Chứng phình mạch - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Chứng phình mạch xảy ra khi thành động mạch yếu đi và tạo nên một túi phình lớn bất thường. Vậy tình trạng này có nguy hiểm không? Làm thế nào để điều trị và phòng ngừa hiệu quả? Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!

Chứng phình mạch - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Chứng phình mạch là gì?

Chứng phình mạch xảy ra khi thành động mạch yếu đi và tạo nên một túi phình lớn bất thường. Túi phình này có thể vỡ ra, khiến cho máu chảy ở bên trong cơ thể (xuất huyết nội), có khả năng dẫn đến các biến chứng gây tử vong. Mặc dù chứng phình mạch có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng phổ biến nhất là ở:

  • Não;
  • Động mạch chủ;
  • Chân;
  • Lá lách.

Chứng phình mạch được phân loại theo vị trí xuất hiện túi phình trong cơ thể. Ngoài ra, túi phình có thể tồn tại ở 2 hình dạng chính:

Phình mạch dạng hình thoi (fusiform aneurysms): phình đều ra ở tất cả các mặt mạch máu;

Phình mạch dạng hình túi (saccular aneurysms): chỉ phình ra ở một bên mạch máu, tạo thành hình dạng giống túi chứa.

Nguy cơ vỡ ở vị trí phình mạch phụ thuộc vào kích thước của túi phình.

Phân loại chứng phình mạch

Phình động mạch chủ

Động mạch chủ là một động lớn bắt nguồn từ tâm thất trái của tim và đi qua các khoang ngực, bụng. Đường kính bình thường của động mạch này là khoảng 2-3cm nhưng khi bị phình, đường kính có thể lớn hơn 5cm.

Chứng phình động mạch phổ biến nhất tại động mạch chủ là phình động mạch chủ bụng (abdominal aortic aneurysm – AAA), xảy ra ở một phần của động mạch chủ đi qua bụng. Nếu không phẫu thuật, tỷ lệ sống sót hàng năm ở người bệnh phình động mạch chủ bụng trên 6cm là 20%. Tình trạng này có thể diễn tiến nguy hiểm nhanh chóng. Khi được chuyển đến bệnh viện điều trị, người bệnh có 50% cơ hội sống sót.

Một dạng ít phổ biến hơn là phình động mạch chủ ngực (thoracic aortic aneurysm – TAA), ảnh hưởng ở một phần động mạch chủ đi qua ngực. Tình trạng này có tỷ lệ sống sót khoảng 56% mà không cần điều trị và 85% sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, trường hợp này tương đối hiếm gặp, chỉ có 25% ca phình động mạch chủ xảy ra ở ngực.

Phình động mạch não

Chứng phình mạch xảy ra ở động mạch cung cấp máu lên não được gọi là phình động mạch não, hay túi phình mạch máu não.

Phình động mạch não có thể bị vỡ và gây tử vong trong vòng 24 giờ. Có khoảng 40% trường hợp phình động mạch não tử vong và 66% người bệnh sống sót bị suy yếu thần kinh hoặc khuyết tật.

Túi phình mạch não bị vỡ là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra dạng đột quỵ có tên gọi là xuất huyết dưới màng nhện (SAH).

Phình động mạch ngoại biên

Chứng phình động mạch cũng có thể xảy ra tại các động mạch ngoại biên, bao gồm:

Phình động mạch sau gối Phình động mạch lá lách Phình động mạch mạc treo Phình động mạch đùi Phình động mạch nội tạng

Phình động mạch ngoại biên ít có khả năng bị vỡ hơn so với phình động mạch chủ.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng chứng phình mạch

Các triệu chứng của chứng phình mạch rất đa dạng, tùy thuộc vào loại phình và vị trí xuất hiện. Tuy nhiên, khi phình động mạch xảy ra ở não hay bất kỳ khu vực nào trong cơ thể hầu như không gây ra dấu hiệu và triệu chứng gì cho đến khi chúng bị vỡ ra.

Chứng phình động mạch xảy ra gần bề mặt da có thể có dấu hiệu sưng và đau. Đôi khi, bạn cảm thấy có một khối sưng lớn xuất hiện. Các triệu chứng xảy ra khi vị trí phình mạch bị vỡ ở bất kỳ nơi nào trong cơ thể bao gồm:

  • Xuất huyết ;
  • Tăng nhịp tim ;
  • Đau đớn ;
  • Cảm thấy chóng mặt hoặc quay cuồng đầu óc.

Các biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong nếu không được chăm sóc y tế khẩn cấp.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân chứng phình mạch là gì?

Nguyên nhân chính xác gây ra chứng phình mạch chưa được biết đến chính xác nhưng một số yếu tố nhất định có thể góp phần gây ra tình trạng này.

Ví dụ, mô bị thương tổn trong động mạch là một tác nhân có thể dẫn đến phình mạch. Các động mạch có thể bị tắc nghẽn do xơ vữa, mảng bám trong lòng mạch. Từ đó, tim buộc phải hoạt động mạnh hơn mức bình thường để đẩy máu đi qua được vị trí có mảng bám trong động mạch. Chính điều này làm tăng áp lực lên thành động mạch và khiến chúng yếu dần đi.

Bệnh xơ vữa động mạch

Bệnh xơ vữa động mạch có thể gây ra chứng phình mạch. Những người mắc bệnh này có những mảng bám tích tụ dần bên trong động mạch. Theo thời gian, các mảng bám này làm tổn thương động mạch và ngăn chặn dòng chảy của máu.

Huyết áp cao

Huyết áp tăng cao cũng có khả năng gây phình mạch. Khi huyết áp tăng hơn mức bình thường có thể khiến cho các mạch máu giãn rộng và suy yếu dần.

Huyết áp bình thường ở người trưởng thành ở mức 120/80mmHg hoặc thấp hơn một chút. Khi chỉ số này tăng cao đáng kể có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề ở tim, mạch máu và hệ tuần hoàn. Tuy nhiên, không phải lúc nào huyết áp cao hơn mức bình thường cũng đồng nghĩa với việc bạn có nguy cơ bị phình mạch.

Ai có nguy cơ gặp phải chứng phình mạch?

Nam giới có nhiều khả năng phình mạch hơn so với nữ giới. Những người trên 60 tuổi cũng có nguy cơ cao hơn. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:

Chế độ ăn nhiều chất béo và cholesterol Có tiền sử gia đình có vấn đề về tim mạch, bao gồm bệnh tim và đau thắt ngực Hút thuốc Béo phì Mang thai (có thể làm tăng nguy cơ phình mạch ở lá lách)

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán chứng phình mạch?

Các phương pháp giúp chẩn đoán và tìm kiếm vị trí động mạch bị tổn thương sẽ phụ thuộc vào vị trí xảy ra vấn đề.

Chụp CT và siêu âm là các kỹ thuật phổ biến nhất được sử dụng để chẩn đoán hoặc ghi nhận sự bất thường xuất hiện trong mạch máu. Kết quả chụp CT sẽ cho thấy cấu tạo các bộ phận bên trong cơ thể cũng như quan sát tình trạng của mạch máu, phát hiện các vấn đề như tắc nghẽn, túi phình hay các vị trí bị yếu bên trong mạch.

Những phương pháp điều trị chứng phình mạch

Việc điều trị thường phụ thuộc vào vị trí và loại phình mạch của người bệnh.

Chẳng hạn trong trường hợp động mạch ở ngực và bụng có vị trí bị suy yếu, phẫu thuật ghép stent nội mạch có thể được tiến hành. Đây là một kỹ thuật xâm lấn tối thiểu và có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật mở truyền thống vì có liên quan đến việc sửa chữa và củng cố các mạch máu có thương tổn. Thủ thuật này cũng làm giảm nguy cơ bị nhiễm trùng, để lại sẹo hay nhiều vấn đề khác sau khi thực hiện.

Các lựa chọn điều trị có thể bao gồm sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp và cholesterol cao. Một số loại thuốc chẹn beta cũng có khi được chỉ định với mục đích hạ huyết áp. Huyết áp được giảm xuống sẽ giữ cho túi phình mạch không bị vỡ ra.

5. Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa chứng phình mạch?

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và rau củ quả có thể giúp phòng ngừa chứng phình mạch hình thành. Nguồn protein bổ sung cho cơ thể nên từ thịt và gia cầm có ít chất béo bão hòa và ít cholesterol. Các sản phẩm sữa tách béo cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là các bài tập cardio, sẽ giúp quá trình lưu thông máu qua tim, động mạch và các mạch máu khác tốt hơn.

Bỏ hút thuốc cũng là cách làm giảm nguy cơ bị phình mạch máu. Bên cạnh đó, đừng quên kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ hàng năm.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến Chứng phình mạch, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:27/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM