Hoá học 11 Bài 11: Axit photphoric và muối photphat
Nội dung bài học Axit photphoric và muối photphat nghiên cứu về cấu tạo phân tử, tính chất vật lí (trạng thái, màu, tính tan), ứng dụng, cách điều chế H3PO4 trong phòng thí nghiệm và trong công nghiệp. Tính chất của muối photphat (tính tan, tác dụng với axit, phản ứng với dung dịch muối khác), ứng dụng.
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Axit photphoric
a. Cấu tạo phân tử
- Photpho có số oxi hóa là +5
b. Tính chất vật lí
- Tinh thể trong suốt, nóng chảy ở 42,50C. Rất háo nước nên dễ chảy rữa, tan trong nước ở bất kì tỉ lệ nào.
- Dung dịch axit sunfuric là dung dịch đặc, sánh, không màu, có nồng độ 85%.
c. Tính chất hóa học
Tính axít
- Trong nước H3PO4 phân li theo 3 nấc:
H3PO4 ⇔ H+ + H2PO4-
H2PO4- ⇔ H+ + HPO42-
HPO42- ⇔ H+ + PO43-
- Dung dịch H3PO4 có tính chất chung của 1 axít và có độ mạnh TB: Nấc 1 > nấc 2 > nấc 3
Tác dụng với bazơ
- Tuỳ theo tỉ lệ chất tham gia phản ứng mà H3PO4 sinh ra muối axít hoặc muối trung hoà
H3PO4 + NaOH → NaH2PO4 + H2O (1)
H3PO4 + 2 NaOH → Na2HPO4+ 2H2O (2)
H3PO4 + 3 NaOH → Na3PO4 + 3H2O (3)
- \(a = \frac{{{n_{NaOH}}}}{{{n_{{H_3}P{O_4}}}}}\)
Nếu a \( \le \) 1 → NaH2PO4 (1)
Nếu a = 2 → Na2HPO4 (2)
Nếu a >3 → Na3PO4 (3)
Nếu 1 < a < 2 xảy ra (1) và (2)
Nếu 2 < a < 3 xảy ra (2) và (3)
d. H3PO4 không có tính oxi hóa
- Mặc dù Photpho có số oxi hóa cao nhất +5 nhưng H3PO4 không có tính oxi hoá như HNO3 vì trong ion PO43- rất bền vững.
- H3PO4 là axít 3 nấc có độ mạnh trung bình và không có tính oxi hoá.
d. Điều chế
- Từ quặng photphorit hoặc apatit:
Ca3(PO4)2 + 3 H2SO4 (đ) → 2H3PO4 + 3CaSO4
→ H3PO4 thu được không tinh khiết.
- Từ photpho:
4P + 5O2 → 2P2O5
P2O5 + 3H2O → 2H3PO4
→ Phương pháp này H3PO4 có độ tinh khiết và nồng độ cao hơn.
e. Ứng dụng
- Điều chế muối photphat
- Sản xuất phân lân, thuốc trừ sâu
- Dược phẩm
1.2. Muối photphat
a. Tính tan
- Muối trung hoà và muối axit của kim loại Na, K đều tan trong nước
- Với các kim loại khác: Chỉ muối đihiđrophotphat tan, còn lại đều không tan hoặc ít tan
b. Nhận biết ion photphat
- Thuốc thử: Dung dịch AgNO3
- Hiện tượng: Kết tủa màu vàng
- Phương trình hóa học: 3Ag+ + PO4 3- → Ag3PO4 (màu vàng)
Video 1: Nhận biết ion photphat
2. Bài tập minh họa
Axit H3PO4 hoặc P2O5 tác dụng với dung dịch kiềm
Phương pháp giải
Lập tỉ lệ
\(T = \frac{{{n_{O{H^ - }}}}}{{{n_{{H_3}P{O_4}}}}}\)
+ T≤1 ⇒ Chỉ tạo muối H2PO4-, axit H3PO4 còn dư
+ T = 2 ⇒ Chỉ tạo muối HPO42-
+ T ≥ 3 ⇒ Chỉ tạo muối PO43-, kiềm dư
+ T ∈ (1 ; 2) ⇒ Tạo 2 muối H2PO4- và HPO42-
+ T ∈ (2 ; 3) ⇒ Tạo 2 muối HPO42- và PO43-
Chú ý: Nếu cho dung dịch kiềm tác dụng với P2O5 ta đưa về H3PO4 rồi giải như trên.
Bài 1: Cho 100 ml dung dịch H3PO4 0,2 M vào 1 lit dung dịch Ca(OH)2 0,012 M. Khối lượng mỗi muối tạo thành sau khi phản ứng xảy ra hoàn toàn là:
A. Ca3(PO4)2 3,24g; CaHPO4 0,544g
B. Ca(H2PO4)2 1,872g; CaHPO4 0,544g
C. CaHPO4 0,544g
D. Ca3(PO4)2 3,24g
Hướng dẫn giải
nH3PO4 = 0,02 mol ; nOH- = 0,024 mol
nOH-/ nH3PO4 = 1,2. Tạo 2 muối H2PO4- ( x mol) và HPO42- (y mol)
Bảo toàn P ta có: nH2PO4- + nHPO42- = nH3PO4 ⇒ x + y = 0,02 (1)
Bảo toàn điện tích: 2nCa2+ = nH2PO4- + 2nHPO42-
⇒ x + 2y = 0,024 (2)
Từ (1)(2) ⇒ x = 0,016; y = 0,004
⇒ nCa(H2PO4)2 = 0,008 mol ⇒ mCa(H2PO4)2 = 0,008.234 = 1,872g
nCaHPO4 = 0,004 mol⇒ mCaHPO4 = 0,004.136 = 0,544 g
Bài 2: Cho 7,1g P2O5 vào 48g dung dịch NaOH 20%, thu được dung dịch X. Tổng khối lượng muối thu được là:
A. 8,52g
B. 6,56g
C. 15,08g
D. 55,1g
Hướng dẫn giải
nP2O5 = 0,05 mol; nNaOH = 0,24 mol
nH3PO4 = 2nP2O5 = 0,1 mol
nOH-/ nH3PO4 = 2,4 (2;3) ⇒ Tạo 2 muối HPO42- ( x mol) và PO43- (y mol)
Bảo toàn P: nH3PO4 = nHPO42- + nPO43-
⇒ x + y = 0,1 (1)
Bảo toàn điện tích: nNa+ = 2nHPO42- + 3nPO43-
⇒ 2x + 3y = 0,24 (2)
Từ (1)(2) ⇒ x = 0,06 mol; y = 0,04 mol
mmuối = mNa+ + mHPO42- + mPO43- = 0,24.23 + 0,06.96 + 0,04.95 = 15,08g
⇒ Đáp án C
3. Luyện tập
3.1. Bài tập tự luận
Câu 1. Cho 44g NaOH vào dd chứa 39,2g H3PO4. Sau khi phản ứng xảy ra hoàn toàn, đem cô cạn dd thu được đến cạn khô. Muối được tạo nên và khối lượng muối khan thu được là?
Câu 2. Số mol P2O5 cần thêm vào dung dịch chứa 0,03 mol KOH để thu được dung dịch chứa 2 muối K2HPO4 và KH2PO4 với số mol bằng nhau?
Câu 3. Cho 100 ml dung dịch H3PO4 tác dụng với 200 ml dung dịch NaOH a M thu được 1,2 gam muối NaH2PO4 và 1,42 mol Na2HPO4. Giá trị của a là?
Câu 4. Hòa tan 142 gam P2O5 vào 500 gam dung dịch H3PO4 24,5%. Nồng độ % của H3PO4 trong dung dịch thu được là?
Câu 5. Cho 14,2 gam P2O5 vào 200 gam dung dịch NaOH 8% thu được dung dịch X. Muối thu được và nồng độ % tương ứng là?
3.2. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1. Nhận xét nào sau đây là sai?
A. Axit photphoric là chất tinh thể trong suốt, rất háo nước.
B. Axit photphoric tan trong nước theo bất kỳ tỉ lệ nào.
C. Axit photphoric thường dùng là dung dịch đặc, sánh, có nồng độ 85%.
D. Dung dịch axit photphoric 85% có màu nâu đỏ.
Câu 2. Trong các nhận xét về axit photphoric sau đây, nhận xét nào là sai?
A. Axit photphoric là axit ba nấc.
B. Trong dung dịch nước, H3PO4 phân li theo từng nấc.
C. Axit photphoric có tính oxi hóa rất mạnh tương tự HNO3.
D. Axit photphoric có độ mạnh trung bình.
Câu 3. Cho phương trình: H3PO4 ⇌ 3H+ + PO43-. Khi thêm HCl vào thì
A. cân bằng trên sẽ chuyển dịch theo chiều thuận.
B. cân bằng trên sẽ chuyển dịch theo chiều nghịch.
C. cân bằng trên không bị chuyển dịch.
D. nồng độ PO43- tăng lên.
Câu 4. Cho 150 ml dung dịch KOH 1M tác dụng với 200 ml dung dịch H3PO4 0,5M. Sau phản ứng, trong dung dịch chứa các muối
A. KH2PO4 và K2HPO4.
B. KH2PO4 và K3PO4.
C. K2HPO4 và K3PO4.
D. KH2PO4, K2HPO4 và K3PO4.
Câu 5. Cho 44 gam NaOH vào dung dịch chứa 39,2 gam H3PO4. Sau khi phản ứng xảy ra hoàn toàn, đem cô cạn dung dịch. Khối lượng từng muối khan thu được là
A. 50 gam Na3PO4.
B. 49,2 gam NaH2PO4 và 14,2 gam Na3PO4.
C. 15 gam NaH2PO4.
D. 14,2 gam Na2HPO4 và 49,2 gam Na3PO4.
3.3. Trắc nghiệm Online
Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Axit photphoric và muối photphat Hóa học 11 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.
4. Kết luận
Sau bài học cần nắm:
- Cấu tạo phân tử, tính chất vật lí (trạng thái, màu, tính tan), ứng dụng
- Cách điều chế H3PO4 trong phòng thí nghiệm và trong công nghiệp.
- Tính chất của muối photphat (tính tan, tác dụng với axit, phản ứng với dung dịch muối khác)
Tham khảo thêm
- doc Hoá học 11 Bài 7: Nitơ
- doc Hoá học 11 Bài 8: Amoniac và muối amoni
- doc Hoá học 11 Bài 9: Axit nitric và muối nitrat
- doc Hoá học 11 Bài 10: Photpho
- doc Hoá học 11 Bài 12: Phân bón hóa học
- doc Hoá học 11 Bài 13: Luyện tập
- doc Hoá học 11 Bài 14: Bài thực hành 2 Tính chất của một số hợp chất nitơ, photpho