Bệnh hẹp van hai lá - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh hẹp van hai lá là một trong những vấn đề thường gặp ở van hai lá trong tim. Tình trạng hẹp nặng ở van này ở người trưởng thành thường là hậu quả từ bệnh lý thấp do nhiễm liên cầu khuẩn lúc nhỏ. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hoạt động và vai trò của van hai lá trong tim. Khi van này hẹp sẽ gây ra những dấu hiệu và triệu chứng gì? Những phương pháp nào giúp điều trị được tình trạng này? Mời bạn cùng tìm hiểu.

Bệnh hẹp van hai lá - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Hẹp van hai lá là gì?

Van hai lá nằm ở phần tim trái, giữa tâm nhĩ trái ở trên và tâm thất trái ở dưới. Bình thường, van này sẽ đóng mở để cho máu đi từ tâm nhĩ xuống tâm thất và ngăn không cho máu chảy ngược lại. Thế nhưng, khi van hai lá không mở ra hoàn toàn sẽ khiến cho lượng máu xuống tâm thất không đủ. Tình trạng đó được đặt tên là hẹp van hai lá.

Người bệnh bị hẹp van hai lá sẽ cảm thấy mệt mỏi, khó thở và nhiều vấn đề khác do tim không có đủ máu để bơm đi cung cấp cho cơ thể. Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng.

2. Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh hẹp van hai lá

Bạn có thể vẫn hoạt động bình thường khi van hai lá bị hẹp hoặc chỉ có một ít triệu chứng trong nhiều năm liền. Thế nhưng, đây là một tình trạng tiến triển chậm theo thời gian nên đến khi người bệnh phát hiện ra, van tim đã hẹp nặng. Do đó, nếu bạn thấy có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra sớm.

Các triệu chứng có thể gặp khi hẹp van hai lá là:

  • Khó thở, đặc biệt khi hoạt động gắng sức hoặc nằm xuống;
  • Mệt mỏi, nhất là khi tăng hoạt động thể chất ;
  • Sưng chân hoặc bàn chân;
  • Đánh trống ngực, cảm giác tim đập nhanh, mạnh ;
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu ;
  • Ho ra máu ;
  • Đau hoặc cảm thấy khó chịu ở ngực.

Các triệu chứng có thể trở nên tồi tệ hơn bất cứ lúc nào nhịp tim tăng nhanh, chẳng hạn như khi tập thể dục. Một số tình trạng khác có khả năng làm xuất hiện triệu chứng là mang thai, căng thẳng, nhiễm trùng…

Khi van hai lá hẹp, áp lực hình thành dần ở tim sau đó tác động đến phổi, khiến cho dịch tích tụ và tắc nghẽn tại phổi gây khó thở.

Các triệu chứng của bệnh lý này thường xuất hiện trong độ tuổi từ 15–40 nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ cũng sẽ nhận thấy một số dấu hiệu của hẹp van hai lá như:

Nghe thấy tiếng thổi tim Rối loạn nhịp tim Có dịch tích tụ trong phổi

3. Nguyên nhân gây hẹp van hai lá là gì?

Những nguyên nhân có thể gây ra bệnh hẹp van hai là bao gồm:

  • Sốt thấp khớp. Đây là một biến chứng của viêm họng do liên cầu khuẩn, có thể làm hư hỏng van hai lá. Sốt thấp khớp là nguyên nhân phổ biến nhất gây hẹp van này. Chúng gây tổn thương van hai lá bằng cách làm cho nắp van dày lên hay dính lại với nhau. Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh có khả năng không xuất hiện trong nhiều năm đầu.
  • Lắng cặn canxi. Khi bạn lớn tuổi, canxi có thể lắng đọng và tích tụ xung quanh van hai lá, từ đó làm hẹp van này.
  • Các nguyên nhân khác. Một số ít trường hợp, bệnh xảy ra từ lúc mới sinh ra (hẹp van hai lá bẩm sinh) và biểu hiện các triệu chứng nặng dần theo thời gian. Các nguyên nhân hiếm gặp khác bao gồm tác động cúa tia phóng xạ vùng ngực, một số bệnh tự miễn (như lupus ban đỏ).

Các yếu tố nguy cơ gây hẹp van hai lá

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh lý này gồm:

Có tiền sử bị sốt thấp khớp Nhiễm liên cầu khuẩn nhưng không được điều trị triệt để

4. Chẩn đoán bệnh hẹp van hai lá

Trước hết, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử của bạn và thăm khám sức khỏe, bao gồm nghe tiếng tim thông qua ống nghe tim phổi. Hẹp van hai lá có thể khiến tiếng tim bất thường, được gọi với thuật ngữ là tiếng thổi tim. Họ cũng di chuyển ống nghe để nghe tiếng phổi, kiểm tra xem liệu có tắc nghẽn ở phổi do dịch tích tụ bên trong hay không.

Sau đó, để đưa ra chẩn đoán cuối cùng, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện thêm các xét nghiệm bổ sung. Bạn có thể được chỉ định đo điện tâm đồ (ECG), siêu âm tim hay chụp X-quang ngực.

Các xét nghiệm trên còn giúp bác sĩ phân biệt được hẹp van hai lá với những tình trạng khác. Đồng thời, chúng giúp tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và đánh giá khả năng điều trị.

5. Điều trị bệnh hẹp van hai lá

Nếu bạn bị hẹp van hai lá ở mức độ nhẹ đến trung bình và không có triệu chứng gì, việc điều trị có thể không cần thực hiện ngay lập tức. Thay vào đó, bác sĩ sẽ kiểm tra, theo dõi định kỳ để xem tình trạng này có nghiêm trọng dần lên không.

Sử dụng thuốc

Không có loại thuốc nào giúp sửa chữa lại van hai lá đã bị hẹp. Tuy nhiên, một số thuốc được dùng để giảm bớt triệu chứng bệnh nhờ làm giảm khối lượng công việc của tim và điều chỉnh nhịp tim.

Bác sĩ có thể kê một hoặc nhiều loại thuốc như sau:

Thuốc lợi tiểu: giúp giảm bớt dịch lỏng tích tụ trong phổi hoặc ở bất kỳ nơi nào trong cơ thể. Thuốc chống đông máu: để ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Thuốc chẹn beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi: làm chậm nhịp tim và giúp lưu lượng máu xuống tâm thất nhiều hơn. Thuốc chống loạn nhịp tim: điều trị rung tâm nhĩ hoặc các rối loạn nhịp tim khác liên quan đến tình trạng hẹp van hai lá.

Phẫu thuật

Một vài trường hợp, bác sĩ cần thực hiện một thủ thuật để chỉnh sửa lại lá van bị hẹp hoặc phẫu thuật thay van tim nhân tạo. Các lựa chọn để điều trị bệnh lý này là:

  • Tạo hình hay nong rộng van hai lá bằng bóng ;
  • Phẫu thuật chỉnh sửa van tim;
  • Phẫu thuật thay van tim nhân tạo.

Thay đổi lối sống

Để cải thiện chất lượng cuộc sống sau khi được chẩn đoán bị hẹp van lá, bác sĩ thường khuyên bạn:

  • Hạn chế tiêu thụ muối;
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh;
  • Hạn chế lượng caffein nạp vào cơ thể mỗi ngày ;
  • Tránh uống rượu;
  • Tập luyện thể dục hợp lý;
  • Khám sức khỏe định kỳ.

Phụ nữ khi mắc phải bệnh lý này cần thông báo với bác sĩ dự định mang thai. Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ hẹp của van và khả năng bơm máu của tim vì khi mang thai sẽ tim hoạt động nhiều hơn. Trong suốt thời gian mang thai và cả sau khi sinh, bác sĩ vẫn cần theo dõi tình trạng của bạn.

6. Biến chứng của hẹp van hai lá là gì?

Tương tự như các vấn đề khác ở van tim, hẹp van hai lá có thể khiến tim hoạt động quá sức và giảm lưu lượng máu bơm đi mỗi lần. Nếu không được điều trị, bệnh lý này có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Tăng huyết áp động mạch phổi;
  • Suy tim ;
  • Phù phổi, dẫn đến khó thở hay đôi khi ho ra đờm có máu;
  • Phì đại tim ;
  • Rung tâm nhĩ ;
  • Hình thành cục máu đông và có thể di chuyển đến các bộ phận khác, gây ra vấn đề nghiêm trọng (chẳng hạn như cục máu đông đi đến não và chặn dòng máu cung cấp đến não sẽ gây đột quỵ)

7. Phòng ngừa bệnh hẹp van hai lá

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh lý này là không để cho nguyên nhân phổ biến nhất gây ra nó xảy ra, sốt thấp khớp. Do đó, khi bị viêm họng, hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám để tìm hiểu nguyên nhân và điều trị triệt để. Viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn có thể phát triển thành sốt thấp khớp nếu không được điều trị. Thế nhưng, nếu phát hiện, tình trạng viêm họng này có thể được giải quyết dễ dàng bằng thuốc kháng sinh.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh hẹp van hai lá, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:21/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM