Sinh học 7 Bài 17: Một số giun đốt khác và đặc điểm chung của ngành Giun đốt

Nhằm giúp các em tìm hiểu về đặc điểm một số loài trong ngành giun đốt như: Giun đỏ, rươi, đỉa, vắt... Từ đó các em nhận ra được các đặc điểm chung nhất của ngành giun đốt tiến hoá hơn so với các ngành giun khác trước nó. Mời các em cùng tham khảo tại đây!

Sinh học 7 Bài 17: Một số giun đốt khác và đặc điểm chung của ngành Giun đốt

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Một số giun đốt thường gặp

  • Giun đốt có nhiều loài như : Vắt, rươi, đỉa, giun đỏ, sá sùng… 
  • Sống ở các môi trường : Đất ẩm, nước, lá cây…
  • Sống tự do, định cư hay chui rúc. 

a. Giun đỏ

  • Giun đỏ hay còn gọi là trùn chỉ, 1 số nơi gọi là giun quế.
  • Thường sống thành búi ở cống rãnh. Đầu cắm xuống bùn nơi có nguồn nước ô nhiễm.
  • Chúng thường được khai thác để nuôi cá cảnh.

Giun đỏ

b. Rươi

  • Rươi sống ở môi trường nước lợ. Cơ thể phân đốt và chi bên phát triển.
  • Đầu có mắt, khứu giác và xúc giác.
  • Rươi là thức ăn của cá và người.
  • Rươi biển thỉnh thoảng có thể bơi ngược dòng vào sông hay thậm chí bò lên trên mặt đất.
  • Chúng được tìm thấy ở nhiều tầng nước, tìm kiếm thức ăn trong các đám rong, cỏ biển, ẩn núp dưới đá hay giấu mình trong cát, bùn.

Rươi

c. Đỉa

Đỉa sống kí sinh ngoài. Có giác bám và nhiều ruột tịt để hút và chứa máu từ vật chủ. Đỉa bơi kiểu lượn sóng.

Đỉa

d. Sá sùng

Sá sùng sống chui rúc ở những bãi cát ven biển nơi thuỷ triều lên, xuống.

Sá sùng

e. Vắt

Vắt thường sống trên cạn và thường có mặt ở nơi đất ẩm thấp, nhiều lá rụng như các lối dẫn trong các khu rừng.

Vắt

1.2. Đặc điểm chung của ngành giun đốt

- Đặc điểm chung của ngành giun đốt

  • Cơ thể phân đốt, có thể xoang
  • Ống tiêu hóa phân hóa.
  • Bắt đầu có hệ tuần hoàn.
  • Di chuyển nhờ chi bên, tơ hay hệ cơ của thành cơ thể.
  • Hô hấp qua da hay mang.

- Ý nghĩa của giun đốt trong đời sống

  • Làm thức ăn cho người: rươi, sá sùng
  • Làm thức ăn cho động vật khác: giun đất, giun đỏ
  • Làm cho đất trồng xốp, thoáng, màu mỡ: giun đất
  • Làm thức ăn cho cá: rươi, giun ít tơ nước ngọt, sá sùng, giun đỏ
  • Có hại cho động vật và người: các loài đỉa, vắt.

→ Giun đốt có vai trò lớn đối với hệ sinh thái và đời sống con người.

Vai trò chữa bệnh của đỉa

2. Bài tập minh họa

Nêu các đặc điểm chung của 3 ngành Giun (Giun dẹp, Giun tròn và Giun đốt)?

Hướng dẫn giải

Tuy là 3 ngành khác nhau, nhưng Giun dẹp, Giun tròn và Giun đốt có chung các đặc điểm sau đây:

  • Cơ thể có đối xứng 2 bên: Nghĩa là chỉ có thể vẽ được 1 mặt phẳng chia cơ thể chúng thành 2 nửa hoàn toàn giống nhau. Nhờ đối xứng 2 bên, cơ thể chúng bắt đầu chia thành: phải và trái, đầu và đuôi, lưng và bụng.
  • Thành cơ thể có cấu tạo 3 lớp: Khác với ruột khoang, đến các ngành Giun, thành cơ thể xuất hiện lớp giữa. Chính lớp này đã hình thành nên hệ cơ, mô liên kết, các tuyến nội tiết và thành mạch máu… là đặc điểm quan trọng của các động vật có tổ chức cơ thể cao.
  • Thành cơ thể có sự liên kết chặt chẽ của các loại cơ (cơ vòng, cơ dọc, cơ chéo, cơ lưng bụng...) tạo nên bao bì cơ giúp cho cơ thể di chuyển, nhất là ở Giun dẹp, đến Giun đốt thì xuất hiện cơ quan di chuyển chuyên hoá.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Hãy nêu các căn cứ về cấu tạo và lối sống để nhận biết ngành Giun đốt?

Câu 2: Lập bảng so sánh các đặc điểm của 3 ngành giun?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Ngành giun đất có khoảng bao nhiêu loài

a. 6 nghìn

b. 7 nghìn

c. 8 nghìn

d. 9 nghìn

Câu 2: Cấu trúc của giun đất tiến hóa hơn giun dẹp và giun tròn

a. Hệ sinh dục

b. Hệ tiêu hóa

c. Hệ tuần hoàn

d. Hệ thần kinh

Câu 3: Đỉa sống

a. Kí sinh trong cơ thể

b. Kí sinh ngoài

c. Tự dưỡng như thực vật

d. Sống tự do

Câu 4: Thức ăn của đỉa là

a. Máu

b. Mùn hữu cơ

c. Động vật nhỏ khác

d. Thực vật

Câu 5: Loài nào thuộc ngành giun đốt được khai thác nuôi làm cảnh

a. Giun đỏ

b. Đỉa

c. Rươi

d. Giun đất

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này các em cần:

  • Nêu được đặc điểm đại diện giun đốt phù hợp với lối sống.
  • Nêu được đặc điểm chung của ngành giun đốt và vai trò của giun đốt.
  • Rèn kĩ năng quan sát, phân tích, so sánh, tổng hợp kiến thức.
Ngày:10/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM