Bệnh hẹp van động mạch chủ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Hẹp van động mạch chủ là bệnh lý mà khi đó van động mạch chủ quá hẹp hoặc bị cứng khiến máu không thể lưu thông được. Vậy nguyên nhân và triệu chứng của bệnh là gì? Làm thế nào để điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả? Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Bệnh hẹp van động mạch chủ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Định nghĩa

Hẹp van động mạch chủ là bệnh gì?

Hẹp van động mạch chủ là bệnh lý mà khi đó van động mạch chủ quá hẹp hoặc bị cứng khiến máu không thể lưu thông được. Động mạch chủ có thể hiểu nôm na là động mạch chính dẫn máu từ tim dẫn đến các bộ phận của cơ thế. Do đó khi người mắc bệnh hẹp van động mạch chủ, tim họ phải hoạt động vất vả để bơm máu thông qua lỗ nhỏ hơn. Điều này khiến thành thất dày hơn, buồng thất giãn ra và tim yếu hơn.

Những ai thường mắc phải hẹp van động mạch chủ?

Hẹp van động mạch chủ là một trong những bệnh khá phổ biến hiện nay, Theo thống kê cho thấy, nam giới – đặc biệt ở những người lớn tuổi – có tỉ lệ mắc bệnh hẹp van động mạch chủ gấp ba lần nữ giới. Người bệnh có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng việc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

2. Triệu chứng và dấu hiệu

Những dấu hiệu và triệu chứng của hẹp van động mạch chủ là gì?

Ở giai đoạn đầu, thường người bệnh sẽ không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi bệnh diễn tiến nặng hơn. Khi van tim thu hẹp đến một mức độ nào đó khiến cho lượng máu chảy về tim và các cơ quan khác bị thiếu hụt, do đó bạn sẽ gặp môt vài triệu chứng như:

Đau thắt ngực: người bệnh sẽ có cảm giác như lồng ngực bị đè nặng và bóp chặt, cơn đau có thể lan đến tay, cổ hoặc hàm; Ho và có thể người bệnh bị ho ra máu; Choáng váng, ngất hoặc bất tỉnh; Dấu hiệu suy tim như khó thở hoặc kiệt sức khi vận động, đôi lúc người bệnh hay tỉnh giấc giữa đêm; Tim đập nhanh và bất thường.

Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Hãy gặp bác sĩ nếu:

Bệnh nhân vừa mới thay van tim; Người bệnh có dấu hiệu: Đau ngực, khó thở, tim đập nhanh; Ngất; Tay chân đột ngột yếu đi; Có vấn đề về thị giác; Sốt cao. Chảy máu từ vị trí phẫu thuật.

Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra bệnh hẹp động mạch chủ là gì?

Nguyên nhân gây bệnh hẹp đọng mạch chủ bao gồm:

Dị tật tim bẩm sinh: dị tật này do cấu tạo bất thường của van tim từ khi mới sinh, chẳng hạn như van 2 lá. Tình trạng này theo thời gian sẽ khiến van tim hẹp dần và thoái hóa. Vôi hoặc mảng cholesterol đóng ở van tim: khi tuổi thọ tăng dần, bạn có thể gặp tình trạng van động mạch chủ bị vôi hóa, gây ra nhiều vấn đề về tim mạch, một trong số đó là bệnh hẹp van động mạch chủ. Sốt thấp khớp: sốt thấp khớp là một biến chứng của viêm họng. Sốt thấp khớp có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho các van tim và suy tim. Không những thế, sốt thấp khớp có thể làm cho van động mạch chủ hình thành những mô sẹo khiến van bị hẹp lại, ngoài ra những mô sẹo này còn làm cho những mảng vôi bám dễ dàng tích tụ hơn, làm tăng nguy cơ hẹp van động mạch chủ về sau.

4. Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh hẹp động mạch chủ?

Các yếu tố làm tăng khả năng mắc hẹp van động mạch chủ là:

Van động mạch chủ bị thoái hóa. Một số người do bẩm sinh đã bị hẹp van động mạch chủ, một số khác về sau mới bị do có tình trạng van 2 lá mà không phải 3 lá như bình thường. Tình trạng van 2 lá có thể do di truyền nên nếu trong gia đình bạn có người bị van 2 lá thì bạn nên chủ động gặp bác sĩ để kiểm tra. Tuổi tác: tuổi càng cao, càng dễ gặp phải tình trạng vôi bám ở van tim. Sốt thấp khớp. Bệnh thận mạn tính. Ngoài ra còn một số nguy cơ khác khiến bạn dễ mắc bệnh như: tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc, nồng độ cholesterol trong máu cao.

5. Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh hẹp động mạch chủ?

Nếu bệnh nhân không có triệu chứng quá nghiêm trọng hoặc trong tình trạng hẹp ít, có thể không cần chữa trị nhưng nên nhờ bác sĩ theo dõi định kỳ;

Với những bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng thì phẫu thuật thay van là lựa chọn tối ưu nhất;

Ngoài ra, bác sĩ có thế áp dụng thủ thuật khác như nong van bằng bóng. Thủ thuật này sử dụng một ống mềm mỏng có gắn các quả bóng. Bác sĩ hướng các ống thông qua một mạch máu ở cánh tay hoặc ở bẹn vào nơi van bị hẹp, sau đó nong lỗ van để cải thiện lưu lượng máu. Thủ thuật này được áp dụng với những bệnh nhân trẻ tuổi có điều kiện thay van tim về sau.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh hẹp động mạch chủ?

Để tìm ra bệnh, bác sĩ thường sẽ xem qua những loại thuốc bạn dùng và tiến hành kiểm tra vật lý. Bác sĩ có thể nghe nhịp đập của tim để phán đoán. Trong trường hợp nghi ngờ bạn mắc bệnh hẹp động mạch chủ, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm tim.

Một vài thủ thuật khác cũng có thể được thực hiện trước phẫu thuật thay van tim như thông tim để kiểm tra xem tình trạng của bệnh nhân đang nghiêm trọng như thế nào.

6. Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của hẹp van động mạch chủ?

Hẹp van động mạch chủ có thể được kiểm soát nếu:

Hỏi ý kiến bác sĩ về việc bạn có nên tập thể dục hay không. Ngừng hút thuốc. Thiết lập một chế độ ăn ít muối và giảm cân nếu bạn mắc chứng suy tim sung huyết. Nếu bạn đang trong độ tuổi lập gia đình và mang thai, hãy hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa tim có nên mang thai trong giai đoạn hiện tại hay không vì khi mang thai, tim bạn sẽ phải hoạt động vất vả hơn. Hãy quan tâm đến việc điều trị những nguy cơ của chứng hẹp động mạch chủ như sốt thấp khớp hay cao huyết áp. Vì hẹp van động mạch chủ có mối liên quan đến các bệnh về tim mạch.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh hẹp van động mạch chủ, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:21/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM