Sinh học 7 Bài 4: Trùng roi
Nhằm giúp các em tìm hiếu các kiến thức về một đại diện của ngành động vật nguyên sinh là trùng roi, biết được các đặc điểm hình dạng, cấu tạo, dinh dưỡng, sinh sản và sinh lí của trùng roi thông qua nội dung bài giảng dưới đây!
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Trùng roi xanh
Trùng roi xanh sống trong nước : ao, hồ, đầm, ruộng kể cả các vũng nước mưa.
a. Cấu tạo và di chuyển
- Cơ thể trùng roi xanh là tế bào có kích thước hiển vi (0,05 mm).
- Cơ thể hình thoi, đuôi nhọn, đầu tù và có một roi dài. Roi xoáy vào nước giúp cơ thể di chuyển vừa tiến vừa xoay.
- Cấu tạo cơ thể trùng roi gồm có nhân, chất nguyên sinh có chứa các hạt diệp lục, các hạt dự trữ, và điểm mắt (cạnh gốc roi). Dưới điểm mắt có không bào co bóp. Điểm mắt giúp trùng roi nhận biết ánh sáng.
b. Dinh dưỡng
- Vừa dị dưỡng, vừa tự dưỡng:
- Ở nơi có ánh sáng trùng roi dinh dưỡng như thực vật (tự dưỡng). Nếu cho chúng vào chỗ tối lâu ngày chúng sẽ mất dần màu xanh và sẽ chuyển sang dị dưỡng.
- Chúng vẫn sống được nhờ đồng hoá những chất hữu cơ có sẵn hoà tan do các sinh vật khác chết phân huỷ ra (dị dưỡng).
- Hô hấp: Trao đổi chất qua màng tế bào.
- Bài tiết: Nhờ không bào co bóp thải bã ra ngoài.
c. Sinh sản
Trùng roi sinh sản vô tính theo hình thức: Phân đôi cơ thể theo chiều dọc: Từ cơ thể mẹ phân chia nhân và tế bào chất → hai cá thể mới
d. Tính hướng sáng
Nhờ có điểm mắt nên trùng roi có khả năng cảm nhận ánh sáng.
1.2. Tập đoàn trùng roi
- Sống ở ao và giếng nước, hình cầu màu xanh.
- Tập đoàn trùng roi gồm nhiều tế bào có roi hợp thành.
- Tập đoàn trùng roi sinh sản vừa vô tính vừa hữu tính:
- Sinh sản vô tính: ở tập đoàn trùng roi chỉ có một số cá thể chìm vào trong rồi phân chia để cho ra tập đoàn mới nằm trong tập đoàn mẹ. Tập đoàn con muốn thoát ra ngoài phải đợi tập đoàn mẹ chết đi.
- Sinh sản hữu tính: thì một số cá thể rụng roi chuyển trực tiếp thành giao tử cái. Một số cá thể khác biến thành tế bào đực, mỗi tế bào đực phân chia để cho hàng trăm giao tử đực có roi bơi. Giao tử đực sau khi được tung vào nước tìm đến giao tử cái thành hợp tử. Hợp tử phân cắt cho ra tập đoàn mới bên ngoài tập đoàn mẹ.
2. Bài tập minh họa
Câu 1: Hãy dựa vào hình 4.2, diễn đạt bằng lời 6 bước sinh sản phân đôi của trùng roi xanh?
Hướng dẫn giải
B1: Trùng roi dự trữ chất dinh dưỡng để chuẩn bị phân đôi
B2: Đầu tiên là lông và nhân phân đôi trước
B3: Các bào quan còn lại bắt đầu phân đôi: không bào co bóp, điểm mắt, hạt diệp lục
B4: Trùng roi bắt đầu tách đôi
B5: Trùng roi tiếp tục tách đôi
B6: Hình thành 2 trùng roi
Câu 2: Bằng các cụm từ : Tế bào, trùng roi, đơn bào, đa bào, em hãy điền vào câu nhận xét sau đây về tập đoàn trùng roi.
Hướng dẫn giải
Tập đoàn trùng roi dù có nhiều tế bào nhưng vẫn chỉ là một nhóm động vật đơn bào vì mỗi tế bào vẫn vận động và dinh dưỡng độc lập. Tập đoàn trùng roi được coi là hình ảnh của mối quan hệ về nguồn gốc giữa động vật đơn bào và động vật đa bào.
3. Luyện tập
3.1. Bài tập tự luận
Câu 1: Nêu đặc điểm của trùng roi?
Câu 2: Tại sao trùng roi có màu xanh? Cách dinh dưỡng ở chúng như thế nào?
3.2. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1: Trùng roi thường tìm thấy ở đâu?
A. Trong không khí
B. Trong đất khô
C. Trong cơ thể người
D. Trong nước
Câu 2: Vai trò của điểm mắt ở trùng roi là
A. bắt mồi
B. định hướng
C. kéo dài roi
D. điều khiển roi
Câu 3: Phương thức dinh dưỡng chủ yếu của trùng roi xanh là
A. quang tự dưỡng
B. hoá tự dưỡng
C. quang dị dưỡng
D. hoá dị dưỡng
Câu 4: Vị trí của điểm mắt trùng roi là
A. trên các hạt dự trữ
B. gần gốc roi
C. trong nhân
D. trên các hạt diệp lục
Câu 5: Khi trùng roi xanh sinh sản thì bộ phận phân đôi trước là
A. nhân tế bào
B. không bào co bóp
C. điểm mắt
D. roi
4. Kết luận
Sau khi học xong bài này các em cần:
-
Trình bày được hình dạng về cấu tạo và hoạt động của trùng roi, tập đoàn trùng roi như cách di chuyển, sinh sản, dinh dưỡng (bắt mồi, tiêu hoá).
-
Thấy được bước chuyển quan trọng từ động vật đơn bào đến động vật đa bào, qua đại diện là tập đoàn trùng roi.