Hoá học 11 Bài 27: Luyện tập Ankan và xicloankan
Nội dung bài luyện tập Ankan và xicloankan hệ thống vai trò của ankan và xicloankan trong công nghiệp và trong đời sống hằng ngày. CTCT, cách gọi tên của một số ankan và xicloankan từ CTPT. So sánh được sự giống và khác nhau về tính chất vật lý, tính chất hóa học, ứng dụng của ankan và xicloankan.
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
a. Các phản ứng chính của hidrocacbon no : phản ứng thế, phản ứng tách.
b. Ankan là hidrocacbon no mạch hở, có công thức phân tử chung là CnH2n + 2 (n ≥1)
c. Ankan từ C4H10 trở đi có đồng phân mạch cacbon.
d. Tính chất hóa học đặc trưng của ankan và xicloankan là phản ứng thế ; riêng xicloankan vòng nhỏ còn tham gia phản ứng cộng mở vòng.
So sánh ankan và xicloankan
- Cấu tạo
+ Giống nhau: Trong phân tử đều chỉ có các liên kết đơn.
+ Khác nhau: Ankan: mạch hở; Xicloankan: mạch vòng
- Tính chất hóa học
+ Giống nhau:
- Đều có phản ứng thế
- Có phản ứng tách hidro.
- Cháy tỏa nhiệt
+ Khác nhau: Xicloankan mạch vòng 3,4 cạnh có phản ứng cộng mở vòng.
e. Các ankan là thành phần chính trong các dạng nhiên liệu và là nguồn nguyên liệu phong phú cho công nghiệp hóa học.
2. Bài tập minh họa
2.1. Dạng 1: Phản ứng thế halogen (Halogen hóa)
Bài 1: Khi brom hóa một ankan chỉ thu được một dẫn xuất monobrom duy nhất có tỉ khối hơi đối với hiđro là 75,5. Tên của ankan đó là (cho H = 1, C = 12, Br = 80)
A. 3,3-đimetylhecxan.
B. 2,2-đimetylpropan.
C. isopentan.
D. 2,2,3-trimetylpentan
Hướng dẫn giải
Sản phẩm là monobrom ⇒ Công thức: CnH2n+1Br
dmonobrom/H2 = 75,5 ⇒ Mmonobrom = 151
⇒ 14n + 81 = 151 ⇒ n = 5. Brom hóa C5H12 chỉ thu được một dẫn xuất
⇒ Công thức cấu tạo của C5H12 là:
(2,2-đimetylpropan)
⇒ Đáp án B
Bài 2: Khi cho ankan X (trong phân tử có phần trăm khối lượng cacbon bằng 83,72%) tác dụng với clo theo tỉ lệ số mol 1:1 (trong điều kiện chiếu sáng) chỉ thu được 2 dẫn xuất monoclo đồng phân của nhau. Tên của X là :
A. 3-metylpentan.
B. 2,3-đimetylbutan.
C. 2-metylpropan.
D. butan.
Hướng dẫn giải
Đặt CTPT của ankan X là CnH2n+2. Theo giả thiết ta có :
\(\frac{{12n}}{{2n + 2}} = \frac{{83,72}}{{16,28}} \to n = 6\)
⇒ CTPT của ankan X là C6H14.
Vì X phản ứng với Cl2 theo tỉ lệ mol 1:1 chỉ thu được hai sản phẩm thế monoclo nên X có tên là 2,3-đimetylbutan ⇒ Đáp án B
Bài 3: Khi clo hóa metan thu được một sản phẩm thế chứa 89,12% clo về khối lượng. Công thức của sản phẩm là :
A. CH3Cl.
B. CH2Cl2.
C. CHCl3.
D. CCl4
Hướng dẫn giải
Phản ứng của CH4 với clo :
CH4 + xCl2 → CH4-xClx + xHCl
Theo giả thiết ta có : 35,5x/(16-x) = 89,12/10,88 ⇒ x = 3
Vậy công thức của sản phẩm thế là : CHCl3 ⇒ Đáp án C
2.2. Dạng 2: Phản ứng tách ( Đề hiđro hóa; craking)
Bài 1: Crackinh 1 ankan A thu được hỗn hợp sản phẩm B gồm 5 hiđrocacbon có khối lượng mol trung bình là 36,25 gam/mol, hiệu suất phản ứng là 60%. Công thức phân tử của A là :
A. C4H10.
B. C5H12.
C. C3H8.
D. C2H6.
Hướng dẫn giải
Gọi nankan = 1 mol ⇒nankan pư = 0,6 mol = n khí tăng
nB = 1 + 0,6 = 1,6 mol
Áp dụng định luật bảo toàn khối lượng ta có :
mA = mB \( \to \frac{{{n_A}}}{{{n_B}}} = \frac{{{M_B}}}{{{M_A}}} \to {M_A} = \frac{{{n_B}.{M_B}}}{{{n_A}}} = \frac{{1,6.36,25}}{1} = 58g/mol\)
⇒ A là C4H10 ⇒ Đáp án A
Bài 2: Craking 40 lít n-butan thu được 56 lít hỗn hợp A gồm H2, CH4, C2H4, C2H6, C3H6, C4H8 và một phần n-butan chưa bị craking (các thể tích khí đo ở cùng điều kiện nhiệt độ và áp suất). Giả sử chỉ có các phản ứng tạo ra các sản phẩm trên. Hiệu suất phản ứng tạo ra hỗn hợp A là :
A. 40%.
B. 20%.
C. 80%.
D. 20%.
Hướng dẫn giải
Vkhí tăng = Vankan phản ứng = 16 lít
H% = Vpư/Vbđ .100% = 16/40.100% = 40%
⇒ Đáp án A
2.3. Dạng 3: Phản ứng đốt cháy
Bài 1: Đốt cháy hoàn toàn 6,72 lít hỗn hợp A (đktc) gồm CH4, C2H6, C3H8, C2H4 và C3H6, thu được 11,2 lít khí CO2 (đktc) và 12,6 gam H2O. Tổng thể tích của C2H4 và C3H6 (đktc) trong hỗn hợp A là :
A. 5,60.
B. 3,36.
C. 4,48.
D. 2,24.
Hướng dẫn giải
Trong hỗn hợp A, thay các chất CH4, C2H6, C3H8 bằng một chất CnH2n+2 (x mol); thay các chất C2H4, C3H6 bằng một chất CmH2m (y mol). Suy ra x + y = 0,3 (*).
Các phương trình phản ứng :
CnH2n+2 + (3n+1)/2 O2 to→ nCO2 + ( n +1)H2O
x → (3n+1)/2.x xn x(n+1) (mol)
CmH2m + 3m/2O2 to→ mCO2 + mH2O
y → 3m/2.y ym ym (mol)
⇒ x = nH2O - nCO2 = 0,7 – 0,5 = 0,2 mol
VC2H4 + C3H6 = 0,1.22,4 = 2,24 lít. ⇒ Đáp án D
Bài 2: Đốt cháy hoàn toàn hỗn hợp A gồm CH4, C2H6, C3H8, C2H2, C3H4, C4H6 thu được a mol CO2 và 18a gam H2O. Tổng phần trăm về thể tích của các ankan trong A là:
A. 30%.
B. 40%.
C. 50%.
D. 60%.
Hướng dẫn giải
Trong hỗn hợp A, thay các chất C2H2, C3H4, C4H6 → CnH2n-2 (x mol) ; thay các chất CH4, C2H6, C3H8 → CmH2m+2 (y mol).
Phương trình phản ứng :
CnH2n+2 + (3n+1)/2 O2 to→ nCO2 + ( n +1)H2O
x → (3n-1)/2.x xn x(n+1) (mol)
CmH2m-2 + (3m-1)/2O2 to→ mCO2 + (m-1)H2O
y → (3m-1)/2.y ym y(m-1) (mol)
Ta có: nCO2 =nH2O = a mol
⇒ nx + ny = (n-1)x + (m +1)y ⇒ x =y
⇒ %VCnH2n+2 = % VCnH2n-2 = 50%
⇒ Đáp án C
3. Luyện tập
3.1. Bài tập tự luận
Câu 1: Đốt cháy hết 2,24 lít ankan X (đktc), dẫn toàn bộ sản phẩm cháy vào dd nước vôi trong dư thấy có 40g kết tủa. CTPT X
Câu 2: Hidrocacbon mạch hở X trong phân tử chỉ chứa liên kết σ và có hai nguyên tử cacbon bậc ba trong một phân tử. Đốt cháy hoàn toàn 1 thể tích khí X sinh ra 6 thể tích CO2 (ở cùng điều kiện nhiệt độ và áp suất). Khi cho X tác dụng với Cl2 (theo tỉ lệ số mol 1 : 1), số dẫn xuất monocle tối đa sinh ra là:
Câu 3: Crackinh 8,8 gam propan thu được hh A gồm H2, CH4, C2H4, C3H6 và một phần propan chưa bị crackinh. Biết % propan phản ứng là 90%. Khối lượng phân tử trung bình của A là:
Câu 4: Crackinh hoàn toàn 6,6 gam propan được hỗn hợp X gồm hai hiđrocacbon. Dẫn toàn bộ X qua bình đựng 400 ml dung dịch brom a mol/l thấy khí thoát ra khỏi bình có tỉ khối so metan là 1,1875. Giá trị a là:
Câu 5: Hỗn hợp khí A gồm etan và propan. Đốt cháy hỗn hợp A thu được khí CO2 và hơi H2O theo tỉ lệ thể tích 11:15. Thành phần % theo thể tích của etan và propan lần lượt là?
3.2. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1: Khi brom hóa một ankan chỉ thu được một dẫn xuất monobrom duy nhất có tỉ khối hơi đối với hidro là 75,5. Tên của ankan đó là
A. 3,3-đimetylhecxan
B. 2,2-đimetylpropan
C. isopentan
D. 2,2,3-trimetylpentan
Câu 2: Đốt cháy hết 2,24 lít ankan X (đktc), dẫn toàn bộ sản phẩm cháy vào dd nước vôi trong dư thấy có 40g kết tủa. CTPT X
A. C2H6
B. C4H10
C. C3H6
D. C3H8
Câu 3: Đốt cháy hoàn toàn 0,56 lit butan ( đktc) và cho sản phẩm cháy hấp thụ hoàn toàn vào 400ml dd Ba(OH)2 0,2M. Số gam kết tủa tạo thành:
A. 9,85g
B. 9,98g
C. 10,4g
D.11,82g
Câu 4: Đốt cháy hoàn toàn một lượng hi đrocacbon X. Hấp thụ toàn bộ sản phẩm cháy vào dung dịch Ba(OH)2 (dư) tạo ra 29,55 gam kết tủa, dung dịch sau phản ứng có khối lượng giảm 19,35 gam so với dung dịch Ba(OH)2 ban đầu. Công thức phân tử X là
A. C3H6
B. C2H6
C. C3H4
D. C3H8.
Câu 5: Đốt cháy hoàn toàn một hidrocacbon X thu được 0,11 mol CO2 và 0,132 mol H2O. Khi X tác dụng với khí clo (theo tỉ lệ số mol 1 : 1) thu được một sản phẩm hữu cơ duy nhất. Tên gọi của X là?
A. 2-Metylbutan
B. etan
C. 2,2-Đimetylpropan
D. 2-Metylpropan.
3.3. Trắc nghiệm Online
Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Luyện tập Ankan và xicloankan Hóa học 11 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.
4. Kết luận
Sau bài học cần nắm:
- vai trò của ankan và xicloankan trong công nghiệp và trong đời sống hằng ngày.
- CTCT, cách gọi tên của một số ankan và xicloankan từ CTPT. So sánh được sự giống và khác nhau về tính chất vật lý, tính chất hóa học.
- Ứng dụng của ankan và xicloankan.