Bệnh phình động mạch chủ bụng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Phình động mạch chủ bụng là tình trạng động mạch chủ bị giãn ra to hơn bình thường. Hiện tượng giãn nở hay phình động mạch chủ rất nguy hiểm. Cùng eLib.VN tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh lý này nhé!

Bệnh phình động mạch chủ bụng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Phình động mạch chủ bụng là tình trạng động mạch chủ bị giãn ra to hơn bình thường. Động mạch chủ bụng (động mạch lớn nhất trong cơ thể) là mạch máu chính dẫn máu từ tim đến các cơ quan và các mô ở nửa phần dưới của cơ thể. Hiện tượng giãn nở hay phình động mạch chủ rất nguy hiểm. Đoạn động mạch bị phình có thành mạch yếu hơn thành mạch bình thường, do đó các mạch máu này rất dễ vỡ dưới áp lực của máu nếu không được điều trị kịp thời.

2. Triệu chứng thường gặp

Phình động mạch chủ bụng thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, trong vài trường hợp khi mắc bệnh, bạn sẽ thường bị đau ở phần giữa của bụng hoặc lưng. Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên gặp bác sĩ khi:

  • Có một trong những triệu chứng đã được đề cập ở trên, đặc biệt là khi bạn trong độ tuổi từ 55 trở lên ở nam giới và 60 trở lên ở nữ giới;
  • Hoặc khi bạn có những triệu chứng như: đau bụng dữ dội một cách đột ngột, tụt huyết áp nhanh, choáng váng, ngất,…

Nếu gia đình bạn đã từng có người bị phình động mạch chủ bụng thì nguy cơ bạn mắc bệnh sẽ rất cao. Bạn cũng nên đi kiểm tra thường xuyên. Bệnh này đôi khi khó nhận biết do không có triệu chứng rõ ràng thậm chí trong vài trường hợp không có triệu chứng gì nên tốt nhất là khi bạn bước vào độ tuổi có khả năng mắc bệnh, hãy thường xuyên làm kiểm tra sức khỏe định kì.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Phình động mạch chủ bụng thường do nhiều nguyên nhân kết hợp. Một số nguyên nhân gây phình động mạch chủ bụng gồm:

  • Tăng huyết áp;
  • Xơ vữa động mạch: đây là nguyên nhân phổ biến nhất được công nhận gây phình động mạch chủ.

Một số nguyên nhân khác là:

  • Nhiễm trùng trong động mạch chủ (viêm mạch máu). Trong trường hợp hiếm hoi, phình động mạch chủ bụng có thể do nhiễm trùng hoặc viêm (viêm mạch) làm suy yếu một phần của thành động mạch chủ;
  • Bệnh mô liên kết (như hội chứng Ehlers-Danlos).

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải phình động mạch chủ bụng?

Bất kì ai cũng có thể mắc chứng phình động mạch chủ bụng nhưng chứng bệnh này thường gặp ở những người trên 60 tuổi. Theo thống kê của tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), bệnh phình động mạch chủ bụng phổ biến ở nam giới hơn nữ giới. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc phình động mạch chủ bụng?

Những yếu tố sau đây có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh phình động mạch chủ bụng:

  • Trong độ tuổi từ 55 hoặc 60 tuổi trở lên;
  • Thuốc lá, rượu bia;
  • Mắc bệnh cao huyết áp;
  • Mắc bệnh xơ vữa động mạch: sự tích tụ chất béo và các chất khác có thể gây tổn thương thành mạch máu, làm tăng nguy cơ của chứng phình động mạch;
  • Có người thân mắc bệnh phình động mạch chủ bụng: theo nghiên cứu, 25% bệnh nhân phình động mạch chủ có người thân cũng mắc bệnh;
  • Là nam giới: thống kê cho thấy, nam giới có khả năng mắc chứng phình động mạch chủ bụng gấp 6 lần nữ giới.

5. Điều trị hiệu quả

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán phình động mạch chủ bụng?

Nhiều trường hợp phình động mạch chủ được phát hiện trong các lần kiểm tra sức khỏe định kì. Bác sĩ sẽ cảm nhận được có một khối phình đập theo mạch ở giữa bụng của bạn. Nếu nghi ngờ có tình trạng phình động mạch chủ, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm và chụp CT. Siêu âm có thể nhận biết gần như 100% vị trí và độ phình của động mạch chủ, nhưng bác sĩ sẽ chụp CT để kiểm tra chính xác kích cỡ vùng bị phình.

Những phương pháp nào dùng để điều trị phình động mạch chủ bụng?

Phình động mạch có thể điều trị nếu được chẩn đoán sớm, trước khi động mạch phình bị vỡ. Khi động mạch phình bị vỡ và không được cấp cứu ngay lập tức, bệnh nhân có thể tử vong.

Phương pháp điều trị bệnh phụ thuộc vào kích thước động mạch phình và nguy cơ vỡ phình động mạch.

Nếu động mạch phình nhỏ (đường kính nhỏ hơn 4cm) thì không cần chữa trị, nhưng phải kiểm tra mỗi 6 tháng đến 1 năm và siêu âm để theo dõi khối phình động mạch có đang lớn lên hay không; Khối phình khoảng 4 đến 5 cm có nhiều cách điều trị khác nhau. Vài bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật, một số khác chỉ tiến hành theo dõi. Nếu động mạch chủ bụng phình hơn 1 cm mỗi năm, phẫu thuật sẽ là lựa chọn tối ưu; Với những động mạch phình có đường kính lớn hơn 5 cm, bác sĩ sẽ kiến nghị phẫu thuật để đưa mạch máu nhân tạo bằng lưới sợi tổng hợp vào bên trong của khối phình. Nhiệm vụ của mạch nhân tạo là giúp giữ vững tránh khối phình bị vỡ.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Cách tốt nhất để kiểm soát bệnh phình động mạch chủ là giữ cho mạch máu càng khỏe càng tốt. Điều này đồng nghĩa với việc:

  • Từ bỏ hút thuốc;
  • Kiểm soát huyết áp;
  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Giảm cholesterol và chất béo trong chế độ dinh dưỡng.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Phình động mạch chủ bụng, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:16/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM