Ảnh hưởng của bệnh cao huyết áp với sức khỏe - Những thông tin cần biết

Cao huyết áp thường khiến tim làm việc vất vả hơn, do đó tim sẽ nhanh yếu hơn. Hậu quả của cao huyết áp sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn.

Ảnh hưởng của bệnh cao huyết áp với sức khỏe - Những thông tin cần biết

1. Những ảnh hưởng của cao huyết áp lên sức khỏe

Mỗi một nhịp đập, tim sẽ đưa máu đi khắp cơ thể thông qua hệ thống động mạch. Huyết áp là áp lực trong các động mạch và tĩnh mạch. Huyết áp tâm thu được đo khi máu được bơm ra khỏi tim. Huyết áp tâm trương được đo giữa các nhịp tim. Huyết áp ở mỗi người đều khác nhau và thường dao động trong suốt cả ngày.

Nếu kết quả đo huyết áp là 140/90, các bác sĩ sẽ khuyên bạn nên bắt đầu điều trị cao huyết áp. Con số đầu tiên là áp suất tâm thu, con số thứ hai là áp suất tâm trương. Cao huyết áp không phải lúc nào cũng thể hiện ra triệu chứng rõ ràng. Nhưng nó lại có thể dẫn tới tổn thương động mạch và tĩnh mạch, làm giảm lưu lượng máu đi khắp cơ thể, có thể dẫn đến đột quỵ, đau tim, và suy tim. Các bộ phận khác của cơ thể như thận, chân tay và mắt cũng có thể bị tổn thương.

2. Điều gì sẽ xảy ra với hệ tuần hoàn?

Hệ tuần hoàn có nhiệm vụ vận chuyển oxy máu đi khắp cơ thể. Động mạch bình thường sẽ căng nhẹ khi máu được bơm qua. Tăng huyết áp làm cho các động mạch căng giãn mạnh và gây ra tổn thương. Qua một thời gian sẽ xuất hiện các mô sẹo hình giọt nước trong thành động mạch.

Động mạch bị hẹp, hay còn gọi là xơ vữa động mạch, là khi động mạch bị các mảng bám và cholesterol tích tụ ở thành làm cho hẹp lại, gây ra bệnh động mạch vành. Nếu tâm thất trái của tim dày lên sẽ làm hạn chế khả năng bơm máu của thất trái. Lượng máu còn lại trong tim sẽ tạo ra các cục máu đông làm thu hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch, rất dễ dẫn đến đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Các cục máu đông cũng làm chặn dòng máu đến các cơ quan quan trọng khác. Khi các động mạch và mạch máu yếu đi hoặc phồng lên sẽ rất dễ bị vỡ.

Đau ngực (đau thắt ngực) và nhịp tim không đều (loạn nhịp tim) thường đi kèm với cao huyết áp. Cao huyết áp mãn tính buộc tim phải hoạt động mạnh hơn, khiến tim ngày càng trở nên suy yếu, dẫn tới khả năng suy tim rất cao

Bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể không nhận đủ oxy từ máu sẽ rất nguy hiểm. Triệu chứng không đủ lượng máu đến chân tay là cảm giác đau hoặc tê buốt, đây gọi là bệnh động mạch ngoại biên. Bệnh này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và chết mô, hay còn gọi là hoại tử.

3. Điều gì sẽ xảy ra với hệ thần kinh trung ương?

Não bộ không thể hoạt động nếu không có nguồn cung cấp oxy máu ổn định đến não. Các động mạch bị thu hẹp hoặc máu đông có thể chặn máu chảy đến não trong một thời gian ngắn thì được gọi là một cơn thiếu máu tạm thời (TIA), hoặc đột quỵ nhẹ. Những ai bị TIA có nguy cơ rất cao bị đột quỵ thật sự, có nghĩa là máu cung cấp đến não bị chặn lại với thời gian lâu hơn làm cho tế bào não nhanh chóng chết đi. Đột quỵ có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng, nhiều khi không thể cứu vãn nổi, sự tổn thương cụ thể như thế nào thì thường phụ thuộc vào phần não bị ảnh hưởng. Nguy cơ lớn nhất gây ra đột quỵ chính là cao huyết áp.

Những nguy cơ tiềm ẩn khác của cao huyết áp là suy giảm nhận thức nhẹ và chứng mất trí do bệnh mạch máu (đây là một căn bệnh về não, do việc cung cấp máu lên não bị gián đoạn). Triệu chứng của bệnh bao gồm giảm trí nhớ, mất khả năng lập luận và nói năng.

Các mạch máu nhỏ ở mắt bị tổn thương có thể dẫn tới bệnh võng mạc, gây chảy máu hoặc tích tụ dịch dưới võng mạc, gọi là bệnh màng mạch võng mạc. Khi dây thần kinh thị giác bị tổn thương (bệnh thần kinh thị giác) có khả năng dẫn đến các tế bào thần kinh ở mắt bị chết theo. Bệnh này gây suy giảm thị lực hoặc thậm chí mất thị lực vĩnh viễn.

4. Điều gì sẽ xảy ra với hệ bài tiết?

Thận lọc chất thải, giữ lại những chất cần thiết, và loại bỏ các chất cơ thể không thể sử dụng được. Thận không thể hoạt động nếu không được cung cấp đủ oxy máu. Khi các mạch máu bị hẹp, việc cung cấp máu cũng bị hạn chế, làm cho thận lọc chất độc càng ngày càng kém hiệu quả

Qua một thời gian, khi sẹo xuất hiện thì thận sẽ hoàn toàn ngừng hoạt động, bệnh nhân sẽ phải chạy thận hoặc ghép thận. Một trong những nguyên nhân gây bệnh thận là huyết áp cao. Nếu động mạch thận bị phình to dẫn đến vỡ động mạch trong thận sẽ gây ra xuất huyết nội, tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng.

5. Có thể xảy ra rối loạn chức năng tình dục không?

Cao huyết áp có thể gây ra rối loạn chức năng tình dục ở cả nam giới và nữ giới. Ở nam giới, để đạt và duy trì sự cương cứng, dương vật cần được cung cấp máu đầy đủ. Nếu cao huyết áp cao mạn tính gây tổn thương động mạch và các mạch máu dẫn đến dương vật, khả năng dẫn đến rối loạn chức năng cương dương (ED), xuất tinh đau và bất lực rất cao.

Ở phụ nữ, cao huyết áp cao có thể ảnh hưởng đến lượng máu đến âm đạo, gây ra khô âm đạo, đau khi giao hợp, giảm ham muốn tình dục, và khó đạt cực khoái. Rối loạn chức năng tình dục gây lo lắng cho cả nam và nữ và ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng.

Theo tạp chí y tế Harvard, hầu hết các loại thuốc theo toa được sử dụng để điều trị cao huyết áp cũng có thể gây ra các vấn đề tình dục như:

Thuốc chẹn beta; Chất ức chế ACE; Thuốc lợi tiểu; Thuốc chẹn kênh canxi; Thuốc chẹn thụ thể angiotensin.

6. Điều gì sẽ xảy ra với hệ xương?

Hệ xương của bạn cần canxi để luôn giúp xương khoẻ mạnh. Một trong những công việc của thận là lọc nước tiểu. Khi thận không hoạt động hiệu quả, bạn có thể bài tiết quá nhiều canxi ra nước tiểu. Nếu cơ thể không có đủ canxi để cung cấp cho xương, mật độ xương sẽ giảm làm tăng nguy cơ loãng xương, xương trở nên yếu, giòn và dễ gãy. Theo nghiên cứu, gãy xương hông, cột sống và cổ tay là thường gặp nhất.

Trên đây là một số thông tin về bệnh cao huyết áp với cơ thể, hy vọng sẽ giúp các bạn có thêm kiến thức trong việc tìm hiểu và điều trị bệnh. Chúc các bạn sức khỏe.

Ngày:30/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM