tiết ra từ đó. Xét nghiệm tìm kháng thể tự miễn được sử dụng để phân biệt tiểu đường tuýp 1 với tuýp 2. Gần 90% bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 có một hoặc nhiều hơn các kháng thể này tại thời điểm phát hiện ra bệnh. Bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 có nồng độ các chất này thấp hoặc là không có.

Những kháng thể này thường xuất hiện vài năm trước khi khởi phát triệu chứng. Khoảng 60–80% bệnh nhân có kết quả dương tính với xét nghiệm tìm kháng thể tự miễn kháng insulin hoặc tế bào đảo tụy sẽ bị tiểu đường phụ thuộc insulin trong vòng 10 năm. GAD Ab cung cấp bằng chứng khẳng định. Ngoài ra, xét nghiệm này cũng chỉ ra những phụ nữ nào bị tiểu đường thai kỳ cần phải sử dụng insulin vĩnh viễn. Khi phát hiện được những kháng thể này, bác sĩ sẽ trao đổi với bạn về kế hoạch điều trị phòng bệnh tiểu đường. Bác sĩ sẽ tư vấn và theo dõi nồng độ đường (glucose) trong máu bạn.

Trong quá khứ, việc sử dụng insulin ngoại sinh trong thời gian dài xuất hiện tình trạng đề kháng insulin, nhưng ngày nay nhờ vào kỹ thuật tái tổ hợp ADN, người ta đã loại bỏ được tác dụng phụ này.

Khi nào bạn nên thực hiện xét nghiệm kháng thể tự miễn ở bệnh tiểu đường?

Xét nghiệm tìm kháng thể tự miễn này rất có ích cho những thân nhân của bệnh nhân tiểu đường, bởi vì họ có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn người bình thường.

Xét nghiệm này có thể được thực hiện trên một người mới được chẩn đoán bệnh tiểu đường và bác sĩ muốn phân biệt giữa tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2. Hơn nữa, xét nghiệm cũng có thể được thực hiện khi chẩn đoán tiểu đường tuýp 2 là không chắc chắn khi bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết mặc dù đã được điều trị đầy đủ.

Xét nghiệm tìm kháng thể tự miễn cũng được sử dụng trong giám sát bệnh nhân đã nhận được cấy ghép tế bào đảo tụy. Cuối cùng, các kháng thể này có thể được sử dụng để xác định tiểu đường tuýp 1 khởi phát muộn ở những bệnh nhân đã bị chẩn đoán nhầm là tiểu đường tuýp 2 trước đó.

2. Điều cần thận trọng

Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện xét nghiệm kháng thể tự miễn ở bệnh tiểu đường?

Nếu bạn có sử dụng thuốc có đồng vị phóng xạ trong vòng 7 ngày trước khi xét nghiệm có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

Các kháng thể tự miễn được tìm thấy ở trẻ em thường không giống với các kháng thể được tìm thấy ở người lớn. Trong khi có khoảng 50% trẻ em mới khởi phát tiểu đường tuýp 1 dương tính với kháng thể kháng insulin (IAA), kháng thể này hiếm khi dương tính trên người trưởng thành.

Những người đã được điều trị tiểu đường với insulin có thể bắt đầu tạo ra những kháng thể kháng với insulin ngoại sinh (insulin được tiêm vào cơ thể bạn). Đo kháng thể kháng insulin (IAA) không thể  phân biệt được kháng thể mới tạo ra này và kháng thể tự miễn. Vì vậy, xét nghiệm IAA không thích hợp trên những bệnh nhân đã được điều trị bằng tiêm insulin.

Kháng thể kháng các tiểu đảo tụy cũng có thể được tìm thấy trên những người có các bệnh lý tự miễn như viêm tuyến giáp Hashimoto hay bệnh Addison.

Trước khi tiến hành kỹ thuật y tế này, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

3. Quy trình thực hiện

Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện xét nghiệm kháng thể tự miễn ở bệnh tiểu đường ?

Bác sĩ sẽ giải thích cho bạn quy trình trước khi thực hiện xét nghiệm.

Bệnh nhân phải nhịn ăn trước khi lấy máu để xét nghiệm.

Quy trình thực hiện xét nghiệm kháng thể tự miễn ở bệnh tiểu đường như thế nào?

Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu tĩnh mạch cho vào một ống chân không đỏ hoặc trong ống phân cách máu/ huyết thanh.

Bạn nên làm gì sau khi thực hiện xét nghiệm kháng thể tự miễn ở bệnh tiểu đường?

Bạn nên ấn mạnh và đè lên các vùng tĩnh mạch vừa được lấy máu xong.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về quy trình thực hiện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

4. Hướng dẫn đọc kết quả

Kết quả của bạn có ý nghĩa gì?

Kết quả bình thường:

< 1 : 4 độ chuẩn. Không phát hiện kháng thể.

Kết quả bất thường:

Nồng độ kháng thể tự miễn tăng cao. Nếu kết quả tăng, có thể bạn đang mắc các bệnh sau đây: Tiểu đường phụ thuộc insulin (tuýp 1) Kháng insulin Dị ứng với insulin Hạ đường huyết giả

Khoảng giá trị bình thường của kỹ thuật y tế này có thể không thống nhất tùy thuộc vào cơ sở thực hiện xét nghiệm. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến xét nghiệm kháng thể tự miễn ở bệnh tiểu đường, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:05/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM